.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

Phát huy vai trò của phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng trong tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, văn hóa doanh nghiệp tại doanh nghiệp Nhà nước

Thứ Ba, 31/10/2023|21:28

Kỳ 1: Điểm tựa cho phong trào

Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã xác định nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong Đảng. Theo đó, hoạt động văn hoá quần chúng, với những đặc tính gần gũi, dễ hiểu, dễ làm... sẽ có tác dụng to lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến các giá trị văn hoá tốt đẹp, thực hiện vai trò "phò chính, trừ tà".

Tham luận của Đảng bộ Trụ sở chính Vietcombank với chủ đề LEAN FOR GROWTH tại Hội nghị sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Tham luận của Đảng bộ Trụ sở chính Vietcombank với chủ đề LEAN FOR GROWTH tại Hội nghị sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Vị trí và vai trò của văn hóa nghệ thuật quần chúng trong công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 

Trong kho tàng tư tưởng của Hồ Chí Minh, hệ thống quan điểm về văn hóa là viên ngọc sáng lấp lánh, có vị trí quan trọng, hàm chứa những giá trị to lớn đối với sự phát triển và nâng cao tầm vóc của nền văn hóa Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa đứng ngang hàng với các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa(Hồ Chí Minh: về văn hóa. Bảo Tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr.11). Quan trọng hơn nữa, Người đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa với các lĩnh vực khác. Văn hóa không thể đứng ngoài “mà phải ở trong kinh tế và chính trị” và ngược lại kinh tế, chính trị cũng nằm “trong văn hóa”. Đời sống xã hội được xây dựng, kết cấu đan cài từ bốn lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; trong đó, văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, là lĩnh vực thuộc về kiến trúc thượng tầng của xã hội. Mối quan hệ giữa mặt trận văn hóa và mặt trận kinh tế, chính trị. Văn hóa cũng là một mặt trận như kinh tế, chính trị, nhưng văn hóa phải do chính trị lãnh đạo và phải lấy kinh tế làm cơ sở. Điều này cũng chỉ rõ phương hướng rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, cách thức vận hành, tuyên truyền của những người làm công tác văn hóa văn nghệ nói chung, trong đó có ý nghĩa đặc biệt khi triển khai tại các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước nói riêng. Và với mô hình tại mỗi doanh nghiệp cũng cần được thiết kế với 4 cấu phần như vậy để đảm bảo sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị.

Hay như, trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về văn hóa nghệ thuật đã nhấn mạnh: “Văn hóa nghệ thuật và một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem vai trò, chức năng, nhiệm vụ của người làm văn hóa nghệ thuật là những chiến sĩ góp phần “phò chính, trừ tà” rất hiệu quả trong triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. 

Chủ trương của Đảng ta cũng đã khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đó, cần phải kể đến tác động to lớn của văn hóa nghệ thuật quần chúng đến sự phát triển văn hóa, con người, trong đó có những đóng góp không nhỏ của hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng trong các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước, mà tiêu biểu là hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng để tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của pháp luật và truyền thông về giá trị văn hóa, chiến lược hoạt động, bản sắc riêng của mỗi doanh nghiệp.  

Văn hóa, nghệ thuật là một mặt hoạt động của công tác xây dựng Đảng và chính trị, tư tưởng, góp phần xây dựng, phát triển nhân cách con người, xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp tốt đẹp, lành mạnh, góp phần trực tiếp và có hiệu quả củng cố vững chắc tư tưởng của Đảng trong doanh nghiệp nhà nước, nâng cao lập trường quan điểm, trình độ và bản lĩnh chính trị, trách nhiệm và ý thức đấu tranh, tạo được ổn định vững vàng trước mọi diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chống phá các xuyên tạc về chính trị, xã hội, sẵn sàng xông pha trong triển khai nhiệm vụ kinh doanh, đóng góp cho công cuộc đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Tiết mục biểu diễn ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2022.
Tiết mục biểu diễn ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2022.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong các doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước thông qua văn hóa doanh nghiệp

Văn hoá doanh nghiệp là những giá trị văn hoá được xây dựng và hình thành trong doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp sẽ được thể hiện thông qua hành vi, niềm tin, thái độ, cách thức xử lý công việc của nhân viên…Văn hoá doanh nghiệp sẽ được chỉnh sửa và phát triển theo thời gian. Tính cách, và năng lực của nhân viên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến văn hoá doanh nghiệp. Để góp phần hoàn thiện các nội dung này, việc tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng để tuyên truyền đóng vai trò như sức mạnh mềm để nhận diện tổ chức, tạo ra những đóng góp đáng kể cho phát triển văn hóa tổ chức. 

