.
.

Tổng cục Quản lý, Giám sát tài chính Doanh nghiệp sẽ thuộc Bộ Tài chính quản lý

Thứ Năm, 16/02/2012|16:20

Bộ Tài chính vừa được giao xây dựng, trình Thủ tướng đề án thành lập Tổng cục Quản lý, Giám sát tài chính doanh nghiệp. Tổng cục này sẽ trực thuộc Bộ Tài chính, làm đầu mối chính giám sát, đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN, kể cả các tập đoàn, tổng công ty, đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và yêu cầu thực hiện ngay từ đầu năm 2012 này.

DNNN sẽ được tái cơ cấu cùng ngân hàng

Theo Bộ Tài chính, ngay trong quí 1-2012, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 phải trình Thủ tướng Chính phủ; tổng công ty 90 và DNNN phải trình bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phương án tái cơ cấu của mình để được phê duyệt và triển khai thực hiện.

Đáng chú ý, trong chủ trương tái cấu trúc DNNN lần này, Chính phủ yêu cầu dừng việc thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước mang tính hành chính, chỉ phê duyệt thành lập với đề án có tính khả thi cao, do yêu cầu bắt buộc để sắp xếp lại các DNNN hiện có, hoặc ở một số lĩnh vực ngành nghề mới mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ hay giữ cổ phần chi phối (như điện hạt nhân, sổ xố điện toán và trò chơi có thưởng).

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng được giao xây dựng, trình Thủ tướng đề án thành lập Tổng cục Quản lý, Giám sát tài chính doanh nghiệp. Tổng cục này sẽ trực thuộc Bộ Tài chính, làm đầu mối chính giám sát, đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN, kể cả các tập đoàn, tổng công ty, đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Bộ Tài chính cũng đang xây dựng nghị định về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN, xác lập và khống chế các tỷ trọng tài chính nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho các tập đoàn theo từng nhóm ngành, nghề, trong đó giới hạn cụ thể tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu.

Chính phủ cho biết, tinh thần chủ đạo của đề án này là tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, xây dựng cơ chế thu hút mạnh các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, giảm thiểu các nhà đầu tư chiến lược là DNNN và khuyến khích người lao động tham gia mua cổ phần tại doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích các hoạt động mua bán nợ giữa các DNNN, ngân hàng thương mại và công ty mua bán nợ (DATC).

Cũng theo tinh thần của đề án, Chính phủ sẽ chấm dứt tình trạng các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015, đồng thời “nghiêm cấm các tập đoàn, tổng công ty phi tài chính đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản”.

Liên quan đến quản trị doanh nghiệp, từ năm 2012, các tập đoàn, tổng công ty phải lập và công bố báo cáo tài chính hợp nhất theo chuẩn mực, chế độ kế toán Việt Nam. Các DNNN phải có ban kiểm soát nội bộ bao gồm các thành viên độc lập đủ năng lực, không kiêm nhiệm, phải xây dựng cơ chế thuê tổng giám đốc, thành viên hội đồng quản trị và hội đồng thành viên. Quy chế công bố các báo cáo tài chính, thông tin tài chính, kinh doanh và thông tin điều hành của tập đoàn, tổng công ty phải theo tiêu chuẩn như các công ty niêm yết.

Bốn nhóm và bốn bước

Trong năm 2011, Bộ Tài chính đã xây dựng đề án khung tái cấu trúc DNNN và đề án chi tiết đang được hoàn tất với bốn bước. Bước một, phê duyệt và giao triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty. Bước hai, xây dựng các phương án sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN của các bộ, ngành, địa phương. Bước ba sẽ là việc thực hiện lộ trình tái cấu trúc DNNN theo các giai đoạn: từ năm 2012-2015 sẽ cơ cấu xong nợ của các DNNN, cổ phần hóa xong đối với những DNNN được duyệt, hoàn thiện thể chế quản lý DNNN, tăng cường năng lực quản trị DNNN. Năm 2015 sẽ hoàn thành việc thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty. Bước bốn, từ năm 2015-2020 sẽ tiếp tục sắp xếp lại, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty và các DNNN thuộc các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Tài chính cũng phân loại DNNN thành bốn nhóm. Nhóm 1 gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong các ngành, lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, hệ thống cơ sở hạ tầng then chốt, các ngành độc quyền mà Nhà nước cần kiểm soát. Nhóm này sẽ được tái cấu trúc về chiến lược, mô hình tổ chức, quản trị nội bộ, tái cấu trúc tài chính, nhân sự để nâng cao hiệu quả.

