.
.

Để Đảng ta xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân

Thứ Bảy, 19/05/2012|15:31

Bác Hồ từng dạy: “Phải dựa vào dân để sửa chữa tổ chức, sửa chữa đảng viên”. Dân không những giúp Đảng và Chính phủ hiểu rõ những việc làm trong sinh hoạt đời thường của cán bộ, mà còn có nhiều nhận xét về ưu và khuyết của từng cán bộ. Dựa vào dân để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phải là nguyên tắc chỉ đạo trong công tác đào tạo, rèn luyện cán bộ đảng viên của Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải dựa vào dân để sửa chữa tổ chức, sửa chữa đảng viên”. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải dựa vào dân để sửa chữa tổ chức, sửa chữa đảng viên”. Ảnh tư liệu

Trong quá trình hình thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm được nhiều điều kỳ diệu, trong đó điều kỳ diệu đầu tiên phải kể đến là sự gắn bó chặt chẽ, máu thịt với nhân dân. Nhân dân thường quen gọi Đảng Cộng sản là “Đảng ta”, tức Đảng của mình. Câu hỏi được đặt ra là vì sao, cùng thời và cả trước khi Đảng ta ra đời, trên đất nước ta đã xuất hiện nhiều tổ chức chính trị, nhiều đảng phái khác nhau, nhưng chỉ có Đảng Cộng sản mới được nhân dân coi là Đảng của mình. Câu trả lời chỉ có thể là: nhân dân đã nhìn thấy ở Đảng sự thể hiện đầy đủ nhất lý tưởng, khát vọng sâu xa của họ; nhân dân cũng nhìn thấy ở các cán bộ, đảng viên của Đảng sự hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tự do, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân. Tất cả những điều đó không chỉ được thể hiện trong các tuyên ngôn và lời kêu gọi của Đảng, mà chủ yếu bằng các hoạt động thực tiễn của Đảng, bằng những tấm gương cụ thể của các cán bộ, đảng viên của Đảng. Bằng những thể nghiệm bản thân, nhân dân nhận thức ra rằng trong cuộc đấu tranh đòi hỏi nhiều hy sinh lớn, bao giờ các đảng viên cộng sản cũng xông lên phía trước và làng nước theo sau. Trong điều kiện sống vô cùng thiếu thốn của những ngày đầu cách mạng và kháng chiến, dù ở mặt trận hay ở hậu phương, các cán bộ, đảng viên thường tự nguyện nhường cơm, áo, thuốc men cho quần chúng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hầu hết các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, kể cả các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, những ai có con em trong độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự, đều tự nguyện gửi con em mình ra mặt trận. Có người đã để lại một phần máu thịt của mình trên chiến trường. Những hành động được coi như thường tình đó của các cán bộ, đảng viên của Đảng đã thuyết phục quần chúng, có sức mạnh lan tỏa trong quần chúng, dấy lên trong quần chúng cao trào cách mạng. Sự gắn kết giữa Đảng với quần chúng được hình thành từ đó. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng được xây dựng và củng cố từ đó. Đó là bức "vạn lý trường thành" vĩ đại giúp dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Ngày nay tình hình đã có phần khác trước. Hòa bình đã thay cho chiến tranh, thị trường và công trường đã thay cho chiến trường. Tuy vậy, đáng buồn và đáng lo ngại là trong khi đại đa số cán bộ, đảng viên vẫn giữ được phẩm chất và nhân cách của mình, thì một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước lại bị ngã gục. Họ bị ngã gục không phải bởi những viên đạn đồng của kẻ thù cách mạng, mà bởi những viên đạn ngọt ngào của tiền bạc, của hư danh, của quyền lực, và cùng với nó là lối sống thủ đoạn, bê tha, trụy lạc. Có những cán bộ, đảng viên, tuy chưa ngã gục hẳn, nhưng thuốc độc của những viên đạn ngọt ngào đó đang ngấm dần trong tim họ, biến họ thành những kẻ vô cảm, tham lam, ích kỷ, xa lạ với nhân dân. Hàng loạt các vụ việc đã xảy ra ở nhiều nơi, mà gần đây là vụ cưỡng chế đất đai tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) là một hồi chuông cảnh báo.

