.
.

Đột phá trong xây dựng Đảng - việc không thể chậm trễ

Bài 2: Khắc phục yếu kém kéo dài trong công tác tổ chức, cán bộ

Thứ Ba, 21/02/2012|23:26

 

Tại sao Trung ương đặt vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương là một trong ba nội dung cấp bách của công tác xây dựng Đảng?

Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2020 và nhiều văn kiện quan trọng khác, trong đó nổi bật là quan điểm phát triển bền vững, phấn đấu tạo nền tảng đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Muốn vậy phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Đáp ứng những đòi hỏi đó, tất yếu phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và bản lĩnh cầm quyền của Đảng, với đặc điểm của chế độ chính trị ở nước ta - một đảng duy nhất cầm quyền. Rất nhiều vấn đề mới, phức tạp nảy sinh, chưa có tiền lệ trong lịch sử mà không phải ngay từ đầu chúng ta đã hình dung hết. Trên thực tế, chúng ta cũng không thể hình dung hết được những tình huống của phát triển. Thực tiễn biến đổi mau lẹ, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, sự gia tăng những bất ổn về chính trị và an ninh ở nhiều nước, ở các khu vực trên thế giới cùng với những thảm họa của thiên tai, khí hậu. Ở trong nước, việc phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường bên cạnh những mặt tích cực, làm năng động hóa nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng, những mặt trái và hệ lụy của kinh tế thị trường cũng bộc lộ ngày một gay gắt, các vấn đề xã hội, những tệ nạn và tiêu cực cũng phát sinh, dẫn tới những áp lực lớn đối với quản lý và điều hành. Bộ máy quản lý còn nhiều yếu kém, thể chế, chính sách và cơ chế còn nhiều lạc hậu, bất cập, lại chậm thay đổi, nên quản lý kém hiệu quả, không đáp ứng kịp thời những yêu cầu bức xúc của người dân. Phân hóa giàu - nghèo gay gắt làm gia tăng bất công xã hội, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, dẫn tới những xung đột xã hội trong các cộng đồng dân cư và giữa người dân với chính quyền ở địa phương và cơ sở, nhất là ở địa bàn nông thôn rộng lớn. Tình hình đó vừa lý giải những nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của những vấn đề, những tình huống cấp bách trong Đảng, vừa cho thấy những hạn chế, yếu kém về chất lượng của đội ngũ cán bộ, những bất hợp lý trong chính sách cán bộ cũng như sự trì trệ kéo dài của công tác tổ chức và cán bộ.

