Vài câu chuyện nhỏ về Chủ tịch nước
Trong cuộc tiếp xúc cử tri dịp cuối năm, người đứng đầu Nhà nước đã “bình chọn” một câu nói đáng lưu tâm. Đó là câu nói của một người dân bình thường nhắn gửi lên Trung ương: “Các vị làm gì đều không qua được tai mắt nhân dân”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri TP.HCM tháng 12-2012 - Ảnh: Minh Đức |
Người kể với chúng tôi về bình chọn của Chủ tịch nước là ông Phạm Đình Toàn, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, một cử tri quận 4, TP.HCM.
Có dịp may mắn được gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chúng tôi đã nghe ông chia sẻ kỹ hơn về sự “bình chọn” đó. Chủ tịch nước nói: “Dù đây không phải là một câu nói nổi tiếng, dù nghe rất mộc mạc nhưng mà thật thấm thía, sâu sắc. Những người công bộc của dân phải luôn nhớ đến câu nói này để tự răn mình, để thường xuyên tự rèn luyện, tự sửa chữa theo lời Bác Hồ dặn là như rửa mặt hằng ngày...”.
Hôm ấy, Chủ tịch nước nói nhiều về những điều Bác dạy và về tư tưởng “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, phải thực sự phát huy dân chủ và dựa vào dân để nhân dân góp ý kiến với Đảng của mình; nhân dân là “tai mắt” giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng trong thực tiễn cuộc sống.
Chủ tịch nước kể về lần gặp các vị lão thành cách mạng ở nơi có chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), cũng như nhiều cuộc tiếp xúc ở những nơi khác nữa, một trong những vấn đề mà các vị lão thành quan tâm nhất chính là việc chỉnh đốn Đảng theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và khẳng định: “Đây cũng là sự quan tâm chung của toàn Đảng, toàn dân hiện nay. Kỳ vọng của nhân dân là rất lớn. Chúng ta quyết phải thực hiện thành công”.
Một câu chuyện nhỏ khác mà chúng tôi là những người chứng kiến trực tiếp. Trong dịp về thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên, sau khi dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà tưởng niệm Bác ở Đèo De (xã Phú Đình, huyện Định Hóa), Chủ tịch nước dành thời gian ngoài chương trình để gặp gỡ người dân địa phương, dừng chân hồi lâu để trò chuyện với một cụ bà đang ngồi ven đường bán những món quà quê như cơm lam, bánh nếp và nghe cụ kể lại “thời kháng chiến đồng bào thường lấy cơm lam tặng bộ đội ăn thay lương khô”.
Vui chuyện, Chủ tịch nước đọc cho mọi người nghe hai câu thơ của Tố Hữu: Mười lăm năm ấy ai quên, quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa. Khi trao tận tay Chủ tịch nước món quà quê nổi tiếng của vùng an toàn khu Định Hóa, bà cụ nói giản dị “mong trung ương mạnh khỏe để làm được nhiều việc hơn cho dân”.
Về sau này, chúng tôi đã phỏng vấn Chủ tịch nước rằng: “Mỗi lần gặp gỡ, tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân như ở Thái Nguyên, ở TP.HCM..., Chủ tịch cảm nhận lòng dân từ cơ sở hiện như thế nào?”. Chủ tịch nước ưu tư: “Không chỉ bây giờ mà hơn 80 năm nay, nhân dân ta luôn gắn bó với Đảng, với Bác Hồ, với chế độ này, kể cả những lúc khó khăn nhất. Chúng ta còn nhiều hạn chế, yếu kém, khuyết điểm gây bức xúc cho người dân, “mắc nợ” với nhân dân nhiều quá.
Gặp gỡ các cụ già, các em nhỏ, tiếp xúc với các giai tầng xã hội khác nhau, lắng nghe bà con, tôi càng cảm nhận rõ điều đó. Nhân dân kỳ vọng và tin vào Đảng, Nhà nước, bà con gặp mình vui vẻ động viên “cố gắng”, làm mình càng thấy rõ trách nhiệm nặng nề hơn. Chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân thấy khó ngủ lắm. Chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Đất nước hôm nay còn nhiều mặt chưa bằng các nước xung quanh, một bộ phận nhân dân còn rất nghèo khổ và còn biết bao công việc bộn bề đang ở phía trước”.
“Dân thấy ông Chủ tịch nói chuyện thiệt tình”
Từng dự rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước, ông Phạm Đình Toàn nhận xét: “Mỗi lần gặp ông Chủ tịch, tui thấy còn dễ ăn dễ nói hơn gặp một số cán bộ khác ở cấp dưới”. Dịp về thăm khu phố ở phường 5, quận 3 (TP.HCM) trong ngày hội Đại đoàn kết, Chủ tịch nước nói với bà con: “Tuy có bài phát biểu chuẩn bị trước nhưng đến đây, tôi thấy nó không thích hợp trước những tâm sự, trao trút của cô, bác, anh, chị, tôi xin có mấy lời thế này...”.
Lắng nghe bà con nói, ông ghi chép kỹ càng, trả lời tất cả ý kiến cử tri, không sót một ai. Bà con ở quận 4 đã có lần chứng kiến Chủ tịch nước ngồi lại đến trưa để trả lời bằng hết 25 kiến nghị của 16 người dân ông đã lắng nghe suốt mấy giờ trước đó. Bà Nguyễn Thị Liễu - một cử tri ở phường 8, quận 4 - thiệt thà: “Ông ở cấp cao vậy, nhưng chuyện nhỏ xíu ông đã hứa là giữ lời, chớ không trả lời cho qua chuyện”. Bà Liễu cứ nhắc miết việc sau khi kiến nghị với Chủ tịch nước tại kỳ tiếp xúc cử tri cuối năm 2011, ngôi nhà rách nát chật chội của bà đã được địa phương cấp phép sửa chữa khang trang sau gần 20 năm vướng quy hoạch.
