.
.

Đột phá trong Xây dựng Đảng – việc không thể chậm trễ

Chống suy thoái - vấn đề trọng tâm, xuyên suốt, cấp bách nhất

Thứ Hai, 20/02/2012|20:52

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thảo luận và ra Nghị quyết: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Kể từ hôm nay, Ban Biên tập xin giới thiệu một số bài viết nhằm phân tích, làm rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết Trung ương bốn (khóa XI).

GS.TS Hoàng Chí Bảo tại một buổi truyền giảng.
GS.TS Hoàng Chí Bảo tại một buổi truyền giảng.

Một trong ba vấn đề cấp bách được nêu lên hàng đầu trong Nghị quyết là: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”. Giải quyết tốt, có hiệu quả vấn đề này là giải quyết được vấn đề căn bản trong xây dựng, đổi mới và chỉnh đốn Đảng, tạo điều kiện và đảm bảo thực hiện hai vấn đề cấp bách sau.

Trong vấn đề cấp bách nhất vừa nêu trên, ta thấy nổi bật 3 phương diện, cũng là 3 câu hỏi cần được trả lời thấu đáo, cần có quyết tâm chính trị rất cao, trách nhiệm đạo đức rất lớn của toàn Đảng, của tất cả cán bộ, đảng viên đối với Đảng, với dân tộc và nhân dân để hành động quyết liệt, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, làm cho dân tin Đảng và Đảng vì dân. Phấn đấu hy sinh vì lợi ích và quyền làm chủ của dân, đó là lý do tồn tại của Đảng. Đó cũng là sứ mệnh và trọng trách của Đảng, nhất là khi Đảng đã cầm quyền.

Ba câu hỏi đặt ra ở vấn đề cấp bách nhất là:

 - Suy thoái những gì?

- Ai suy thoái?

- Vì sao phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái đó?

Câu trả lời thật rõ ràng, cụ thể và giản dị trong từng chữ, từng lời của Nghị quyết nhưng toát lên từ đó lại là cả một tình huống nghiêm trọng, nỗi lo âu khôn cùng, sự dằn vặt đến xót xa của lương tâm, phẩm giá và trách nhiệm được thức tỉnh, trước những phê phán nghiêm khắc mà Đảng đã chỉ ra.

Đây là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống - những phương diện căn bản nhất của nhân cách, của đạo làm người mà sinh thời, Bác Hồ đã từng nhấn mạnh.

Điều đáng nói là ở chỗ, sự suy thoái này không còn là cá biệt, đơn lẻ mà có tính phổ biến, bởi đây là suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Về nhân cách đảng viên, nói cụ thể hơn là chất lượng đảng viên, nhận định và đánh giá nêu trên của Đảng đã cho thấy, sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đã làm tổn thương nghiêm trọng tính tiền phong gương mẫu - một đòi hỏi bắt buộc phải có ở những người mang danh hiệu và trách nhiệm đảng viên. Hơn nữa, lại là đảng viên của một Đảng cách mạng chân chính do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện; Đảng đang giữ trọng trách nặng nề là lãnh đạo và cầm quyền; lại duy nhất cầm quyền trước những đòi hỏi lớn lao của đất nước và dân tộc, sự tin cậy và mong đợi những điều tốt đẹp của nhân dân, trước những thách thức nghiệt ngã của lịch sử, những diễn biến phức tạp, biến đổi mau lẹ, khó lường, thậm chí cả những đảo lộn đến không ngờ của tình hình thế giới. Về uy tín và sức chiến đấu của Đảng, từ mỗi tổ chức cơ sở Đảng đến toàn Đảng như một cơ thể sống, rõ ràng là, sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã làm hoen ố thanh danh của Đảng, làm giảm sút sức chiến đấu của Đảng trên thực tế.

