Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2022:
NGĂN CHẶN TƯ TƯỞNG CỦA NHỮNG KẺ "TỰ CHUYỂN HÓA"
Đã có không ít cán bộ, đảng viên từng giữ vị trí lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị, địa phương “chuyển hóa tư tưởng” khi nghỉ hưu. Họ phán xét, phê phán chủ trương, đường lối của Đảng, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lôi kéo đồng đảng, cổ xúy cho hình thành “xã hội dân sự”, hướng tới đấu tranh bất bạo động, thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam, thiết lập nhà nước dân chủ theo mô hình ở phương Tây, đi ngược lại dòng chảy của cả dân tộc. Họ đang bị các thế lực thù địch ở ngoài nước hà hơi, tiếp sức và dắt mũi vào việc xấu. Đấu tranh với những kẻ "tự chuyển hóa" là đòi hỏi hết sức cấp thiết.
Lợi dụng yêu nước, cản trở mục tiêu phát triển của dân tộc
Công nghệ thông tin, internet phát triển và đặc biệt là sự lớn mạnh nhanh chóng của mạng xã hội những năm qua đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều cá nhân thể hiện quyền tự do ngôn luận, phê phán, nói xấu, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đáng chú ý là trong số này có không ít cán bộ, đảng viên từng giữ chức vụ nhất định tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thủ đoạn chính yếu của những đối tượng này là lợi dụng các sự kiện chính trị của đất nước, những vụ việc cán bộ tiêu cực bị đưa ra tòa xét xử để “phản biện” bằng “thư ngỏ”, “kiến nghị”... Họ cho rằng, sự phát triển chậm chạp của đất nước về kinh tế là do Đảng ta đi theo đường lối lỗi thời, lạc hậu đã gây ra tiêu cực. Từ đó họ yêu cầu sửa đổi Điều 4 của Hiến pháp, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với lý lẽ nguỵ biện, suy diễn tùy tiện, công kích, nói xấu Đảng ta. Họ yêu cầu thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, “ru ngủ” những ai nhẹ dạ, mất cảnh giác và bản lĩnh chính trị yếu kém. Họ ngang nhiên tuyên bố: “Chúng tôi yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”...
Tiêu biểu cho số này là 15 nhân sĩ, trí thức nhóm "kiến nghị 72", trong đó nhiều người đã từng giữ vị trí cao ở các cơ quan, đơn vị, địa phương do Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp cầm đầu. Nguyễn Đình Lộc nguyên là đại biểu Quốc hội các khóa VII, IX, X, XI, là Phó Chủ tịch Hội Luật gia trước khi nghỉ hưu. Cạnh đó còn có các tri thức khác, như: Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; GS Hoàng Xuân Phú; Nhà văn Nguyên Ngọc, GS Tương Lai…
Những đối tượng này chính là “ngòi nổ”, để một số đối tượng “tri thức nửa mùa” khác trong xã hội học theo, kích động quần chúng nhân dân bằng cách tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội với các danh xưng tự phong: “nhà báo tự do”, “nhà dân chủ”... Tiêu biểu và cuồng tín nhất phải kể đến GS, TS N.Đ.C trú tại Thanh Xuân, Hà Nội. Năm 2021, N.Đ.C thúc đẩy phong trào “tự ứng cử” bằng cách đăng ký ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhưng thất bại. Trong bất cứ sự kiện chính trị nào, gần như N.Đ.C cũng có những nội dung phản biện trên mạng xã hội facebook mà mục tiêu cuối cùng là phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, định hướng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xây dựng các tổ chức xã hội dân sự và thiết lập nhà nước dân chủ tư sản theo mô hình ở phương Tây.
