.
.

Tín hiệu tốt của xuất khẩu dệt may

Thứ Hai, 19/03/2012|08:49

Khác với dự báo tiêu cực đưa ra trước đây, thị trường xuất khẩu dệt may đang có nhiều tín hiệu tốt. Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam 2 tháng đầu năm ước đạt 1,575 tỉ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái và xu hướng tăng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục diễn ra trong tháng 3. 

Kim ngạch xuất khẩu dệt may 2 tháng đầu năm ước , tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may 2 tháng đầu năm ước , tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Bộ Công Thương cho biết đến nay có khoảng 70% – 80% doanh nghiệp dệt may kín đơn hàng quý I/2012, một số doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng cho quý II và đang tiếp tục nhận đơn hàng quý III năm nay.

Tuy nhiên, dệt may vẫn còn phải vượt qua nhiều thách thức. Thông thường vào thời điểm này, các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III, nhưng năm nay, tính đến đầu tháng 2/2012, chỉ khoảng 10% doanh nghiệp lớn có đơn hàng đến quý III và IV. Đặc biệt, đơn hàng từ châu Âu đã có dấu hiệu giảm sút từ đầu năm nay.

Hiện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu chỉ nhận được đơn hàng có số lượng khoảng vài chục ngàn sản phẩm. Đơn hàng có số lượng từ vài trăm ngàn đến cả triệu sản phẩm khó tìm vì xu hướng thị trường khách hàng đang khó tính hơn...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, như thiếu vốn nên nhiều công trình đầu tư cho ngành nguyên liệu kéo dài mà  chưa được hoàn thành, thiếu nhân công…

Theo các chuyên gia trong ngành, để có thể giải quyết được những khó khăn thì bản thân các doanh nghiệp cần nỗ lực tìm cơ hội tại các thị trường mới, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào các thị trường cũ. 

Hiện nay, các doanh nghiệp đã tìm hướng xâm nhập và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường mới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Angola, New Zealand, Ấn Độ, Nga... Nếu như trước đây, chỉ riêng thị trường Mỹ đã chiếm tới 60% hàng dệt may Việt Nam thì hiện tiêu thụ chỉ còn khoảng 51%, các thị trường nhỏ trước đây chỉ chiếm 10%, đến nay nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp đã nâng lên con số 20%.

Thị trường Hàn Quốc đang trở thành một thị trường tiềm năng của các doanh nghiệp dệt may, bởi thị trường này sức tiêu thụ khá lớn. Hiện thị trường này đứng thứ 4 trong số  các nước nhập khẩu hàng dệt may của Việt nam chỉ sau Mỹ, Nhật và EU. Các chuyên gia dự báo, khi Hiệp  định Tự do thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc ký kết sẽ là “đòn bẩy” quan trọng nâng kim ngạch thương mại, trong đó có lĩnh vực dệt may.

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex, giải pháp của ngành trong năm nay và thời gian tới là giảm dần sự phụ thuộc vào các  đơn hàng gia công, tập trung nâng cao tỷ lệ làm hàng xuất khẩu theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng), đồng thời tăng sử dụng các nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước...

Chính Phủ

.
.
.
.