.
.

Nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Thứ Hai, 15/06/2015|12:03

Ngày 10/6/2015, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với các ngân hàng thương mại nhà nước trong Khối về tình hình triển khai thực hiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng chí Nguyễn Quang Dương - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Quang Dương - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì buổi làm việc với các ngân hàng thương mại nhà nước trong Khối về tình hình triển khai thực hiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng
Đồng chí Nguyễn Quang Dương - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì buổi làm việc với các ngân hàng thương mại nhà nước trong Khối về tình hình triển khai thực hiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng

Trong năm 2014, Đảng ủy Khối đã ban hành nhiều chỉ thị, kết luận và quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối, nhờ đó đã tạo ra bước chuyển biến mạnh về nhận thức cũng như kết quả tái cơ cấu, trong đó có công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước trong Khối.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo 4 ngân hàng thương mại: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, theo Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và xuất phát từ thực tế hoạt động, các ngân hàng thương mại đã rà soát từng khách hàng, từng khoản nợ và xây dựng phương án xử lý nợ xấu giai đoạn 2013-2015 trình Ngân hàng Nhà nước. Hiện phương án xử lý nợ xấu của các ngân hàng đều đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trong quá trình xây dựng và triển khai phương án xử lý nợ xấu, các ngân hàng luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước từng thời kỳ.

Theo báo cáo của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, tình hình nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu tính đến 31/3/2015 luôn được kiểm soát ở mức trên 3%. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên và ban điều hành các ngân hàng thương mại nhà nước trong Khối đã chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu như: tăng cường nhân lực cho công tác tín dụng, xử lý nợ xấu; đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ; tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; tiếp tục cơ cấu lại nợ; hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm; thu nợ và xử lý tài sản bảo đảm; hoán đổi nợ thành vốn; bán nợ xấu cho Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thuộc Bộ Tài chính và bán nợ cho VAMC; hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai,...

Thảo luận tại buổi làm việc, các ngân hàng đều cho rằng: Thời gian qua cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó xử lý dứt điểm do khuôn khổ pháp lý của nước ta chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng, bất động sản vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, lượng hàng tồn kho còn nhiều, chưa tiêu thụ được nên doanh nghiệp không có khả năng trả nợ ngân hàng. Những biện pháp được các ngân hàng thực hiện để thu hồi nợ chủ yếu là thanh lý tài sản đảm bảo hoặc khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu hồi nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo gặp không ít khó khăn, mất nhiều thời gian và thủ tục, giá trị thu hồi thấp.

Ngoài ra, một số tài sản đảm bảo có tình trạng pháp lý chưa đầy đủ, đặc biệt là những tài sản đảm bảo được hình thành trong tương lai và sẽ gây rủi ro lớn cho ngân hàng khi tiến hành phát mại; nhiều khách hàng không hợp tác với ngân hàng trong việc xử lý tài sản để trả nợ, cố tình chây ì, cố tình kéo dài thời gian trả nợ, thời gian bàn giao tài sản; sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành trong việc xử lý tài sản để thu hồi nợ ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế,…

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc này cho các tổ chức tín dụng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Ngọc Bảo chỉ rõ, xử lý nợ xấu cần phải có một chế tài, quy định riêng. Muốn xử lý nợ xấu nhanh, dứt điểm và hiệu quả không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của riêng ngành ngân hàng mà còn cần sự tham gia tích cực của các ban, đơn vị có liên quan.

Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo yêu cầu Vụ Kinh tế tổng hợp cùng nhóm biên tập Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối DNTW tiếp tục làm việc với các ngân hàng để hoàn thiện Báo cáo và tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các ngân hàng trong Khối để trình Bộ chính trị, Ban Bí thư, NHNN và các Bộ, ngành liên quan xem xét, sớm ban hành các giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng, cũng như các văn bản hướng dẫn cơ chế xử lý tài sản để thu hồi nợ trong trường hợp việc xử lý tài sản không thu hồi đủ khoản nợ đã bán và có cải cách tư pháp nhằm rút ngắn quy trình tố tụng, giúp các ngân hàng thu hồi nợ vay, giảm nợ xấu.

Lan Hương

.
.
.
.