.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

TĂNG CƯỜNG AN TOÀN AN NINH MẠNG, BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thứ Tư, 10/11/2021|22:50

Cũng như các quốc gia khác trên toàn cầu, Việt Nam đang khai thác và phát huy những đặc tính ưu việt của truyền thông xã hội đồng thời cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực khó kiểm soát từ dạng thức truyền thông mới này. Trước tình hình an ninh mạng trong môi trường của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa đến sự phát triển của công nghệ Internet tốc độ cao và công nghệ 5G, kết nối mọi thiết bị di động, thiết bị IoT, máy tính bảng, điện thoại thông minh,… đòi hỏi cần xây dựng và thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp tăng cường an toàn an ninh mạng nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới  góp phần đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị cũng như trật tự an toàn xã hội ở nước ta.

Có thể nhận thấy “hệ sinh thái” mạng xã hội đã hình thành tầng lớp KOLs (Key Opinion Leader), influencers để chỉ những người có ảnh hưởng, là những người có “thương hiệu”, có khả năng tác động tới suy nghĩ và hành vi của một nhóm người, thậm chí đông đảo cộng đồng hoặc là “người bình thường” mà thông tin, quan điểm nêu ra có sức thu hút, ảnh hưởng, được “cư dân mạng” chia sẻ, khuếch tán nhanh trên phạm vi rộng. KOLs có thể là cá nhân hay tổ chức có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực, ngành nghề của họ như chính trị gia, chuyên gia, doanh nhân, văn nghệ sĩ, ngôi sao thể thao,…. Họ đa phần là những chủ thể tích cực góp phần tạo nên đời sống thông tin lành mạnh. Sự ảnh hưởng của họ chính là sự tác động đến cộng đồng bằng những gì được đăng tải trên trang mạng xã hội mà họ sở hữu (có thể thuê đội ngũ chuyên gia quản lý, vận hành). Dẫu mạng xã hội gần như được định danh là “thế giới ảo” nhưng những tác động của người nổi tiếng là rất thật. Ví dụ, khi đưa ra một dòng trạng thái, đăng một bức ảnh hay video clip,... nào đó lên trang cá nhân hay Fanpage, những thông tin chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video clip sẽ tác động đến người đọc, người xem, người nghe khiến họ tiếp nhận, phân tích, kiểm chứng, tin và làm theo. Với những chủ tài khoản mạng xã hội có tích xanh, họ gần như được mặc định rằng có uy tín, nên những gì họ đăng tải được cho là đúng đắn, chính xác, không phải bàn cãi nên công chúng dễ dàng tin theo.

Không chỉ có vậy, trên mạng xã hội cũng đã lộ diện những KOLs, influencers có động cơ không trong sáng, nền tảng văn hóa thấp, bất mãn chế độ, thậm chí từng vi phạm pháp luật nhưng lại biết “khơi gợi những cảm xúc xấu xa”, “lạm dụng chữ nghĩa, ảo tưởng “quyền lực bàn phím”, luôn tìm cách điều hướng dư luận; tấn công doanh nghiệp nhằm trục lợi; đe dọa, xúc phạm cá nhân, tổ chức,…Một số được nuôi dưỡng, cấp phát từ các tổ chức thù địch bên ngoài. Lợi dụng những bất cập trong quản lý nhà nước về Internet, mạng xã hội, chúng thâm nhập vào các nền tảng truyền thông xã hội, “nuôi” nick (tên tài khoản), lập ra hàng trăm nghìn tài khoản ảo và nhiều trang giả mạo cá nhân, tổ chức, hằng ngày đăng tải hàng nghìn tin, bài có nội dung chống phá Việt Nam, tập trung vào những vấn đề hết sức nhạy cảm, quan trọng như: Xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận thành quả cách mạng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; khơi gợi vấn đề lịch sử, quan hệ quốc tế phức tạp; thổi phồng những yếu kém, sai phạm trong điều hành, quản lý của Nhà nước…; tán phát, tung tin bịa đặt, thật giả lẫn lộn về “bí mật nội bộ”, “bí mật đời tư” của lãnh tụ, của lãnh đạo cao cấp để “bôi đen”, hạ uy tín, gây nghi kỵ, mất đoàn kết; gieo rắc tâm lý hoài nghi, chán nản, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là một số đảng viên lão thành và thanh niên, sinh viên. Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch còn cấu kết với các đối tượng xấu, cơ hội chính trị, phần tử thoái hóa, biến chất trong nội bộ để tạo thành thế “nội công, ngoại kích”, người tung, kẻ hứng với những chiêu bài hết sức tinh vi. Những người không có đầy đủ thông tin, không nêu cao tinh thần cảnh giác, bản lĩnh chính trị kém vững vàng; người đang có những bức xúc, vướng mắc với chính quyền, với cán bộ rất dễ tin, nghe và hùa theo.

