.
.

Những điểm mới nổi bật trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Tiếp theo và hết)

Thứ Hai, 04/03/2013|21:50

5.1. Về Quốc hội

Về vị trí, chức năng của Quốc hội, Dự thảo quy định: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước (Điều 74). So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo có sửa đổi quan trọng là bỏ từ “duy nhất” trong cụm từ “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp”. Bởi lẽ, việc lập pháp không chỉ do Quốc hội mà do nhân dân.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Dự thảo có một số bổ sung quan trọng sau: Một là, quy định rõ, khả thi và phù hợp hơn nhiệm vụ của Quốc hội. Khoản 3, Điều 84, Hiến pháp năm 1992 quy định Quốc hội “Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Khoản 3, Điều 85 Dự thảo quy định Quốc hội “Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, để xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ. Hai là, bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Khoản 7, Điều 75) để phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tòa án nhân dân, quy định rõ hơn vai trò của Quốc hội trong mối quan hệ với cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đồng thời nâng cao vị thế của Thẩm phán theo tinh thần của cải cách tư pháp. Ba là, bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc giám sát quy định tổ chức và hoạt động, quyết định nhân sự đối với Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập (các khoản 2, 6, 7, 9 Điều 75).

Về đại biểu Quốc hội: Dự thảo bổ sung quy định về quyền của đại biểu Quốc hội trong việc “tham gia làm thành viên của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội” (Điều 87). Đây là một quy định mới nhằm khẳng định quyền chủ động của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia hoạt động trong Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội. Cùng với các quy định khác về quyền và trách nhiệm của đại biểu, quy định này nhằm bảo đảm cho đại biểu phát huy sở trường và năng lực, kinh nghiệm công tác của mình, tạo điều kiện để họ thực hiện tốt nhiệm vụ là người đại biểu của nhân dân.

5.2. Về Chủ tịch nước

Dự thảo cơ bản giữ các quy định của Hiến pháp năm 1992 về Chủ tịch nước, có hai bổ sung quan trọng. Một là, Dự thảo quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong việc “Thống lĩnh lực lượng vũ trang, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh. Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương” (Khoản 5, Điều 93). Hai là, trong mối quan hệ với Chính phủ, bổ sung quy định thẩm quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ, yêu cầu Chính phủ bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước (Điều 95).

5.3. Về Chính phủ

Về vị trí, chức năng của Chính phủ: Bổ sung quy định Chính phủ là cơ quan “thực hiện quyền hành pháp” (Điều 99) để thể hiện rõ quan điểm và nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ: Có một số bổ sung quan trọng sau: Một là, quy định Thủ tướng có nhiệm vụ, quyền hạn “Định hướng điều hành hành động của Chính phủ; lãnh đạo hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia” (khoản 1, Điều 103). Hai là, bổ sung thêm thẩm quyền “Chỉ đạo việc đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước, đàm phán, ký hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” (Khoản 4, Điều 103).

Về bộ trưởng, các thành viên Chính phủ, Dự thảo bổ sung quy định “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý” (Khoản 2, Điều 104).

5.4. Về Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân

Về Tòa án nhân dân: Dự thảo đã khẳng định, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các tòa án khác do luật định (Khoản 1, Điều 107). So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo khẳng định Tòa án nhân dân “thực hiện quyền tư pháp”, và đã viết khái quát hệ thống tổ chức của Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các tòa án khác do luật định. Đồng thời, Dự thảo quy định “Trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Tòa án đặc biệt” (Khoản 3, Điều 107). Ngoài việc tiếp tục khẳng định và quy định khái quát về nhiệm vụ của Tòa án nhân dân là bảo vệ lợi ích của Nhà nước và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Dự thảo đã bổ sung nhiệm vụ quan trọng của Tòa án nhân dân là “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” (Khoản 2, Điều 107).

Theo yêu cầu cải cách tư pháp, trên cơ sở kết hợp với mô hình tố tụng thẩm vấn, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung và nhấn mạnh một số nguyên tắc trong tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân, đó là “Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm” (Khoản 5, Điều 108); đồng thời bổ sung nguyên tắc “Chế độ xét xử sơ thẩm và phúc thẩm được bảo đảm”(Khoản 6, Điều 108).

