Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Ngày 2/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để tổng hợp ý kiến của ngành phục vụ công tác hoàn thiện vị trí, chức năng, mô hình, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Ngành Kiểm sát nhân dân trong hệ thống các cơ quan tư pháp.
Dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội, Uông Chu Lưu, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp và Ban Dân nguyện của Quốc hội.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Nghĩa Mai cho biết, liên tục trong thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử. Năm 2011, số bị cáo Tòa án sơ thẩm xét xử tuyên không phạm tội giảm 23% so với năm 2010. Thực hiện chức năng của mình, Viện kiểm sát tiếp tục kiểm sát tiến trình tố tụng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hơn 2.000 vụ án trọng điểm phức tạp, dư luận quan tâm; thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hơn 6.000 phiên tòa lưu động, phối hợp tổ chức gần 2.000 phiên tòa để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, kỹ năng tranh tụng cho đội ngũ Kiểm sát viên. Viện Kiểm sát các cấp cũng tăng cường kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại…;qua kiểm sát đã ban hành hơn 1.100 kháng nghị phúc thẩm, gần 400 kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, chất lượng kháng nghị tốt hơn, số vụ kháng nghị được Tòa án chấp nhận đạt tỷ lệ cao (trên 80%). Viện Kiểm sát các cấp đã ban hành hơn 1.600 kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm, góp phần đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong giải quyết các vụ, việc dân sự, các vụ án hành chính kinh doanh thương mại. Kiến nghị về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước, phục vụ việc xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Phó Viện trưởng Hoàng Nghĩa Mai cho rằng, trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, việc đặt vấn đề nghiên cứu thu hẹp phạm vi chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát hoặc chuyển đổi sang mô hình Viện Công tố là chưa phù hợp. Ông Mai cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần tiếp tục khẳng định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân như quy định trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, bổ sung các thiết chế để Viện Kiểm sát thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Đảng. Góp ý nhằm hoàn thiện mô hình hoạt động, nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt công tác của ngành Kiểm sát nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, toàn ngành cần chú trọng việc nâng cao khả năng tranh tụng của Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa; quan tâm nhiều hơn nữa đến lĩnh vực kiểm sát các hoạt động tố tụng, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc oan sai. Việc sửa đổi, chỉnh lý mô hình, tổ chức hoạt động của Viện Kiểm sát cần dựa trên cơ sở tổng kết hoạt động hơn 50 năm qua của ngành, đồng thời có tham khảo, tiếp thu những mô hình tiên tiến của các quốc gia trên thế giới. Sau khi nghe báo cáo của ngành và ý kiến của đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, kết quả công tác của Ngành Kiểm sát nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ án. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện nghiêm túc tinh thần cải cách tư pháp. Kết quả này có được nhờ sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm chính trị của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, kiểm sát viên thời gian qua. Hoan nghênh tinh thần thẳng thắn, nhìn thẳng vào những tồn tại, thiếu sót để khắc phục sửa chữa, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngành Kiểm sát nhân dân khắc phục tồn tại, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình cũng là làm tốt việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân theo đúng quy định của pháp luật. Đề cập đến phương hướng hoàn thiện vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân theo lộ trình xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, cơ cấu, tổ chức của ngành Kiểm sát phải được xây dựng dựa trên tinh thần Chiến lược cải cách tư pháp, tình hình thực tiễn của đất nước ta. Viện Kiểm sát là cơ quan hiến định, thực thi quyền của công dân trong việc giám sát các hoạt động tư pháp. Việc sửa đổi mô hình Viện Kiểm sát cần được tổng hợp, nghiên cứu kỹ nhưng vẫn phải giữ nguyên 2 chức năng chính như hiện nay là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; đồng thời quy định mối quan hệ hài hòa với các cơ quan lập pháp, hành pháp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngành Kiểm sát cần khẩn trương củng cố, bổ sung lực lượng cho Cơ quan điều tra của Viện đảm bảo đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công việc trọng tâm trong thời gian tới đối với ngành Kiểm sát là triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay. Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng các tổ chức Đảng trong toàn ngành trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững vàng về chính trị, tinh thông về pháp luật, giỏi về nghiệp vụ, là tấm gương về tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có bản lĩnh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp tích cực vào mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa./. |
||
(Theo TTXVN) |