.
.

"Thế trận lòng dân" vững chắc trên địa bàn các Nhà máy của Công ty thủy điện Ialy

Chủ Nhật, 20/11/2022|20:32

Cùng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương trên địa bàn đứng chân, những năm qua Đảng ủy, lãnh đạo Công ty Thủy điện Ialy thường xuyên củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Công ty đã tham gia cùng các địa phương thực hiện chính sách an sinh xã hội, dân tộc và đặt công tác dân tộc trong mối quan hệ gắn bó với chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của cả nước.

(Đ/c Lê Văn Thuyết – Phó Bí thư Đảng ủy Công ty trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình bà Sui Phyiu ở làng Dôch 2, Iakreng, Chư Păh, Gia Lai).
Đ/c Lê Văn Thuyết – Phó Bí thư Đảng ủy Công ty trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình bà Sui Phyiu ở làng Dôch 2, Iakreng, Chư Păh, Gia Lai.

Công ty Thủy điện Ialy quản lý vận hành 03 nhà máy, địa bàn từ nam Kon Tum đến bắc Gia Lai, vị trí địa lý của các nhà máy đứng chân xa nhau, địa hình dốc, hiểm trở, nằm ở vùng sâu, vùng xa, là nơi địa bàn dân tộc thiểu số sinh sống cùng với những bất ổn về an ninh, chính trị trên địa bàn Tây Nguyên trong thời gian qua là thách thức đối với Công ty. Tuy nhiên, CBCNV Công ty đã đảm bảo vận hành an toàn các nhà máy để cung cấp điện liên tục cho Hệ thống điện Quốc gia. Thành quả này có sự đóng góp, hỗ trợ từ phía các cấp chính quyền địa phương và những người dân sống trong vành đai của các Nhà máy.

Tây Nguyên có 54 dân tộc cùng sinh sống, dân số khoảng hơn 5,7 triệu người, trong đó đồng bào các DTTS chiếm 33%. Các cộng đồng DTTS ở Tây Nguyên chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện KT-XH gặp nhiều khó khăn...

Thế nên các thế lực phản động dùng nhiều thủ đoạn tinh vi mua chuộc, lôi kéo đồng bào. Bằng các chiêu trò bôi nhọ, kích động, các phần tử xấu hướng vào kích động mâu thuẫn giữa đồng bào DTTS với người Kinh, giữa đồng bào với chính quyền. Chúng tung “hỏa mù” rằng, Đảng giờ đã xa dân, Trung ương chỉ chăm lo đến người Kinh, mà quên đi công lao của đồng bào Tây Nguyên trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Các thế lực thù địch, phản động ra sức chống phá bằng nhiều thủ đoạn nham hiểm, thâm độc, chúng dùng kế lừa mị dân, kích động đồng bào DTTS tụ tập, gây rối,...cũng không quên phủ nhận việc thủy điện đem lại điện năng cho vùng và cho quốc gia, góp phần điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, phục vụ thủy lợi cho vùng dự án và vùng hạ lưu, phát triển điện, đường, trường, trạm, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện môi trường và tạo việc làm cho con em là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Mà chúng chỉ tập trung vào các luận điệu xuyên tạc, hoặc tô hồng thêm sự vật, hiện tượng như có điện thì mất rừng, vì xây thủy điện mới gây nên động đất, đồng bào dân tộc ở Tây nguyên, nơi có các Nhà máy thủy điện sẽ bị lũ quét, sạt lở, môi trường sống bị thay đổi, động đất, ô nhiễm...

Chính điều đó, tạo ra sự lệch chuẩn nghiêm trọng nhận thức của bà con đồng bào DTTS, nhen nhóm những ngọn lửa kích động chống phá chính quyền.

Trong khi đó công tác vận động quần chúng nhìn chung vẫn chưa được các cấp quan tâm đúng mức; nhiều nơi còn phó thác cho cán bộ cơ sở, bỏ ngỏ trận địa tư tưởng. Bởi thế, khi tình huống xảy ra, nhiều cán bộ ở các cấp gặp không ít lúng túng trong xử lý. Việc quan tâm, theo dõi, làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết đơn thư, khiếu nại; nhất là đôn đốc chỉ đạo xử lý vấn đề bức xúc trong đồng bào dân tộc còn chậm, thiếu dứt điểm, một số vụ việc còn để tồn đọng, kiến nghị vượt cấp, việc triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở hạn chế, tình hình an ninh nông thôn nói chung và trong vùng dân tộc nói riêng còn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp...