Thông qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng, đã khơi dậy những tình cảm mang giá trị nhân văn trong mỗi cán bộ nhân viên, cũng như là cầu nối để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, chủ trương chỉ đạo của ban lãnh đạo doanh nghiệp đến với các cán bộ nhân viên; góp phần định hướng, cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự hào khi đóng góp cho tổ chức, nâng cao ý chí vượt qua khó khăn, thử thách, tinh thần đổi mới sáng tạo; xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp tốt đẹp, lành mạnh, nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách của mỗi cán bộ đảng viên, quần chúng trong doanh nghiệp; góp phần xây dựng Doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng kinh doanh và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

Đời sống tinh thần của mỗi cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp rất phong phú, bao gồm cả hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng ca, múa, nhạc,... Những hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần của mỗi cán bộ mà còn tác động đến sự phát triển nhân cách, sự cân bằng và ổn định tâm hồn cán bộ, đảng viên, hướng đến những khát vọng cống hiến cho tổ chức, hiểu được những giá trị văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp. Điều đó được thể hiện trong xây dựng các hình thức nghệ thuật sân khấu hóa, lời ca, bài hát chủ đề được lựa chọn khi biểu diễn, hướng các cán bộ Đảng viên khỏi bản năng tầm thường, thấp hèn, cái xấu, cái tiêu cực khi triển khai công việc, để hướng đến những lí tưởng cao đẹp về tình yêu quê hương, đất nước, về những giá trị văn hóa của doanh nghiệp, tự hào về bản sắc, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của đơn vị công tác, của quê hương, của đất nước. Để thông qua những tác phẩm này, các cán bộ, đảng viên có thể cảm nhận được thông điệp mà Ban lãnh đạo của Tổ chức muốn truyền tải, chiến lược của doanh nghiệp, giải pháp cần thực hiện mục tiêu chiến lược đó. Các cán bộ đảng viên cũng sẽ cảm nhận được sự tự hào về sức mạnh của doanh nghiệp qua bao thế hệ đã xây dựng, khơi dậy khát vọng đồng lòng vì sự phát triển của tổ chức. 

Nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng tại doanh nghiệp đã góp phần khơi dậy tính tự giác cao, ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên tại doanh nghiệp, củng cố các mối quan hệ giữa Ban lãnh đạo và cấp dưới; đồng nghiệp trên nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Hay có thể thấy rằng, thông qua quá trình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quần chúng ở mỗi đơn vị, mà các mối quan hệ được tăng cường, đã liên kết các cán bộ đảng viên thành một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh tổng hợp và phát huy truyền thống đoàn kết. Với ý nghĩa như vậy nên việc củng cố, ủng hộ hoạt động văn hóa văn nghệ nói chung và biểu diễn nghệ thuật quần chúng nói riêng tại các Doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước được chú trọng bởi hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức tuyên truyền chủ nghĩa thực dụng, tuyên truyền xuyên tạc làm phương hại tới truyền thống văn hóa dân tộc, truyền thống cách mạng của nhân dân ta. Lối sống thực dụng được đề cao ở một bộ phận nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, là một trong nguyên nhân dẫn đến xem nhẹ những giá trị, chuẩn mực văn hóa đạo đức truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam như lòng nhân ái, hiếu nghĩa, thuỷ chung, vị tha, trọng nghĩa tình,... Điều này đã tác động đến môi trường làm việc của mỗi đơn vị, trong đó có những cán bộ là Đảng viên hay các đoàn viên trẻ. Do đó sử dụng hình thức tuyên truyền thông qua hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng một lần nữa, được xem có tính hiệu quả cao dễ thực hiện. 

Bên cạnh đó, nội dung và phương thức hoạt động văn hóa nghệ thuật trong doanh nghiệp cần có sự đổi mới toàn diện và có chiều sâu. Trong thực tế, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng tại các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước hiện chủ yếu các nội dung ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu thương… tuy vậy một khía cạnh khác cần sử dụng phương thức này như một công cụ hữu ích trong phổ biến nhiệm vụ kinh doanh, nhiệm vụ chính trị của chính doanh nghiệp đó khi sáng tác các ca khúc mới với cách đặt lời văn minh, tiếp cận hình thức âm nhạc phù hợp theo từng mục đích, dàn dựng phong cách trẻ trung nếu doanh nghiệp có lực lượng lao động trẻ…tất cả cách đổi mới như vậy có thể tạo hiệu ứng lan tỏa tốt đẹp vừa mang tính nghệ thuật chạm cảm xúc lại dễ dàng truyền thông tới cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp. Từ đó, họ biết tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với hoàn cảnh, môi trường doanh nghiệp. 