Sự lệch lạc trong nhận thức về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ dẫn đến sai lầm trong hành vi, tạo nên những mối nguy về an ninh, bất ổn chính trị, xã hội.

Một bộ phận người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thường có xu hướng quan tâm, thích (like) và chia sẻ (share) thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều hơn thông tin tích cực, một cách cố tình hoặc vô ý thức, bất chấp các hậu quả. Nhiều người cho rằng mạng xã hội là ảo, không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn, hành xử của mình. Tâm lý đó cộng hưởng với các công cụ được tạo ra để thu hút người dùng của truyền thông xã hội, cùng với sự bất cập, hạn chế trong quản lý của các cơ quan chức năng càng làm cho việc phát tán thông tin giả, tin xấu, độc trở nên dễ dàng và nguy hiểm.

Như chúng ta đều biết, tin giả là thông tin không dựa trên sự thật – thông tin giả mạo, do nguồn phát thông tin cố tình ngụy tạo, được thể hiện dưới hình thức tin tức thật. Tin giả dựa trên nội dung ngụy tạo (phóng to, thổi phồng và nhấn mạnh chi tiết không đúng bản chất, cắt chi tiết có thật, thay đổi cấu trúc nội dung làm méo mó nội dung thông tin,…) và nội dung bịa đặt (dựng lên những nội dung không có thật). Còn tin xấu, độc - hay còn gọi là thông tin nguy hại- là dạng thông tin ít nhiều dựa trên những gì “có thật”, được dùng để gây hại cho một cá nhân, tổ chức hay quốc gia. Thông tin nguy hại dựa trên nội dung gây hiểu lầm, liên kết sai (ví dụ: tiêu đề, hình ảnh, chú thích không hỗ trợ cho nội dung); bối cảnh sai (ví dụ: chế ảnh nhân vật có thật, thay đổi bối cảnh, thay địa điểm xuất hiện của nhân vật), nội dung mạo danh (mạo danh tác giả, nhân vật tham gia, nhân vật phát ngôn,…)

Tin giả đi kèm với thông tin nguy hại gây rối loạn thông tin ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tinh thần xã hội, từ đó gây bất ổn về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, nếu không bị xử lý kịp thời sẽ là tác nhân kích động, gây chia rẽ, ly gián lòng người, tạo sự phân tâm trong các tầng lớp xã hội, gieo rắc sự hoang mang, tâm lý bi quan, hoài nghi, chán nản, thất vọng, mất phương hướng, mơ hồ về chính trị ở một số bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, quần chúng nhân dân.

Thời gian qua, việc gia tăng nạn tin giả, thông tin vu khống, bịa đặt, sai trái thù địch… đang trở nên đáng báo động trên không gian mạng. Một số đối tượng chống đối đưa thông tin trái phép lên mạng, đẩy mạnh hoạt động chống phá nhà nước, tuyên truyền kích động chống chính quyền, gây chia rẽ nội bộ, gây bạo loạn, tập hợp lực lượng để hình thành tổ chức chính trị đối lập, đa nguyên, đa đảng, công kích các chính sách đối ngoại, kinh tế, tài chính … trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube, trang mạng và blog cá nhân như quanlambao, danlambao, chuquyenbiendong, bocauden, danchimviet… Do tính không kiểm soát về nội dung, bên cạnh những thông tin xấu độc, giả mạo, thậm chí nhảm nhí thô tục mà người đưa tin có động cơ, ý đồ, toan tính riêng nhằm tác động tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, gây hoang mang, nghi ngờ, giảm sút lòng tin vào Đảng và nhà nước. Một số tổ chức phản động, cơ hội chính trị tạo ra diễn đàn để cổ vũ cho các chiêu bài “xây dựng xã hội dân sự”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “chống tham nhũng”… 

Với nhiều thủ đoạn tinh vi được hỗ trợ bởi công nghệ, chúng tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ Đảng và nhân dân. Chúng cường điệu những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý để khoét sâu vào xung đột lợi ích, làm chia rẽ xã hội, suy giảm lòng tin, thực hiện “diễn biến hòa bình”, đòi lật đổ chế độ. Từ đó lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động biểu tình trái phép, chống đối, bạo loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội như trong các vụ lợi dụng vấn đề môi trường như tại Formosa Hà Tĩnh, phản đối Dự luật về Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng,…