Đã không ít lần chúng ta nhận định rằng, những khuyết điểm, yếu kém của công tác tổ chức - cán bộ đã tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới các mặt công tác, các lĩnh vực hoạt động khác. Đây là khuyết điểm của mọi khuyết điểm, yếu kém của mọi yếu kém. Khắc phục triệt để những khuyết điểm, yếu kém trong công tác tổ chức - cán bộ được đặt ra như một đòi hỏi chẳng những cấp bách mà còn rất bức xúc. Đây cũng là một điểm nghẽn cần phải vượt qua để khai thông và tạo động lực cho đổi mới và phát triển ở nước ta, đối với tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là đối với công tác xây dựng Đảng.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI khi đề cập tới vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là ở cấp Trung ương đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế có nhiều điểm mới: Thẳng thắn trong đánh giá, trên tinh thần phê phán, nhìn thẳng vào sự thật, đề xuất những giải pháp thiết thực trên quan điểm đổi mới. Đáng lưu ý là, khi phê phán sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, Nghị quyết đã cho thấy, những biểu hiện suy thoái không chỉ xảy ra ở đảng viên thường mà còn ở những đảng viên giữ chức vụ, được giao trọng trách, đó là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, mà trên thực tế thì ở cấp nào, ngành nào, địa phương nào, lĩnh vực nào cũng có. Hơn nữa, theo Nghị quyết, tình trạng suy thoái đó còn có ở một số cán bộ cao cấp. Mọi biểu hiện suy thoái như Nghị quyết đã nêu đều có thể quy vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh, lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ… Ở đây, không chỉ là nhận thức, là ý thức tư tưởng mà còn là hành vi và lối sống. Ở nước ta, nhất là khi đi vào kinh tế thị trường, tham nhũng ngày càng trầm trọng, diễn biến phức tạp, biểu hiện tinh vi, từ lâu đã trở thành quốc nạn. Để trừng trị tham nhũng, Nhà nước không chỉ ban hành pháp lệnh mà còn nâng pháp lệnh thành Luật Phòng, chống tham nhũng, không chỉ ban hành Luật mà còn lập tổ chức, bộ máy chuyên trách từ Trung ương đến địa phương để phòng, chống tham nhũng, vậy nhưng tình hình vẫn không chuyển biến được bao nhiêu. Tổ chức Minh bạch thế giới trong các báo cáo thường niên đều đánh giá và cảnh báo Việt Nam về thực trạng này. Tham nhũng gắn với người nắm giữ quyền hành, địa vị trong các tổ chức kinh tế, trong các cơ quan công quyền, kể cả trong các tổ chức Đảng. Đáng chú ý, người tham nhũng với những vụ việc ở mọi mức độ, khi bị tố cáo, phanh phui và xử lý, hầu hết đều là đảng viên, là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, kể cả một số cán bộ cao cấp thuộc diện quản lý của Trung ương. Tình hình đó thực sự đáng lo ngại, bởi nó làm cho dân chúng không chỉ suy giảm lòng tin mà còn bất bình, phẫn nộ, xã hội tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Thực trạng cán bộ bao giờ cũng gắn liền với thực trạng tổ chức và công tác tổ chức. Những cán bộ đảng viên suy thoái hiển nhiên là những người thiếu tu dưỡng rèn luyện, đã tự mình đánh mất tính tiền phong gương mẫu, rơi vào hư hỏng, làm tổn thương tới thanh danh của Đảng, làm trái và cố ý làm trái quy định của chính sách, pháp luật, rơi vào phạm pháp và phạm tội. Nhưng những con người ấy lại ở trong tổ chức Đảng, trong các cơ quan nhà nước. Nó chứng tỏ sự yếu kém, mất sức chiến đấu của tổ chức, sự buông lỏng kiểm tra, giám sát làm mất tác dụng của kỷ luật kỷ cương, kể cả công tác giáo dục tư tưởng, chính trị và thực hành nguyên tắc tự phê bình và phê bình, một khi những cái đó đã rơi vào hình thức, bị hình thức hóa.

Công tác tổ chức là công tác với con người, là đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, quản lý và giáo dục cán bộ. Đây là công việc gốc của Đảng như Đảng ta đã từng nhấn mạnh. Một công tác quan trọng, hệ trọng như vậy lại để xảy ra sự yếu kém, trì trệ kéo dài, dẫn tới suy thoái, đó thực sự là một mối đe dọa đối với địa vị lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, thách thức cả tính uy nghiêm của Nhà nước pháp quyền, gây cản trở cho phát triển và tiến bộ xã hội trong công cuộc đổi mới, là có hại đối với dân, nhất là quyền làm chủ của người dân. Theo đúng lời dạy của Bác Hồ, chỉ làm điều lợi cho dân, phải kiên quyết tránh những gì có hại tới dân, rõ ràng phải chỉnh đốn căn bản, mạnh mẽ về tổ chức và chăm lo thường xuyên việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Cán bộ thúc đẩy phong trào, cán bộ nào thì phong trào ấy. Cán bộ yếu kém, vô trách nhiệm, thoái hóa, hư hỏng thì không thể có phong trào tốt, không thể được dân tin và dân ủng hộ. Trong tình hình ấy, do sức ép của những mệnh lệnh hành chính và những ràng buộc có tính thể chế, người dân tham gia phong trào một cách miễn cưỡng, hình thức, chiếu lệ. Đó cũng là một thứ giả dối, một thứ giả tượng xuyên tạc bản chất, che lấp sự thật, cuối cùng, tất yếu cũng sẽ diễn ra sự thải loại - những kẻ xấu xa hư hỏng và những thứ giả dối, hình thức, phù phiếm.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương có vai trò đặc biệt quan trọng để thúc đẩy các mặt hoạt động, các phong trào, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, nhưng phải là những cán bộ tốt, cán bộ giỏi, thực sự là tinh hoa trí tuệ và gương sáng mẫu mực về phẩm chất đạo đức. Ngược lại, sự suy thoái, yếu kém, thậm chí hư hỏng của cán bộ lãnh đạo, quản lý lại là nhân tố kìm hãm phát triển, gây ra trì trệ trong hoạt động, đình đốn công việc, thậm chí có thể gây hậu quả tai hại tới sự nghiệp chung. Những khuyết điểm, sai lầm, những suy thoái hư hỏng ở cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao thì những tổn hại, tác hại do họ gây ra càng lớn hơn về quy mô, mức độ, hậu quả, mà hậu quả tai hại nhất là mất lòng tin của dân, làm suy yếu cơ sở xã hội của Đảng, của Nhà nước và của chế độ nói chung. Ai cũng biết, quy luật của muôn đời, có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả. Thành hay bại, mất hay còn đều từ dân mà ra.

