.
.

Nỗ lực ổn định sản xuất và tiêu thụ xi-măng

Thứ Hai, 22/10/2012|15:35

Năm nay, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) nói chung, cũng như các DN thuộc Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (VICEM) nói riêng. Tuy nhiên, trong muôn vàn khó khăn, các đơn vị thành viên VICEM đang nỗ lực xoay chuyển tình thế, tìm những hướng đi mới, củng cố và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ để giảm hàng tồn kho.

Xuất bán sản phẩm xi-măng tại Công ty TNHH một thành viên xi-măng VICEM Hoàng Thạch
Xuất bán sản phẩm xi-măng tại Công ty TNHH một thành viên xi-măng VICEM Hoàng Thạch

Khó khăn chồng chất

Năm 2012 được đánh dấu là năm đầy khó khăn của nền kinh tế và của ngành xi-măng nói chung. Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trong nước và toàn cầu, thị trường bất động sản "giảm nhiệt" khiến nhu cầu tiêu thụ xi-măng dự báo giảm khoảng 10% so với năm 2011. Bên cạnh đó, nguồn cung xi-măng vượt cầu khoảng 13 triệu tấn (tổng công suất thiết kế của các nhà máy xi-măng đang hoạt động đạt 75 triệu tấn, sản xuất khoảng 65 triệu tấn, nhu cầu 48 triệu tấn). Theo Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới, chín tháng qua, toàn ngành xi-măng cả nước tồn kho khoảng 2,57 triệu tấn sản phẩm, trong đó tồn 2,01 triệu tấn clanh-ke và 560 nghìn tấn xi-măng, tương đương 17 ngày sản xuất của các dây chuyền. Mức tồn kho này so tháng 8-2012 có giảm chút ít. Các nhà máy xi-măng cả nước hiện đang vận hành khoảng 85% tổng công suất thiết kế.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HÐTV) VICEM Lương Quang Khải cho biết: Trong tình thế hiện nay, việc một số nhà máy xi-măng mới (ngoài VICEM) tiếp tục đi vào hoạt động, càng làm cho thị trường thêm cạnh tranh gay gắt, cung tăng nhiều mà cầu chưa tăng mấy. Lượng tiêu thụ xi-măng trong nước chín tháng qua giảm hơn 10% so cùng kỳ năm 2011. Nhu cầu xi-măng trên thế giới cũng sụt giảm mạnh. Chín tháng qua, lượng clanh-ke tồn kho của VICEM dao động ở mức từ 800 nghìn đến 1,1 triệu tấn, tương đương khoảng 20 ngày sản xuất. Ông Lương Quang Khải cho rằng, giảm giá bán sản phẩm lúc này chỉ là biện pháp tình thế, bởi vì giá nguyên liệu, vật tư đầu vào như than, điện... liên tục tăng, không giữ được ổn định cho phát triển sản xuất, kinh doanh cả trước mắt lẫn lâu dài. Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xi-măng VICEM Hoàng Thạch Ðào Ngọc Bình bộc bạch: Chưa năm nào, tình hình tiêu thụ xi-măng khó khăn như năm 2012 này. Lượng khách hàng đến Hoàng Thạch không giảm, nhưng nhiều khách hàng muốn mua chịu. Một số nhà máy xi-măng không thuộc VICEM trên địa bàn Hải Dương cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ, nên họ sẵn sàng bán "phá giá", rẻ hơn vài trăm nghìn đồng/tấn so lúc bình thường (có lúc lên tới 400-500 nghìn đồng/tấn) cốt để thu hồi vốn. Cho nên, nếu VICEM Hoàng Thạch có giảm giá thì cũng không "đấu" lại được với các DN này, và hạ giá nhiều là "hạ sách", mất nhiều hơn là được về lâu dài.