Đặc biệt, hiện tượng tung tin giả về Covid-19 xuất hiện nhiều từ đợt dịch đầu năm 2020 đến nay, khi người dân cả nước đang rất lo lắng, hoang mang bởi dịch Covid-19, khi các cấp, các ngành cùng đội ngũ y, bác sĩ đang gồng mình chống dịch thì nghịch cảnh là dòng thác thông tin về dịch bệnh được truyền đi như vũ bão qua các phương tiện thông tin đại chúng rồi tràn lên mạng xã hội, đổ bộ vào các nhóm lớn nhỏ tồn tại trên không gian mạng với hàng loạt những thông tin sai sự thật, bịa đặt­.

Một số luận điệu tuyên truyền xuyên tạc chống lại chiến dịch tiêm vắc xin và “Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19”, đăng tải tin giả mạo, sai sự thật về phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19; việc tiêm vắc xin Astra Zenecca là không hiệu quả,…. Rõ ràng, giữa lúc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đang có những diễn biến phức tạp thì các thông tin sai sự thật được phát tán trên các trang mạng xã hội đã tác động lớn đến tâm lý người dân, gây ra hoang mang, lo sợ trong cộng đồng. Những đối tượng tung tin giả này vì mưu đồ trục lợi, hay có khi đơn giản chỉ là thu hút sự chú ý của mọi người nhằm có nhiều view, nhiều like đã làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không ngừng gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, công kích nội bộ lãnh đạo Đảng, xuyên tạc các bài phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước khiến dư luận không khỏi hoang mang. Chúng tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 trên không gian mạng với luận điệu vu cáo Đảng “thao túng bầu cử”, “sử dụng bầu cử ngày 23/5 để hợp thức hóa cho sự sắp xếp nhân sự giữa các phe nhóm từ Trung ương đến địa phương”,… xuyên tạc việc bầu Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ “không minh bạch, dân chủ, khách quan”; phát tán bài viết trên nhiều diễn đàn, fanpage của các cá nhân, tổ chức phản động “phân tích” một cách vô căn cứ việc “xếp ghế” nhân sự trong Quốc hội; rêu rao bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức, hạ thấp vai trò của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; vu cáo chính quyền “bắt giữ, xử phạt” những người nói xấu ứng viên đại biểu Quốc hội, kêu gọi người dân tẩy chay bầu cử Quốc hội, phủ nhận kết quả bầu cử,… Sự thực là, Đảng lãnh đạo cuộc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là tất yếu khách quan, là nhân tố quyết định bảo đảm sự thành công của cuộc bầu cử. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong khi đó, Quốc hội là một cơ quan của Nhà nước, hơn nữa là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, Đảng lãnh đạo Quốc hội, trong đó có lãnh đạo bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp - là bước khởi đầu để bầu, hình thành nên cơ quan nhà nước trong nhiệm kỳ mới - là một tất yếu khách quan. Hơn nữa, qua đúc rút kinh nghiệm của các nhiệm kỳ bầu cử trước, sự lãnh đạo của Đảng được xem là nhân tố hàng đầu bảo đảm sự thành công của bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. 

Chúng lợi dụng một số vụ việc sai phạm, yếu kém, hạn chế ở một số cơ quan, địa phương, cán bộ để quy kết, nói xấu chế độ. Liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, các tổ chức, thế lực thù địch ở nước ngoài, các đối tượng, tổ chức chống đối trong nước xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam đang bị vi phạm nghiêm trọng, báo chí bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ về tư tưởng nhất quán trên nền tảng chủ nghĩa “Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”, các “nhà báo độc lập” bị bao vây, bắt giữ,… Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo “Tự do tôn giáo quốc tế”, xuyên tạc Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo, can thiệp, hạn chế quyền tự do của các nhóm, tín đồ tôn giáo và cần gây áp lực đòi Chính phủ Việt Nam thay đổi cách thức “ứng xử” để có môi trường tự do hơn. Các tổ chức nhân quyền, NGO, chống đối gia tăng hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc; các trang đài báo nước ngoài (VOA, RFA, BBC,…), Hạ viện Mỹ, tổ chức Tự do ngôn luận quốc tế (IFEX), tổ chức “Phóng viên không biên giới” tiếp tục phát tán trên không gian mạng nhiều tin, bài xuyên tạc, lên án Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; xuyên tạc Đảng cộng sản, Chính phủ Việt Nam không ngừng gia tăng các hoạt động vi phạm nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Ngoài nguyên nhân do một bộ phận người dùng thiếu hiểu biết, nhận thức non kém đã tin theo những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng, thậm chí vô tư phát tán, truyền thông tin sai trái trên môi trường mạng cho bạn bè và các kết nối khác trên mạng xã hội, song cũng có người tung tin để "câu like", trục lợi cá nhân chỉ vì bắt gặp một thông tin giật gân, “hấp dẫn” với những tiêu đề gây chú ý mà bất chấp hậu quả. Bên cạnh đó, có những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn chế độ và thế lực thù địch đã khai thác, lợi dụng triệt để những ưu việt của mạng xã hội và những kẽ hở trong quản lý Nhà nước về Internet tập trung thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, cường điệu những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý để làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, chống phá nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động tuần hành, biểu tình, bạo loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị của đất nước.