Sự suy thoái đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, là hiện tượng rất không bình thường so với bản chất và quy luật phát triển của Đảng. Đáng tiếc là những hiện tượng suy thoái đó tuy đã được Bác Hồ cảnh báo từ lâu, đặc biệt từ sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng đến nay vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám, khi chính quyền non trẻ vừa mới ra đời, Bác Hồ đã nghiêm khắc phê phán chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng quan liêu, cùng tất cả những thói hư tật xấu do chủ nghĩa cá nhân sinh ra. Theo hồi ký của nhà thơ Tố Hữu, cuối năm 1945, khi vừa được Trung ương điều từ Huế ra Hà Nội giúp việc Bác, trong một lần gặp gỡ, Bác nhắc nhở các cán bộ: “Bây giờ, Đảng cầm quyền, có nhà cao cửa rộng, có ô tô sang trọng, dễ lên mặt “quan” lắm. Xe của cơ quan là để đi việc công, không phải để các chú đi chơi, mang theo cả quan ông, quan bà, quan cô, quan cậu, thế là hỏng đấy”(1). Cũng tại thời gian đó, trong rất nhiều thư gửi chính quyền các địa phương, Bác phê phán tư tưởng muốn làm “vua con”, muốn làm “ông tướng, bà tướng” ở các vùng miền, của một số cán bộ lãnh đạo. Bác viết: “Khi phụ trách ở một vùng nào thì như ông “vua con” ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới thì cậy quyền lấn át, đối với quần chúng thì ra vẻ quan cách mạng làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc “ông tướng, bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, đoàn thể xa nhân dân”(2). Người cũng cảnh báo hiện tượng khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, thì một số cán bộ thoái hóa dễ lợi dụng quyền lực để sống xa hoa, “lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức”. Người nói: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon, mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”(3).

Những lời dạy bảo đó của Bác tuy được nói ra hơn nửa thế kỷ về trước, nhưng vẫn có ý nghĩa thời sự đối với hôm nay. Sự suy thoái về đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay càng chứng minh một sự thực: chủ nghĩa cá nhân với mọi biểu hiện muôn hình vạn trạng, vốn là một “tội lỗi tổ tông” của con người. Nó tồn tại dai dẳng với mỗi người. Khi con người ý thức được đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội của mình, khi con người dám vượt ra khỏi những nhu cầu bản năng có tính sinh vật để vươn tới lý tưởng và khát vọng cao cả, khi con người đủ khả năng và can đảm để phân biệt cái đáng xấu hổ với cái đáng tự hào, cái vinh với cái nhục,... thì chủ nghĩa cá nhân sẽ bị chế ngự, bị loại bỏ. Trái lại, khi con người tự chà đạp lên danh giá của mình, coi thường đạo lý làm người, thì đó là lúc con người mở rộng cánh cửa cho chủ nghĩa cá nhân hoành hành. Không phải vô cớ mà dư luận thường coi những kẻ tham nhũng, ích kỷ, bê tha, trụy lạc,... là những kẻ mà hệ thần kinh cao cấp đã bị tê liệt, có còn chăng chỉ là những run rẩy nhẩy múa theo sự quay cuồng của đồng tiền, của hư danh và của những động tác hành lạc. Đối với những kẻ đó, quyền và tiền là cứu cánh của cuộc đời. Đảng không còn là sinh mạng chính trị của họ, mà chỉ là phương tiện, là bàn đạp để họ có quyền lực, từ quyền lực sẽ đẻ ra tiền và nhiều thứ khác. Nạn mua quan bán chức, tệ nạn giả dối, luồn cúi, nịnh bợ,... do đó đã nẩy sinh như nạn dịch.

