Hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần
Nhiều hoạt động đối ngoại sôi động nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị, bền chặt với các nước; một số chỉ đạo mới trong chiến lược phát triển công nghiệp, phát triển KTXH vùng Tây Nguyên, xây dựng đảo Phú Quốc… là hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần từ 15 - 21/9.
Kỷ niệm 40 năm chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Fidel Castro
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba, Rodrigo Malmierca Diaz |
Tại Trụ sở Chính phủ, trong buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba, Rodrigo Malmierca Diaz sang Việt Nam dự cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ hai nước và dự kỷ niệm 40 năm chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam của Chủ tịch Cuba Fidel Castro, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chuyến thăm sẽ đóng góp tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Cuba.
Thủ tướng cho biết chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Fidel Castro, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đặt chân tới vùng đất vừa mới được giải phóng ở miền Nam Việt Nam đã trở thành nguồn động viên to lớn đối với quân và dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác về nông nghiệp với Cuba, đồng thời mong muốn Cuba tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam sang hợp tác, đầu tư và làm ăn lâu dài tại Cuba.
* Tối 19/9, tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị (19/9/1973-19/9/2013) được tổ chức trọng thể.
Nhớ về những kỷ niệm sâu sắc của chuyến thăm lịch sử của nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới tới vùng giải phóng miền Nam Việt Nam ngay sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết (tháng 1/1973), đặc biệt là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Fidel Castro: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chuyến thăm của Chủ tịch Fidel đã mang đến cho nhân dân Việt Nam tình đoàn kết, sự ủng hộ quý báu của đất nước và nhân dân Cuba, những người bạn tuy cách xa nửa vòng Trái đất nhưng gần gũi như anh em một nhà. Sự có mặt của Tổng Tư lệnh Fidel trên vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị là sự cổ vũ, động viên to lớn đối với cuộc đấu tranh của đồng bào, chiến sỹ miền Nam cũng như cả nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cho đến nay, quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Cuba vẫn không hề thay đổi như Chủ tịch Fidel Castro từng nói: “Quan hệ Việt Nam-Cuba là một mối quan hệ đặc biệt, không có tiền lệ, là hình mẫu của quan hệ quốc tế”.
Trong dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao hai nước Việt Nam, Cuba đã đến thăm Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, Quảng Bình, một trong những biểu tượng lịch sử của mối quan hệ giữa hai nước.
Kỷ niệm 40 năm Việt Nam – Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao
Tiếp nối chuỗi sự kiện, hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đang thăm và làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Itsunori Onodera.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là đặc biệt coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản vì hòa bình, phồn vinh ở khu vực châu Á; mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là ở Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera. |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Bộ Quốc phòng hai nước đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác, thường xuyên đối thoại, trao đổi đoàn, thăm viếng lẫn nhau nhằm tăng cường tình cảm hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa quân đội hai nước. Đồng thời, đề nghị Nhật Bản tăng cường hợp tác với Việt Nam trong đào tạo cán bộ, nhất là đào tạo về tiếng Nhật, tiếng Anh; hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong hiện đại hóa trang thiết bị của lực lượng cảnh sát biển; hỗ trợ Việt Nam trong tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế...
*Sáng 20/9, các cơ quan hữu quan Việt Nam, Nhật Bản tổ chức trong thể Liên hoan Hữu nghị nhân dân Việt Nam-Nhật Bản, sự kiện này được đồng thời triển khai tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh. Liên hoan Hữu nghị Nhân dân Việt Nam-Nhật Bản được tổ chức đúng vào dịp 40 năm trước đây, ngày 21/9/1973, khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Liên hoan diễn ra trong 3 ngày với nhiều hoạt động phong phú.
Việt Nam - New Zealand hướng tới kim ngạch thương mại 1 tỷ USD
Chiều 16/9, trong buổi tiếp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính New Zealand Bill English đang thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với phía New Zealand triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất vì sự phát triển chung của cả Việt Nam và New Zealand.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai nước thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, hàng không..., tiếp tục hợp tác giáo dục đào tạo với quy mô lớn hơn; đề nghị New Zealand tăng chỉ tiêu học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam, thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác về văn hóa, giao lưu nhân dân, qua đó tăng cường tình cảm hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước, hai dân tộc.
