Những điểm mới nổi bật trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến bước đầu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và ban hành Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23-11-2012 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sau đây gọi là Dự thảo). Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý Dự thảo và ngày 2-1-2013, đã công bố lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới. Như vậy, Dự thảo có nhiều điểm mới. Chúng tôi xin giới thiệu những điểm mới nổi bật.
1. Về chế độ chính trị
Về cơ bản, Dự thảo tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể chế độ chính trị đã được xác định trong Hiến pháp năm 1992; đồng thời đã sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn nhiều vấn đề, nhất là những vấn đề sau:
Một là, Dự thảo đã bổ sung, phát triển nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước. Dự thảo quy định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2). So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo bổ sung quy định “kiểm soát” quyền lực nhà nước theo tinh thần của Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011). Đây là một trong những điểm mới của Dự thảo Hiến pháp. Kiểm soát quyền lực là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền để các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp và pháp luật, tránh việc lợi dụng, lạm dụng quyền lợi.
Hai là, Dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định đúng đắn, hợp lý về Đảng. Kế thừa và phát triển bản Hiến pháp năm 1992, Điều 4, Dự thảo quy định:
1. “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
So với Hiến pháp năm 1992, quy định về Đảng trong Dự thảo có 3 bổ sung, phát triển quan trọng: (1) Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân, mà đồng thời còn là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đây là nét sáng tạo đột phá phù hợp với đặc điểm Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên thực tế, Đảng ta ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích không chỉ của giai cấp công nhân mà còn vì lợi ích của nhân dân lao động, của toàn dân tộc. Đảng ta không có lợi ích tư thân. (2) Bổ sung quy định “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Sự bổ sung này quy định bản chất, trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân. (3) Khẳng định không chỉ các tổ chức của Đảng mà còn quy định thêm về việc tuân thủ, thi hành Hiến pháp và pháp luật đối với mỗi đảng viên. Đảng viên phải tự giác gương mẫu, thực hiện, chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Ba là, Dự thảo quy định rõ hơn, đầy đủ hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước. Điều 6, Hiến pháp năm 1992 quy định “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân” Quy định như Hiến pháp năm 1992 chưa đầy đủ và chặt chẽ. Dự thảo quy định “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Như vậy, Dự thảo đã bổ sung quy định nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng “hình thức dân chủ trực tiếp”. Đây là hình thức đang là xu thế của Việt Nam và thế giới. Nhân dân làm chủ quyền lực nhà nước không chỉ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân mà còn thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Nội dung này đã được khẳng định trong Điều 2, Dự thảo “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” và được thể hiện nhất quán trong toàn bộ Dự thảo Hiến pháp.
2. Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Dự thảo đã kế thừa Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đó và có nhiều sửa đổi, bổ sung. Nổi lên là những sửa đổi, bổ sung sau:
Một là, bổ sung tên chương và thay đổi vị trí của chương
Chương V, Hiến pháp năm 1992: “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Dự thảo bổ sung nội dung “Quyền con người” thành “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” để khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người trong Hiến pháp. Hiến pháp năm 1946 có chương “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” để ở chương 2. Hiến pháp nhiều nước trên thế giới cũng để ở chương 2. Kế thừa Hiến pháp năm 1946, tiếp thu tinh hoa thế giới, Dự thảo đưa Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” lên thành Chương 2 là hoàn toàn hợp lý và đúng đắn.
Hai là, Dự thảo tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, đã bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình phát triển đổi mới đất nước, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Đó là: Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 16); Mọi người có quyền sống (Điều 21); Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể phải được người đó đồng ý (Điều 22); Quyền sở hữu tư nhân và quyền kế thừa được pháp luật bảo hộ (Điều 33); Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 35); Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn (Điều 44); Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 45); Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành. Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 46) v.v..
3. Về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường
Chương III của Dự thảo được xây dựng trên cơ sở lồng ghép Chương II: Chế độ kinh tế và Chương III: Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của Hiến pháp năm 1992 thành Chương “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường”, nhằm thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.
Thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, Dự thảo quy định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường” (Điều 53). Các quy định của Chương III về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường mang tính nguyên tắc, khái quát ở tầm Hiến pháp, những vấn đề cụ thể sẽ do các văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển cụ thể của đất nước, phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một là, về chế độ kinh tế
Dự thảo khẳng định “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật” (Điều 54). Quy định này vừa bám sát nội dung của Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), vừa phù hợp với tính chất quy định của Hiến pháp, còn tên gọi và vai trò của từng thành phần kinh tế cụ thể sẽ được xác định trong luật và các chính sách cụ thể của Nhà nước. Bởi vì, số lượng các thành phần kinh tế có sự thay đổi qua các nhiệm kỳ đại hội.
Dự thảo quy định vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm phát triển hợp lý, hài hòa giữa các vùng, địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân (Điều 55); Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh. Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. Tài sản hợp lý của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa (Điều 56); Quy định rõ tài sản công, trong đó có đất đai thuộc sở hữu toàn dân (Điều 57).
Dự thảo khẳng định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, thuộc sở hữu toàn dân, được quản lý theo quy hoạch và pháp luật; quy định tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, được công nhận quyền sử đụng đất để sử dụng lâu dài có thời hạn; đồng thời bổ sung quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ (Điều 58).
Dự thảo bổ sung một điều quy định về tài chính cũng nhằm bảo đảm việc sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật ngân sách Nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác (Điều 59).
Hai là, về bảo vệ môi trường
Dự thảo bổ sung một điều quy định: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và là nghĩa vụ của mỗi tổ chức, cá nhân. Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch của tổ chức, cá nhân được Nhà nước khuyến khích. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại (Điều 68).
4. Về bảo vệ Tổ quốc
Trên cơ sở giữa nội dung và bố cục của Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi, bổ sung 4 điều, giữ nguyên 1 điều. Trong đó, Điều 69 quy định “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do luật định”. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo có sự bổ sung quan trọng, đó là “… góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”. Điều 70 quy định “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. So với Hiến pháp năm 1982, Dự thảo có 3 điều bổ sung: Một là, “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”; hai là “… bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân”; ba là, “thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Sự bổ sung này là cần thiết, đúng với tinh thần Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011).
5. Về bộ máy nhà nước
Kế thừa bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước trong Hiến pháp năm 1992, thể chế hóa các quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền, Dự thảo quy định rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn chức năng của các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này; bổ sung một số thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.
PGS, TS Nguyễn Viết Thông
Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương
(Còn nữa)
Theo QDND