Nhớ lại thời kỳ trước đây, khi hai cuộc kháng chiến còn diễn ra ác liệt, Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo, mỗi cán bộ, đảng viên và mọi tổ chức Đảng đều coi tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống là sinh mạng chính trị của mình. Hầu hết cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ trung cấp, cao cấp đều xác định rõ: vào Đảng không phải để "làm quan phát tài", mà để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Họ luôn được hỗ trợ bằng sự giám sát, góp ý chân thành của tập thể, của cán bộ, đảng viên và quần chúng. Mọi dư luận về họ, dù lớn hay nhỏ, đều được bản thân họ, hay tập thể cơ quan, đơn vị của họ, lắng nghe nghiêm túc. Cái nào đúng thì tiếp thu, có kế hoạch sửa chữa, cái nào chưa đúng thì giải thích để quần chúng hiểu. Kết quả là mối quan hệ giữa đảng viên và quần chúng càng chặt chẽ, quần chúng ngày càng tin yêu cán bộ của mình. Thái độ "mũ ni che tai", hoặc coi thường dư luận, chẳng qua chỉ là thái độ tự mình lừa dối mình, tự đào huyệt chôn vùi sinh mạng chính trị của người cán bộ, và đào sâu hố ngăn cách giữa Đảng với quần chúng.

Trong thần thoại Hy Lạp ngày xưa có câu chuyện ngụ ngôn thú vị. Một ông vua tên là Midas có đôi tai giống như tai lừa. Triều đình ra lệnh cấm các triều thần và nhân dân không ai được nhìn tai vua và không ai được nhắc đến cái tai lừa của vua. Duy nhất chỉ có một người được nhìn thấy tai lừa của vua. Đó là người thợ cắt tóc riêng của nhà vua. Dĩ nhiên, người thợ cắt tóc được lệnh không được nhắc đến cái tai đó. Nhưng rồi cái gì đã diễn ra. Sau khi người thợ cắt tóc chết, trên nấm mồ ông ta mọc lên một chùm cây lau sậy. Càng ngày cây lau sậy càng lớn, lá xum xuê. Cứ mỗi lần gió thổi lên, từ những lá lau sậy lại vang lên những âm thanh mà ai cũng nghe tiếng: “Vua Mildas có đôi tai lừa”. Câu chuyện ngụ ý rằng: đã là sự thật thì không thể che dấu được. Sự thật dù bị chôn xuống đất, vẫn cất lên tiếng nói.

Bác Hồ của chúng ta, trong những lần giáo dục, khuyên bảo cán bộ, đảng viên, cũng thường nói: “Ai chẳng muốn no cơm, ấm áo. Nhưng cuộc sống vật chất hết đời người là hết. Còn tiếng tăm tốt, xấu truyền mãi đến ngàn đời sau”(4). Lời dạy đó, đối với những ai còn lương tâm, còn đầu óc suy nghĩ, sẽ rút ra những bài học lớn - bài học làm người. Hãy dũng cảm vượt qua những thèm khát vật chất để hoàn thiện những giá trị cơ bản của con người. Hãy suy nghĩ và hành động nhiều hơn để biết làm người và biết ở đời... tức là biết thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức, như Bác thường dạy. Khi biết dồn toàn bộ tâm trí để học làm người và ở đời, thì mọi toan tính về quyền lực, về tiền tài, về danh vị - tóm lại mọi toan tính nhằm trục lợi cho cá nhân, đều trở nên xấu xa và ghê tởm.

Nhận thức ra những điều sơ đẳng nói trên chắc chắn phải là điều khởi đầu cho công tác tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, lối sống cho mỗi con người chân chính, đặc biệt cho mỗi cán bộ, đảng viên. Cố nhiên, để quá trình nhận thức này đi tới kết quả, đối với mọi người, đặc biệt đối với những ai đã rơi vào quỹ đạo của sự suy thoái, thì rất cần sự hỗ trợ của xã hội, của dư luận xã hội, của các cơ quan giáo dục và ngôn luận xã hội. Sự hỗ trợ đó có tác dụng như một sự thức tỉnh đối với lương tri con người, một sự đánh thức đối với những ai đang chìm đắm trong giấc mộng vàng của tiền tài, danh vọng và quyền lực.