Tăng cường an toàn an ninh mạng là giải pháp hữu hiệu thực hiện bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề mang tính quy luật. Tất cả các đảng cầm quyền và các chính đảng ở các nước đều đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của mình. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Qua các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề quan trọng này. Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng truyền thông xã hội hòng tập trung phủ định chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành tựu của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó đòi xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; ngoài ra chúng còn tập trung bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, thâm độc. 

Trước những thách thức về vấn nạn tin giả, thông tin xấu độc và sai trái, thù địch, Việt Nam cũng như các quốc gia trên toàn cầu đang quyết liệt xây dựng những hàng rào bảo vệ. Đến nay đã có 138 quốc gia (trong đó có 95 nước đang phát triển) đã ban hành Luật An ninh mạng. Luật An ninh mạng của Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 5, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng. Năm 2020, Việt Nam bắt đầu khởi động chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Một trong những yếu tố cốt lõi đảm bảo cho sự thành công của công cuộc chuyển đổi số chính là hạ tầng viễn thông và thói quen sử dụng Internet của người dân. Theo công bố thường niên của WeAreSocial và Hootsuite, hiện có tới 68,72 triệu người đang sử dụng Internet tại Việt Nam, đã tăng 6,2 triệu (tăng hơn 10%) kể từ năm 2019, đáng chú ý là tỉ lệ này chiếm tới 70,3% tổng dân số.

Với ngành Tuyên giáo của Đảng hiện này, trước hết là hệ thống thông tin điện tử giúp quản lý điều hành tác nghiệp toàn bộ công tác của ngành Tuyên giáo toàn quốc bước đầu đã chuyển từ giấy sang điện tử, cụ thể là số hóa toàn bộ tài liệu, tin học hóa hầu hết công việc hằng ngày giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí, tăng hiệu quả điều hành. 

Tại Đảng bộ Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, công tác chuyển đổi số đã được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, ứng dụng trong hoạt động, xử lý công việc hàng ngày qua các ứng dụng công nghệ thông tin tiến tới số hóa hệ thống văn bản, tài liệu đảm bảo công tác bảo mật thông tin, tránh những thông tin thất thiệt, không chính thống làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Tổng công ty và các đơn vị. Tổng công ty đã hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng được phòng máy chủ và vận hành hiệu quả từ năm 2009. Tổng công ty liên tục nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và điều hành, đã thực hiện kết nối hệ thống văn phòng điện tử giữa Tổng công ty và các đơn vị thành viên trong công tác sản xuất kinh doanh cũng như công tác Đảng; triển khai số hóa tài liệu lưu trữ để tăng hiệu quả việc lưu trữ, khai thác, sử dụng tài liệu; hoàn thành Dự án đầu tư thiết bị nâng cấp hệ thống tường lửa và hệ thống phần mềm phòng chống virus quản trị tập trung tại Văn phòng Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hội nghị truyền hình trong quản lý và cải cách hành chính; tiết kiệm chi phí hành chính, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, …Tại các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Tổng công ty cũng được trang bị máy tính, phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ phục vụ hiệu quả trong công tác điều hành, quản lý, vận hành sản xuất, lưu trữ,… đã phát huy hiệu quả của công tác chuyển đổi số. Từ đó, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động công tác Đảng, hoạt động của Ban chỉ đạo 35 của Đảng ủy Tổng công ty.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thời gian qua, công tác chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị đã được Đảng ủy Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam thực hiện nghiêm túc, ban hành nhiều văn bản quan trọng triển khai Nghị quyết 35 trong toàn Đảng bộ về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đảng ủy Tổng công ty đã quán triệt, triển khai nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tới 100% các cơ sở đảng trực thuộc; Hàng năm xây dựng Chương trình công tác, báo cáo tổng kết năm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và xác định phương hướng, nhiệm vụ năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Đảng ủy Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã triển khai có hiệu quả hoạt động tuyên truyền và các nội dung công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, XIII của Đảng. Kết hợp công tác đấu tranh bằng lý luận, chính trị, tư tưởng, truyền thông với các giải pháp công nghệ thông tin góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch trong thời đại công nghệ 4.0. Thông tin tuyên truyền sâu rộng các thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng của đất nước; kết quả sản xuất kinh doanh và việc đi đầu tham gia công tác an sinh xã hội của đơn vị; nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, công tác xây dựng Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị; Qua đó tạo cho người lao động tư tưởng yên tâm công tác, không tham gia các hoạt động trái phép, góp phần ổn định tình hình, nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị và của Tổng công ty. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 35 được tổ chức lồng ghép gắn với Chương trình, Kế hoạch kiểm tra giám sát hàng năm của Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tổng công ty kịp thời nắm bắt tình hình thực tế tại các đơn vị. Qua kiểm tra, giám sát, việc thực hiện Nghị quyết 35 được các cấp ủy đảng quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nguyên tắc hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 đã đề ra.