Một số vấn đề hiện nay mà doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước hạn chế hoặc chưa sử dụng triệt để, hiệu quả của công cụ biểu diễn nghệ thuật quần chúng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng đó là: Một là, với áp lực của các chỉ tiêu kinh doanh công cụ tuyên truyền này chưa được sử dụng đúng tầm. Doanh nghiệp sử dụng công cụ biểu diễn nghệ thuật quần chúng trong tuyên truyền văn hóa doanh nghiệp, bảo vệ nền tảng của Đảng, nhưng lại dùng nguồn lực thuê ngoài, đội ngũ chuyên nghiệp về biểu diễn. Điều này làm hạn chế tác dụng của công tác truyền thông. Hai là, nhiều đơn vị không coi đây là công cụ hữu ích trong truyền tải, nâng cao văn hóa doanh nghiệp. 

Việc quản lý hiệu quả hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại các doanh nghiệp tổng công ty nhà nước có thể sẽ góp phần tạo sức đề kháng cho các cán bộ, đảng viên trước các sản phẩm văn hóa độc hại, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội, sản phẩm văn hóa độc hại tác động đến đời sống của cán bộ. Một lần nữa có thể khẳng định, hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng tại các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục, xây dựng lối sống, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên triển khai nhiệm vụ kinh tế. Việc quản lý hiệu quả hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng còn biểu hiện ở việc tổ chức được những tác phẩm tốt, bồi dưỡng được đội ngũ diễn viên không chuyên, có năng lực thẩm mỹ, để từ đó là công cụ hữu hiệu ngăn chặn và khắc phục những hiện tượng tiêu cực của xã hội, văn hóa phẩm xấu độc ảnh hưởng tới các cán bộ.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng về vai trò của văn hóa nghệ thuật xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp tại Đảng bộ NHTMCP Ngoại Thương Việt Nam

Với 7 năm duy trì vị thế dẫn đầu là Ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam, lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh và nhận Bằng khen “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”, Vietcombank đã khẳng định trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ trong công tác chăm lo, đảm bảo, gia tăng quyền lợi, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động. Càng khẳng định Vietcombank coi trọng văn hóa doanh nghiệp song hành cùng 4 trụ cột về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa trong công cuộc kiến thiết đất nước.

Trong thời gian tới, Vietcombank vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những vấn đề toàn cầu như chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu, thiên tai. Kinh tế - xã hội nước ta tuy đã có những bước phát triển nhưng chưa thực sự bền vững. Sự phát triển của Vietcombank vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, nhất là sự vươn lên ngày càng mạnh mẽ của các ngân hàng thương mại cổ phần ngoài Nhà nước về quy mô vốn, thị phần, đặc biệt là mảng ngân hàng số. Trong bối cảnh đó, để xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Đảng và nhà nước đã giao phó, Vietcombank tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới, việc khơi dậy khát vọng, phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người để đưa Vietcombank phát triển ngày càng bền vững, đóng góp lớn cho sự thịnh vượng của đất nước là hết sức cần thiết và có ý nghĩa. 

Vì thế ngày 21/07/2021, Đảng ủy Vietcombank đã ban hành Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ Về khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Vietcombank. Trong đó xác định: (i) các giá trị truyền thống và văn hóa cốt lõi của Vietcombank là nền tảng; ý chí và khát vọng là động lực, là sức mạnh quý báu cho sự phát triển bền vững của Vietcombank; (ii) Con người là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất tạo nên sức mạnh nội sinh mang tính quyết định của Vietcombank; chăm lo phát triển yếu tố con người phải gắn với khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng; chú trọng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, giàu trí tuệ, giàu ý chí và khát vọng; (iii) Khơi dậy niềm tin, lòng tự hào, tinh thần sẵn sàng cống hiến, ý chí quyết tâm, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống là khâu đột phá có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển của Vietcombank; (iv) Việc khơi dậy khát vọng cống hiến, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người là nhiệm vụ và ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, Đảng viên, người lao động trong toàn hệ thống Vietcombank, trước hết là của người đứng đầu. Để triển khai tất cả các mục tiêu này, Đảng bộ Vietcombank đã sử dụng hiệu quả công cụ biểu diễn nghệ thuật quần chúng trong khơi dậy khát vọng con người Vietcombank, trong tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Ca khúc Tôi tự hào là tương lai Vietcombank.
Ca khúc Tôi tự hào là tương lai Vietcombank.