Nhóm 2 gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tuyệt đối, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng (trên 75% vốn điều lệ), hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, cung cấp các sản phẩm dịch vụ công ích, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc ở miền núi...

Nhóm 3 gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 65% vốn điều lệ) gồm những công ty quy mô lớn, có đóng góp lớn cho ngân sách, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mũi nhọn, công nghệ cao và có vai trò đảm bảo các cân đối lớn cho nền kinh tế, bình ổn thị trường. Nhóm 2 và nhóm 3 sẽ được tái cấu trúc trước cổ phần hóa, cổ phần hóa, và tiếp tục tái cấu trúc sau cổ phần hóa.

Nhóm 4 gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần hoạt động kinh doanh thuần túy. Các doanh nghiệp thuộc nhóm 4 sẽ được đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

“Việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng không thể thành công nếu không đồng bộ với cơ cấu lại đầu tư công và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”, TS. Vũ Đình Ánh đồng tình với chủ trương này. Tại Hội nghị về Tái cơ cấu ngân hàng do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chủ trì diễn ra tại Hà Nội trong tháng 1-2011, ông nói: “Một mặt, vốn đầu tư của các DNNN hiện chiếm trên 20% đầu tư công và các DNNN cũng chiếm trên 30% tổng tín dụng, đó là chưa kể các DNNN cũng đồng thời là khách hàng chủ yếu của tín dụng nhà nước thông qua VDB (Ngân hàng Phát triển Việt Nam) với qui mô tới hàng trăm ngàn tỉ đồng. Vì vậy, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng không thể tách rời với cơ cấu lại đầu tư công và các DNNN. Mặt khác, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tham gia đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp ra ngoài ngành vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… nên việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng không thể thực hiện thành công nếu không đồng bộ với cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”.

Cũng tại hội thảo trên, ông Phạm Bảo Khánh - Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, đã phân tích việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Trung Quốc và rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam. Ông cho rằng, tái cấu trúc doanh nghiệp gặp nhiều có khăn, tốn thời gian để xử lý hơn tái cấu trúc ngân hàng. Những hạn chế của luật pháp như thiếu các quy định phù hợp về thanh lý tài sản, luật phá sản… sẽ là trở ngại trong quá trình này. Do vậy cần kết hợp các biện pháp tài chính với những cải cách về các quy định và luật pháp, đặc biệt, cải cách về quản trị trong ngân hàng và doanh nghiệp.

Ông Khánh cũng cho rằng Chính phủ nên làm rõ việc phân bổ chi phí tái cấu trúc, đặc biệt là tái cấu trúc ngân hàng và cam kết cung cấp các nguồn lực tài chính cần thiết. Nếu chi phí phân bổ không được làm rõ, việc tái cấu trúc tiếp tục bị trì hoãn do thiếu kinh phí cuối cùng sẽ dẫn đến gánh nặng tài chính lớn hơn.

Tính đến tháng 10-2011, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với tổng tài sản gần 1,8 triệu tỉ đồng; vốn chủ sở hữu gần 700.000 tỉ đồng; lợi nhuận 117.000 tỉ đồng; nộp ngân sách 231.000 tỉ đồng, đóng góp khoảng 35% GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản lượng công nghiệp, 28,8% tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu), tạo việc làm cho khoảng 1,2 triệu lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.

(Nguồn: Bộ Tài chính)

Theo TBKTSG

.
.
.
.