Tổng Công ty Phát triển Nhà và Đô thị với mục tiêu 15 nghìn căn hộ nhà ở xã hội
TCty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) là DNNN lớn của ngành Xây dựng, có chức năng thực hiện các mục tiêu, định hướng của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực phát triển nhà, đô thị và điều tiết thị trường BĐS. Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc TCty HUD Ngiêm Văn Bang về vai trò tiên phong của HUD trong việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH).
Q.Chủ tịch HĐTV Nghiêm Văn Bang |
Thưa ông, Chiến lược nhà ở quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó giao nhiệm vụ cho các DNNN sẽ phải làm chủ đạo trong phát triển nhà nói chung, NƠXH nói riêng. TCty HUD xác định trách nhiệm của mình như thế nào trong việc thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia?
- Hơn 20 năm qua, dựa trên phương châm “Lấy phục vụ để phát triển” và đáp ứng nhu cầu về nhà ở của đa số người dân có mức thu nhập trung bình, TCty HUD đã khởi xướng, đi đầu trong việc tổ chức thực hiện mô hình dịch vụ quản lý thống nhất, tạo điều kiện sống tốt nhất cho người dân. Đến nay sự thành công của mô hình đã được khẳng định và nhân rộng tại các dự án nhà ở trên cả nước như dự án Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở Hồ Linh Đàm (184ha), KĐTM Việt Hưng (302 ha), KĐTM Pháp Vân - Tứ Hiệp (50 ha), KĐTM Văn Quán (62ha), KĐTM Định Công (35ha) - Hà Nội, KĐTM Đông Tăng Long (159ha) - TP.HCM, KĐTM Phú Mỹ (169,3ha) - Quảng Ngãi, KĐTM Lê Thái Tổ (22ha) - Bắc Ninh, KĐTM Đông Bắc Ga (24,6ha) - Thanh Hóa... Riêng dự án Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở Hồ Linh Đàm, đây không chỉ là KĐTM đầu tiên được triển khai trên địa bàn Hà Nội mà còn được công nhận là KĐT kiểu mẫu.
Từ năm 2000 đến nay, tại các dự án KĐTM và khu nhà ở, HUD hoàn thành đầu tư hơn 4,5 triệu m2 sàn, giải quyết chỗ ở cho khoảng hơn 35 nghìn hộ gia đình. Trong số đó có 840 căn NƠXH, tương đương 71 nghìn m2 sàn, với số vốn đầu tư lên đến 380 tỷ đồng tại TP Nha Trang, Thanh Hóa và Phú Thọ.
Với quỹ nhà ở đã thực hiện trong thời gian qua, có thể nói HUD xứng đáng là công cụ sắc bén, thực hiện các vai trò chủ đạo của đơn vị kinh tế Nhà nước, góp một phần không nhỏ trong việc phát triển nhà ở, giải quyết chỗ ở cho người dân tại Thủ đô và một số địa phương khác của cả nước.
Nhằm góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến 2020 và tầm nhìn đến 2030, TCty đã chủ động xây dựng chương trình phát triển nhà ở gồm 2 giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020 với hơn 80 dự án trên địa bàn cả nước và trên 4 triệu m2 sàn nhà ở. Cụ thể, trong giai đoạn 1 (2011 - 2015), HUD sẽ đầu tư xây dựng 1,66 triệu m2 sàn với số vốn khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Trong đó, diện tích sàn NƠXH xấp xỉ 165 nghìn m2 (chiếm 10%), tương đương khoảng hơn 3 nghìn căn hộ. Riêng các năm từ 2013-2015, HUD sẽ đầu tư khoảng 2,5 nghìn căn hộ, tương đương khoảng 135 nghìn m2 sàn.
Trong giai đoạn 2 (2016-2020), HUD tiếp tục đầu tư xây dựng khoảng 2,4 triệu m2 sàn, với tổng vốn khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Trong đó, diện tích sàn NƠXH khoảng 600 nghìn m2 (chiếm 25%), tương đương xấp xỉ 12 nghìn căn hộ.
Từ thực tế triển khai các dự án NƠXH, nhiều DN cho rằng rất khó tiếp cận nguồn vốn và quỹ đất. HUD có những kiến nghị gì về cơ chế chính sách đầu tư xây dựng NƠXH, thưa ông?
- Nhà nước đã có một số chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư trong việc phát triển NƠXH. Những chính sách này được thể hiện rất rõ trong Nghị định số 71/2010/NĐ – CP và một số văn bản khác như chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng (VAT) theo quy định của pháp luật về thuế VAT; Miễn, giảm và hưởng các ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập DN theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập DN; Hỗ trợ tín dụng đầu tư (từ các nguồn vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc bù lãi suất theo quy định; Vay từ Quỹ phát triển nhà ở hoặc Quỹ tiết kiệm nhà ở); Được UBND cấp tỉnh xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay; Được xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án phát triển NƠXH... Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cũng cho thấy các ưu đãi đầu tư xây dựng NƠXH còn có một số bất cập. Các chính sách ưu đãi rất khó tiếp cận, chưa đồng bộ, thủ tục còn nhiêu khê, thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể cho từng đối tượng được mua NƠXH do đó đầu ra của dự án chưa được đảm bảo. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, giữa giá bán nhà ở với khả năng chi trả của người có nhu cầu mua nhà chênh lệch lớn.
