.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2022:

CÔNG TÁC DÂN VẬN VỚI VIỆC BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Chủ Nhật, 20/11/2022|14:13

Ở Việt Nam, dân vận gắn liền với truyền thống, niềm tin và lòng tự hào, làm nên sức mạnh lớn lao của dân tộc. Trong suốt quá trình hoạt động, Đảng và nhà nước ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt. Ngay từ những ngày đầu thành lập, suốt quá trình chiến tranh đến khi đất nước hòa bình, công tác dân vận luôn được coi là yếu tố quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, dân vận luôn luôn đồng hành và có vai trò đặc biệt trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Phương cách dân vận của Bác

Trong bài đăng ngày 15/10/1949 dưới bút danh X.Y.Z đăng trên Báo Sự thật, số 120, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”.

Có hiểu đúng về dân vận mới có thể có những hoạt động hiệu quả cho tương lai. Trong chiến tranh, dân vận là hoạt động quan trọng đóng góp vào chiến thắng của Việt Nam. Theo Bác, dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Nhờ hiểu đúng về dân vận, Đảng ta đã vận dụng đúng, hiệu quả đưa ra những chủ trương hợp ý Đảng, lòng dân. Dân vận bao gồm hai việc: Giải thích cho người dân và động viên, tổ chức để dân thực hiện. Giải thích cho người dân rõ ràng, giúp người dân hiểu được, đó là những việc có lợi ích cho chính người dân, là nhiệm vụ của người dân cần phải làm bằng được. Còn việc động viên, tổ chức để người dân thực hiện phải bắt đầu từ việc bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân xây dựng kế hoạch trước khi triển khai. Điều quan trọng nữa là trong lúc triển khai, thực hiện các kế hoạch, cần phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc để người dân được động viên kịp thời, đúng lúc. Và khi hoàn thành các kế hoạch, người làm công tác dân vận còn phải cùng với dân kiểm tra, tổng kết lại công việc, rút kinh nghiệm, có những hình thức khen thưởng, phê bình thật xứng đáng.

Công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng, đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc và có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Đảng gắn bó với nhân dân và nhân dân là cội nguồn sức mạnh và truyền thống tốt đẹp của Đảng. Trong mỗi giai đoạn lịch sử Việt Nam, việc vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng, luôn được Đảng ta chú trọng, quan tâm. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của Đảng thì công tác dân vận đã được vận dụng những phương thức khác nhau, nội dung, hình thức khác nhau, đảm bảo tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cũng trong bài báo “Dân vận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc đến nội dung “Ai phụ trách dân vận?” “Dân vận phải thế nào?”, đây là những nội dung quan trọng mang hơi thở của thời đại. Cho đến nay, phương cách dân vận của Bác vẫn còn nguyên giá trị, người làm dân vận vẫn dùng làm kim chỉ nam cho hành động. Với Bác, người phụ trách dân vận cần phải vận dụng mọi suy nghĩ, giác quan, để có những hành động chuẩn mực, hiệu quả chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Và điều quan trọng là “dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Dân vận là vũ khí để đấu tranh 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức, tạo nên vị thế và cơ đồ đất nước ngày nay - đó là một sự thật không thể phủ nhận. Dẫu vậy, các thế lực phản động, thù địch chính trị vẫn không ngừng mọi thủ đoạn chống phá, chống phá tận gốc về tư tưởng chính trị, xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử. Chúng bóp méo sự thật lịch sử, nhằm làm bất ổn chính trị, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và cuộc sống bình yên của nhân dân. Chính vì vây, chỉ có thể bằng cái nhìn khách quan, bằng các tư liệu lịch sử chính thống và bằng tiếng nói của lương tri, chúng ta mới có thể đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, những hành động đi ngược lại với lợi ích của quốc gia - dân tộc và các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Việc đấu tranh với những luận điệu sai trái đó là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, không chỉ để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, mà còn là bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Thông qua công tác dân vận, Đảng ta đã cung cấp cho người dân những tri thức về chính trị, về đường lối chính sách, chiến lược phát triển của một quốc gia trong từng giai đoạn đặc thù. Khi mỗi người dân đều hiểu gốc gác dân tộc mình, biết được tường tận chủ trương, đường lối của Đảng, họ sẽ không bị các thế lực lợi dụng. Việc mọi người dân nhận thức được việc tầm quan trọng của dân vận là cần thiết. Chính vì lẽ đó, “dân vận khéo” hay dân vận đúng chính là “vũ khí” để đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng đã nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận. Từ tháng 10/1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng, đấu tranh chống áp bức, bất công, bóc lột, đòi dân sinh, dân chủ ở khắp mọi nơi.

Để thực hiện cuộc Cách mạng tháng 8/1945, Đảng đã tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân, bao gồm cả nhân sĩ, trí thức, tư sản dân tộc và ngoại kiều, khơi dậy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành khí thế cách mạng sục sôi. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã khẳng định tính đúng đắn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên, là ngọn cờ đoàn kết, tập hợp đông đảo nhân dân, thắng lợi của chiến lược vận động quần chúng của Đảng.

Trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ, gian lao tiếp theo, các phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu như: “Bám đất, giữ làng”, “Một tấc không đi, một ly không dời”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… nhanh chóng được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, tạo thành sức mạnh to lớn cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Hàng chục nghìn dân công hướng ra tiền tuyến vận tải lương thực, thực phẩm, vũ khí phục vụ các chiến dịch, đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hậu phương thi đua với tiền tuyến, miền Bắc trở thành hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Công tác dân vận đã phát huy mạnh mẽ sức người, sức của, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ với tấm lòng son sắt thủy chung, không gì lay chuyển được. Đó là động lực to lớn của cả dân tộc, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Không dừng lại ở chiến thắng hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, công tác dân vận tiếp tục được thực thi, là biện pháp quan trọng mở rộng đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Với tinh thần tăng cường và đổi mới trong công tác dân vận, cả hệ thống chính trị đã hướng mạnh về cơ sở. Nhà nước tăng cường thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung liên quan đến công tác dân vận, thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.  