Phó Tổng Giám đốc VICEM Hà Tiên Mai Văn Yên cho biết, những tác động của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổng công ty. Lãi suất ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức cao trong nhiều tháng đầu năm và theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tuy có giảm nhưng việc tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất thấp không dễ dàng. Hiện nay, Hà Tiên 1 cũng phải chịu lãi vay đến 12%, trong khi nguồn vốn vay để đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng và đã đến hạn trả nợ. Ðồng thời, giá nguyên, vật liệu đầu vào tiếp tục tăng, đặc biệt là giá điện và xăng dầu. Ngoài ra, VICEM Hà Tiên còn chịu sự cạnh tranh của các nhãn hiệu xi-măng giá thấp. Việc cạnh tranh giành lại thị phần tại khu vực miền nam rất căng thẳng, vì sau một thời gian dài thâm nhập, các thương hiệu mới đã xác định được vị trí trên thương trường, tiếp tục phát triển, gây sức ép thị phần các thương hiệu xi-măng truyền thống, mặc dù VICEM Hà Tiên tăng cường các chính sách khuyến mại và chiết khấu linh hoạt.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Chủ tịch HÐTV VICEM Lương Quang Khải cho biết: Trước tình hình khó khăn về tiêu thụ hiện nay, các đơn vị thành viên VICEM đang nỗ lực vượt mọi khó khăn để phấn đấu đạt sản lượng Nhà nước giao là sản xuất và tiêu thụ 19 triệu tấn sản phẩm. Ðể giảm tối đa lượng xi-măng tồn kho, các công ty thành viên phải nắm bắt diễn biến thị trường, nhu cầu đến đâu, nghiền clanh-ke thành xi-măng để tiêu thụ đến đó. Nhờ vậy, lượng xi-măng tồn kho trong VICEM không nhiều (chỉ hơn 100 nghìn tấn), chủ yếu là dạng dự trữ bán hàng. Hiện nay, VICEM đang tích cực xuất khẩu clanh-ke và xi-măng sang In-đô-nê-xi-a, Băng-la-đét, châu Phi và Cam-pu-chia. Mặc dù xuất khẩu không lợi về giá so với bán trong nước, nhưng trong tình hình hiện nay đây là giải pháp khả thi giảm hàng tồn kho, bảo đảm sản xuất ổn định, tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Chín tháng qua, VICEM đã xuất khẩu được hơn hai triệu tấn sản phẩm các loại.

Ðối với thị trường trong nước, VICEM đang thực hiện cơ cấu lại sản phẩm bằng cách đa dạng hóa sản phẩm, đưa ra thị trường những loại xi-măng chịu mặn, chịu kiềm, vữa trát, vữa xây... với giá bán hợp lý, cạnh tranh nhằm tăng thêm thị phần. Các đơn vị đang tích cực làm tốt công tác bán hàng, xây dựng và củng cố hệ thống đại lý các cấp, tạo lòng tin, chia sẻ khó khăn để giữ mối làm ăn lâu dài. Các đơn vị thành viên VICEM xác định, sản xuất là gốc, điểm tựa bởi chỉ có tập trung sản xuất một cách hiệu quả thì sẽ chủ động thực hiện tốt các khâu khác. Do đó, các đơn vị thành viên đang nỗ lực tiết giảm chi phí từ nguyên liệu, vật tư đầu vào tới siết chặt định mức tiêu hao vật tư, văn phòng phẩm, tiêu thụ điện, xăng dầu...

Một trong những hướng đi mới mà VICEM bắt đầu triển khai là tham gia vào việc sử dụng xi-măng để xây dựng đường giao thông. Một số địa phương đã tích cực phối hợp với VICEM như tỉnh Hà Nam để đầu tư, làm đường giao thông nông thôn. Nhờ đó, đã góp phần tiêu thụ hơn 100 nghìn tấn xi-măng. Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất làm đường cao tốc bằng bê-tông. Nếu dự án được triển khai sẽ giúp ngành xi-măng tiêu thụ được nhiều sản phẩm. Tuy nhiên, Chủ tịch HÐTV VICEM Lương Quang Khải băn khoăn: Theo những thông tin mà ông nắm được, do thiếu vốn triển khai nên dự kiến, VICEM sẽ được chi trả bằng... trái phiếu công trình. Trong khi, việc sản xuất xi-măng cần lượng vốn lưu động lớn để thanh toán và chi trả cho nguyên, vật liệu, vật tư đầu vào, mà nguồn lực của các đơn vị VICEM cũng hạn chế.

Tổng Giám đốc VICEM Hoàng Thạch Ðào Ngọc Bình bày tỏ: VICEM Hoàng Thạch từng triển khai cấp xi-măng cho chương trình làm đường bê-tông ở một địa phương miền trung, song đơn vị đang gặp khó khăn vì tỉnh này đang thiếu vốn, chưa thanh toán được. Nếu chỗ nào cũng như địa phương này thì quả là khó cho DN. Rõ ràng, nếu không giải quyết được phương thức thanh toán thì những dự án trên rất khó triển khai diện rộng. Vụ trưởng VLXD Lê Văn Tới cho biết, để giảm áp lực trong sản xuất, tiêu thụ xi-măng, Bộ Xây dựng đang phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án xi-măng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Theo đó, có thể sẽ hoãn, tạm dừng một số dự án đã đăng ký nhưng chậm triển khai. Ðồng thời, đẩy mạnh phối hợp Bộ Giao thông vận tải trong việc triển khai xây dựng đường bê-tông, dự kiến làm 10 đoạn tuyến quốc lộ với tổng chiều dài hơn 200 km. Dự kiến, một số dự án đường bê-tông nếu được triển khai sẽ giúp ngành xi-măng tiêu thụ được lượng lớn sản phẩm. Tuy nhiên, do ngành Giao thông vận tải thiếu vốn nên cần phải có sự chia sẻ cả hai phía. Việc thanh toán bằng trái phiếu, thanh toán một phần hay ghi nợ đều sẽ được thanh toán đầy đủ, tính cả lãi suất ngân hàng.