Từ quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng NƠXH, TCty HUD có một số kiến nghị. Thứ nhất, Nhà nước tạo điều kiện và cụ thể hoá các ưu đãi đã ban hành như miễn giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN... cho các chủ đầu tư dự án phát triển NƠXH.
Thứ hai, cho phép chủ đầu tư các dự án KĐTM được sử dụng một phần tiền sử dụng đất phải nộp cho Nhà nước để đầu tư xây dựng NƠXH trong dự án. Đối với những công trình nhà ở thương mại được chủ đầu tư đăng ký chuyển đổi thành NƠXH, ngoài việc hoàn trả tiền sử dụng đất cần có chính sách hoàn trả cho chủ đầu tư các chi phí đền bù GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Thứ ba, đối với các ngân hàng thương mại, Nhà nước cần phải quy định dành một tỉ lệ % nguồn vốn cho vay ưu đãi để hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng NƠXH.
Thứ tư, đối với các địa phương có điều kiện về tài chính, cần khuyến khích hỗ trợ DN xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào dự án NƠXH như tỉnh Thanh Hóa thực hiện trong thời gian vừa qua.
Thứ năm, tại các địa phương không phải là đô thị lớn, Nhà nước cho phép xây dựng NƠXH bằng nhà thấp tầng (nhà liền kề, nhà vườn) để giảm kinh phí đầu tư.
Thứ sáu, tạo điều kiện, ưu tiên cho các đối tượng hưởng chính sách NƠXH được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và thời gian cho vay kéo dài từ 5 - 10 năm với lãi suất thấp...
Thứ bảy, Nhà nước nên có cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể cho từng đối tượng được mua NƠXH nhằm tạo đầu ra cho dự án, đảm bảo cân đối cung cầu...
Tiên phong triển khai các dự án NƠXH, TCty HUD có sự chuẩn bị gì về nguồn lực? Hai địa phương đang bức xúc về nhà ở là TP Hà Nội và TP.HCM có phải là khu vực trọng điểm, ưu tiên đầu tư của HUD, thưa ông?
- Như tôi đã đề cập ở trên, từ nay đến năm 2020, HUD đặt mục tiêu hoàn thành đầu tư xây dựng 15 nghìn căn hộ NƠXH. Nhằm triển khai thành công chương trình phát triển NƠXH này, HUD đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, nhu cầu sử dụng vốn cụ thể cho từng dự án phát triển NƠXH. HUD cũng đã làm việc với ngân hàng BIDV, VDB nhằm vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cho các dự án NƠXH. Đặc biệt, HUD chủ động xây dựng các biện pháp giảm thiểu giá thành nhà ở thông qua việc nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng nhà ở, hợp tác với các đơn vị khác... Mới đây nhất, ngày 10/01/2013 HUD đã ký thoả thuận hợp tác với TCty VIGLACERA về việc cung cấp các bộ sản phẩm VLXD để thực hiện chương trình phát triển NƠXH. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm ổn định và giảm giá thành NƠXH.
Về địa bàn ưu tiên, hiện nay TCty đang triển khai đầu tư và nghiên cứu đầu tư dự án NƠXH tại một số địa bàn trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hoá, Bình Dương, Nha Trang, Bắc Ninh...
Đối với TP Hà Nội, TCty HUD đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai xây dựng 2 dự án NƠXH trong quý I và quý II/2013. Đó là các dự án Tây Nam Linh Đàm, quy mô 1,7ha đất, cho hơn 800 căn hộ, với 53 nghìn m2 sàn và dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh II, quy mô 5,23ha đất, cho khoảng 2,2 nghìn căn hộ, tương đương 137 nghìn m2 sàn.
Bên cạnh đó, TCty đang báo cáo quy hoạch xây dựng KĐT Nam Linh Đàm với quy mô khoảng 10ha với dự kiến đầu tư khoảng 5,5 nghìn căn NƠXH tương đương 350 nghìn m2 sàn và phối hợp với chính quyền Q.Long Biên báo cáo UBND TP Hà Nội xin phép đầu tư khoảng 10ha NƠXH trên địa bàn Quận. TCty cũng đang đề xuất với UBND TP chuyển đổi 2 khu nhà cao tầng thương mại thành NƠXH với quy mô 4,15ha, hơn 200 nghìn m2 sàn, tương đương khoảng 3,3 nghìn căn NƠXH tại dự án Nam An Khánh mở rộng khu 3.
Còn tại TP.HCM, TCty đang nghiên cứu chuyển đổi một số nhà cao tầng thương mại sang NƠXH, với quy mô 3ha đất, cho diện tích 93 nghìn m2 sàn, tương đương khoảng 1,3 nghìn căn NƠXH tại dự án KĐTM Đông Tăng Long.
Trân trọng cảm ơn ông!