Thấy rõ điều hệ trọng sinh tử đó, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI vừa qua đã nêu bật vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương.

Lần đầu tiên, Nghị quyết đã thẳng thắn chỉ ra yếu kém ở lĩnh vực công tác có tính chiến lược này: “Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản…”. Sự thật là, từ trước đến nay, công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp Trung ương, dẫn tới sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ (tác giả nhấn mạnh).

Đây là một thiếu sót, khuyết điểm lớn và trách nhiệm này trước hết và chủ yếu ở lãnh đạo cấp cao. Nó cho chúng ta thấy sự cần thiết, bức xúc của việc trau dồi tư duy chiến lược. Phải đề cao ý thức về tầm nhìn, sự trù tính lo toan tầm xa, năng lực và bản lĩnh nhìn xa trông rộng, phải có trách nhiệm không chỉ với hiện tại mà còn với tương lai, sự trăn trở suy nghĩ, tìm tòi, từ tầm nhìn mà xác định chương trình hành động ở các nhà lãnh đạo cấp cao mang tầm lãnh tụ, ở cơ quan lãnh đạo cấp cao, cấp Trung ương, mà sinh thời, Bác Hồ đã ví là cơ quan thần kinh, là bộ não của Đảng.

Do khiếm khuyết về chậm quy hoạch cán bộ cấp Trung ương nên dẫn tới “một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước”. Đây là những nhận định, đánh giá đúng sự thật, là thái độ tự phê phán nghiêm khắc. Tình hình đã chậm, đã trở nên cấp bách nên không thể chậm trễ hơn, phải có quyết tâm và trách nhiệm rất cao để giải quyết. Cùng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, nghị quyết đã thẳng thắn nêu rõ, đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng, phát triển với quy mô ngày càng lớn, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước, đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển. Sự yếu kém, buông lỏng quản lý, kiểm tra, trong tình hình ấy đã làm gia tăng những vụ, việc cá nhân và tập thể vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng, thoái hóa, hư hỏng nghiêm trọng. Đó là những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã và đang diễn ra, diễn ra trong Đảng, từ người của Đảng, tức là một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái. Sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, tức là vận Đảng, vận nước ra sao tùy thuộc trước hết ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương. Giữ được hay chệch hướng, mất phương hướng về định hướng xã hội chủ nghĩa cũng là từ mắt xích quan trọng này. Tất cả là từ tổ chức và cán bộ.

Ngoài những điều nêu trên, trong Nghị quyết, xung quanh vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, còn nêu lên những nhận định về thực trạng, của tình hình cấp bách, gây ấn tượng mạnh, buộc tất cả mọi tổ chức Đảng, mọi đảng viên phải suy nghĩ, nhất là trong các cấp ủy về những điều không lành mạnh sau đây, để quyết tâm sửa chữa bằng hành động cụ thể, mạnh mẽ, triệt để. Đó là:

- Vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.

 - Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ, chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài, không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém.

- Một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ, những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh… Vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao.

Rõ ràng là, giải quyết vấn đề cấp bách xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải có quyết tâm cao, dũng khí lớn và giải pháp mạnh thì mới tạo được chuyển biến thực sự./.

GS.TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương

Theo QDND

.
.
.
.