Những năm qua, việc triển khai các chính sách về giao đất, giao rừng, khoán sản phẩm, khiến nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa đồng bào với cán bộ cơ sở, giữa người DTTS với người Kinh, giữa nhân dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã... nhưng chưa được giải quyết triệt để đã hình thành điểm nóng trong cộng đồng. Đất đai và tài nguyên rừng là những tư liệu sản xuất, nguồn sống đã gắn bó thiết yếu với đồng bào các DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên. Thiếu đất sản xuất và nguồn sống từ rừng, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của đồng bào, do vậy sẽ có tác động trực tiếp đến tình hình an ninh nông thôn vùng DTTS ở Tây Nguyên, là nhân tố gây mất đoàn kết giữa các dân tộc.

Trong những năm qua, hệ thống nhà máy thủy điện trên Tây Nguyên cũng đã tác động mạnh mẽ đến sinh kế người dân tái định cư. Trước đây đất canh tác của họ gồm đất rẫy, đất ruộng nước nằm dưới thấp, ven sông suối, có độ ẩm, màu mỡ cao và ổn định. Sau khi tái định cư cũng có nhiều bất cập như đất điền bù không đúng chủng loại, xấu hơn đất bị mất, do đó người dân không tiến hành sản xuất được, hoặc được thì năng suất không cao, sau khi được đền bù người dân sử dụng tiền đền bù không đúng mục đích là dùng để sản xuất mà mua sắm vật dụng trong nhà. Nên sau đó họ rơi vào thất nghiệp, đói nghèo, họ phải vào rừng, chặt phá rừng làm nương rẫy gây mất rừng tiếp. Nếu không có giải quyết hữu hiệu ngăn chặn tình trạng này, rất dễ tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.

 Các công trình thủy điện được xây dựng trên địa bàn Tây Nguyên cũng có phần làm phai nhạt bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Một số khu tái định canh và định cư được xây dựng, nhưng chưa phù hợp với phong tục tập quán và thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, nên người dân còn gặp khó khăn trong việc ổn định đời sống.

Mặt khác, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS Tây Nguyên vẫn còn những hạn chế nhất định cả trong nhận thức và hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chính những hạn chế chủ quan này của cán bộ cùng với sự tác động của cơ chế thị trường khiến diện mạo của một số buôn, làng còn rất ít bóng dáng của nhà rông, các bản sắc văn hóa độc đáo và vốn quý có nguy cơ ngày càng mai một... Tất cả những hiện tượng đó làm mất dần bản sắc văn hóa tộc người, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng khối đoàn kết các DTTS ở Tây Nguyên.

Thực trạng đó đặt ra việc xây dựng “thế trận lòng dân” trong đồng bào DTTS nói chung và nơi các nhà máy của Công ty đứng chân là vấn đề cấp bách. Vì đây chính là khơi dậy, quy tụ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận và ý chí quyết tâm cao của các dân tộc, chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng giàu mạnh. Muốn vậy cần phải triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều chủ trương, giải pháp giúp đồng bào DTTS sáng cái đầu, ưng cái bụng...

Ý thức được việc này trong các năm qua Công ty Thủy điện Ialy đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến bà con nhân dân sống xung quanh khu vực lòng hồ, hạ du các công trình Thủy điện do Công ty quản lý những kiến thức cần thiết về các Nghị định quản lý, khai thác, bảo vệ hành lang hồ chứa và nguồn nước để mọi người thấu hiểu, chung tay bảo vệ Hồ chứa. Tuyên truyền vận động người dân không để lửa cháy lan gây mất an toàn cho các công trình điện khi đốt nương làm rẫy, động viên đồng bào tích cực tham gia công tác bảo vệ ANCT-TTATXH, đảm bảo an toàn vận hành và công tác PCCN cho 3 nhà máy thủy điện của Công ty.

Công tác tuyên truyền của Công ty có nhiều hình thức phong phú, đa dạng như gặp mặt, ghi nhận và biểu dương những đóng góp của các già làng, trưởng thôn trong việc phối hợp cùng công ty bảo vệ các nhà máy; phối hợp với chính quyền xã tổ chức tuyên truyền bảo vệ hành lang hồ chứa, vùng bán ngập công trình thủy điện; trực tiếp đến tận nhà dân, trực tiếp nghe dân nói và nói cho dân nghe, trực tiếp làm để dân tin, trình chiếu các clip, hình ảnh có lồng ghép các nội dung cần thiết nhằm giúp bà con có cái nhìn trực quan về các nội dung được cô đọng từ Nghị định 112/2008/NĐ-CP, Nghị định 43/2015/NĐ-CP của Chính phủ, hướng dẫn bà con sử dụng điện an toàn, phòng tránh các tai nạn về điện và cháy nổ do điện gây ra.

