Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2022:
Nâng cao hiệu quả công tác quản trị và kiểm soát các nguồn lực tài chính tại Tổng công ty Bưu điện Việt Nam
10 năm trở lại đây thị trường bưu chính trong nước phát triển mạnh mẽ. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bưu chính ngày càng gay gắt mà chủ yếu là cạnh tranh về chất lượng dịch vụ; cạnh tranh về sự đa dạng của dịch vụ; dịch vụ giá trị gia tăng ngày càng lớn mạnh. Trước những thách thức này, công tác quản trị các nguồn lực tài chính đáp ứng các yêu cầu về kinh doanh, mà chủ đạo là các dịch vụ mới là hết sức cấp thiết.
Thực trạng…
Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, lãnh đạo Tổng công ty, Chi bộ Ban Kiểm toán nội bộ luôn xây dựng các chương trình hành động từng năm, trong đó có nhiệm vụ chính trị là nâng cao hiệu quả quản trị và kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực tài chính của Bưu điện Việt Nam.
Tổng công ty đã dần chuẩn hóa các quy trình thực hiện nghiệp vụ về tài chính, kế toán, thuế, hóa đơn chứng từ, thanh quyết toán - thể hiện rất rõ công việc của từng khâu, và trách nhiệm của từng khâu trong quá trình thực hiện. Cập nhật kịp thời những thay đổi về chính sách tài chính, kế toán, thuế để triển khai, áp dụng vào các phương án hoạt động sản xuất kinh doanh tại Tổng công ty đảm bảo vừa hiệu quả vừa đúng quy định.
Bố trí lao động làm công tác quản lý, quản trị các nguồn lực tài chính - công tác rà soát, kiểm tra được thực hiện ngay từ khâu triển khai các nhiệm vụ doanh thu, chi phí, đầu tư cho đến các khâu ký hợp đồng, thực hiện thanh quyết toán.
Kiểm soát các nguồn thu, chi - dòng tiền của từng đơn vị, đặc biệt các nguồn thu được quản trị chặt chẽ, kiểm soát việc thu hồi công nợ. Xây dựng các quy định về bảo đảm an toàn tài chính đặc biệt các khoản nợ phải thu không để phát sinh các khoản nợ quá hạn, khó đòi; đồng thời cũng đảm bảo chủ động, kịp thời các nguồn tiền liên tục phục vụ các yêu cầu về hoạt động kinh doanh, đầu tư của Tổng công ty.
Đánh giá theo dõi hiệu quả chênh lệch thu chi đến từng dự án đầu tư, phương án chi phí, hoạt động hiện tại kinh doan từ đó đề xuất các chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
Minh bạch rõ ràng trong công tác quản lý tài sản, nguồn vốn. Tài sản tại Tổng công ty được phân loại cụ thể tài sản dài hạn, ngắn hạn, từ đó theo dõi đánh giá hiệu quả, kiểm soát rủi ro và điều chỉnh cơ cấu tỷ trọng phù hợp.
… và giải pháp
Phát huy vai trò của Chi bộ Ban Kiểm toán nội bộ trong việc quản trị và kiểm soát các nguồn lực tài chính đã đạt được những kết quả khả quan trong thời gian qua; trên cơ sở những định hướng phát triển kinh doanh những lĩnh vực mới như ví điện tử, trung gian thanh toán trong thời gian sắp tới, Chi bộ Ban Kiểm toán nội bộ xây dựng các giải pháp nâng cao công tác quản trị và kiểm soát các nguồn lực tài chính. Một là: Quản trị tài sản cố định (TSCĐ) bao gồm TSCĐ hữu hình và TSCĐ vô hình. Trong đó, có nội dung quản trị hiện vật, quản trị giá trị, tính và phân bổ khấu hao TSCĐ, sửa chữa, nâng cấp và thanh lý TSCĐ. Nhóm công việc bao gồm các giải pháp về phân định trách nhiệm quản lý, sử dụng, về hạch toán khấu hao và cả quản trị về mặt kỹ thuật, công nghệ. Hai là: Quản trị tài sản lưu động (TSLĐ) và vốn lưu động: bao gồm việc nghiên cứu khả năng chuyển đổi của TSLĐ, cơ cấu và phân loại TSLĐ, quản trị hàng hóa tồn kho, công nợ phải thu, cách thức tổ chức chu chuyển vốn lưu động, khả năng phân tích vòng quay và hiệu quả sử dụng vốn lưu động. Ba là: Quản trị vốn bằng tiền bao gồm việc lập kế hoạch luồng tiền, kế hoạch thu tiền, chi và thanh toán. Bốn là: Quản trị các công cụ tài chính như bảo đảm thanh toán của đối tác, bảo đảm thanh toán các luồng tiền của khách hàng, tín dụng thương mại nhằm điều tiết quá trình thanh toán, các phương thức và chính sách bán hàng, thu tiền, vấn đề thanh toán và mua bán thương mại, việc sử dụng và quản trị các công cụ tài chính. Năm là: Quản trị quyết định đầu tư, phân tích tính chi phí đầu tư là cách thức tính toán toàn diện tiềm lực vốn, khả năng đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng cơ bản quy mô lớn. Sáu là: Quản trị rủi ro tài chính kinh doanh, nhận diện và xử lý các rủi ro tiềm tàng trong sản xuất, kinh doanh, nhằm giảm thiểu thiệt hại và tài trợ rủi ro. Bảy là: Tăng cường hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm làm cho công tác nội kiểm luôn hoàn thiện cả về tổ chức, hoạt động, cảnh báo và ngăn chặn rủi ro, giảm thiểu tác hại của rủi ro, hướng công tác tài chính đạt mục tiêu hiệu quả và sự tăng trưởng bền vững. Tám là: Tăng cường phân cấp quyền và trách nhiệm, đề cao trách nhiệm vật chất, sử dụng có hiệu quả đòn bẩy kinh tế. Duy trì động lực lành mạnh song song với việc gia tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho từng bộ phận, từng thành viên sẽ tạo ra sự đồng thuận trong quản trị tài chính, nhờ đó mà quản trị tăng cường hiệu lực, hiệu quả cao.
Được sự đồng thuận, tâm huyết, trách nhiệm và kỷ cương của Ban Chấp hành Đảng bộ, Đảng ủy Tổng công ty, Chi bộ Ban Kiểm toán nội bộ luôn ý thức xây dựng giải các pháp nâng cao hiệu quả công tác quản trị và kiểm soát các nguồn lực tài chính trong giai đoạn 2020 - 2025, góp phần thúc đẩy hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
Ban Kiểm toán Nội bộ