Trong cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính New Zealand Bill English, hai bên nhất trí mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 1 tỷ USD vào năm 2015.
Hai bên nhất trí tích cực phối hợp thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao, trong đó có việc tập trung triển khai Chương trình hành động giai đoạn 2013-2016 cũng như Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký tháng 8/2013 vừa qua nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Toàn quyền New Zealand. Hai bên cũng nhất trí tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng và các lĩnh vực khác mà hai bên có tiềm năng như nông nghiệp, sản xuất và chế biến sữa, đồ uống, công nghiệp chế biến, năng lượng, khai thác gỗ và khoáng sản, luật pháp, giáo dục-đào tạo, du lịch, lao động, giao lưu nhân dân nhằm đưa các lĩnh vực hợp tác này phát triển tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp sẵn có.
Việt Nam – LB Nga tiến tới quan hệ đối tác chiến lược trong giáo dục và khoa học
Tuần qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có chuyến công tác tại Liên bang Nga, gặp gỡ và hội đàm với lãnh đạo Chính phủ, Duma Quốc gia Nga, thăm các tổ chức hữu nghị, giáo dục của nước Nga nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Liên bang Nga.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch thứ nhất Duma Quốc gia Nga Melnicov. |
Tại cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Liên bang Nga Golodest O.IU, hai bên đã trao đổi các biện pháp nhằm thực hiện chủ trương nâng cấp quan hệ hợp tác giáo dục và khoa học giữa Việt Nam và Liên bang Nga lên quan hệ đối tác chiến lược. Trong đó có các vấn đề liên quan đến xây dựng Trường Đại học Công nghệ Việt-Nga, dự án mang tính biểu tượng cho hợp tác chiến lược về đào tạo và khoa học-công nghệ giữa hai nước, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.
Hai bên cũng thảo luận tiếp tục các biện pháp để đưa hợp tác kinh tế phát triển mạnh hơn, như sớm ký kết Thỏa thuận thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan nhằm nâng kim ngạch song phương lên 7 tỉ USD vào năm 2015 và 10 tỉ USD vào năm 2020; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và tại Liên bang Nga, triển khai Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Tại buổi gặp Phó Chủ tịch thứ nhất Duma Quốc gia Nga Melnicov, thăm Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Nga- Việt và những cựu chiến binh Nga từng giúp đỡ Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn Việt Nam cùng các cơ quan, tổ chức của Liên bang Nga tiếp tục củng cố, vun đắp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, tạo động lực mạnh mẽ cho việc triển khai hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực.
Chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH, phòng tránh thiên tai
* Trong tuần, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác Chính phủ đã có các buổi làm việc tại Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hà Nam.
Đoàn công tác đã đánh giá về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, từ đó thảo luận, định hướng một số giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển năm 2013 cũng như các năm tiếp theo. Trong đó, một mặt khắc phục những khó khăn, thách thức mà các tỉnh đang phải đối mặt như kinh tế tăng trưởng còn thấp, thất thu ngân sách, thiếu nguồn lực đầu tư phát triển thiếu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Mặt khác, nhấn mạnh vào việc xác định, phát huy các lợi thế đặc thù của từng địa phương, tạo thuận lợi thu hút, chuyển dịch cơ cấu đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.
Dự hội hội nghị sơ kết 2 năm phong trào phát triển giao thông nông thôn tại Hà Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Hà Nam cần làm tốt quy hoạch vì đây là cái gốc cho việc xây dựng nông thôn mới, trong đó lưu ý không để tình trạng “làm trước, phá sau” bởi Hà Nam có vị trí quan trọng, nằm trong trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội. Tỉnh cần tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng nâng suất và tạo việc làm cho người dân để tăng giá trị cây trồng, vật nuôi tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa cung cấp cho người dân trong tỉnh và Thủ đô Hà Nội, qua đó nâng cao đời sống nhân dân.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc xây dựng đường giao thông nông thôn phải bảo đảm được chất lượng, đúng thiết kế phê duyệt, có sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng dân cư đối với các công trình xây dựng, đồng thời phải bảo đảm việc xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không để gia tăng tai nạn giao thông.