Kết quả trên lĩnh vực lý luận chính trị

Công tác nghiên cứu lý luận; công tác phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị, nhất là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, triển khai thông qua các cuộc họp Đảng bộ/ chi bộ trực thuộc, các buổi sinh hoạt chi bộ chuyên đề nhằm phổ biến kiến thức, cập nhật các chủ trương, định hướng công tác tuyên truyền, nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, tiếp thu, tìm hiểu những luận cứ đấu tranh phản bác để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Cấp ủy đảng, chính quyền, Công đoàn, Đoàn Thanh niên các cấp xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, triển khai công tác thông tin, hướng dẫn tuyên truyền sâu rộng các thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại của đất nước; về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, biên giới lãnh thổ.

Đã chỉ đạo, triển khai một số nhiệm vụ công tác nội chính trong toàn Đảng bộ với một số nhiệm vụ trọng tâm như: chủ động nắm chắc, đánh giá, dự báo, phân tích sát tình hình công nhân, người lao động, các vấn đề liên quan đến “công đoàn độc lập”, tôn giáo, dân tộc, đối ngoại, kích động biểu tình, gây rối… để chủ động xử lý kịp thời, không để bị động, bất ngờ; bố trí các phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối trụ sở, các công trình, dự án trọng điểm của đơn vị; tập trung giải quyết dứt điểm các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phản bác các thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị, thông tin giả, thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng, nhất là các thông tin xuyên tạc công tác chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2021 – 2026); tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chỉ đạo Công đoàn các cấp triển khai hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Đảng ủy Tổng công ty đã nghiêm túc tổ chức tốt nhiều hội nghị học tập, quán triệt, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, họ như Hội nghị học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Sơ kết Nghị quyết Trung ương 4 ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ,… Tại các hội nghị, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đã thường xuyên, trực tiếp quán triệt và làm rõ tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng là kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc học và làm theo Bác tại các cấp bộ Đảng toàn Tổng công ty đã trở thành việc làm thường xuyên, tạo động lực phát triển cho mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Cùng với đó, Đảng ủy Tổng công ty đã xây dựng, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy định số 234-QĐ/TW quy định về thông tin hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/ĐUK, ngày 22/9/2016 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền trong tình hình mới”; Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư về “tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Kế hoạch tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 05/01/2017 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”,… góp phần bảo vệ, củng cố quan điểm, đường lối của Đảng trên các lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, phát triển kinh tế, đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế,…

Kết quả tuyên truyền thông tin tích cực, chính thống và đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, thù địch

Đảng ủy Tổng công ty đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền thường xuyên và sâu rộng các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; kết quả sản xuất kinh doanh, công tác xây dựng đảng của Đảng bộ Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc, trong đó có nội dung công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng trên trang tin điện tử của Tổng công ty cũng như Bản tin Vinataba được xuất bản định kỳ hàng quý.

Đảng ủy Tổng công ty chỉ đạo, định hướng bộ phận quản trị, biên tập website, bản tin Vinataba kịp thời nắm bắt thông tin, nhận diện những thông tin xấu ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp Vinataba, từ đó triển khai các giải pháp ngăn ngừa, phòng chống, xử lý tác hại của thông tin xấu, độc ảnh hưởng không tốt tới doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Triển khai áp dụng các biện pháp an ninh, an toàn mạng lưới hệ thống thông tin; tăng cường vận dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng rà quét, chặn lọc thông tin xấu, độc, chỉ đạo triển khai xây dựng, thực hiện chuyển đổi số, sử dụng mạng nội bộ phục vụ công tác quản lý, điều hành, hội họp tại Tổng công ty và các đơn vị trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.