Sự thức tỉnh của lương tri là rất quan trọng, nhưng sự thức tỉnh đó phải dẫn tới sự tự nhận thức, tự thức tỉnh về bản thân, về cái đúng, cái sai trong suy nghĩ và hành động. Quá trình này diễn ra không đơn giản, vì đó là cuộc đấu tranh không phải với kẻ thù bên ngoài, mà là với kẻ thù bên trong. Ở đây có biết bao nhiêu rào cản, những rào cản đó chủ yếu để bảo vệ cái sĩ diện cá nhân và cùng với nó là những lợi ích cá nhân. Nói ra cái xấu của người thì dễ, nhưng nói ra cái xấu của bản thân thì đâu có dễ. Thắng hay bại của sự tu dưỡng bản thân là ở chỗ này. Bác Hồ từng viết:

Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông

Sống ở trên đời, người cũng vậy

Gian nan rèn luyện mới thành công.

Bác cũng từng nói: “Việc tranh đấu với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót”(5). Tuy khó khăn, đau xót, nhưng không phải không làm được, bởi vì ngoài quyết tâm của mỗi người, còn có sự hỗ trợ của tập thể, đặc biệt của nhân dân. Nhân dân luôn là người giám sát, kiểm tra cán bộ. Bác Hồ từng dạy: “Phải dựa vào dân để sửa chữa tổ chức, sửa chữa đảng viên”. Dân không những giúp Đảng và Chính phủ hiểu rõ những việc làm trong sinh hoạt đời thường của cán bộ, mà còn có nhiều nhận xét về ưu và khuyết của từng cán bộ. Dựa vào dân để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phải là nguyên tắc chỉ đạo trong công tác đào tạo, rèn luyện cán bộ đảng viên của Đảng, vì xét đến cùng, Đảng tồn tại là vì dân, vì gần 90 triệu người Việt Nam chứ không phải chỉ vì gần 4 triệu đảng viên của Đảng. Mặt khác, sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của dân, như Bác Hồ nói: “Đảng anh hùng vì nhân dân anh hùng”.

Sự suy thoái về đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, đặc biệt những người có chức có quyền, có người là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, đang tạo nên nhiều nguy cơ lớn, trong đó nguy cơ lớn nhất là làm giảm sút, thậm chí có thể đánh mất lòng tin của dân đối với Đảng. Khi dân không tin Đảng thì liệu Đảng có cần thiết với dân nữa không. Và khi đó, liệu Đảng có còn tồn tại nữa không?

Tập trung xây dựng đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên là một biện pháp cực kỳ quan trọng hiện nay để chống lại hiện tượng tha hóa đang diễn ra trong xã hội, đặc biệt trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền. Sự tha hóa đó bắt nguồn từ sự đam mê quyền lực và tiền bạc. Trước khi từ giã cuộc đời, đồng chí Phạm Văn Đồng, nhà chính trị và văn hóa lớn của đất nước, đã băn khoăn suy nghĩ rất nhiều về sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Có lần đồng chí nói: “Cửa ải lớn nhất, khó qua nhất là cửa ải quyền lực. Nó còn khó khăn hơn cả cửa ải sống chết. Quyền lực, nó như một thứ ma túy, nghiện rồi thì khó bỏ lắm. Không qua được cửa ải này thì con người sẽ sa đọa rất nhanh, kể cả về trí tuệ, phẩm chất...”. Sự đam mê quyền lực và tiền bạc đó đang tạo nên những "chuẩn mực" xã hội kỳ quặc và cùng với thói xu nịnh là thói hách dịch, nghênh ngáo, vô cảm trong một bộ phận xã hội, đặc biệt trong một số cán bộ, đảng viên. Câu chuyện có cán bộ, đảng viên đem hàng tỷ đồng đi đánh bạc, gợi ra biết bao nhiêu điều đáng suy nghĩ và đau xót, khi biết số người dân đói cơm, thiếu áo, nhiều trẻ em chưa được đến trường vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Cùng với thái độ vô cảm, hách dịch, cửa quyền của một số cán bộ, đảng viên tại các cơ quan hành chính, hiện tượng kinh doanh thua lỗ, thu chi trái phép tại một số cơ sở kinh tế lớn của Nhà nước, không những làm thất thoát khối lượng lớn tài sản nhân dân giao cho, mà còn đang đặt ra nhiều câu hỏi về tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, ý thức tuân thủ pháp luật và về tính trung thực, trong sáng của những cán bộ, đảng viên được giao trách nhiệm quản lý và điều hành hoạt động của các cơ quan nhà nước và tổ chức kinh tế lớn.