Chỉ đạo ứng phó với bão số 8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương, lực lượng biên phòng khẩn trương thông tin, kêu gọi và yêu cầu các phương tiện đang ảnh hưởng của vùng bão di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, được xác định từ Quảng Bình đến Phú Yên, tổ chức neo đậu, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi bão vào bờ, chằng chống nhà cửa, sơ tán khỏi lồng bè thủy sản, các vùng xung yếu, nguy cơ cao. Đặc biệt nhấn mạnh vấn đề mưa kéo dài và diện rộng, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành chủ hồ thường xuyên kiểm tra an toàn hồ đập, đê điều, nhất là việc vận hành xả nước theo quy định để đảm bảo an toàn công trình và tăng hiệu quả cắt lũ, chuẩn bị chống úng cho các vùng có khả năng bị ngập úng.
Tại hội nghị kêu gọi đầu tư tham gia xây dựng dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết theo mô hình đối tác công-tư (PPP), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư tham gia các dự án hạ tầng, tạo tiền đề để nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình đối tác công-tư PPP trong thời gian tới.
Đánh giá Dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết có ý nghĩa như một bước đi hoàn toàn mới do áp dụng một trong những phương thức đầu tư hiện đại và phức tạp trong xây dựng hạ tầng hiện nay trên thế giới, Phỏ Thủ tướng Nhấn mạnh trong bối cảnh nhu cầu xây dựng hạ tầng ngày càng lớn, việc khuyến khích thu hút đầu tư ngoài ngân sách, các phương thức BOT, BT và đặc biệt là PPP là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét những cơ chế phù hợp để có thể tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư tham gia các dự án hạ tầng như tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, tạo tiền đề để nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình này trong thời gian tới.
Chủ trì cuộc họp thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xây dựng Chiến lược mới về phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, có xét đến 2030, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã có các ý kiến đánh giá, rà soát các nội dung cơ bản trong dự thảo; chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến và tiếp thu các đóng góp xây dựng Chiến lược, trong đó nổi lên một số vấn đề đáng lưu ý về quan điểm và định hướng phát triển, hiện trạng phát triển, tình hình lập quy hoạch các phân ngành công nghiệp, dự báo các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp. Từ đó, đưa ra quy hoạch phát triển ngành trong giai đoạn mới với các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển và đặc biệt là các phương án, giải pháp phát triển ngành được lựa chọn.
Nhằm tạo sức bật cho Phú Quốc vươn lên thành đặc khu kinh tế, tại hội thảo khoa học đóng góp ý kiến vào Đề án thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo một loạt các nhiệm vụ trong xây dựng cơ chế có liên quan.
Phó Thủ tướng đồng tình với các ý kiến chuyên gia về tính cần thiết xây dựng khu vực kinh tế-hành chính đặc biệt để Phú Quốc phát triển mạnh mẽ, gắn với sự phát triển của cả nước và những vấn đề an ninh, quốc phòng. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan soạn thảo Đề án cần làm rõ hơn những sản phẩm, dịch vụ, ngành nghề đặc thù của Phú Quốc để phát huy lợi thế cạnh tranh. Cần rà soát, xây dựng các chính sách đặc thù, có tính đột phá, “mạnh mẽ” hơn so với những chính sách thể hiện trong dự thảo Đề án.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, những chính sách này cần xây dựng trên cơ sở tổ chức chính quyền năng động. Bên cạnh đó, các chính sách về đất đai, hải quan, thuế, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực để áp dụng ở Phú Quốc cần phải được thể chế trong Hiến pháp và luật.
* Tại TPHCM, tham dự buổi họp giới thiệu Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL-Vĩnh Long 2013 (MDEC Vĩnh Long 2013) do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức đã đăng ký đầu tư và hỗ trợ an sinh xã hội tại vùng trong điều kiện kinh tế, sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, đồng thời hy vọng các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư tiếp tục phát triển dự án đạt kết quả cao nhất.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh mong muốn thông qua các hoạt động tìm hiểu, đầu tư vào vùng, các doanh nghiệp sẽ tham vấn cho Chính phủ, chính quyền các địa phương giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất trên địa bàn./.
Theo Chinhphu.vn