Tận trung với nước, tận hiếu với dân, tận tụy và trung thành với dân, vì dân chứ không vì mình, coi phục vụ nhân dân là lẽ sống cao thượng nhất - đó là lời dạy của Bác Hồ đối với Đảng, với mỗi đảng viên cán bộ. Đó cũng là thực hành lớn nhất, mẫu mực nhất, cảm động nhất, thực hành suốt đời của Bác. Đảng ta đã thực hành như thế theo tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh. Biết bao cán bộ đảng viên thuộc các thế hệ trong Đảng, từ các đảng viên trung kiên thế hệ đầu tiên, khi Đảng mới ra đời, vào tù ra tội, hiên ngang bất khuất trước kẻ thù, máu chảy, đầu rơi trên pháp trường, dưới lưỡi lê và máy chém vẫn trọn đức hy sinh, trọn lòng chung thủy với dân, với Đảng cho đến các chiến sĩ anh hùng, hy sinh cả tuổi xuân và tính mạng trong các cuộc chiến tranh cách mạng vì độc lập tự do và lớp lớp đảng viên ưu tú trong lao động sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác đã góp công sức của mình làm nên cơ đồ sự nghiệp như ngày nay. Hữu danh hay vô danh, tất cả những đảng viên như thế đã làm nên truyền thống quang vinh của Đảng, của cách mạng, trên nền tảng sâu xa nhất, bền vững nhất là truyền thống lịch sử dân tộc, là sức mạnh của nhân dân. Đó là truyền thống cao quý, đáng tự hào bởi sự thống nhất, gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, “Dân tộc anh hùng - Đảng quanh vinh và Bác Hồ vĩ đại”. Không chỉ lớp lớp đảng viên, cán bộ trong Đảng đã tỏ rõ những phẩm chất ưu tú đó mà đông đảo các tầng lớp nhân dân ta, biết bao nhiêu những người ngoài Đảng đã yêu nước, thương dân, đã một lòng tin yêu Đảng, noi theo những gương sáng đảng viên để thực hành lời dạy của Bác, ra sức thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí tham ô, trau dồi 4 đức Cần-Kiệm-Liêm-Chính, thực hành chí công, vô tư, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Không có đội ngũ cán bộ đảng viên như vậy, không có lòng yêu nước, yêu và tin Đảng như vậy của nhân dân ta ở khắp mọi miền đất nước, kể cả đồng bào ta ở nước ngoài với tâm huyết mong cho Đảng ta thật sự trong sạch vững bền, thu hút được ngày càng nhiều trí tuệ tinh hoa của dân tộc và thế giới để làm cho dân giàu nước mạnh, quốc thái dân an… thì không thể có một diện mạo Việt Nam như ngày nay sau 25 năm đổi mới. Thành quả vĩ đại ấy cũng như cơ đồ sự nghiệp đã dựng xây suốt mấy thập kỷ nay là công trình tập thể của nhân dân và của Đảng, được tạo nên từ lao động, đấu tranh, thậm chí phải hy sinh bao xương máu mới có được. Nó phải được gìn giữ và phát triển, quyết không để mất. 

Liên quan đến suy thoái và những yếu kém, ta còn thấy rõ trong khâu tổ chức - cán bộ và tính tổ chức kỷ luật, nguyên tắc và thể chế Đảng. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức… khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm, vừa dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ dám làm. Tình trạng này làm suy yếu nghiêm trọng sức sống, sức chiến đấu của Đảng, ở từng tổ chức Đảng. Trách nhiệm ấy, trước hết ở các cơ quan lãnh đạo, ở các cấp ủy, từ cấp cao nhất là Trung ương.

Yếu kém về trách nhiệm và chế độ trách nhiệm là rất nổi bật, cũng không ít trường hợp lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân. Những biến tướng về lợi ích nhóm, những thủ đoạn bất minh, bất chính để làm giàu cho bản thân, gia đình, phe nhóm là không ít, nhất là trong điều kiện phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường.

Đáng lưu ý là, Nghị quyết thẳng thắn vạch rõ tình trạng nể nang, cục bộ trong đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ, chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thực sự để trọng dụng người có đức, có tài, không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém …

Từ những chỉ trích, phê phán này, ta càng thấy tính chất và mức độ suy thoái là nghiêm trọng, ta càng hiểu vì sao, Trung ương nhận định, đây là vấn đề cấp bách nhất. Sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tất yếu dẫn tới sự suy yếu tổ chức, suy yếu năng lực lãnh đạo, làm giảm sút và xói mòn lòng tin của chính đảng viên đối với Đảng, của nhân dân đối với Đảng.

Nhớ lại thời khắc lịch sử của Đại hội VI (12-1986), 25 năm về trước, khi Đảng khởi xướng đường lối đổi mới, trong diễn văn tại Đại hội, Tổng bí thư Trường Chinh đã nói một lời cảm động, được đồng bào cả nước đón nhận và chia sẻ: Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm nên những thắng lợi vẻ vang nhưng cũng có lúc Đảng không tránh khỏi khuyết điểm sai lầm, thậm chí nghiêm trọng. Trong tình hình ấy, nhân dân vẫn không hề nao núng, vẫn vượt qua mọi khó khăn, vẫn bình tĩnh, kiên nhẫn chờ đợi và tin tưởng vào Đảng của mình nhất định sẽ sửa chữa được sai lầm. Vậy nên, toàn Đảng phải dũng cảm vượt lên, quyết xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào, đồng chí, làm tất cả vì hạnh phúc của dân, quyết không phụ lòng tin của dân… 

Hiện nay trong Đảng, trong dân khi đón nhận Nghị quyết Trung ương về xây dựng Đảng cũng có những điểm tương đồng như buổi đầu đổi mới. Nhận ra những vấn đề cấp bách; ý thức rõ, vấn đề đã hoàn toàn chín muồi, cần phải thực hiện khẩn trương, quyết liệt, chủ động và bình tĩnh, không chủ quan vội vã, hấp tấp dễ xảy ra sơ suất để kẻ thù và những kẻ cơ hội lợi dụng gây rối - đó là phương châm, phương pháp của chúng ta. Tình hình lúc này là thuận lợi, thuận trong Đảng và thuận trong dân. Thời cơ để tạo đột phá không được bỏ lỡ, dù khó khăn, phức tạp là không ít

GS.TS Hoàng Chí Bảo - Hội đồng Lý luận Trung ương

.
.
.
.