Tham gia đầy đủ các nội dung, chương trình tập huấn do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức. Thường xuyên nắm bắt thông tin, nhận diện thông tin xấu độc để kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp đấu tranh, ngăn ngừa. Đảng ủy Tổng công ty xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho đội ngũ bí thư cấp ủy cơ sở nắm chắc việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35.

Thường xuyên có sự trao đổi, thông tin, phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, chương trình công tác, đảm bảo kết nối thường xuyên, liên tục, thông suốt. Đã nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương triển khai trong thời gian qua như: Tham gia ngăn chặn tài khoản mạng xã hội đăng tải thông tin sai trái (Peter Trần Văn Thành); Triển khai công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tài liệu của Viện SENA “Góp ý về mục tiêu soạn thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, quán triệt, thông tin tới các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, người lao động về những quan điểm sai trái, “a dua” theo tư tưởng phản động trong tài liệu nêu trên, tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên, người lao động và người thân không truy cập, tải – in ấn và phát tán tài liệu do Viện SENA đăng tải, quán triệt thực hiện nghiêm túc một số nội dung cần tập trung đấu tranh trong thời gian tới.

Kết quả đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật, xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội

Xây dựng, huy động đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở gồm 22 đồng chí là lực lượng nòng cốt trong triển khai, cụ thể hóa các nội dung, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chủ động đề xuất thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tiếp xúc của cán bộ, đảng viên và người lao động trước các nguồn thông tin xấu, độc, đồng thời tích cực đấu tranh với những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.

Tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, người lao động triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường an toàn an ninh thông tin mạng nội bộ, nhất là khi sử dụng mạng xã hội. Chỉ đạo, định hướng Bản tin, website Tổng công ty tuyên truyền về các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, địa phương, đơn vị; sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp; về quyết tâm, quyết sách thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống dịch Covid-19. Khẳng định chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, việc triển khai tiêm vắc – xin Covid-19 thận trọng, công bằng, hiệu quả xã hội cao. Tăng cường tuyên truyền đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi; đường lối, chủ trương bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trên biển Đông, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế, chứng cứ lịch sử.

Đảng ủy Tổng công ty tiếp tục nắm chắc và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và quy định của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành, đặc biệt trong các Khu công nghiệp về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, bệnh Covid-19, đặc biệt đề cao cảnh giác trước các hiện tượng tung tin giả về Covid-19 xuất hiện nhiều từ đợt dịch đầu năm 2020 đến nay, nhận diện tin xấu, độc để ngăn chặn và có “sức đề kháng”, không đọc hay nghe theo những tin chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố. Phối hợp tốt với các cơ quan chức năng có các biện pháp, giải pháp trong đảm bảo an ninh trật tự và an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại đơn vị.

Một số giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phòng, chống, phản bác các luận điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, để tăng cường an toàn an ninh mạng, bảo vệ vững chắc thành quả của đất nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên là phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh với âm mưu, hoạt động thâm độc của các thế lực thù địch, đối tượng xấu; quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những quan điểm, luận điểm chỉ đạo mới về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phòng, chống, phản bác các luận điểm sai trái, thù địch. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Đảng bộ Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam tiếp tục xác định thực hiện đồng bộ và có hiệu quả một số giải pháp sau đây:

Một là, tập trung đổi mới nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Làm rõ âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, của các đối tượng xấu trên Internet và mạng xã hội; những vấn đề, sự kiện mà chúng lợi dụng xuyên tạc, mức độ nguy hại, ảnh hưởng của các thông tin xấu, độc.

Tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác của Ban Chỉ đạo 35, trao đổi và làm rõ về thông tin xấu, độc để cán bộ, đảng viên, người lao động nâng cao nhận thức, nhận diện được thông tin xấu, độc, có ý thức tự phòng vệ và ý thức ngăn chặn, phòng chống, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc. Tăng cường lan tỏa thông tin tích cực, chính thống trên website, bản tin Vinataba, các phương tiện truyền thông, internet, mạng xã hội, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các trang nhóm; đẩy mạnh vận dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ, phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để rà quét, chặn lọc thông tin xấu, độc.

