.
.

Năm mới nói chuyện thành công của các doanh nghiệp Dầu khí

Thứ Năm, 26/01/2012|21:12

 

Năm Mão qua đi với một bước tiến vững mạnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó góp công lớn là các Công ty, Tổng công ty trực thuộc Tập đoàn. Cùng “khám phá” những kinh nghiệm dẫn đến những thành công ấy.

 

Vietsovpetro: Mỗi năm đưa 2 giàn khai thác mới

Vietsovpetro đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2011 với 6,4 triệu tấn dầu; 1,28 tỉ m3 khí.

Bí quyết thành công của Vietsovpetro là phấn đấu hàng năm phải đưa vào hoạt động ít nhất hai giàn khai thác mới để ổn định sản lượng. Năm 2011, Vietsovpetro đã đạt mức gia tăng trữ lượng thu hồi 5,4 triệu tấn, với việc phát hiện 2 vỉa dầu mới tầng Mioxen tại 2 giếng Gấu Trắng-1X và Mèo Trắng-1X. Với kết quả trên, Vietsovpetro đã xác định vị trí xây dựng 2 giàn nhà khai thác để đưa vào hoạt động trong quý III, IV năm 2012.

Kỹ sư Việt Nam và Nga trao đổi công việc trên giàn khoan.

Năm 2011, Vietsovpetro luôn có 7 giàn khoan tự nâng, cùng với các đội khoan trên 3 giàn cố định đã thực hiện trên 65 nghìn mét khoan khai thác và sửa chữa trên 50 lượt giếng khoan. Nhờ vậy mà đã đưa thêm 20 giếng mới vào khai thác, đồng thời cải thiện đáng kể tình trạng hoạt động của quỹ giếng.

Năm 2012, Vietsovpetro sẽ khoan 7 giếng khoan thăm dò ở lô 09-1 và 04-1 với mục tiêu đạt mức gia tăng trữ lượng thu hồi 8,3 triệu tấn. Đồng thời, Vietsovpetro cũng sẽ đưa vào hoạt động giàn Tam Đảo-03 để thực hiện khối lượng kỷ lục về khoan khai thác với 86 nghìn mét khoan. Vietsovpetro phấn đấu khai thác an toàn 6,14 triệu tấn dầu, cung cấp vào bờ 1,24 tỉ m3 khí đồng hành.

PVEP: Gia tăng trữ lượng và ổn định sản lượng

PVEP là một trong hai đơn vị khai thác dầu khí của Petrovietnam. Tổng sản lượng khai thác năm 2011 đạt 16,18 triệu tấn qui dầu. Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu gia tăng trữ lượng là 37,8 triệu tấn qui dầu qui đổi. Để ổn định sản lượng khai thác PVEP đã hoàn thành tiến độ đưa 4 mỏ mới vào hoạt động, gồm: Đại Hùng giai đoạn II, mỏ Tê Giác Trắng, mỏ Chim Sáo, mỏ Dana.

Đặc biệt, PVEP và nhà điều hành HĐDK lô 117 – 119 đã kết hợp thực hiện thành công chiến dịch khoan thẩm lượng, đã cho kết quả khả quan ở giếng khoan CVX – 2X cho biểu hiện khí với trữ lượng và chất lượng tốt hơn so với dự kiến, có tiềm năng đi vào khai thác quy mô. Cùng với đó những dự án ở nước ngoài như Junin 2, mỏ Bir Seba – Lô 433a&416b – Algeria sẽ cho những dòng dầu đầu tiên trong năm 2012.

Năm 2012, PVEP thực hiện các chỉ tiêu tài chính, bao gồm: doanh thu hơn 44 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận gần 14 nghìn tỉ đồng.

PVI Holdings: Hợp tác với hãng bảo hiểm Đức

Tổng giám đốc PVI Holdings Bùi Vạn Thuận đã từng trả lời phóng viên Petrotimes: “Thành công của PVI Holdings không phải là những khó khăn đã vượt qua mà là những mốc son đã đạt được”. Thực sự năm 2011 là một năm thành công rực rỡ của PVI Holdings trong tình hình thị trường khó khăn. Doanh thu của PVI đạt hơn 5.200 tỉ đồng và là một trong hai nhà bảo hiểm dẫn đầu thị trường.

PVI là đơn vị thành công nhất của Tập đoàn hoàn thành việc chuyển đổi và bước sang hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ – Con. Việc lựa chọn cổ đông chiến lược Talanx Group – Tập đoàn tài chính vững mạnh của CHLB Đức đã góp phần tăng quy mô về vốn, tài sản của PVI lên gần 6.000 tỉ đồng.

Năm qua tổ chức xếp hạng quốc tế AM Best xếp hạng tín nhiệm tài chính PVI ở mức B+ (tốt) và năng lực tín dụng của tổ chức phát hành ở mức bbb – (đủ năng lực) đồng thời là Nhà bảo hiểm của năm tại thị trường Việt Nam do Tạp chí World Finance danh tiếng bình chọn. Đó là những mốc quan trọng mà PVI đã đạt được trong năm qua để xác định xây dựng kế hoạch kinh doanh 2012 đầy khát vọng với chỉ tiêu doanh thu đạt 6.500 tỉ đồng và tăng vốn điều lệ lên hơn 4.600 tỉ đồng.

PVFCCo: Trọng tâm là sản xuất phân đạm

Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của PVFCCo chào đón tấn urê thứ 5 triệu.