Năm 2023, Đảng ủy Vietcombank đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (01/4/1963 – 01/4/2023) và vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động do Đảng, Nhà nước trao tặng cho những thành tích, đóng góp ấn tượng của Vietcombank trong những năm qua. Nhân dịp này, Đảng ủy đã chỉ đạo triển khai, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa to lớn để “Lan tỏa tự hào - Khát khao cống hiến” và hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng trong các chương trình, do chính các cán bộ của Vietcombank tham gia đảm nhận đã lan tỏa sức mạnh, từ đó, tiếp tục khơi dậy niềm tự hào của đoàn viên, người lao động đối với thành tựu Vietcombank đạt được trong 60 năm qua, nuôi dưỡng khát vọng cống hiến, đổi mới sáng tạo của đảng viên, đoàn viên, người lao động, đặc biệt là lực lượng cán bộ trẻ đối với sự phát triển của Vietcombank.

Đảng ủy Vietcombank đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển Vietcombank đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 với những định hướng mang tính đột phá về mục tiêu chiến lược, chuyển hướng trọng tâm kinh doanh. Với tầm nhìn và sứ mệnh là trở thành Ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu có đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Việt Nam, Đảng bộ đã lãnh đạo ban hành chương trình hành động, hệ thống các giải pháp thực hiện, đạt được những thành tích quan trọng. Để đạt được những mục tiêu lớn này, rất cần phát huy giá trị con người Vietcombank trong đó công cụ biểu diễn nghệ thuật quần chúng có thể đóng góp với hình thức dễ thực hiện. 

Với đặc thù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, việc tính toán, cân đối lợi ích mang lại từ hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng hay nói cách khác đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được cân nhắc kỹ lưỡng, làm sao phải thực sự hiệu quả, tránh lãng phí nhưng lợi ích mang lại phải thực sự rõ ràng. 

Cách thức triển khai hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng tại Vietcombank: Nhận thấy tác dụng không nhỏ của các hình thức biểu diễn nghệ thuật quần chúng trong truyền thông nội bộ, Đảng ủy Vietcombank đã quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với hoạt động này. Việc này thể hiện đầu tiên khi quyết tâm tạo sân chơi cho các bộ, đảng viên, người lao động trong việc thành lập câu lạc bộ văn nghệ. Đầu tiên với hình thức này, sẽ quy tụ được các cán bộ, đảng viên, quần chúng có sở thích và có năng khiếu. Mỗi thành viên đến từ nhiều đơn vị khác nhau trong tổ chức, trước tiên khi sinh hoạt câu lạc bộ có thể trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn, nâng cao giá trị của sức mạnh tập thể. Khi tổ chức nhỏ này đủ lớn sẽ  tin tưởng và trao cơ hội biểu diễn, tuyên truyền. Với sự tin tưởng, đặt niềm tin lớn của Ban lãnh đạo, cùng “cương lĩnh hoạt động” rõ ràng vì sự phát triển bền vững của Vietcombank, các thành viên tham gia sẽ triển khai các sản phẩm biểu diễn theo yêu cầu của Ban lãnh đạo và phải đạt được những mục tiêu cụ thể (i) nội dung biểu diễn phù hợp với chủ đề của sự kiện được diễn ra; (ii) các cá nhân phát huy lợi thế của từng thành viên đóng góp trên nhiều hình thức biểu diễn ca, múa, đọc thơ, sản xuất âm nhạc…; (iii) truyền tải năng lượng tự hào, sẵn sàng cống hiến cho Vietcombank; (iv) phát huy truyền thông về tư tưởng của Hồ Chí Minh; chủ trương của Đảng; mục tiêu chiến lược kinh doanh của ngân hàng; (v) và quan trọng luôn đảm bảo tính truyền thông cân bằng với tính giải trí, không rời xa văn hóa nghệ thuật của xã hội, bắt kịp xu thế của hội nhập, duy trì bản sắc dân tộc. Chính vì những mục tiêu rõ ràng như vậy, hoạt động biểu diễn văn nghệ quần chúng tại Vietcombank đã thực sự để lại kết quả ấn tượng…