Về Viện Kiểm sát nhân dân: Dự thảo đã quy định khái quát về hệ thống tổ chức “Viện Kiểm sát nhân dân gồm Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện Kiểm sát khác do luật định (Khoản 1, Điều 112). Dự thảo bổ sung nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân là “bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (Khoản 3, Điều 112). Đây là một quy định mới phù hợp với chức năng Viện Kiểm sát được giao đảm nhiệm, bởi vì, Viện Kiểm sát không chỉ có vai trò, trách nhiệm là một bên (bên buộc tội) như một số nước, mà còn có trách nhiệm chống làm oan người vô tội, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động tư pháp.

5.5. Về chính quyền địa phương

Về tên chương Dự thảo đã đổi tên Chương IX “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” của Hiến pháp năm 1992 thành chương: “Chính quyền địa phương”, để làm rõ hơn tính chất của hệ thống cơ quan nhà nước ở địa phương trong mối quan hệ với Trung ương, thể hiện tính gắn kết, mối quan hệ chặt chẽ giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong chỉnh thể của chính quyền địa phương. Mặt khác, nội hàm của chương này không chỉ quy định về Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, mà còn quy định về việc phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ và mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với Mặt trận và các đoàn thể xã hội ở địa phương.

Về đơn vị hành chính lãnh thổ: Để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương, Dự thảo không quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp chính quyền mà quy định “Việc thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý” (Khoản 2, Điều 115).

Về đại biểu Hội đồng nhân dân: Dự thảo bổ sung quy định về việc trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân, khẳng định rõ người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân hoặc trả lời bằng văn bản (Điều 118).

5.6. Về Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước

Dự thảo bổ sung ba điều mới quy định về ba thiết chế hiến định độc lập vào Chương X gồm: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.

- Về Hội đồng Hiến pháp: Dự thảo bổ sung thiết chế Hội đồng Hiến pháp (Điều 120) nhằm thực hiện chủ trương của Đại hội IX, X và XI về việc xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp. Dự thảo quy định Quốc hội thành lập Hội đồng Hiến pháp là cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp gồm: Chủ tịch, các Phó chủ tịch và Ủy viên; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng và số lượng thành viên, việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, nhiệm kỳ của thành viên sẽ do luật định (Khoản 1, 3 Điều 120).

Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là một bước cụ thể hóa nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; đồng thời có một cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp chính là tạo thêm một phương thức mới, bổ sung một công cụ để Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và bảo vệ các giá trị của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và chủ quyền nhân dân. Hội đồng Hiến pháp có thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp: Kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn (Khoản 2 Điều 120).

- Về Hội đồng bầu cử quốc gia: Dự thảo bổ sung thiết chế Hội đồng bầu cử quốc gia (Điều 121) nhằm thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 về việc “Tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp theo hướng hoàn thiện chế độ bầu cử”. Dự thảo quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia với mục đích hoàn thiện chế độ bầu cử cũng để nhằm thực hiện cho được nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình. “Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp” (Khoản 2, Điều 121), nhằm góp phần thể hiện tính khách quan trong chỉ đạo tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Về Kiểm toán Nhà nước: Kiểm toán Nhà nước là cơ quan có vai trò quan trong trong quản trị quốc gia, thông qua các hoạt động nghiệp vụ để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Với vị trí, chức năng quan trọng của cơ quan này, hiện nay đa số các nước trên thế giới đều có quy định trong Hiến pháp về cơ quan Kiểm toán Nhà nước, theo đó ở mức độ, liều lượng khác nhau nhưng đều ghi nhận nguyên tắc hoạt động độc lập và không chịu can thiệp từ các thiết chế quyền lực khác của Kiểm toán Nhà nước. Xuất phát từ yêu cầu đó, Dự thảo đã bổ sung Điều 122 quy định vai trò, địa vị pháp lý và chức năng của Kiểm toán Nhà nước để tăng cường vị thế và trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Đây là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật, có chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia. Dự thảo chỉ quy định về việc Quốc hội bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước còn những vấn đề cụ thể tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước sẽ do luật định.

6. Về quy trình sửa đổi Hiến pháp

Về quy trình sửa đổi Hiến pháp, Dự thảo Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (Khoản 1, Điều 124). Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp (Khoản 2, Điều 124). Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Hiến pháp và trình Quốc hội về dự thảo Hiến pháp (Khoản 3, Điều 124). Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu dân ý về Hiến pháp do Quốc hội quyết định (Khoản 4, Điều 124).

-------

PGS, TS NGUYỄN VIẾT THÔNG - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương 

Theo QDND

.
.
.
.