.
.

Đảng cộng sản Việt Nam-lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội

Thứ Ba, 19/03/2013|18:24

Hiện nay, có không ít các bài viết đăng trên một số báo ở hải ngoại, trên mạng internet, các tài liệu truyền tay cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không còn khả năng lãnh đạo đất nước, vì thế cần bỏ Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về quyền lãnh đạo của Đảng. Họ tự suy diễn không có cơ sở khoa học rằng, hiện tại đất nước đang khủng hoảng về kinh tế, tham nhũng xuất hiện ngày càng nhiều kể cả cán bộ cao cấp của Đảng; đạo đức xã hội xuống cấp nên đã đến lúc phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập hoặc có một “lực lượng chính trị mới” lãnh đạo đất nước. Tóm lại, họ muốn Đảng Cộng sản Việt Nam thôi giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam, nhường quyền lãnh đạo dân tộc cho một “lực lượng chính trị mới”, có uy tín và năng lực hơn.

Trước hết cần khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không phải đã hết vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trái lại vai trò đó ngày càng tăng. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam là sự lựa chọn của lịch sử; là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, nhân dân lao động trao cho Đảng.

Thực tiễn cho thấy, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào yêu nước đã phát triển rất mạnh mẽ nhưng cuối cùng đều thất bại, nhiều nhà yêu nước muốn tìm đường cứu nước, cứu dân tộc nhưng không thành. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đáp ứng sự đòi hỏi của lịch sử. Đảng Cộng sản Việt Nam được lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện; được lý luận cách mạng- chủ nghĩa Mác- Lênin soi đường thực sự là lãnh tụ chính trị, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam; quá trình lãnh đạo cách mạng được cả dân tộc Việt Nam tin yêu đùm bọc, cả nhân loại yêu chuộng hòa bình ngưỡng mộ trước những thành tựu trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, hàng vạn đảng viên cộng sản đã hy sinh trong ngục tù của thực dân, đế quốc, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, lợi ích của dân tộc, của nhân dân, kiên quyết một lòng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, trong khi các đảng phái của các giai cấp khác, các lưc lượng chính trị khác đều tự tan rã.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội; lãnh đạo công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa đạt được nhiều thành tựu to lớn: Chính trị ổn định, kinh tế từng bước phát triển, đời sống nhân nhân ngày càng được nâng lên, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, quan hệ với các nước trên thế giới ngày càng được mở rộng. Chúng ta cũng thừa nhận rằng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta có vấp phải một số sai lầm, khuyết điểm, nhưng sau mỗi lần như vậy Đảng ta đã nghiêm khắc sửa chữa, được nhân dân ủng hộ và uy tín của Đảng được củng cố vững chắc thêm. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc, thổi phồng những sai lầm, khuyết điểm, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng ta phải rất cảnh giác, tỉnh táo trước những luận điệu chống phá, xuyên tạc của các thế lực phản động, không chỉ nhìn vào một số khuyết điểm, tiêu cực xã hội mà mất lòng tin vào Đảng, vào chế độ. Những hạn chế khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, những tiêu cực và tệ nạn xã hội là cái khó tránh khỏi trong quá trình phát triển của đất nước. Không vì một số khuyết điểm, tiêu cực mà oán trách, quay lưng lại với Đảng; không vì một số cán bộ, đảng viên hư hỏng mà phủ nhận cả một sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng. Đó là thái độ đúng đắn của chúng ta.

Hiện nay, khi chúng ta đang lấy ý kiến đóng góp của mọi giai tầng trong xã hội, kể cả người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thì các thế lực phản động trong và ngoài nước lại lợi dụng việc đó để đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Thực chất các đảng phái mà các thế lực thù địch muốn dựng lên để tìm cách xâm nhập vào đời sống chính trị của nhân dân Việt Nam là tổ chức ô hợp gồm đại diện của các lực lượng có lợi ích gắn liền với lợi ích của chủ nghĩa đế quốc, có thù hận với cách mạng, có tội ác với nhân dân, là những kẻ muốn lợi dụng dân tộc ta làm lá bài chính trị để phục vụ lợi ích vị kỷ của chúng. Với những đảng phái như vậy thì con đường mà họ lựa chọn cho đất nước đâu phải là vì lợi ích của toàn bộ nhân dân. Khi nắm được quyền lãnh đạo, họ sẽ từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ mọi thành tựu mà nhân dân ta đã đổ bao xương máu mới giành được.

Mỗi công dân Việt Nam đều ý thức rằng, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn để thống nhất nhận thức; nắm rõ âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, đặc biệt là luận điệu cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam hết vai trò lịch sử, không đủ năng lực, uy tín lãnh đạo đất nước; hay chúng kêu gọi cần xóa bỏ Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để dọn đường dư luận, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ và tranh thủ sự ủng hộ của các thế lực phản động quốc tế để gây sức ép, áp đặt các điều kiện để từng bước vô hiệu hóa Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể thấy đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mà họ tuyên truyền không phải vì nước, vì dân; không phải vì Đảng Cộng sản Việt Nam yếu kém, không đủ trình độ, năng lực lãnh đạo cách mạng Việt Nam mà vì quyền lợi giai cấp, vì mục tiêu chính trị phản động. Thấy rõ nguyên hình của lực lượng phản động, chúng ta càng tin Đảng hơn, đoàn kết cùng nhau xây dựng đất nước vững bước theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và cả dân tộc Việt Nam lựa chọn.

Trung tá, Th.s TRẦN VĂN HUYÊN, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị

Theo QDND

.
.
.
.