Hai là, tăng cường quản lý, nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, tâm trạng cán bộ, đảng viên, người lao động, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Đấu tranh ngăn chặn, xử lý hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng phản động sử dụng không gian mạng để phát tán thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước, doanh  nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước, công kích, hạ thấp uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần sâu sát, nắm vững mọi hoạt động và tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhất là khi những luồng quan điểm thù địch, chống đối “mới” xuất hiện, những biểu hiện lệch chuẩn trong nhận thức chính trị; đồng thời thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng xấu, có nội dung giáo dục, định hướng, điều chỉnh nhận thức đúng đắn, kịp thời. Không để xảy ra hiện tượng cán bộ, đảng viên và quần chúng bị kẻ địch móc nối, lôi kéo. Thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định về quản lý tài liệu, không để các ấn phẩm văn hóa độc hại, tài liệu phản động lọt vào, trang bị phương pháp tiếp cận thông tin trên mạng xã hội một cách khoa học, đúng đắn. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trong quản lý thông tin có liên quan tới cán bộ, đảng viên, quần chúng nơi mình quản lý trên mạng xã hội,… để tránh bị lợi dụng phát tán thông tin xấu, độc cho người thân, bạn bè và cộng đồng mạng.

Ba là, nâng cao chất lượng học Nghị quyết với phương châm không chỉ để biết mà còn học để làm, để vận dụng vào thực tiễn. Triển khai, cụ thể hóa các nội dung, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết 35 về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Đảng bộ Tổng công ty tiếp tục duy trì và đổi mới hình thức tổ chức, nâng cao chất lượng việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 35 trong thời gian tới với nhiệm vụ song hành “xây” và “chống”. Không chỉ chú trọng "chống" mà còn cần phải tăng cường biện pháp "xây", đó là thực hiện thật tốt công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, quán triệt cũng như tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết của Đảng, kiện toàn, củng cố tổ chức cán bộ tuyên giáo, xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận, cộng tác viên luôn sẵn sàng "phản ứng nhanh" với những thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng. Tích cực, chủ động cung cấp những thông tin chính thống để định hướng dư luận về các chủ trương, của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, những sự kiện, hiện tượng phát sinh từ thực tiễn xã hội để các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người lao động hiểu đúng và làm đúng.

Bốn là, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện từ sớm, đấu tranh từ xa, chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính, bảo vệ nội bộ chính là yếu tố quan trọng, góp phần vô hiệu hóa sự tác động, ảnh hưởng của các quan điểm thù địch, độc hại trên mạng xã hội. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện. Đồng thời, chỉ rõ những thủ đoạn, tính chất nguy hại của thông tin xấu, độc đối với xã hội.

Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng cần có kiến thức an ninh mạng, biết nhận diện những trang thông tin, những diễn đàn trên mạng xã hội hay đăng tải những thông tin xấu, độc để có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, có ý thức ngăn chặn, phản bác cái xấu một cách thuyết phục, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội. Đối với các bài viết, video có nội dung xấu, độc được phát tán trên mạng xã hội, mỗi cá nhân cần lên tiếng phản bác hoặc hạn chế sự lan truyền của chúng bằng cách lựa chọn ẩn bài viết, báo tin rác để quản trị mạng xử lý và hãy suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ. Kịp thời tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết để nâng cao cảnh giác, không tin theo, nghe theo những luận điệu đó. Không chỉ đấu tranh, phản bác các quan điểm phản động, thù địch mà còn phải nhận diện kịp thời và đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm lập lờ, sai trái, thật giả lẫn lộn của các đối tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, các phần tử thoái hóa, cơ hội chính trị, bất mãn. Cần phải cô lập, chia cắt mối liên hệ giữa các thế lực thù địch với các phần tử này trong nội bộ để phá thế “nội công, ngoại kích”, “tác động chuyển hóa” theo ý đồ của chúng.

Chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu tiếp xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân với các nguồn thông tin xấu, độc, đồng thời tích cực đấu tranh với những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch là hết sức cần thiết, nhất là đối với những người trẻ tuổi, bản lĩnh chính trị còn chưa vững vàng, khả năng “miễn dịch” còn thấp. Để thực hiện điều này, mọi người không nên nghe, đọc, xem những đài, báo, trang mạng, bài viết, video,… của những phần tử chống đối, phản động. Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, các cơ quan ngôn luận trong đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá của các thế lực thù địch, những thông tin giả mạo, sai lệch. Cần có những bài viết có “sức nặng” để đập tan những luận điệu của chúng. Xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ đấu tranh trên Internet và mạng xã hội. Phát huy vai trò của các blogger trong đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch thông qua các trang mạng. Thành lập một số website với tư cách là cổng thông thông tin, diễn đàn mở để trao đổi các ý kiến, quan điểm khác biệt hoặc phản bác những quan điểm thù địch, chống đối. Đầu tư trang bị hệ thống phương tiện, kỹ thuật hiện đại, quản lý kết nối mạng an toàn trong ngăn chặn các trang web, blog đăng tải những thông tin xấu, độc.

