|
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao giải B Giải Báo chí Quốc gia cho nhà báo Vũ Văn Tiến |
Xin chào anh Vũ Văn Tiến!Tôi rất muốn biết duyên số nào đưa anh đến với nghiệp báo?
Ngày xưa, gia đình tôi đặt báo Nông thôn ngày nay, bố mẹ đọc nhiều còn tôi đọc ké, rồi viết cộng tác cho báo luôn. Nghiệp báo đến tự nhiên như vậy.
Học trường cấp 3, tôi thấy mình học tốt các môn xã hội, cũng có vài bài báo được đăng thì tôi thấy trường nào đào tạo báo chí là thi vào để học nghề thôi, lúc đó cũng chưa có đam mê nghề báo. Ngày nhập trường Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, “vốn lận lưng” của tôi đem theo là chiếc hòm sắt đựng những bài báo của mình đã được đăng.
Trong 4 năm học, anh có những kỉ niệm gì khi đi thực tế, viết bài?
Khi tôi là sinh viên năm thứ 2 (2004), lúc đó báo chí nói rất nhiều về nạn cơm tù dọc tuyến quốc lộ Bắc – Nam. Tôi cũng chưa vào Sài Gòn bao giờ cả nên đã tiết kiệm cả năm trời từ các khoản dạy thêm, nhuận bút viết bài… được 1,5 triệu đồng, một mình tôi đã bắt xe khách đi thực tế dọc tuyến Bắc – Nam này. Suốt chặng đường dài, tôi chứng kiến những cuộc sống của người dân khúc ruột miền Trung ra sao? Nha Trang là nơi như thế nào? Xe khách là gi? Cơm tù là gì?...
Đó là đợt dấn thân rất dài, sống kham khổ, khi về tôi cũng ra được những loạt bài cho riêng mình. Đó là chuyến đi giúp tôi biết rằng ra trường bản thân hợp với thể loại nào.
Năm 2011, anh đoạt được giải B giải Báo chí Quốc gia, không biết điều đó có tác động gì đến cuộc sống và công việc làm báo của anh không?
Đó là nguồn động viên rất cụ thể, nó hun đúc tôi yêu nghề, cống hiến và lăn xả nhiều hơn. Bản thân tôi đã say nghề thì càng say nghề hơn.
Theo anh, thể loại báo chí nào khó nhất trong những bài anh đã viết?
Khó nhất là thể loại điều tra, phanh phui các vụ tiêu cực. Thể loại nào cũng cần sự hy sinh, nhưng với thể loại điều tra, tôi phải sẵn sàng đối diện với sự trả thù của các đơn vị, cá nhân bị phanh phui. Những nhà báo thường bị trả thù là những nhà báo “lật tẩy” các vi phạm của các cá nhân, tập thể. Đặc biệt là với những bài viết của tôi trên Dân trí thì bạn đọc thấy tôi thường kí tên thật. Tôi dám chịu trách nhiệm trước bài viết của mình, trước Ban Biên tập và trước pháp luật.
Với những bài viết kí tên thật như vậy, anh có lo ngại trước sự an toàn của bản thân và gia đình?
Lo ngại chứ. Nhiều lúc tôi cũng sợ nhưng cũng chỉ thoáng qua vì tôi tâm niệm: “Mình làm đúng thì mình không sợ!”
Gia đình anh có ủng hộ anh đương đầu với những thử thách như vậy không?
Vợ tôi có chia sẻ khó khăn này và luôn bảo tôi bớt viết về mảng tiêu cực đi. Là người vợ, cô ấy rất lo lắng, nhưng biết khuyên thì tôi sẽ không vui nên cũng hạn chế. Hai bên nội ngoại nóng lòng bảo sao tôi không kí bút danh khác mà để tên Vũ Văn Tiến làm gì?
Việc gia đình ủng hộ hay không ủng hộ có bao giờ khiến anh cảm thấy công việc bị đan xen tình cảm vào hay không?
Nói thật, gia đình gàn nhiều quá đôi khi cũng ảnh hưởng đến độ cứng rắn của bài viết. Khi viết loạt bài về vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình, trong cuộc họp báo tại Thành ủy Hà Nội và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tôi là người đứng lên chất vấn và phóng viên đi cùng đưa ảnh mình đang phát biểu lên. Cả nhà gọi điện bảo sao tôi đưa cả ảnh lên làm gì, đưa tên tuổi lên là quá đủ rồi, lỡ bị các đối tượng mắc sai phạm trả thù thì làm sao? Tôi cũng suy nghĩ nhiều, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn.
Nếu ngay bây giờ có một cuộc gọi điện đến hỏi: “Vũ Văn Tiến là ai? Sao anh viết bài này? Anh đang ở đâu?” thì anh trả lời thế nào?
Không phải giờ bạn mới đặt câu hỏi đó. Tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại như thế rồi. Tôi biết nhiều bài báo đăng lên sẽ bị gọi như thế vì số điện thoại tôi cũng khá phổ biến. Gặp trường hợp như thế, tôi vẫn nghe máy bình thường và trả lời: “Anh đang ở đâu, tôi sẵn sàng tiếp đón anh đến tòa soạn làm việc!”
Có bao giờ anh đối diện với khó khăn và đã suy nghĩ đến việc từ bỏ nghề báo chưa?
Vài năm trước đây, trong một vụ việc, tôi bị áp lực vì một số cơ quan tổ chức bắn tin: “Ông hãy dừng lại vụ này, ông còn vợ con đấy, theo tôi ông đừng nên viết nữa”. Nhưng làm báo mà không được viết những gì mình theo đuổi, làm báo chỉ viết những bài nhạt nhẽo, làm báo chỉ đơn thuần lấy nhuận bút thì mất hết ý nghĩa. Quan điểm của tôi là: “Nghề báo cũng như mọi nghề, vấp ngã chỗ nào thì đứng dậy chỗ ấy. Không được vấp ngã 2 lần cùng một chỗ”. Vậy nên dù gặp khó khăn nhưng tôi quyết không từ bỏ nghề.