Ðối với VICEM Hoàng Thạch, để tiết giảm chi phí sản xuất, Công ty đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý trong quá trình sản xuất, áp dụng gần 50 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Việc khoán định mức tiêu hao nhiên liệu, vật tư, khoán pha phụ gia được tăng cường; giảm mức phụ tùng dự trữ, giảm lượng tồn clanh-ke ngoài bãi xuống dưới mức 100 nghìn tấn; tích cực tìm kiếm các nguồn hàng, vật tư trong nước thay thế hàng nhập khẩu... đã làm lợi cho công ty hơn 100 tỷ đồng. Ðể đa dạng hóa sản phẩm, VICEM Hoàng Thạch cũng như một số công ty khác trong VICEM đã đưa ra thị trường loại vữa xây chuyên dụng MC25 với giá cả cạnh tranh, được các khách hàng đón nhận, qua đó góp phần tăng sản lượng tiêu thụ và doanh thu. Công ty cũng tập trung làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, nhất là các đại lý cấp 1, cấp 2, nhà tiêu thụ lớn, có chính sách bán hàng linh hoạt...

Phó Tổng Giám đốc VICEM Hà Tiên Mai Văn Yên cho biết: Năm 2012 được VICEM Hà Tiên xác định là năm thực hiện mạnh mẽ việc cơ cấu lại tổ chức để phù hợp với quy mô sản xuất lớn. Tổng công ty đã từng bước điều chỉnh mô hình hoạt động, giải thể các đơn vị không hiệu quả, không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Vấn đề tiết kiệm chi phí luôn được Tổng công ty đặt lên hàng đầu và đã duy trì nhiều năm nay. Kiểm soát chặt chẽ chi phí bằng pháp lệnh, ưu tiên áp dụng khoa học kỹ thuật như: dùng nhiệt khí thải để sấy than, dùng trấu thay cho dầu để đốt lò hằng năm tiết kiệm hàng tỷ đồng, điều chế sản phẩm clanh-ke với phụ gia thấp hơn để tăng lợi nhuận, hạ giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Ðồng thời, tính toán lượng hàng tồn kho ở mức hợp lý nhất trong lúc thị trường than, điện, xăng dầu biến động liên tục. Tổng công ty đã chủ động được nguồn than từ In-đô-nê-xi-a trong lúc cấp bách và điều phối ưu tiên sản xuất, giao hàng tối ưu, đạt hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh việc tiết giảm chi phí, Tổng công ty đang đẩy mạnh nghiên cứu những chủng loại sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường gồm: xi-măng xây thô, xi-măng đa dụng, xi-măng chịu mặn/phèn, nghiên cứu đầu tư các trạm trộn bê-tông tươi, tận dụng năng lực sản xuất dư thừa của Trạm nghiền Cam Ranh để gia công xi-măng cho VICEM Bỉm Sơn và VICEM Hoàng Mai. Tính đến hết tháng 9, VICEM Hà Tiên đã chính thức đưa dây chuyền Hà Tiên 2.2 vào vận hành, sản xuất vượt công suất thiết kế, bảo đảm chất lượng tốt. Do đó chủ động được nguồn clanh-ke, VICEM Hà Tiên bảo đảm được sản xuất xi-măng và còn bán clanh-ke cho các nhà máy/trạm nghiền phía nam. Công ty đang tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang Cam-pu-chia với việc bán sang thị trường này khoảng 140 nghìn tấn xi-măng, tăng 80% so với cùng kỳ.

Mặc dù tình hình thị trường vẫn hết sức khó khăn, song nhờ những nỗ lực và các giải pháp đồng bộ của các đơn vị thuộc VICEM, lượng sản phẩm tồn kho, chủ yếu là clanh-ke đã được giảm xuống nhiều, lượng tiêu thụ vẫn được duy trì. Ông Lê Văn Tới cũng cho biết: Vừa qua, Bộ Xây dựng và Hiệp hội VLXD Việt Nam thống nhất đánh giá, các mặt hàng VLXD trong giai đoạn hiện nay đều gặp khó khăn do tồn kho, song, trong số này thì xi-măng vẫn là khả quan nhất về tiêu thụ. Trong hoàn cảnh khó khăn tại thị trường trong nước thì các doanh nghiệp đã nỗ lực xuất khẩu hơn 6,1 triệu tấn sản phẩm từ đầu năm đến nay, trong đó có hơn 5,1 triệu tấn clanh-ke. Chính vì vậy, khả năng hết năm 2012, ngành xi-măng có thể đạt mức tiêu thụ 55 triệu tấn sản phẩm, như kế hoạch đề ra.

Thanh Giang - Xuân Thủy (Theo Nhân dân)

.
.
.
.