Và một trong những hình thức mà lâu nay Công ty áp dụng có hiệu quả đó là tuyên truyền miệng, được coi là hình thức quan trọng trong giáo dục, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.. như tuyên truyền bảo vệ hành lang hồ chứa, vùng bán ngập công trình thủy điện…. Cách tuyên truyền này phù hợp với địa bàn có đông đồng bào DTTS như ở Tây Nguyên

Thực tế cho thấy, trên địa bàn Tây Nguyên, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào DTTS, công tác tuyên truyền miệng được coi là phương pháp quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây chính là kênh giao tiếp hữu hiệu để tạo nên các mối quan hệ đồng thuận trong xã hội. Như chúng ta đã biết, tỷ lệ không biết chữ trong đồng bào DTTS khá cao, mặt bằng dân trí thấp, nên hình thức tuyên truyền miệng là cách đáp ứng nhanh nhạy các yêu cầu thông tin, các vấn đề nóng, nhạy cảm mà những hình thức khác khó có thể thực hiện ngay được. Nếu người đi tuyên truyền hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào các DTTS thì sẽ rất thuận lợi, nói dân nghe, làm dân tin.

Công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền miệng nói riêng đối với đồng bào các DTTS được các địa phương quan tâm thực hiện theo phương châm: “Làm nhiều hơn nói, hiệu quả thiết thực; nói đúng điều đồng bào cần nghe, không nói suông, hứa suông”. Sau ca trực những nhân viên Phòng bảo vệ Công ty Thủy điện Ialy đã dành nhiều thời gian để đến với các buôn làng nơi các nhà máy đứng chân. Tuyên truyền, vận động từng hộ dân không để lửa cháy lan gây mất an toàn các công trình điện khi đốt nương làm rẫy; động viên đồng bào tích cực tham gia công tác bảo vệ ANCT-TTATXH, đảm bảo an toàn vận hành và công tác PCCN cho 3 nhà máy thủy điện của Công ty. Các nội dung không được làm nhà, xây dựng công trình trong phạm vi hành lang lưới điện 500 kV, hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện; khi đốt rẫy làm nương và khi sử dụng điện phải theo quy định an toàn-PCCC, đã được chính quyền địa phương và người dân ghi nhận.

Như ở làng Mun thuộc xã Iamơnông, Chư Păh, Gia Lai có nhiều hộ đồng bào người Jơ-Rai có ruộng nương nằm sát tuyến đường dây 6,3 kV, 500 kV, Trạm 500 kV của Công ty. Xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh KonTum trước đây là những địa bàn trọng điểm phức tạp về công tác bảo vệ, PCCN và an ninh trật tự. Với đặc điểm là các xã có nhiều anh em các dân tộc cùng nhau chung sống, đa ngôn ngữ, nhiều phong tục tập quán còn lạc hậu…nay đã đoàn kết, chung tay xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, không có các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có cả những qui định bảo vệ lòng hồ, không đốt nương làm rẫy gây mất an toàn cho lưới điện.

Hơn 20 năm năm qua, bên cạnh công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ các nhà máy, lãnh đạo Công ty thường xuyên quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ thiết thực cho bà con trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống như ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa… xây dựng mới, sửa chữa nhà tình thương, ủng hộ con giống, cây trồng cho bà con... Nhờ sự giúp đỡ này mà một số gia đình từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, cuộc sống ngày càng ổn định. Chính vì lời nói đi đôi với làm, làm đến nơi đến chốn thì dân mới tin nên Công ty đã nhận được sự ủng hộ không chỉ ở các ban, ngành của địa phương mà còn từ phía người dân. Tình trạng chặt phá rừng, đốt nương rẫy gây cháy lan trên diện rộng, xâm nhập trái phép vào khu vực Công ty quản lý để đào bới sắt thép, phế liệu... đã giảm hẳn.

Có thể nói, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoạt động tuyên truyền miệng giúp đồng bào tại các địa phương nơi đứng chân của 3 nhà máy đã từng bước nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất tư tưởng, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận xã hội; nắm bắt kịp thời tư tưởng, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người dân; đưa thông tin định hướng của Đảng đến với người dân và giữ vững niềm tin của người dân với Đảng. 