Anh muốn cái tên Vũ Văn Tiến được định hình trong lòng độc giả, công chúng như thế nào?
|
Nhà báo Vũ Văn Tiến trong một chuyến công tác tại Thụy Điển |
Tôi muốn họ nghĩ tôi là người viết thẳng thắn, dấn thân. Bởi vì nếu chỉ thẳng thắn một đoạn, đoạn sau cong hoặc dừng lại thì không đến đích được. So với những anh em theo dõi mảng vụ việc, tiêu cực ở các báo hiện nay thì tôi là người ký tên trực tiếp khá nhiều. Tôi nghĩ một nhà báo tử tế trong lòng bạn đọc là một nhà báo dám làm dám chịu. Một bài viết dở, bạn đọc bực mình có thể chửi nhà báo, một bài báo tốt, bạn đọc có thể vỗ tay ngay.
Ngày xưa sinh viên, mình chưa định hình được thì lấy nhiều bút danh: Bảo Tường, Chuông xứ Đông… Từ khi ra trường, bước chân vào nghề báo chống tiêu cực, tôi không dùng bút danh, đúng tên tuổi của mình, người thật tên thật. Tôi viết cái gì ra, đó là sản phẩm của tôi, là đứa con tinh thần nên tôi phải chịu trách nhiệm với những gì mình viết ra.
Là một người làm báo và cũng đã tham gia giảng dạy tại Học viện Báo chí Tuyên truyền, khi dạy cho sinh viên điều gì anh trăn trở nhất?
Tôi muốn các em có nhiệt huyết, các em học và theo nghề của các em. Chưa cần hành, học kiến thức chuyên môn thật tốt đã, sau này các em ra trường thấy yêu nghề của các em và nhận thức được nghề. Có một số em muốn ra trường được tung vào biển lớn ngay, các em chưa có kinh nghiệm đi biển, mặc dù có sức khỏe thật nhưng không có kinh nghiệm thì cũng không thể chèo lái được. Có kinh nghiệm, có năng khiếu và say nghề mới phát triển đúng khả năng của mình. Làm nghề gì, các em cũng có thể nổi danh được nhưng phải từ từ, phải cống hiến đã.
Anh nghĩ sao về những nhà báo Facebook, nhà báo Salon, nhà báo nghĩ ra những câu chuyện để viết báo?
Tôi thấy những nhà báo như thế có xu hướng ngày càng nhiều. Thời gian biến chất, thay đổi từ xông pha dẫn tới tình trạng trì trệ đó rút ngắn lại. Ngày xưa có thể một nhà báo ra trường 5 - 10 năm mới dẫn đến tình trạng bị trì trệ, không muốn lăn xả. Nhưng bây giờ mới 2-3 năm, tuổi đời cống hiến của nhà báo đã bị rút ngắn lại, không muốn xông pha nữa.
Anh nghĩ như thế nào nếu một người như anh, trong hoàn cảnh bắt buộc phải làm nhà báo Salon, nhà báo Facebook như thế?
Tôi không bao giờ làm như thế, thà tôi không làm báo nữa còn hơn! Dù phải đi buôn tôi cũng không bao giờ làm nhà báo Salon. Với cá tính và con người tôi, tôi không viết kiểu như thế được. Nếu phải ngồi chỗ bịa chuyện để viết tôi không làm, cơ quan bắt làm thì tôi chuyển cơ quan, cơ quan không tiếp nhận thì tôi đi làm việc khác.
“Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, làm thế là hủy hoại danh dự và cuộc đời tôi. Rồi con cái, anh em đồng nghiệp, sinh viên nhìn vào thì tôi càng không làm thế được.
Anh quan niệm thế nào về nghề báo và con đường viết báo anh đi?
Tại thời điểm hiện nay. Tôi thấy rằng việc chọn nghề báo là công việc rất phù hợp với tôi vì tôi yêu thích nó. Tôi cảm giác mình đang đi đúng hướng trong nghề với cách tác nghiệp tôi nhận thấy là đúng đắn, thẳng thắn, đàng hoàng.
Ngoài lề một chút, nếu không làm báo thì anh nghĩ mình sẽ làm được nghề gì?
Nếu không làm báo thì tôi nghĩ mình sẽ làm kinh doanh.
Tôi có thể như các bạn sinh viên, bán hàng lưu niệm, kinh doanh từ cái lót giầy trở đi. Tôi sẽ là người chăm chỉ, là người biết xã hội đang đón nhận cái gì để phục vụ họ bằng chính cái tâm của mình. Trong bất cứ công việc gì, tôi luôn làm một cách tử tế. Ví dụ, cũng là quán trà đá, tôi sẽ chọn đá sạch, trà ngon và pha bằng nước đun sôi. Tôi nghĩ mình sẽ làm thế vì điều đó hợp với tôi.
Cám ơn anh vì buổi trao đổi rất thú vị này!
Nhà báo Vũ Văn Tiến sinh năm 1982 tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, Anh hiện là Thư ký tòa soạn kiêm Trưởng Ban Bạn đọc Báo điện tử Dân trí.
Anh được giải B giải Báo chí Quốc gia 2011 với loạt bài "Nỗi gian truân khi làm sổ đỏ"
( Năm 2011 không có giải A)
Các tác phẩm đã xuất bản:
|
- Phía sau cổng làng (2005)
- Viết báo thời sinh viên (2006)
- Bước vào nghề báo (2008)
|