Khi nghiên cứu lý lẽ của những người này, nhận thấy ở họ có một điểm chung và thường xuyên được đưa ra để làm “bình phong” đó là ngụy biện lo cho tương lai vận mệnh đất nước, lo cho Nhân dân, không tin vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chính họ đã tạo ra những “dòng nước ngược”, cản trở con đường thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Xét cho đến cùng, việc làm của họ chẳng khác nào như cách nói dân dã là “cầm đèn chạy trước ô tô”, là cơ sở để các thế lực thù địch ở ngoài nước tăng cường chống phá. Theo thống kê của cơ quan chức năng, có khoảng 380 báo, tạp chí và 60 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, hơn 80 nhà xuất bản và hàng nghìn trang web; ở trong nước, có hàng trăm trang web, blog, Facebook, YouTube… luôn chờ mong, sẵn sàng đón nhận những lời phỏng vấn “vàng ngọc” của những đối tượng đã “chuyển hóa tư tưởng” ở trong nước để đưa tin, nhằm xuyên tạc chủ trương, đường lối, nhất là góp ý vào dự thảo xây dựng văn kiện Đại hội, công tác nhân sự, khoét sâu vụ việc cán bộ cao cấp tham nhũng, vu khống lực lượng chức năng đàn áp “dân oan”, “nhà dân chủ”, dân tộc, tôn giáo, bôi xấu hình ảnh, bản chất “đạo đức, văn minh” của Đảng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Họ đã sai như thế nào?
Trước hết phải khẳng định, lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam vốn là tài sản giá trị quý hơn vàng bạc châu báu, đó là kết quả của hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Việc số ít cán bộ, đảng viên, nhân sĩ trí thức, đặc biệt là những người có chức vụ lãnh đạo đã về nghỉ hưu lợi dụng lòng yêu nước để ngụy biện, khơi mào, cổ vũ đi ngược lại đường lối của Đảng là đáng bị lên án, phải kiên quyết tẩy chay. Khẳng định điều đó là bởi những vấn đề cơ bản sau:
Một là, giá trị yêu nước là điều thiêng liêng của mỗi quốc gia, dân tộc. Giá trị đó được đổi bằng quá trình xây dựng, đấu tranh, gìn giữ bằng xương máu và công sức của các thế hệ người Việt Nam.
Thực tế, lòng yêu nước đã giúp cho Nguyễn Ái Quốc tìm được con đường cứu nước, cứu dân trong khủng hoảng đường lối bởi đêm trường nô lệ. Nếu như sự ra đời của Đảng Cộng sản ở các nước chỉ dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin và phong trào công nhân thì ở Việt Nam, sự ra đời của Đảng Cộng sản có sự đóng góp tích cực của chủ nghĩa yêu nước. Sự khác biệt này đã góp phần rất quan trọng để Đảng Cộng sản Việt Nam đứng vững khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhất là khi bức tường Berlin sụp đổ. Với chủ trương, đường lối đúng đắn, Đảng đã khơi dậy lòng yêu nước, tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết, lãnh đạo Nhân dân giành và giữ chính quyền, bảo vệ vững chắc nền độc lập. Trong thời bình, lòng yêu nước tiếp tục được phát huy và đóng góp quan trọng và thành công của sự nghiệp đổi mới. Đây chính là cơ sở vững chắc để ý Đảng hợp với lòng dân bền chặt trong thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, đã nhiều năm nay, trong quá trình phát triển, đặc biệt là sự điều chỉnh mau lẹ cũng những thành tựu mà chủ nghĩa tư bản thu được thì nhiều người nghi ngờ về chủ nghĩa xã hội, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều nhà tư tưởng trên thế giới nhận định, dù có điều chỉnh nhưng trong tương lai chủ nghĩa tư bản sẽ không phải là xu thế thời đại vì bởi chưa bao giờ từ bỏ bản chất tư hữu, bóc lột. Trong bài viết gần đây nhất có tựa đề: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, chỉ rõ: “... Chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra... một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó...”.