Ông Toàn rất ấn tượng cách đối thoại thẳng thắn của Chủ tịch nước khi có cử tri đặt câu hỏi: “Vì sao đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo mà chỉ thấy mỗi người phát ngôn lên tiếng?”. Câu hỏi ấy được Chủ tịch nước chọn trả lời đầu tiên, thông tin đầy đủ cho cử tri những công việc quan trọng mà Đảng, Nhà nước đã làm, đang làm và tiếp tục làm kể cả về ngoại giao, về việc không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng đủ để tự vệ, rồi cả về xây dựng luật pháp cũng như hành động trên thực địa để giữ vững chủ quyền biển đảo.
Chủ tịch nước khẳng định: “Một mình Bộ Ngoại giao không làm được, một mình người phát ngôn lên tiếng càng không phải. Chúng ta vẫn tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế trên biển Đông. Không chỉ dầu khí mà còn thủy sản, du lịch, hợp tác quốc tế nghiên cứu biển...”. Sự thẳng thắn ấy của Chủ tịch nước không làm cho buổi tiếp xúc cử tri căng thẳng mà trái lại, như ông Phạm Đình Toàn nói: “Dân quận 4 thấy ông Chủ tịch nói chuyện thiệt tình nên ưng bụng, cảm thấy thuyết phục”.
Bồi đắp niềm tin
Nhiều dịp được tháp tùng Chủ tịch nước công tác nước ngoài, chúng tôi hiểu rõ hơn chủ trương giải quyết vấn đề biển Đông “bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế” của Đảng và Nhà nước ta. Quốc gia nào dù lớn hay nhỏ, đơn phương đặt mình ra khỏi luật pháp quốc tế và có những hành động vũ lực sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Brunei và Myanmar cuối năm 2012, bên cạnh nhiều nội dung quan trọng về ngoại giao, kinh tế, văn hóa..., các nhà lãnh đạo hai bên đều khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và tin cậy lẫn nhau tại biển Đông. Lãnh đạo hai nước Brunei và Myanmar, trong hội đàm với Chủ tịch nước ta, đều nhắc lại những kỷ niệm hết sức sâu sắc với Việt Nam.
Quốc vương Brunei mô tả lại cảm xúc của mình khi quốc kỳ của Việt Nam được kéo lên tại Brunei vào thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN năm 1995. Tổng thống Myanmar thì nhiều lần nhắc đến tình cảm của ông trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 3-2012 khi ông tận mắt chứng kiến những thành quả đổi mới của Việt Nam. Với sự tin tưởng chỉ có ở những người bạn, ông đề nghị: “Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm với Myanmar trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế”.
Chủ tịch nước cho biết: “Những chuyến thăm cấp cao như thế này là dịp để củng cố và tăng cường lòng tin chính trị. Xuất phát điểm đầu tiên là lòng tin, cá nhân với cá nhân là lòng tin, tập thể với tập thể cũng là lòng tin, giữa quốc gia này với quốc gia khác hay trong khu vực cũng là lòng tin”.
Cộng đồng ASEAN trong những năm tới, muốn đánh dấu một bước ngoặt về chất trong lịch sử phát triển của mình, cũng phải bằng lòng tin. Hơn bao giờ hết, để đi đến mục tiêu mà các nước trong khu vực đang kỳ vọng trở thành hiện thực, đòi hỏi phải có một nền tảng là sự tin cậy, đoàn kết, sự thống nhất trong đa dạng và phối hợp tốt với nhau vì mục đích chung. Đây là điều hết sức quan trọng.
Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch nước nhấn mạnh đến “điều hết sức quan trọng” nêu trên. Một nhà lãnh đạo khác trong ASEAN, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi phát biểu tại Trường Đảng Trung Quốc trong chuyến thăm nước này, cũng đã cho rằng ASEAN cần phải đoàn kết và thống nhất để tránh tình trạng chia rẽ, tránh việc các thành viên bị buộc phải chọn theo một cường quốc nào đó. Bằng không, Đông Nam Á sẽ trở thành đấu trường mà chẳng ai chiến thắng cả.
Vào ngày cuối cùng trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Brunei và Myanmar, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh biểu thị niềm vui khi chia sẻ với cánh báo chí tháp tùng về những kết quả của chuyến thăm, cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Qua chuyến thăm lần này, có thể thấy rõ quan điểm gần gũi giữa ta và Brunei cũng như Myanmar trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN. Đây là các cơ sở thuận lợi để Việt Nam phối hợp chặt chẽ với hai nước khi bạn đảm nhận cương vị chủ tịch ASEAN lần lượt trong các năm 2013 và 2014”.
Những kết quả như Bộ trưởng Phạm Bình Minh vừa nhắc đến chỉ là một phần trong các hoạt động đối ngoại sôi động nối tiếp nhau. Trong năm qua, nước ta đã đón không dưới 30 đoàn cấp cao được các vị nguyên thủ, lãnh đạo quốc hội, lãnh đạo chính phủ các nước dẫn đầu đến thăm. Chủ tịch nước rất phấn khởi khi nói về điều này và tâm sự: “Điều đó cho thấy bạn bè thế giới ngày càng quan tâm và đến với Việt Nam nhiều hơn”.
Chẳng phải người xưa đã nói “đường nhiều bạn dễ đi hơn”.
Theo TTO