Vinatex luôn coi trọng các đối tác hợp tác đầu tư trên cơ sở các bên cùng có lợi
Sáng 19/03/2012, đoàn các nhà đầu tư Hồng Kông đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex). Tại buổi tiếp, ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Vitas, Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex khẳng định rõ quan điểm của Tập đoàn là luôn chào đón các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may, đặc biệt trong lĩnh vực dệt, nhuộm và hoàn tất.
Theo ông Lê Tiến Trường, Ngành Dệt May Việt Nam trong hơn 10 năm trở lại đây đã có sự tăng trưởng mạnh khi Hiệp định Thương mại Song phương Việt Mỹ được ký kết từ năm 2001 và đặc biệt từ khi Hiệp định Dệt May Việt Nam - Mỹ ký kết ngày 17/7/2003. Năm 2011, mặc dù tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn do tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng KNXK toàn ngành Dệt May Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD trong đó XK sợi và vải khoảng 1,8 tỷ USD.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Vitas- Phó TGĐ thường trực Vinatex tiếp đoàn |
Vinatex luôn coi trọng các đối tác hợp tác đầu tư trên cơ sở các bên cùng có lợi, có các chính sách “mở” đối với đầu tư nước ngoài như tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp, cũng như Công ty ty mẹ Vinatex; thực hiện hợp tác theo mô hình liên doanh, liên kết, cùng nhau đầu tư xây dựng nhà máy mới; chuyển giao công nghệ, quản lý nhà máy hoặc các nhà đầu tư ứng vốn xây dựng nhà máy, trang bị máy móc và đảm bảo đơn hàng trong khi Vinatex có trách nhiệm sản xuất theo yêu cầu của đơn hàng và trả lại cho nhà đầu tư.
Hơn nữa, Vinatex hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư như sở hữu KCN có trang bị sẵn Hệ thống Xử lý nước thải, nước cấp đảm bảo các yêu cầu về môi trường; các thiết bị dệt và hoàn tất đang trong lộ trình đầu tư nâng cấp và đầu tư mới, các lợi thế từ các Hiệp định Thương mại song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản, Việt Nam với Hàn Quốc, ASEAN với Nhật Bản; đồng thời Việt Nam cũng đang trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên, Vinatex sẽ ưu tiên hợp tác với các nhà đầu tư có năng lực và chiến lược kinh doanh dài hạn, nhằm cơ bản hình thành chuỗi cung ứng từ nguyên liệu- Sợi - Dệt- Nhuộm - May mặc và hệ thống kênh phân phối. Ông Trường nói: “Chúng tôi không quan tâm các nhà đầu tư có bao nhiêu vốn, chúng tôi chỉ quan tâm sau khi bắt đầu dự án, các nhà đầu tư làm gì, quản lý ra sao, mang lại những lợi ích nào cho chính họ và cho ngành Dệt May Việt Nam.”
Đại diện nhà đầu tư, ngài Andrew Olah đánh giá cao về khả năng hợp tác của Vinatex cũng như ngành Dệt May Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa so với các nước cạnh tranh như Bangladesh, Indonesia…chi phí tại Việt Nam tương đối ngang nhau nhưng do vị trí địa lý khá thuận lợi nên sản xuất tại Việt Nam sẽ tiết kiệm được thời gian giao hàng. Ngài Andrew Olah đề xuất, nếu ngành Dệt May Việt Nam muốn nâng cao giá trị gia tăng thì nên tập trung sản xuất trọn gói từ 1 đến 2 loại sản phẩm chủ chốt, coi đó là sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Cũng trong sáng nay, các nhà đầu tư đã đến thăm và làm việc tại Công ty TNHH MTV Dệt 8/3 để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Buổi chiều, đoàn xuống tham quan thực tế tại một số nhà máy thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
HK