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Từ năm 2009, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động và là một trong những dấu ấn đổi mới công tác dân vận, trở thành trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước ngành Dân vận, được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng. 

Trong những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng phải chống chọi với căn bệnh Covid, công tác dân vận đã một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí của mình. Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”. Công tác “Dân vận khéo” của hệ thống chính trị gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực đã phát huy tốt các nguồn lực trong nhân dân, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển đất nước và phòng, chống dịch COVID-19.

Công tác dân vận đã được thể hiện qua việc tích cực vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền trong phòng, chống dịch COVID-19, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Cán bộ dân vận, mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội các cấp luôn bám sát cơ sở, địa bàn, nắm chắc tình hình các tầng lớp nhân dân, động viên, sẻ chia, kịp thời tham mưu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; xây dựng, tổ chức nhiều mô hình, hoạt động tình nguyện hỗ trợ người dân. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, các mô hình dân vận khéo như “Tổ an toàn COVID cộng đồng”, “Tổ tự quản của nhân dân”… được xây dựng, hoạt động hiệu quả đã góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch và giữ vững thành quả khi kiểm soát được dịch bệnh, là minh chứng sinh động về phát huy vai trò của nhân dân, nhân dân là chủ thể trong phòng, chống và chiến thắng dịch bệnh.

Công tác nắm bắt dư luận xã hội, tình hình nhân dân, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và công tác vận động nhân dân đã thường xuyên được tổ chức kịp thời. Việc chăm lo an sinh cho người dân, các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy vai trò nòng cốt của đoàn viên, hội viên trong vận động nhân dân liên quan đến công tác phòng chống dịch…

Đổi mới công tác Dận vận

Những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ngày nay đã mang đến nguồn thông tin càng phong phú. Người làm công tác dân vận đã trở thành chủ thể của quá trình xử lý thông tin. Với các thông tin được tiếp nhận từ nhiều nguồn khác nhau như: báo chí, truyền hình, Internet, sách, mạng xã hội... đòi hỏi công tác dân vận cũng phải cập nhật quá trình đổi mới. Nhưng người thực hiện quá trình đổi mới này không chỉ cung cấp thông tin một chiều mà còn phải lắng nghe và nhận đươc sự phản hồi từ những người tiếp nhận thông tin. Sự đồng bộ trong vận hành hệ thống, áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, giúp người nhận tiếp cận linh hoạt trong từng chương trình, chỉ đạo… sẽ phát huy cao nhất hiệu quả của công tác dân vận.

Dân vận cũng là khoa học và nghệ thuật xử lý hài hòa giữa nội dung thông tin có tính khái quát với rèn luyện phương pháp nắm thông tin cho người tiếp nhận. Việc kết nối dân vận với cuộc sống là rất cần thiết. Nhận thức luôn cần đến sự so sánh, đưa dân vận đến gần hơn với hiện tại và cũng giúp người tiếp nhận thấy được giá trị, tầm ảnh hưởng, sự tác động của dân vận với cuộc sống thực tại.

Công tác dân vận có tầm quan trọng như vậy trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhưng có vẻ nhiều người chưa thực sự quan tâm, chưa thực sự nhận thức đúng? Câu trả lời là sự liên quan đến việc tuyên truyền, phổ biến người dân đang quá cứng nhắc và đóng khung. Trên thực tế, có rất nhiều kênh để tuyên truyền hiệu quả, hấp dẫn hơn nhưng chúng ta chưa khai thác và ứng dụng. Thực tế là chúng ta đang thiếu những tuyên truyền viên có trình độ và được trang bị đầy đủ kiến thức, thông tin về công tác dân vận. 

Vì sao những trang mạng, những bài viết lá cải, các thông tin giật gân vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả. Phải chăng chúng được trình bày hấp dẫn, đa dạng các phương thức thể hiện. Không lẽ gì, tuyên truyền về dân vận của ta cứ quanh quẩn ở những nghị quyết, văn bản khô khan, khó nhớ? Thay vào đó, chúng ta có thể sử dụng các kênh truyền thông hiện đại để tuyên truyền. Người làm dân vận có thể dùng công nghệ hiện đại để mô phỏng các chủ trương chỉ đạo bằng nhiều hình thức và đưa lên tuyên truyền trên Youtube, Facebook, Tik Tok và nhiều trang mạng xã hội khác. Như vậy, hẳn người xem sẽ thích thú hơn, dễ tiếp thu hơn và hiểu tường tận về dân vận hơn. 

Có như vậy mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” mới trở thành hiện thực. Công tác dân vận không chỉ khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, mà còn giúp người dân tỉnh táo trước những âm mưu chống phá của kẻ thù, có trách nhiệm bảo vệ những thành quả cách mạng mà ông cha ta đã xây dựng.

Đào Bùi Kiều Linh, Ban Truyền thông và thương hiệu BIDV

Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

2. Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về ban hành “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”.

3. “Giới thiệu bài báo Dân vận” https://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-cuoc-thi/gioi-thieu-bai-bao-dan-van-542346.html

4. “Tiếp tục nâng chất công tác dân vận trong điều kiện mới” https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tiep-tuc-nang-chat-cong-tac-dan-van-trong-dieu-kien-moi-1491890068

5. “Công tác Dân vận của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Tự hào và trách nhiệm trên chặng đường mới” http://www.mod.gov.vn/

6. Bài “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Sự thật, số 120 ngày 15/10/1949. 

.
.
.
.