Năm là, tuyên truyền, phổ biến hệ thống pháp luật về sử dụng Internet và mạng xã hội nhằm răn đe, xử lý cá nhân, tổ chức đưa tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội, góp phần quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet và mạng xã hội trên cơ sở luật pháp.

Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong đấu tranh ngăn chặn, phòng chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, trách nhiệm định hướng dư luận xã hội trước các luồng thông tin đa chiều trên mạng xã hội, thực hiện nghiêm Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội về việc không đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin có xu hướng kích động, thông tin có yếu tố nhạy cảm có thể gây hoang mang dư luận xã hội, chủ động phát hiện, tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, tin giả, bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật về tình hình dịch bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật nhằm kích động gây bất ổn xã hội theo pháp luật,…

Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung Điều 288 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP; Thông tư số 09/2014/BTTT ngày 19/8/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội; Nghị định 15/2020/NĐ-CP đã quy định, người chia sẻ thông tin giả mạo lên mạng xã hội sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng; tổ chức vi phạm thì mức phạt tăng thành 10-20 triệu đồng. Ngoài tiền phạt, người vi phạm còn phải gỡ thông tin giả mạo; Công văn số 1800/BTTTT-PTTH&TTĐT, ngày 28-5-2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành “Về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội” đã nêu rõ thực trạng sự phát triển của mạng xã hội những năm gần đây, đặc biệt là hai mạng xã hội của nước ngoài là Facebook và Youtube với “những tác động cả tiêu cực và tích cực đối với đời sống xã hội”, đồng thời khẳng định việc tăng cường công tác quản lý để hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của người sử dụng. Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17-6-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành “Về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” với những quy định chi tiết, rõ ràng. Phạm vi và đối tượng áp dụng của Bộ Quy tắc gồm 3 nhóm đối tượng là cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Theo đó, định hướng cán bộ, đảng viên, người lao động nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện  4 quy tắc ứng xử chung khi sử dụng mạng xã hội.

Tình hình thế giới, khu vực thay đổi nhanh, có nhiều đột biến, đặc biệt là sự tác động toàn diện, mạnh mẽ của khủng hoảng kinh tế, xã hội toàn cầu, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, trước mắt là đại dịch Covid-19, Việt Nam đang là một quốc gia có chính trị, xã hội ổn định và trên đà phát triển, tuy nhiên cũng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định. Đất nước ta đang đẩy mạnh quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, chúng ta đang có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới. Cán bộ, đảng viên, người lao động Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam tích cực chủ động tham gia tạo lập môi trường thông tin lành mạnh, an toàn, trong đó thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường an toàn an ninh mạng là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, tham gia gìn giữ môi trường chính trị, xã hội ổn định, góp phần xây dựng đất nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nguyễn Thị Ngọc, Phó Ban Tuyên giáo Đối ngoại Vinataba

--------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25

2. An ninh mạng trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, Bộ Thông tin và Truyền thông, Nxb Thông tin và Truyền thông.

3. An toàn thông tin khi sử dụng mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Nxb Thông tin và Truyền thông.

4.https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich/chi-tiet/-/asset_publisher/YqSB2JpnYto9/content/quan-triet-cac-luan-diem-trong-bai-viet-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-ch

5. https://vnexpress.net/hang-loat-tin-gia-ve-covid-19-4229118.html

6. https://vnexpress.net/tinh-tao-truoc-tin-gia-covid-19-4288289.html

7.https://vnexpress.net/2-nguoi-dang-tin-bac-si-nhuong-ong-tho-cuu-san-phu-bi-phat-4338134.html

8.https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich/chi-tiet/-/asset_publisher/YqSB2JpnYto9/content/bo-quy-tac-ung-xu-tren-mang-xa-hoi-the-che-mem-bao-dam-quyen-tu-do-ca-nhan-quyen-tu-do-kinh-doanh-phu-hop-chuan-muc-dao-duc-phap-luat-va-thong-le-quoc

.
.
.
.