Giải bài toán tồn kho cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng
Theo đánh giá của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, nguồn cung của các chủng loại vật liệu xây dựng (VLXD) đều vượt nhu cầu tiêu thụ, dẫn đến tình trạng tồn kho cao, nhiều doanh nghiệp (DN) đang đứng trước nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản.
Thép tồn kho tại Công ty CP thép sông Hồng |
Dự báo, đến năm 2016, năng lực sản xuất VLXD của toàn ngành xây dựng sẽ vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20 đến 30%.
Lượng hàng tồn kho vẫn cao
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi cho biết, tính đến hết tháng 4, lượng thép tồn kho tăng lên khoảng 310 nghìn tấn, cao hơn so các tháng trước khoảng từ 30 đến 35 nghìn tấn và ở mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, đây chưa phải mức cao "kỷ lục" vì khoảng giữa năm trước, có tháng lượng tồn kho thép lên tới 380 nghìn tấn. Các DN sản xuất thép đã phải điều chỉnh công suất theo phản ứng của thị trường để tránh tồn sản phẩm, đọng dòng vốn, gây thiệt hại cho DN. Theo đánh giá của VSA, cả sản xuất lẫn kinh doanh thép từ đầu năm đến nay đều suy giảm khoảng 5-6% so với cùng kỳ. Khả năng trong thời gian tới, giá các nguyên liệu và sản phẩm thép sẽ chững lại và không có biến động mạnh. Việc đầu tư các nhà máy thép tràn lan, không sàng lọc, không có sự kiểm soát đã dẫn đến cung vượt xa cầu đối với tất cả các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại và sơn phủ mầu), trong khi tổng cầu suy giảm mạnh, buộc các DN phải tiết chế sản xuất, chỉ phát huy khoảng 50% công suất thiết kế. Sản phẩm tồn kho chất đống dẫn đến hoạt động cầm chừng là hậu quả tất yếu của việc buông lỏng quản lý, cấp phép tràn lan. Trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm sút thì nguồn cung đối với thép xây dựng trong năm nay sẽ tiếp tục gia tăng thêm khoảng 1,5 triệu tấn mỗi năm, càng đẩy sự mất cân đối giữa cung và cầu ngày càng trầm trọng, buộc nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng, thậm chí có thể dưới 50% công suất thiết kế. Do cung vượt quá xa cầu, cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước sẽ khốc liệt hơn nên giá bán thép khó có khả năng tăng đột biến.
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, tình hình sản xuất các loại vật liệu: gốm, sứ, kính xây dựng và gạch xây đều tiêu thụ chậm, giảm so cùng kỳ do phụ thuộc rất lớn vào các dự án BÐS và tình hình chung của cả nước. Ước thực hiện bốn tháng đầu năm, gạch ốp lát đạt 23,4 triệu m2, bằng 65% so cùng kỳ, trong khi công suất thiết kế các nhà máy khoảng 400 triệu m2; gạch xây đất nung bằng 80%; các loại vật liệu xây không nung cũng chỉ đạt 81 - 85% so cùng kỳ, đặc biệt kính xây dựng sản xuất, tiêu thụ chậm, đạt khoảng 17,4 triệu m2 QTC trên tổng công suất 170 triệu m2 QTC, bằng 60% so cùng kỳ nhưng lượng tồn kho lớn. Có lẽ điểm sáng duy nhất trong mảng VLXD là xi-măng. Tính đến hết quý I, sản lượng xi-măng tiêu thụ là 17,5 triệu tấn, đạt 31,29% kế hoạch năm, trong đó tiêu thụ trong nước là 14,4 triệu tấn bằng 113% so với cùng kỳ (Tổng công ty Xi-măng Việt Nam (Vicem) tiêu thụ 5,3 triệu tấn). Tiêu thụ xi-măng trong nước tăng so với cùng kỳ vì các dự án hạ tầng kỹ thuật luôn được Chính phủ quan tâm đầu tư, nhất là công tác xây dựng nông thôn mới vẫn được đẩy mạnh, do vậy tuy thị trường bất động sản trầm lắng nhưng lượng xi-măng được tiêu thụ khá tốt. Giá bán xi-măng ổn định, không có biến động, mặc dù giá than, giá điện và xăng dầu, lãi suất tiền vay vẫn đứng ở mức cao. Lượng tồn kho cả nước tháng 4 giảm so với tháng trước (2,8/3,09 triệu tấn), chủ yếu là clanh-ke, trong đó Vicem cũng giảm so với trước, khoảng 1,33 triệu tấn sản phẩm, chiếm hơn 50% tồn kho của cả nước.
