Chủ tịch nước làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp
Ngày 31/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Chủ tịch nước làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp |
Qua 8 năm thực hiện Nghị quyết 49, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã nghiêm túc triển khai và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp (CCTP) được phân công, đồng thời có nhiều biện pháp tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Qua đó đã đạt được những kết quả cụ thể, bước đầu tạo được những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực công tác của Bộ, ngành.
Ở lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp, trong tổng số 178 luật, pháp lệnh được ban hành từ tháng 6/2005 đến tháng 6/2013 có tới 63 văn bản trực tiếp liên quan đến CCTP.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã chủ động, mạnh dạn và kiên trì thực hiện chủ trương “xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp”, nhiều chính sách lớn, quy hoạch tổng thể trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã được xây dựng, ban hành như Chiến lược Luật sư, Chiến lược trợ giúp pháp lý... Nhờ đó, chất lượng Luật sư ngày càng được nâng lên. Tổ chức bộ máy của ngành Tư pháp được kiện toàn mạnh mẽ theo hướng Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động năng động, hiệu quả và có trách nhiệm với dân.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống tư pháp luôn được Bộ Tư pháp coi là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của ngành. 8 năm qua, Đại học Luật Hà Nội đã đào tạo gần 28.000 sinh viên/học viên, Học viện Tư pháp đào tạo 22.880 học viên tốt nghiệp là nguồn bổ nhiệm các chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Luật sư, Công chứng viên, Đấu giá viên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Đó là, thể chế trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp vẫn còn những hạn chế, bất cập. Việc xây dựng dự kiến Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh hàng năm chưa toàn diện, đồng bộ, thiếu dự báo mang tính chiến lược. Công tác Thi hành án số vụ thụ lý mới hàng năm tăng cao, dẫn đến số việc phải thi hành chuyển kỳ sau tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.
Việc phát triển các dịch vụ công, dịch vụ pháp lý do ngành Tư pháp quản lý trên một số lĩnh vực còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn. Tổ chức và hoạt động của luật sư, công chứng, giám định, trợ giúp pháp lý còn bộc lộ nhiều hạn chế bất cập.
Chế độ, chính sách liên quan đến công tác đầu tư xây dựng chưa hợp lý, cộng với sự biến động, phức tạp của thị trường dẫn đến việc dự án đã phê duyệt phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, ảnh hưởng không ít đến quá trình triển khai thực hiện.
Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ, ngành và thành viên Ban chỉ đạo CCTP Trung ương đồng tình với những kết quả đạt được của Bộ Tư pháp, đồng thời phân tích những hạn chế của Bộ Tư pháp khi thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Bí thư Đảng uỷ Bộ Tư pháp ghi nhận những góp ý của các đại biểu, đồng thời giải thích thêm một số nội dung liên quan đến việc phát triển đội ngũ luật sư, công tác giám định tư pháp,…
Cho ý kiến về việc thực hiện tổng kết Nghị quyết 49 tại Bộ Tư pháp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương ghi nhận những nỗ lực, sáng kiến của cán bộ, đảng viên Bộ Tư pháp trong xây dựng, thực hiện Nghị quyết.
Thực tiễn hoạt động cải cách tư pháp trong thời gian đã phát sinh những vấn đề mới, Bộ Tư pháp cần phát hiện đầy đủ những phát sinh này để bổ sung cho báo cáo của Ban chỉ đạo trình Bộ Chính trị đạt chất lượng cao nhất, giúp Bộ Chính trị đưa ra những quyết định tiếp theo.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng ngành Tư pháp còn phải giải quyết nhiều công việc để bám sát yêu cầu nội dung của Nghị quyết 49, do vậy Bộ Tư pháp cần phối hợp với các cơ quan liên quan, làm rõ nguyên nhân, phát huy nhân tố tích cực để thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp.
Theo Chinhphu.vn