.
.

Hội thảo góp ý vào nội dung sửa đổi, bổ sung Quy định 196-QĐ/TW, Quyết định 197-QĐ/TW của Ban Bí thư

Thứ Sáu, 24/12/2021|14:59

Ngày 23/12, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội thảo góp ý vào nội dung sửa đổi, bổ sung Quy định số 196-QĐ/TW, ngày 24/11/2008 của Ban Bí thư về tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước và Quyết định số 197-QĐ/TW, ngày 24/11/2008 của Ban Bí thư về Quy chế phối hợp công tác giữa các đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với cấp ủy địa phương.

đồng chí Nguyễn Quang Dương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo đề án  phát biểu khai mạc Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Quang Dương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo đề án phát biểu khai mạc Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Quang Dương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo đề án và đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đề án.

Tham dự Hội nghị, có đồng chí Hồ Sỹ Hùng, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy viên Ban Chỉ đạo đề án; đồng chí Nguyễn Đức Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo đề án; đồng chí Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng vụ V, Ban Tổ chức Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập đề án; đồng chí Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Tổ phó Tổ Biên tập Đề án cùng các đồng chí thành viên Tổ biên tập Đề án 196, 197; đại diện thường trực các đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối, lãnh đạo cơ quan tham mưu giúp cấp ủy về công tác tổ chức.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Quang Dương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo đề án nhấn mạnh: Trung ương rất quan tâm tới việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, chú trọng phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nhà nước. Chính vì vậy, ngay sau khi thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2007, cùng với quá trình chuyển giao tiếp nhận tổ chức đảng, Ban Bí thư đã ban hành Quy định 196-QĐ/TW, ngày 24/11/2008 về tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Từ việc xác lập mô hình, điều kiện thành lập, thẩm quyền quyết định thành lập, đến quy định cấp bộ đảng cho mô hình tổ chức đảng trong các doanh nghiệp. Còn Quyết định số 197-QĐ/TW, ngày 24/11/2008 về Quy chế phối hợp công tác giữa các đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với cấp ủy địa phương. Quy chế về mối quan hệ, phối hợp giữa cấp ủy trong các doanh nghiệp với các cấp ủy địa phương nơi doanh nghiệp đứng chân. Như vậy, cả Quy định 196-QĐ/TW và Quyết định số 197-QĐ/TW này nhằm xác lập các mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp cũng như các mối quan hệ phối hợp làm sao phát huy tốt nhất chức năng nhiệm vụ, vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

Đến nay, việc thực hiện Quy định 196-QĐ/TW và Quyết định số 197-QĐ/TW đã đạt được nhiều kết quả tốt mà các hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp đã góp phần rất quan trọng vào phát triển các doanh nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội, cũng như xây dựng đảng nói chung. Tuy nhiên, qua 13 năm triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa phù hợp, vì vậy Ban Bí thư chủ trương tổng kết nghiên cứu, đề xuất những điều sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Ban Chỉ đạo đề án, tổ biên tập đã xây dựng 02 đề án sửa đổi, bổ sung Quy định 196-QĐ/TW và Quyết định số 197-QĐ/TW dựa trên kết quả tổng kết của các cấp ủy tổ chức đảng cả nước, Khối Doanh nghiệp Trung ương và sẽ trình Ban Bí thư vào đầu tháng 1/2022.

Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo đề án Nguyễn Quang Dương đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo góp ý trực tiếp, chi tiết vào dự thảo nội dung tờ trình Ban Bí thư và dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy định, Quy chế mới. Trong đó, yêu cầu đại biểu cho ý kiến vào tên gọi, phạm vi điều chỉnh, mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp, danh sách đề xuất các mô hình, phiếu tham gia ý kiến từng nội dung...

đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đề án phát biểu tại Hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đề án phát biểu tại Hội thảo.

Theo đánh giá tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng: Quy định 196-QĐ/TW đã bám sát Điều lệ, các quy định của Đảng; cơ bản phù hợp với mô hình, tính chất hoạt động và thực tiễn công tác xây dựng Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; là căn cứ pháp lý, rõ ràng, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp ủy trong việc kiện toàn, sắp xếp mô hình, chuyển giao tổ chức đảng trong các tập đoàn, tổng công ty thời gian qua.