Trông chờ tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản
Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới nhận xét, các DN VLXD phải tự cứu mình bằng cách tập trung tái cấu trúc DN từ bộ máy tổ chức, hệ thống phân phối, đa dạng các chủng loại sản phẩm. Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, đồng thời tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản xuất, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tổng công ty Viglacera đã hợp nhất công tác kinh doanh sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh, sen vòi Viglacera tại thị trường miền nam nhằm tạo điều kiện tốt hơn để phát triển thị trường, hỗ trợ các đại lý phân phối trong việc cung cấp sản phẩm, chăm sóc khách hàng. Ðồng thời tiếp tục đẩy mạnh cho ra đời những sản phẩm mới đón đầu xu thế phát triển của thị trường, ban hành bộ tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm gạch ngói đất sét nung, sản xuất thành công sản phẩm tấm treo dành cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ...
Về phần mình, Vicem tích cực chỉ đạo các đơn vị thành viên nâng cao chạy lò dài ngày nhằm tăng hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh tiết giảm chi phí, nguyên liệu, nhiên liệu, ổn định giá bán, tích cực tham gia với các địa phương trong việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Vừa qua, gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ chính thức được tung ra. Ðây sẽ là tín hiệu tích cực, kỳ vọng sẽ làm ấm dần thị trường BÐS, kéo theo đà tăng trưởng cho các thị trường khác, nhất là thị trường VLXD. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm túc Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28-11-2012 của Bộ Xây dựng về Quy định sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng có hiệu lực từ ngày 15-1-2013. Ðồng thời, tham mưu Bộ Tài chính, Công thương đề ra những chính sách thuế quan nhằm hạn chế nhập khẩu những sản phẩm trong nước sản xuất được, tránh gia tăng áp lực cạnh tranh không cần thiết tại thị trường nội địa.
Ðối với thị trường thép, trong bối cảnh cung vượt xa cầu, nhiều dự án nhà máy vẫn được cấp phép xây dựng hoặc đã hoàn thành, đi vào sản xuất gây dư thừa nhưng nguyên liệu đầu vào lại phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu, dẫn đến kim ngạch nhập khẩu thép không ngừng tăng lên. Năm qua, nhập siêu thép đạt mức năm tỷ USD, ước tính hết tháng 4, nhập khẩu sắt thép và nguyên liệu các loại đạt khoảng hai tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ khoảng 500 triệu USD. Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đồng nghĩa với lộ trình giảm thuế, do vậy DN ngành thép còn phải cạnh tranh trong thế yếu đối với thép nhập khẩu giá rẻ, nhất là thép của Trung Quốc, chưa tính đến yếu tố gian lận thương mại như "đội lốt" thép hợp kim Bo, biến thép các-bon thành thép hợp kim để được hưởng thuế nhập khẩu 0% hay khai sai mã số để trốn thuế.
Ðại diện VSA cũng cho biết, điều quan trọng nhất để "vực dậy" ngành thép hiện nay là tạo cơ chế nâng cao sức mua, thúc đẩy thị trường tiêu thụ. Nhà nước nên xem xét "kích thích" sức mua thị trường bằng cách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 5% trong khoảng một năm để hỗ trợ cho người tiêu dùng. Các DN thép cần tích cực đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Ðang giữa mùa xây dựng nhưng thị trường thép vẫn chưa thể "ấm" lên, trái lại càng lúc càng "lạnh" thêm. Người kinh doanh ngao ngán, nhà sản xuất sốt ruột, thị trường sắt thép đang "mất nhiệt" từng ngày.
Quang Hưng - Xuân Thủy (Theo Nhân dân)