Tổng Công ty CP Phong Phú Phát huy nội lực - Phát triển bền vững
Năm 2011 - Một năm đầy khó khăn, thách thức do tiếp tục bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Đặc biệt ngành dệt may nói chung và Phong Phú nói riêng còn phải đối phó với cơn bão tăng giảm bất thường của nguyên liệu (bông, xơ) nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, HĐTV, cơ quan Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam - Đảng bộ, HĐQT, cơ quan Tổng Giám đốc và CBCNV Tổng Công ty CP Phong Phú đã đoàn kết trên dưới một lòng cùng chia sẻ niềm vui thắng lợi, cùng chung lo trước sự khó khăn, thử thách, phát huy nội lực, thực hiện hàng loạt các giải pháp: định hướng chiến lược, phát triển các hoạt động SXKD, cải tiến mạnh mẽ công tác điều hành quản lý, quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ, phát triển các sản phẩm mới và sản phẩm khác biệt có giá trị gia tăng cao, tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết, đầu tư thiết bị, công nghệ mới v.v…nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch do Chủ sở hữu và Đại hội cổ đông giao, chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho CBCNV.
Nét nổi bật là trên cơ sở tổng hợp, phân tích, đánh giá thị trường trong nước và quốc tế trong những năm qua, phân tích, dự báo tình hình thị trường năm 2011 và những năm tới, đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp từ đó xây dựng chiến lược đầu tư, phát triển và các hoạt động SXKD theo thế mạnh và tiềm năng của doanh nghiệp nhằm tạo bước đột phá và hiệu quả cao. Kết quả năm 2011 Phong Phú đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch được giao - Doanh thu đạt 4.817 tỷ đồng tăng 17% so với năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tăng 16%. Lợi nhuận đạt 358,8 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận đạt 71%/vốn chủ sở hữu, nộp ngân sách tăng 42%. Thu nhập bình quân của người lao động 4.300.000 đ/người tăng 27% so với năm 2010.
Để đạt được tốc độ phát triển và hiệu quả cao như trên, trong năm qua ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam cùng các ban, ngành Trung ương và các Tỉnh, Thành phố, về phía chủ quan Tổng công ty đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, kể cả thành công và chưa thành công - Ở đây chỉ xin được rút ra một vài kinh nghiệm về phát huy nội lực như:
Một là: Coi trọng công tác nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình thị trường trong nước, quốc tế một cách nhanh nhạy và cẩn trọng trên cơ sở đó hoạch định các bước đầu tư phát triển và hoạt động SXKD cho phù hợp nhằm tranh thủ cơ hội, hạn chế rủi ro trong các quyết định để đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững.
Hai là: Tinh thần đoàn kết, chia sẻ, trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật cùng sự năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện của cả đại gia đình Phong Phú – Từ Tổng Công ty đến các công ty thành viên là nguyên nhân sâu xa tạo nên sự phát triển bền vững và hiệu quả cao, cụ thể: khi có công ty thành viên gặp khó khăn thì Tổng công ty và các công ty thành viên khác đã không để công ty này “tự bươn chải” mà luôn sát cánh, chia sẻ bằng mọi giải pháp giúp đỡ vượt qua để cùng phát triển và ngược lại khi Tổng công ty gặp khó khăn thì các công ty thành viên cũng luôn đồng hành, hỗ trợ - Sự đoàn kết, chia sẻ này không chỉ lan tỏa mà còn thấm sâu trong toàn thể CB.CNV của Tổng Công ty - Đây chính là bài học phát huy nội lực để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu của những năm qua.
Ba là: Sự nhạy bén, chủ động, quyết đoán của HĐQT, cơ quan Tổng Giám đốc và đội ngũ cán bộ trong lãnh đạo, điều hành SXKD; Sự toàn tâm, toàn ý chăm lo cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ chủ chốt. Đặc biệt việc sử dụng và bố trí đúng cán bộ đủ tâm và tầm không chỉ là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững và hiệu quả của doanh nghiệp, mà còn bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp theo đúng định hướng chiến lược phát triển của Chủ sở hữu và Đại hội cổ đông giao.
Bốn là: Ý chí quyết tâm phát huy nội lực của tập thể CBCNV Tổng Công ty thực sự trở thành động lực đem lại hiệu quả khi đã hoạch định đúng đường đi, nước bước. Nghị quyết của HĐQT về định hướng đầu tư phát triển năm 2011 đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của Tổng Công ty vẫn còn nguyên giá trị. Phong Phú không chỉ đi đúng hướng, phát triển thị trường tốt mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo tốc độ tăng trưởng tương xứng.