Tại các cuộc thi lớn của ngân hàng hay của các chi nhánh, sự sáng tạo trong cách thức triển khai luôn đem lại không khí hân hoan, phấn đấu trong toàn đảng bộ. Việc triển khai từng nghị quyết của Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương, nghị quyết của Bộ chính trị đều có thể được vận dụng linh hoạt, sáng tạo qua các hình thức sân khấu hóa, tạo sân chơi trong tuyền truyền, triển khai các nghị quyết lớn của Đảng. Các cấp ủy Đảng đã có nhiều đổi mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết về Khơi dậy khát vọng cống hiến của Con người Vietcombank. Tiêu biểu như Đảng ủy Sở giao dịch Vietcombank đã tổ chức thành công cuộc thi “Khơi dậy khát vọng phát triển Vietcombank Sở giao dịch” với sự tham gia của 15 đội thi đến từ 15 chi bộ trực thuộc thông qua hình thức sân khấu hóa. Qua cuộc thi, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó nội bộ, hình thành và bồi đắp động lực, ý chí khát khao cống hiến, khát vọng vươn lên, cùng nhau vượt qua mọi thách thức, hướng đến phát triển bền vững của cán bộ đảng viên. 

Đảng ủy Trụ sở chính cũng đã truyền tải tinh thần và các nội dung của Nghị quyết khơi dậy khát vọng con người Vietcombank thông qua các chương trình văn nghệ, sân khấu hóa trong nhiều chương trình, sự kiện của Vietcombank. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022, Đảng ủy Trụ sở chính đã chủ động chỉ đạo nội dung trình bày tham luận với chủ đề “Lean for Growth” với mục tiêu tinh gọn quy trình để vận hành doanh nghiệp bằng hình thức sân khấu hóa, thể hiện sự đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, tăng tính hấp dẫn và hiệu quả truyền thông trong toàn hệ thống. Tiết mục được tuyên truyền về cách thức, thái độ làm việc, khơi dậy giá trị con người của Vietcombank, sự kết hợp văn hóa của Vietcombank với những lý thuyết trong quản trị doanh nghiệp, nhưng lại tạo được sức hội nhập khi sử dụng âm nhạc quốc tế. Tiết mục đã thực sự để lại ấn tượng đến người tham dự hội nghị. 

Một số giải pháp để phát huy nghệ thuật quần chúng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Từ những nhận định về vị trí, vai trò, cách thức vận dụng như đã nêu ở trên, có thể khẳng định một lần nữa để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cần phải kể đến tác động to lớn của biểu diễn nghệ thuật quần chúng đến sự phát triển văn hóa, con người của doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước, cách thức hiệu quả để tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của pháp luật và truyền thông về giá trị văn hóa, chiến lược hoạt động, bản sắc riêng của mỗi doanh nghiệp, tuyên truyền để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vậy trong thời gian tới cần các giải pháp như thế nào để phát huy được tác dụng của công cụ biểu diễn nghệ thuật quần chúng trong doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước? Một số giải pháp tác giả xin phép được đề xuất như sau:

Một là, cần sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy cơ quan, tâm huyết của người đứng đầu. Chỉ đạo các Đảng viên có tài năng, năng khiếu trong triển khai, xây dựng biểu diễn nghệ thuật quần chúng, cụ thể hóa hình thức thể hiện trong quá trình quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa các quan điểm nghị quyết của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nhất là Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt quán triệt và triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, là “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn phát huy giá trị văn hóa sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hội nhập quốc tế”. Quan tâm chỉ đạo đổi mới phương thức tuyên truyền triển khai văn hóa của doanh nghiệp. 

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên có năng khiếu trong biểu diễn nghệ thuật quần chúng, đổi mới về hình thức thực hiện, xây dựng phương thức hoạt động, nội dung hoạt động luôn gắn với mục tiêu của mỗi chương trình, xây dựng chương trình biểu diễn phải xuyên suốt nội dung của sự kiện được diễn ra. Các mục tiêu cần đồng nhất từ tiết mục biểu diễn đến nội dung văn kiện của hội nghị…Trường hợp nếu thuê ngoài các dịch vụ biểu diễn cần có nhiều cách thức để trao đổi, yêu cầu nội dung của tiết mục, chương trình phải gắn với chủ đề mục tiêu của chính hội nghị đó. 

Ba là, phát triển các trang mạng xã hội (Facbook, Youtube…) để truyền thông đăng tải các hoạt động, tạo dấu ấn lan tỏa, đồng thời đây cũng là một kênh để nắm bắt dư luận xã hội. 

Bốn là, tổ chức các cuộc vận động sáng tác các ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ trong công cuộc đổi mới, về tổ chức mà cán bộ đang làm việc. Hoặc mua bản quyền âm nhạc, xây dựng/đặt lời bài hát theo hướng thuần Việt…

Nhóm tác giả: Nguyễn Gia Nghĩa - Lê Thị Kiều Trang - Phạm Thị Hà Vân - Nguyễn Văn Huy - Nguyễn Thế Long, Văn phòng Đảng ủy Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

.
.
.
.