Trong năm 2011 mặc dù phải dừng sản xuất 29 ngày để thực hiện công tác bảo dưỡng – sửa chữa lớn Nhà máy Đạm Phú Mỹ nhưng toàn Tổng công ty đã quyết tâm khắc phục khó khăn và liên tục hoàn thành các chỉ tiêu về sản lượng. Nhà máy Đạm Phú Mỹ cán mốc 5 triệu tấn vào ngày 6/8/2011 chỉ hơn 6 năm vận hành. Tính trong năm 2011, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã sản xuất vượt kế hoạch, đạt 799 nghìn tấn.

Ngoài việc đảm bảo năng lực sản xuất, PVFCCo xác định cần phải chấn chỉnh công tác bán hàng, bao gồm: tăng cường giám sát và hạn chế các khâu trung gian găm hàng, mua bán lòng vòng, tăng cường giám sát các thị trường trọng điểm, kiểm soát việc niêm yết và bán đạm Phú Mỹ theo đúng quy định về giá trần. Một trong những thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVFCCo là xây dựng hệ thống phân phối bao phủ khắp các vùng miền trên cả nước. Thành công tiếp theo của PVFCCo là không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá xảy ra ở bất kỳ khu vực nào trong cả nước, kể cả khu vực bị lũ lụt nặng nề.

Năm 2012 sẽ là năm mà Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào sản xuất thương mại nên tình hình sản xuất phân bón được dự đoán là cung vượt cầu. Nhiều khả năng PVFCCo sẽ xuất khẩu khoảng 200 – 300 nghìn tấn Ure, đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu trở thành một nhà xuất khẩu Ure.

PV Drilling: Phát huy hiệu quả các giàn khoan

Yếu tố tạo nên thành công trong năm qua của PV Drilling chính là sự duy trì việc gia tăng về quy mô hoạt động dịch vụ, cơ sở vật chất và con người. Hiệu suất hoạt động của ba giàn khoan PV DRILLING I, II và III do PV Drilling hiện sở hữu đạt trên 98% và luôn được các khách hàng đánh giá cao. Bên cạnh đó thay vì trực tiếp cạnh tranh, PV Drilling tăng cường hợp tác với chính các công ty, các nhà thầu khoan uy tín trên thế giới (Vantage Drilling, Mearsk Drilling, Seadrill, Transocean) để hợp tác cho thuê thêm giàn khoan tự nâng đáp ứng nhu cầu khoan trong nước. Từ đó mở rộng và chiếm lĩnh thị trường khoan tại Việt Nam, tăng doanh thu và lợi nhuận, giảm bớt cạnh tranh trong bối cảnh giá thuê giàn chưa tăng cao.

Việc giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm PV DRILLING V – giàn khoan nước sâu đầu tiên được đầu tư ở Việt Nam chính thức vận hành vào cuối năm 2011 phục vụ chiến dịch khoan cho Biển Đông POC đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của PV Drilling khi tham gia vào thị trường khoan nước sâu tại Việt Nam, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng tốc của PV Drilling nói riêng và của Tập đoàn nói chung.

Chính nhờ những đột phá đó năm 2011, PV Drilling là một trong những Tổng công ty đã “Về đích sớm” của Tập đoàn. Doanh thu đạt 8.500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.000 tỉ đồng, nộp ngân sách 1.150 tỉ đồng.

PTSC: Chiếm lĩnh thị trường dịch vụ dầu khí Việt Nam

PTSC đã nỗ lực phấn đấu thực hiện và hoàn thành xuất sắc, vượt mức các nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch năm 2011, về đích trước 2 tháng. Doanh thu của PTSC là 26.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.250 tỉ đồng. Để đạt được những con số ấn tượng ấy, PTSC đẩy mạnh dịch vụ cung ứng tàu chuyên ngành Dầu khí. PTSC đang sở hữu, quản lý đội tàu dịch vụ Dầu khí lớn nhất Việt Nam với 25 tàu, bao gồm: tàu kéo, tàu thả neo và vận chuyển, tàu định vị động học, tàu trực mỏ,… Doanh thu từ loại hình dịch vụ này năm 2011 đạt 5.136 tỉ đồng.

PTSC cũng rất chú trọng dịch vụ cung cấp, quản lý, vận hành, khai thác và bảo dưỡng, sửa chữa các tàu chứa và xử lý dầu thô FSO/FPSO. Doanh thu thực hiện từ dịch vụ FSO/FPSO là 438 tỉ đồng. Đặc biệt, dịch vụ khảo sát địa chấn, địa chất công trình và khảo sát sửa chữa công trình ngầm là loại hình dịch vụ kỹ thuật cao, phức tạp với các hoạt động cung cấp, quản lý vận hành tàu khảo sát địa chấn 2D, 3D. PTSC cung cấp tàu hỗ trợ nhân viên kỹ thuật, dịch vụ lặn phục vụ công tác khảo sát địa lý, khảo sát địa chất công trình, cung cấp trọn gói dịch vụ sửa chữa công trình ngầm.

Có thể nói, năng lực dịch vụ của PTSC đã có bước phát triển đột phá từ chỗ phải thuê ngoài gần như toàn bộ giá trị dịch vụ, thì nay PTSC đã tự đảm đương thực hiện được phần lớn công việc, tỉ trọng nội địa hóa ngày càng cao.

Đức Chính

 

.
.
.
.