Năm 2012 - Mặc dù dự báo tình hình kinh tế vẫn chưa có gì sáng sủa, nhưng tập thể CBCNV Phong Phú hoàn toàn tự tin sẽ tiếp tục đưa Tổng công ty phát triển bền vững và hiệu quả với mục tiêu đưa doanh thu từ 4.817 tỷ lên 5.400 tăng 15% so với năm 2011, đảm bảo lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 60% trở lên, thu nhập của người lao động tăng ít nhất 12% so với năm 2011.
Để đạt được các chỉ tiêu trên, ngoài việc phát huy hơn nữa những thế mạnh tiềm năng của doanh nghiệp, khắc phục triệt để những tồn tại, yếu kém, toàn Tổng Công ty nỗ lực thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:
Khai thác có hiệu quả các dự án đầu tư đã hoàn thành và nghiệm thu trong năm 2011, đồng thời tổ chức thực hiện đúng tiến độ 16 dự án đầu tư mới, đầu tư chiều sâu, đầu tư mở rộng năm 2012 với tổng mức là 138 tỷ đồng để nhanh chóng đưa vào khai thác nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng, hiệu quả đầu tư và nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm Dệt May Phong Phú.
Rà soát, hoàn thiện các nội quy, quy chế theo mục tiêu công khai, minh bạch nhằm làm cơ sở cho công tác quản lý, tạo sự đồng thuận cao, đảm bảo hài hòa trong quan hệ lao động, tạo động lực kích thích SXKD phát triển.
Tiến hành mạnh mẽ công tác cải tiến, tổ chức bộ máy quản lý từ các ban, phòng đến các phân xưởng, tổ đội sản xuất theo hướng tinh gọn, hiệu lực cao, đồng thời thông qua đợt kiểm điểm đánh giá hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, chuyên viên năm 2011 làm cơ sở để thực hiện việc bố trí sắp xếp lại đội ngũ theo hướng chuyên nghiệp với tiêu chí là chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, tốc độ, phối hợp và hiệu quả.
Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt bằng các giải pháp đồng bộ, khoa học tạo sự đột phá về khả năng cạnh tranh, về ổn định chất lượng, về phát triển thị trường v.v…
Chủ động, nhanh nhạy nắm bắt thông tin, để có đối sách phù hợp với biến động thị trường. Quan tâm giải quyết nhanh các sản phẩm tồn kho, quản lý chặt chẽ việc thực hiện các định mức kinh tế, kỹ thuật và các chuẩn mực của Tổng công ty.
Tăng cường các hoạt động tiếp thị, xây dựng và phát triển chuỗi tiêu thụ sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường kể cả trong nước và xuất khẩu, mở rộng thị phần đối với các sản phẩm có thương hiệu tốt như khăn, jeans, hàng may mặc, gia dụng và thời trang v.v... Thực hiện tốt các cam kết về cung cấp dịch vụ, các quan hệ với đối tác, khách hàng và cổ đông.
Tiếp tục củng cố và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các khách hàng truyền thống lâu năm của Tổng công ty nhằm nâng cao doanh số xuất khẩu. Mở rộng và phát triển các thị trường xuất khẩu mới như: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Brazil, Canada, Bỉ, Hà Lan… Đồng Thời, tập trung phát triển vào các thị trường xuất khẩu sợi chính như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia…
Tạo bước đột phá về công tác đào tạo, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ, chuyên viên theo hướng chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa và lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo bố trí sử dụng và đãi ngộ. Kiên quyết thay thế những cán bộ chuyên viên mặc dù không biểu hiện rõ khuyết điểm, nhưng làm việc kém hiệu quả, làm lây lan sức ì trong đơn vị.
Tăng cường quản lý phần vốn của Tổng Công ty tại các đơn vị thành viên, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kiểm soát tốt nguồn vốn lưu động, đồng thời vận dụng nhạy bén và cân đối vay ngoại tệ và VNĐ với lãi suất tốt nhất.
Dự báo năm 2012 tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, không một chút lơ là, chủ quan với những gì đã đạt được, không bi quan với những khó khăn, thách thức, mà với tinh thần cầu thị, quyết liệt trong công tác quản lý điều hành cùng tinh thần đoàn kết, vượt khó của toàn thể CBCNV, nhất định PHONG PHÚ sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch SXKD năm 2012, tiếp tục đưa công ty phát triển bền vững và hiệu quả, xứng đáng với niềm tin yêu của các cổ đông, đối tác, khách hàng và sự tin cậy của lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
Phạm Xuân Lập, Tổng Giám đốc