.
.

Tổng Công ty CP Sông Hồng: 54 năm trưởng thành, phát triển

Thứ Hai, 27/08/2012|21:34
Cách đây 54 năm, ngày 23/8/1958, trên quê hương Đất Tổ Hùng Vương, Bộ Kiến trúc đã quyết định thành lập Công ty Kiến trúc Việt Trì, tiền thân của Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng ngày nay với ngành nghề ban đầu là xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp nhằm đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Khu công nghiệp Việt Trì, Khu công nghiệp đầu tiên của nước ta, góp phần khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng CNXH ở miền Bắc. Là đứa con đầu lòng của ngành Xây dựng Việt Nam, Tổng công ty đã trải qua một chặng đường đầy gian nan thử thách, không ngừng phấn đấu và trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ngày 18/4/1959 Bác Hồ tới thăm và nói chuyện động viên, khích lệ CBCNV Công ty Kiến trúc Việt Trì (tiền thân của Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng)
Ngày 18/4/1959 Bác Hồ tới thăm và nói chuyện động viên, khích lệ CBCNV Công ty Kiến trúc Việt Trì (tiền thân của Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng)

 
Từ buổi đầu với 40 cán bộ công nhân viên, chỉ sau 1 năm, đến năm 1959 Công ty Kiến trúc Việt Trì đã có hơn 6.000 cán bộ công nhân viên lao động xây dựng các nhà máy Đường, Điện, Nhà máy Giấy, Hoá chất, Mỳ chính…. Năm 1973, Bộ Kiến trúc đổi tên thành Bộ Xây dựng, Công ty Kiến trúc Việt Trì được đổi tên thành Công ty Xây dựng Việt Trì. Lực lượng cán bộ công nhân viên trong thời kỳ này lên tới 12.000 người, tập trung xây dựng nhà máy dệt Minh Phương, nhà máy sản xuất Thuốc kháng sinh, nhà máy Giấy Bãi Bằng, nhà máy Giấy XZ 72 của Bộ Nội vụ, nhà máy Bê tông Đạo Tú, nhà máy Chế biến hoa quả hộp Tam Dương, nhà máy đại tu vô tuyến Tam Đảo, Học viện Khoa học kỹ thuật quân sự Vĩnh Yên…Năm 1980, Công ty được đổi tên thành Công ty Xây dựng số 22, tiếp tục thi công xây dựng nhiều công trình lớn: mở rộng đợt hai nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá), sân bay Nội Bài (Hà Nội)… Năm 1983, để đáp ứng yêu cầu thi công công trình trọng điểm quốc gia, nhà máy tuyển quặng Apatit Lào Cai, Bộ Xây dựng quyết định thành lập Tổng công ty Xây dựng Vĩnh Phú- Hoàng Liên Sơn với lực lượng nòng cốt là Công ty Xây dựng số 22, trụ sở đóng tại xã Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Sau hơn 10 năm xây dựng, công trình Nhà máy tuyển quặng Apatít Lào Cai đã hoàn thành và đi vào sản xuất. Năm 1991 Tổng công ty được đổi tên thành Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng, đồng thời chuyển trụ sở về đóng tại TP Việt Trì. Năm 2006, Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng được Bộ Xây dựng quyết định chuyển mô hình tổ chức hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con, đổi tên thành Tổng công ty Sông Hồng. Năm 2007, Tổng công ty Sông Hồng chính thức chuyển trụ sở từ thành phố Việt Trì về địa chỉ số 70 An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội, mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Trải qua 54 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, với nhiều biến động gắn liền với những đổi thay đi lên của đất nước, Tổng công ty CP Sông Hồng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Bộ Xây dựng giao cho. Từ một đơn vị nhỏ khi mới thành lập đến nay đã phát triển mạnh mẽ với hàng chục đơn vị thành viên, công ty cổ phần, công ty liên kết hoạt động trên khắp mọi miền đất nước; Lĩnh vực hoạt động từ xây dựng truyền thống chuyển sang hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành nghề: xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy điện, truyền tải điện, cấp thoát nước, sản xuất công nghiệp, phát triển đô thị, đầu tư, kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu lao động và vật tư cùng nhiều lĩnh vực kinh doanh khác…