Thực hiện Quy định 196-QĐ/TW, tại thời điểm năm 2008 cả nước có 1.002 tổ chức đảng doanh nghiệp nhà nước, trong đó: có 68 đảng bộ cấp trên cơ sở, 16 đảng bộ được thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở, 918 đảng bộ (chỉ bộ) cơ sở; về mô hình tổ chức đảng: có 39 đảng bộ toàn tập đoàn, tổng công ty, 60 đảng bộ công ty mẹ. Đến nay trên cả nước có 1.214 tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước trực thuộc các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương, trong đó: có 80 đảng bộ cấp trên cơ sở, 18 đảng bộ được thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở, 1.116 đảng bộ (chi bộ) cơ sở; về mô hình tổ chức đảng: có 56 đảng bộ toàn tập đoàn, tổng công ty; 62 đảng bộ công ty mẹ.

Các tổ chức đảng cơ bản được sắp xếp theo 02 mô hình: Mô hình Đảng bộ toàn tập đoàn, tổng công ty và mô hình Đảng bộ công ty mẹ tập đoàn, tổng công ty. Hai mô hình trên đều có những mặt thuận lợi, khó khăn nhưng cơ bản phù hợp với mô hình doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ nâng cao năng lực lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của tổ chức đảng đối với các tập đoàn, tổng công ty trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Quy định 196 quy định 02 mô hình nhưng thực chất tồn tại 03 mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn, tổng công ty. Việc xác định mô hình của đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước trong thời gian qua chủ yếu là xuất phát từ thực tế khi thành lập, chia tách, sáp nhập, tiếp nhận, chưa thực hiện quy trình lập đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thành lập đảng bộ theo quy định.

Công tác tiếp nhận, chuyển giao tổ chức đảng thực hiện rất chậm. Việc chuyển các tổ chức đảng doanh nghiệp từ cấp ủy địa phương về trực thuộc đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, chuyển giao tổ chức đảng từ đảng bộ tập đoàn, tổng công ty về địa phương sau khi thực hiện cổ phần hóa, thoái hể vốn nhà nước gặp rất nhiều khó khăn; một số doanh nghiệp phải tự liên hệ với cấp ủy địa phương trong việc tiếp nhận, chuyển giao tổ chức đảng, thiếu sự lãnh đạo đồng bộ, thống nhất từ tổ chức đảng, cấp ủy cấp trên.

Công tác phối hợp giữa đảng ủy doanh nghiệp với cấp ủy địa phương - trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, nhất là việc đào tạo lý luận chính trị; phối hợp trong công tác cán bộ, quản lý đảng viên; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội còn bất cập, chưa đồng bộ, kịp thời. Một số nội dung trong Quy định 196 chưa thật phù hợp với thực tiễn, khó thực hiện...

Từ khi có Quyết định số 197-QĐ/TW, đảng ủy các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước đã ký 123 quy chế phối hợp với cấp ủy địa phương, 865 doanh nghiệp đơn vị trực thuộc duy trì nền nếp thực hiện quy chế phối hợp công tác với cấp ủy địa phương. Nhìn chung, việc triển khai Quyết định 197-QĐ/TW thời gian qua góp phần tạo sự chuyển biến thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của tập đoàn kinh tế, tổng công ty gắn với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, nhiều tổ chức đảng doanh nghiệp thành viên hoạt động dần đi vào nền nếp; bảo đảm cho các công việc sản xuất, kinh doanh phát huy hiệu quả, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự ở địa phương. Công tác kết nạp đảng viên được chú trọng hơn, số lượng, chất lượng được nâng lên. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, một số nội dung trong Quyết định 197-QĐ/TW không còn phù hợp với tình hình hoạt động, sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước trong triển khai thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hiện hành.

Từ thực tiễn triển khai thực hiện, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tham gia ý kiến, đề xuất giải pháp vào nội dung sửa đổi, bổ sung của Quyết định số 197-QĐ/TW về Quy chế phồi hợp công tác giữa các đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với cấp ủy địa phương, nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả trong công tác phối hợp giữa cấp uỷ tập đoàn, tổng công ty nhà nước với cấp uỷ địa phương.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo đề án yêu cầu các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, và gửi Ban Chỉ đạo sớm nội dung góp ý chi tiết bằng văn bản, Tổ Biên tập sớm hoàn thiện nội dung Tờ trình và Đề án dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy định 196-QĐ/TW và Quyết định số 197-QĐ/TW.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội thảo:

P.V

.
Các bài viết khác:
.
.
.