Thứ ba, họ đã sai khi lợi dụng lòng yêu nước tạo ra những “dòng nước ngược” và ảo tưởng về mục tiêu thúc đẩy dân chủ, nhân quyền lệch lạc bằng hệ thống các tổ chức xã hội dân sự và “cách mạng màu sắc”. Hiện nay, hệ thống chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương đang phát huy rất tốt và rất hiệu quả trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, hướng tới cải thiện và chăm lo đời sống nhân dân chu đáo hơn. Những kết quả trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc được cộng đồng quốc tế ghi nhận ở Việt Nam thời gian qua là căn cứ cho thấy, xu thế tiến lên và tiến về phía trước trong thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và xây dựng một Việt Nam hùng cường là không hề thay đổi.
Trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, nước ta đã chứng minh được tính ưu việt của chế độ chính trị và bộ máy chính quyền từ Trung ương tới địa phương. Ở bất cứ xã hội nào cũng vậy, nhu cầu tối thượng của Nhân dân cần được bảo đảm trước tiên là quyền sống. Với những biện pháp quyết liệt, cương nhu hài hòa, phù hợp thực tế, Việt Nam đã vững vàng vượt qua đại dịch và tiếp tục thực hiện thành công “mục tiêu kép”. Số ca tử vong từ đầu đại dịch đến nay giữ được ở mức hai con số, so với số người thiệt mạng cao vì Covid-19 ở các quốc gia có tiềm lực kinh tế, thậm chí là cường quốc trên thế giới đã chứng minh một chân lý không hề thay đổi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết lập và Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền đang tích cực thực hiện là “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. Thử hỏi, những “dòng nước ngược” kia có cơ sở gì, có tiềm lực gì, có kỹ năng, phương pháp gì để khẳng định thực hiện tốt những mục tiêu ấy trong hoàn cảnh trăm nghìn khó khăn như Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đối đầu ở giai đoạn trước đây.
Thứ tư, trong hệ thống luật pháp của Việt Nam hiện hành đều cho phép các cơ quan chức năng của Nhà nước tiếp thu những đóng góp chân tình, cởi mở và thẳng thắn của Nhân dân, đặc biệt là tôn trọng hiến kế của các nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Vậy thử hỏi, có bao nhiêu những người trong những “dòng nước kia” đóng góp tài năng, trí tuệ vào công cuộc ấy? Và tại sao khi đương chức, đương quyền, lúc họ còn trẻ, còn sung sức, còn nhiệt huyết lại không nêu ra những khúc mắc về tư tưởng. Phải chăng hội chứng “công thần” và khát khao nổi tiếng đang chi phối toàn bộ tâm can của họ.
Ở Việt Nam, chưa khi nào những đóng góp, những kiến nghị, nhất là của các nhân sĩ, trí thức, cán bộ, đảng viên không được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền trân trọng, xem xét. Gần đây nhất là dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân. Ngày 14/5, tại phiên họp Chính phủ đầu tiên sau khi Quốc hội kiện toàn nhân sự, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu: Từng thành viên Chính phủ phải gương mẫu, thực sự khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện. Điều này đã cho thấy sự tiến bộ, cởi mở, dân chủ của Đảng, Nhà nước ta.
Lịch sử đã chứng minh khát vọng về một dân tộc Việt Nam độc lập, thống nhất, phát triển cường thịnh, sánh vai với các cường quốc năm châu chưa bao giờ là lạc hậu và lỗi thời. Khát vọng đó được hun đúc từ những giá trị văn hóa hàng nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, được tôi luyện suốt chiều dài lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước, là sự kế thừa và tiếp nối công lao trời biển của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Thế nên, việc những “dòng nước ngược” cố tình tạo ra những “con sóng bạc đầu”, ngăn cản con đường hướng tới tương lai tươi sáng cũng chẳng có nhiều ý nghĩa, có chăng chỉ làm đẹp thêm một Việt Nam bất khuất, kiêu hãnh và luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, mục tiêu giải phóng con người khỏi áp bức, bất công mà thôi.
Phòng Giao dịch Lê Trọng Tấn
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Sở giao dịch