Kể từ khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Bác Hồ và Đảng thường xuyên căn dặn cán bộ và đảng viên rằng, quyền mà ta đang có là do nhân dân giao cho, cũng như tiền của Nhà nước là do thuế của dân góp vào. Vì vậy quyền phải đi với trách nhiệm. Quyền càng to trách nhiệm càng lớn. Tuy vậy, một phần do thiếu quy chế, quy định trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ và chủ yếu do tham quyền cố vị, một số cán bộ đã coi quyền và tiền đó như sở hữu cá nhân của mình, sử dụng quyền và tiền một cách tùy tiện, bất chấp quy định của Đảng, pháp luật và Nhà nước.

Xây dựng đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên là bước khởi đầu, nhưng là bước cực kỳ quan trọng trong quá trình xây dựng chỉnh đốn Đảng, theo lời dạy của Bác.

Trong hơn 40 năm trực tiếp tổ chức và lãnh đạo Đảng, ngay từ tác phẩm đầu tiên là “Đường Cách mệnh” (năm 1927), đến bài báo cuối cùng là “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và bản Di chúc lịch sử của Người năm 1969, qua hơn hàng ngàn tư liệu do Bác để lại, vấn đề nổi bật nhất, trung tâm nhất mà Bác đề cập đến vẫn là tư cách người cách mạng và đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Người nhấn mạnh đạo đức, vì đạo đức là cái gốc của con người. Danh hiệu cao nhất mà Đảng đạt tới và phải đạt tới, theo Bác, là “đạo đức, văn minh”. Khi Đảng là đạo đức, văn minh, thì chắc chắn nhân dân sẽ thừa nhận Đảng là người đưa đường chỉ lối, là người lãnh đạo, là đội tiên phong của dân tộc. Bác Hồ nhiều lần khẳng định: “Nhiệm vụ của đoàn thể là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đầy tớ cho dân. Đã phụng sự nhân dân thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân, thì phải hết sức tránh... Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”(6).

Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là nhằm triển khai tư tưởng cốt lõi đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng, để Đảng xứng đáng là “người lãnh đạo và đầy tớ trung thành của nhân dân”. Với ý nghĩa đó, cùng với Chỉ thị số 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” xứng đáng được coi là tiếng gọi của lương tri và phẩm giá con người đối với mỗi người Việt Nam, và đối với mỗi đảng viên cộng sản Việt Nam hiện nay./.
 

GS. TS. TRẦN VĂN BÍNH

------------------

(1) Tố Hữu: Nhớ lại một thời, H, 2002, tr.38.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2002, t.5, tr.72.

(3) Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Nxb. CTQG, H,1980, t.1, tr.371.

(4) Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Nxb. CTQG, H, 2009, tr.62.

(5) Hồ Chí Minh - Bài nói chuyện trong buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.7, tr.36.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.88-89.

Theo Tạp chí Tuyên Giáo

.
.
.
.