Việc phải làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS để vươn lên thoát nghèo bền vững là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, các cấp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội của các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và nơi các nhà máy đóng chân nói riêng đã phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm và tự lực vươn lên thoát nghèo gắn với việc xây dựng, nhân rộng những mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. 

Trong các năm qua, Công ty Thủy điện Ialy đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, phát lên lưới điện Quốc gia một sản lượng điện lớn, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội đất nước, nộp các khoản thuế lớn về cho tỉnh Kon Tum, Gialai để góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương.

Công ty cũng đã tích cực tham gia và thực hiện tốt các phong trào an sinh xã hội như tặng nhà tình thương cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, có công với cách mạng trên địa bàn nhà máy đứng chân để họ yên tâm ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo, tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã trao 32 ngôi nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, gia đình chính sách, có công tại địa phương. Hàng năm công ty cũng tổ chức tốt các chương trình tặng quà cho gia đình chính sách, các hộ nghèo tại các xã IamơNông, IaKreng, Ia phí huyện ChưPah tỉnh Gia lai; Xã Hơ Moong, Sa Bình của huyện Sa Thầy, xã Kroong tỉnh KonTum.

Thực tế cho thấy đồng bào người Ba Na, Rơ Ngao, Jarai ở các làng tái định cư sinh sống quanh bờ hồ thủy điện Ialy thuộc huyện Chư Pảh (tỉnh Gia Lai) và huyện Sa Thầy (tỉnh KonTum) đã được đảm bảo về nhà cửa, đất vườn, hàng rào, điện sinh hoạt, giếng nước, đường giao thông và các công trình phúc lợi công cộng như trường học, trạm xá, nhà rông, trụ sở. Đây là mô hình đền bù, di dân, tái định cư của các dự án nhà máy thủy điện Ialy.

Chính những cách làm sáng tạo, thiết thực và nhân văn này đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và xây “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Thành công của cuộc vận động chính là các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên đã xác định rõ nguyên nhân đói nghèo, lạc hậu, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con bằng những bước đi, cách làm phù hợp. Công ty thủy điện Ialy cũng đã và đang quan tâm hỗ trợ, bà con có điều kiện ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với địa phương, giữa đồng bào các dân tộc với CBCNV của Công ty, tuyên truyền cho nhân dân địa phương hiểu được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước để phát triển toàn diện kinh tế, xã hội địa phương; tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ nghèo của địa phương về vật chất, tinh thần để vươn lên xóa đói, giảm nghèo; đảm bảo công tác an ninh, quốc phòng, bảo vệ và bảo đảm an toàn đời sống cho nhân dân trong khu vực và tài sản của Công ty Thủy điện Ialy. 

Thực tế cho thấy, những năm qua, công tác dân vận vùng đồng bào DTTS đã có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, có 118 chương trình, chính sách đang được triển khai thực hiện ở vùng DTTS và miền núi. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của CTDV ở vùng đồng bào DTTS được nâng cao, hoạt động dân vận hướng mạnh về cơ sở, đạt hiệu quả thiết thực.

Trong những năm qua, nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên và ở các khu vực  nhà máy của Công ty đứng chân đã có bước phát triển. Tuy nhiên, đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn những khó khăn, bất cập. Vì vậy, tăng cường công tác dân vận, chăm lo an dân, gắn kết nghĩa tình các DTTS trên địa bàn Tây Nguyên là nội dung cốt lõi để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều cách làm sáng tạo được triển khai tích cực, đồng bộ theo phân cấp và “đơm hoa, kết trái” từ thực tiễn sinh động. Trong đó, mô hình gắn kết hộ giữa cán bộ với đồng bào DTTS, kết nghĩa giữa các cơ quan, ban, ngành, LLVT, tổ chức chính trị-xã hội với các buôn, làng, địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, hoặc vùng trọng điểm về quốc phòng, an ninh... đã khẳng định tính hiệu quả và mang đậm giá trị nhân văn cao cả. Nhờ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS được đầu tư từng bước đồng bộ; công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tích cực (hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2-3%); y tế, văn hóa, giáo dục ở vùng DTTS ngày càng phát triển; niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước được củng cố, nâng cao...

Để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trong những năm tới, Công ty Thủy điện Ialy tiếp tục đồng hành với chính quyền địa phương nơi các nhà máy đóng chân trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trên địa bàn Tây Nguyên./.

Phan Văn Hùng - Công ty Thủy điện Ialy

 

.
.
.
.