.
.

Phấn đấu phát triển bền vững vùng Tây Bắc

Thứ Sáu, 13/01/2012|19:18

Sáng 13/1, tại Yên Bái, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội nghị.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo ông Đinh Văn Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, tình hình các tỉnh trong vùng năm 2011 tiếp tục giữ được thế ổn định. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn vùng đạt 10,33%, GDP bình quân đầu người đạt 15,4 triệu đồng/người/năm, tăng 3 triệu đồng so với năm 2010, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 15.498 tỷ đồng, tăng 32,5%.

Năm 2011, nông nghiệp vùng Tây Bắc được mùa, tổng sản lượng lương thực đạt 3,79 triệu tấn, tăng 243.000 tấn so với năm 2010, lương thực bình quân đầu người đạt 442kg/người/năm, tăng 5,9% so với năm 2010.

Trong khu vực cũng đã hình thành được các vùng chuyên canh tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ như sản xuất chè, cà phê, cao su, cây ăn quả các loại…

Sản xuất công nghiệp một số địa phương tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng đạt 30.478 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2010. Hoạt động thương mại, dịch vụ được mở rộng với nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ được triển khai rộng khắp, tạo động lực mới cho sản xuất phát triển.

Kết cấu hạ tầng được chú trọng đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông; các lĩnh vực văn hoá – xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, chương trình giảm nghèo đạt nhiều kết quả;  an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng cơ bản được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động, hiệu quả công tác từng bước được nâng lên.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả trên, năm 2011 toàn vùng Tây Bắc và khu vực Tây Thanh Hoá, Nghệ An vẫn còn những tồn tại, yếu kém lớn như tỷ lệ người dân đói nghèo vẫn còn cao, tội phạm liên quan đến ma tuý vẫn diễn biến phức tạp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chưa bền vững, một số chỉ tiêu kinh tế không đạt mục tiêu đề ra. Lĩnh vực văn hoá – xã hội còn khó khăn, hạn chế nhất định…

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Lò Mai Trinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi lớn để thu hút nguồn nhân lực về làm việc tại đây, bởi hiện tại nhân lực chất lượng cao hầu như ít quay về địa phương sau khi được đào tạo.

Là địa phương có 11 huyện miền núi với hơn 1,2 triệu dân sống ở miền núi, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Phan Đình Trạc đề xuất dừng việc khai thác và xuất khẩu tài nguyên khoáng sản dưới dạng thô sơ đối với khu vực miền núi, giữ lại tài nguyên không tái tạo đang cạn kiệt và có chính sách, giải pháp hữu hiệu với vấn đề này.

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn Nguyễn Xuân Cường đề cập đến việc phát huy thế mạnh của rừng, chế biến lâm sản, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là người dân gắn bó với đất rừng.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung cho biết, quốc phòng - an ninh khu vực Tây Bắc năm 2011 về cơ bản ổn định, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh, những kết quả mà toàn vùng Tây Bắc đạt được là cơ sở quan trọng để nhân dân các dân tộc trong vùng bước vào năm mới 2012 với quyết tâm lớn để đạt kết quả cao nhất.

Ảnh: Chinhphu.vn

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém do điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, dân trí. Bên cạnh đó, phải nhìn rõ nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, tồn tại trên. Đó là, những chính sách cơ chế cho vùng cần phát huy hiệu qủa hơn nữa, các bộ ngành có các giải pháp quyết liệt, nhất là các thành viên của Ban Chỉ đạo cần phát huy vai trò của mình, vì sự phát triển của đồng bào Tây Bắc.

Đối với các tỉnh trong vùng, Phó Thủ tướng đề nghị cần có trách nhiệm cụ thể đối với nhiệm vụ của địa phương mình, ngành mình như ngành giáo dục phải có trách nhiệm trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho toàn vùng; về quốc phòng an ninh phải cảnh giác cao độ, không để các vấn đề bất ngờ xảy ra. Cần có giải pháp về phòng chống ma tuý, HIV/AIDS, bên cạnh đó là đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là giao thông để bảo đảm lưu thông hàng hoá trong liên kết vùng…

Sớm hoàn thiện các văn bản, kết luận của cấp có thẩm quyền về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, đây là nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Các thành viên kiêm nhiệm là lãnh đạo các Bộ, ngành cần “nói ít làm nhiều”, thiết thực hỗ trợ vùng Tây Bắc trên tinh thần cần có chính sách đặc thù để thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng để vùng Tây Bắc phát triển bền vững trong thời gian tới.

Lê Sơn

Cổng thông tin điện tử Chính Phủ

.
.
.
.