Đặc biệt trong thời kì đổi mới, Tổng công ty CP Sông Hồng đã phát triển trở thành một doanh nghiệp mạnh của ngành Xây dựng, mở rộng địa bàn hoạt động ra hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước. Tổng công ty đã thi công đạt chất lượng cao nhiều công trình quy mô lớn, kết cấu kỹ thuật phức tạp tại nhiều đô thị lớn của cả nước, được chủ đầu tư đánh giá cao: Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm kỹ thuật cao Bệnh viện 108, Trung tâm chiếu phim Quốc gia, Nhà hát Trưng Vương, Khu thương xá Vĩnh Trung - Đà Nẵng, Quốc Môn và Nhà hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), Đập điều tiết nước Thảo Long (Thừa Thiên Huế), Trụ sở bảo hiểm tiền gửi chi nhánh TP HCM…
Ngoài việc tham gia thi công các công trình xây lắp, Tổng công ty đã và đang làm chủ đầu tư các dự án đầu tư như: Dự án đầu tư tổ hợp nhà ở & văn phòng cho thuê I1, I2, I3 Thái Hà, Thủy điện Ngòi Hút I, Cụm công nghiệp làng nghề gỗ thủ công mỹ nghệ xã Đông Thọ, Yên Phong, Bắc Ninh; Khu du lịch Sông Hồng Cam Ranh - Resort; Khu đô thị Nhơn trạch, tỉnh Đồng Nai; Khu đô thị Tây Nam Việt Trì; khánh sạn Royal Sông Hồng; Tòa nhà CT3 khu ĐTM Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội; Tòa nhà văn phòng làm việc và cho thuê NO4-6- Lê Văn Lương; Trụ sở Tổng công ty Sông Hồng tower Hà Nội…

Trong các năm 2008, 2009, 2010, 2011 Tổng công ty Sông Hồng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thể hiện ở giá trị SXKD năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2011 và 2012, mặc dù chịu nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế chung của thế giới cũng như của đất nước, song được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Tập đoàn CNXD Việt Nam, đặc biệt là sự đoàn kết nhất trí trong Ban lãnh đạo và sự nỗ lực của tập thể CBCNV toàn đơn vị, Tổng công ty đã vượt qua các thử thách hoàn thành nhiệm vụ SXKD. Năm 2011 tổng giá trị SXKD thực hiện đạt 5.049 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch và bằng 103% so với năm 2010. Doanh thu đạt 3.431 tỷ đồng, bằng 92% KH năm và bằng 124% so với năm 2010. Năm 2012, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu toàn TCty là 1.882 tỷ đồng (đạt 45% kế hoạch năm). Trong khó khăn nhưng đã xuất hiện nhiều đơn vị vượt khó vươn lên như Công ty CP Sông Hồng 1 tăng trưởng mạnh, chia cổ tức năm 2011 là 25%, Công ty cơ giới Sông Hồng tuy mới thành lập nhưng đã vững vàng khi tham gia xây dựng các công trình trọng điểm… Tổng công ty đảm bảo việc làm cho hơn 7.000 lao động với thu nhập bình quân lên đến gần 5 triệu đồng/người/tháng.

Với sự nỗ lực phấn đấu và kết quả đạt được, Tổng công ty CP Sông Hồng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, nhiều Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thưởng luân lưu của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Xây dựng, Công đoàn ngành Xây dựng và các tỉnh, thành trong cả nước.

Trước những khó khăn trong sản xuất kinh doanh hiện nay của Tổng công ty, để hoàn thành mục tiêu mà đại hội cổ đông đề ra với tổng giá trị sản lượng 4.200 tỷ đồng, doanh thu 3.711 tỷ đồng, lợi nhuận 18,5 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 10,8%, thu nhập bình quân 4,9 triệu đ/người/tháng, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Sông Hồng Đặng Tiên Phong cho biết: Để vượt qua khó khăn ổn định SXKD, Tổng Công ty quyết tâm tái cấu trúc lực lượng lao động và tài chính. Rà soát, xây dựng phương án sắp xếp lại các đơn vị thành viên trên cơ sở chủ trương không đầu tư dàn trải, thoái vốn đã đầu tư vào các Cty bên ngoài để tập trung phát triển ngành nghề cốt lõi của TCty. Các đơn vị hoạt động không hiệu quả sẽ thoái vốn để tập trung nguồn lực cho các đơn vị làm ăn hiệu quả. Cấu trúc lại nhân sự, tập trung tinh giảm bộ máy, giúp cho bộ máy thu gọn, năng động trong điều hành sản xuất kinh doanh. Chú trọng thu hút nguồn lao động có chuyên môn tay nghề cao. Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực có nhiều tiềm năng; Tập trung đầu tư vào các dự án có hiệu quả, tổ chức triển khai tốt các dự án hiện có một cách tích cực để sớm đưa vào vận hành, khai thác. Đầu tư bất động sản không đi vào phân khúc bất động sản cao cấp mà tập trung vào phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội. Trong sản xuất công nghiệp cấu trúc lại nhà máy thép Sông Hồng, đẩy mạnh ngành nghề sản xuất công nghiệp đang có sẵn lợi thế như sản xuất gạch xây dựng, nhôm thanh định hình… Tăng cường công tác kiếm tra, giám sát, phân tích đánh giá hoạt động kinh tế hạch toán kinh doanh. Thực hành tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm tạo sức cạnh tranh và SXKD có hiệu quả.

Tin rằng với những kinh nghiệm và bài học thực tiễn quý báu đúc rút trong suốt 54 năm qua, Tổng công ty CP Sông Hồng hôm nay kế tục sự nghiệp và phát huy truyền thống vẻ vang của mình qua các thời kỳ, viết tiếp những trang sử mới, tự hào là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp của ngành Xây dựng Việt Nam.
 
Sông Đà
.
.
.
.