.
.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri Đại học Quốc gia TP HCM

Chủ Nhật, 21/10/2012|18:37

Sáng ngày 21/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp xúc cử tri Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh theo chuyên đề và lĩnh vực cử tri quan tâm.

Đây là hoạt động tiến hành theo Nghị quyết liên tịch số 06 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.

Tại buổi tiếp xúc, trao đổi với cử tri về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, chúng ta thực hiện nhiệm vụ năm 2012 trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động rất phức tạp và khó khăn nhiều hơn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn như nền kinh tế nước ta. Ở trong nước, việc thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát là cần thiết nhưng hệ quả là cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất tín dụng tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, sản xuất khó khăn...

Trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, công tác lãnh đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, đến nay, dự báo đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu kế hoạch.

Trên cơ sở kết quả tình hình 9 tháng đầu năm và ước thực hiện những tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu những kết quả nổi bật về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2012, cụ thể: Lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực; đã đạt được kết quả bước đầu về tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm, nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo; việc làm, bảo đảm cuộc sống cho các đối tượng chính sách, người có công; phát triển văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường có bước chuyển biến tích cực...

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng nêu những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế như, khó khăn của nền kinh tế vẫn còn lớn, hạn chế, yếu kém còn nhiều. Các nhiệm vụ trung hạn nhằm tạo lập nền tảng cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững mới ở giai đoạn khởi động, thách thức còn ở phía trước.

Đề cập tới mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đề nghị xác định mục tiêu tổng quát của năm 2013 là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo. Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu dự kiến được xác định như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%; giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo cả nước, 4% đối với các huyện nghèo; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động...

Để đạt các mục tiêu nêu trên, Chính phủ dự kiến sẽ đề ra những nhóm giải pháp chủ yếu như: thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn năm 2012, đồng thời, nâng cao năng lực dự báo, chủ động điều hành và có phản ứng chính sách phù hợp kịp thời để ứng phó có hiệu quả với những tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh để đạt mức tăng trưởng hợp lý. Tập trung vào việc thực hiện các biện pháp về hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, các biện pháp về thuế, thủ tục hành chính, xử lý nợ xấu, xử lý hàng tồn kho, giúp doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ngăn chặn có hiệu quả việc gian lận thương mại, nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng...

Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chú trọng các biện pháp bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục công cuộc cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phòng chống tham nhũng lãng phí, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa theo đúng tinh thần Hội nghị Trung ương 4, Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI). Bảo đảm quốc phòng an ninh và ổn định chính trị xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2013.

Cử tri Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được hết sức đáng trân trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thời gian qua, đồng thời bày tỏ đồng tình với nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả mà Chính phủ đang và sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.

Hoan nghênh, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi nhiều vấn đề mà các cử Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh quan tâm như vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; cải cách tiền lương, đảm bảo mức lương đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho cán bộ, công nhân viên chức; phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.

Thủ tướng ủng hộ và đề nghị Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh xây dựng đề án để có thể tiên phong thí điểm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.

Đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề  toàn Đảng, toàn dân hết sức quan tâm, trăn trở; quyết tâm của Đảng, Nhà nước là ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tội phạm này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng là cần thiết để phù hợp, sát với thực tế và hiệu quả hơn nhưng phòng chống tham nhũng không chỉ là luật, xử lý nghiêm theo luật, hành xử theo luật mà còn là giáo dục, giáo dục về đạo đức, lối sống, tư tưởng, lòng tự trọng và trách nhiệm với đất nước. Bên cạnh đó rất cần sự giám sát, phát hiện và đấu tranh của nhân dân…

Liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ mà cử tri quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Đảng và Nhà nước ta có thái độ rất rõ ràng và rất kiên định, đây là vấn đề thiêng liêng của Tổ quốc.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, chúng ta kiên trì, nhất quán thực hiện chủ trương giải quyết các vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích trên biển của Việt Nam; đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Cũng tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phân tích, chia sẻ về lộ trình cải cách tiền lương và khẳng định, Chính phủ đang tính toán, cân đối kỹ lưỡng để thực hiện lộ trình này.

Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc (Theo Chinhphu.vn)

.
.
.
.