.
.

Vai trò của “ Tập đoàn kinh tế” đối với nền kinh tế vĩ mô

Thứ Năm, 16/02/2012|23:22

Bất kỳ một quốc gia nào để điều tiết nền kinh tế vĩ mô nhà nước cần nắm giữ và chi phối các lực lượng kinh tế chủ đạo ở một số ngành, lĩnh vực quan trọng, mũi nhọn. Ở nhiều quốc gia việc xây dựng các tập đoàn kinh tế được coi là một chiến lược nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển khác.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó tổng Giám đốc tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó tổng Giám đốc tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam

Các nước này đã dựa trên sự phát triển của các tập đoàn kinh tế là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và biến đổi cơ cấu kinh tế lạc hậu. Họ hướng các tập đoàn kinh tế vào ngành, lĩnh vực then chốt và nền tảng làm nòng cốt và có đủ tiềm lực để mở cửa vươn ra bên ngoài. Ở nước ta cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Về mô hình nền kinh tế của ta được khẳng định rất rõ trong các văn bản pháp luật từ Hiếp pháp năm 1992 đến các văn bản luật và dưới luật đều nêu rõ nền kinh tế thị trường gồm nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động theo pháp luật, được cụ thể hóa bằng “Luật doanh nghiệp năm 2005”. Ở đây chúng ta cần bàn rõ các loại hình doanh nghiệp hoạt động và sẽ thực hiện theo luật pháp như thế nào?

Giải pháp hoàn thiện mô hình hoạt động Tập đoàn kinh tế ở Việt Nam:

Hiện nay, các Tập đoàn kinh tế thí điểm hoạt động đang còn lúng túng trong nhận thức đầy đủ về Tập đoàn kinh tế; đặc trưng của Tập đoàn kinh tế; các loại Tập đoàn kinh tế hay các mô hình Tập đoàn kinh tế; địa vị pháp lý của Tập đoàn kinh tế và của các doanh nghiệp liên kết trong Tập đoàn; thương hiệu, điều kiện và các yếu tố tác động đến phát triển của Tập đoàn; vị trí, vai trò của nhà nước trong quan hệ với Tập đoàn.v.v.

Để đảm bảo tính bền vững trong phát triển Tập đoàn kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn mới, có đặc thù riêng so với các Tập đoàn kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới (là hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng có sự quản lý của Nhà nước), một số giải pháp chủ yếu cần quan tâm là:

- Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển các Tập đoàn kinh tế, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

- Sau một thời gian thí điểm, đặc biệt đã được thử thách qua cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009, việc tổ chức tổng kết đánh giá kết quả hoạt động để chỉ ra những tồn tại, yếu kém, đúc kết những điểm mạnh, điểm yếu, các cơ hội và thách thức, tích luỹ những kinh nghiệm tốt từ hoạt động thực tiễn thời gian qua của các Tập đoàn kinh tế ở Việt Nam, kết hợp với thực hiện nghiên cứu một cách toàn diện về các mô hình Tập đoàn kinh tế tiêu biểu trên thế giới để có thể tìm ra một hoặc một số mô hình Tập đoàn kinh tế phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nước ta, trên cơ sở đó tìm ra hướng đi phù hợp cho các Tập đoàn kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo là cần thiết và phải được thực hiện nghiêm túc.

- Nhà nước cần xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển các Tập đoàn kinh tế ; các Tập đoàn kinh tế cần rà soát lại chiến lược phát triển của từng tập đoàn để có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển của giai đoạn mới.

- Tiếp tục kiện toàn công tác quản lý của Nhà nước và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với Tập đoàn. Hình thành mới một cơ quan của Chính phủ quản lý thống nhất mọi mặt hoạt động của các Tập đoàn kinh tế. Thực hiện uỷ quyền tối đa cho Hội đồng thành viên Tập đoàn trên cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để các Tập đoàn chủ động, quyết định kịp thời và chịu trách nhiệm về các vấn đề lớn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư và đấu thầu đối với những vấn đề đòi hỏi phải có quyết định nhanh chóng, không để lỡ những cơ hội sản xuất, kinh doanh; thường xuyên sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế tài chính của Tập đoàn cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của Tập đoàn theo từng giai đoạn, từng thời kỳ phát triển.

- Thực hiện thường xuyên việc tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chủ chốt; tránh cạnh tranh nội bộ, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu phát triển tương ứng với mô hình phát triển của các Tập đoàn.

- Nâng cao vai trò, hoàn chỉnh phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên đối với các hoạt động của các Tập đoàn.

- Đẩy mạnh tập trung và tích tụ vốn, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư đan xen (trên cơ sở đảm bảo kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo ở những lĩnh vực ngành nghề then chốt) thông qua việc: đẩy mạnh cổ phần hoá, cơ cấu lại nguồn vốn, tiếp nhận doanh nghiệp thành viên, cùng các thành phần kinh tế khác thành lập các công ty mới.v.v. để tạo cơ cấu đa sở hữu nhằm phát huy thế mạnh và tăng cường khả năng cạnh tranh của các Tập đoàn kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng.

- Lựa chọn các đánh giá, nhận định có chất lượng cả về lý luận và thực tiễn từ nhiều góc độ của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm ở trong nước và ngoài nước để có những giải pháp khắc phục hạn chế, phát huy những ưu điểm.

- Sớm hoàn thiện và kịp thời có những hướng dẫn cụ thể các căn cứ pháp lý đảm bảo cho hoạt động của các Tập đoàn kinh tế, có các chính sách linh hoạt phù hợp với từng thời kỳ để tạo điều kiện cho các Tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động bình đẳng trong sân chơi cạnh tranh.

- Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng. Đẩy mạnh thực hiện gắn kết giữa nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học, đào tạo và sản xuất kinh doanh, đảm bảo môi trường sinh thái.

- Tăng cường phát triển thương hiệu, văn hoá doanh nghiệp, tích cực chia sẻ những khó khăn với cộng đồng và xã hội.

- Hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, hoạt động của tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên trong các Tập đoàn.

Mô hình tập đoàn kinh tế là bước phát triển tất yếu từ sự tích tụ, tập trung vốn, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ở Việt Nam, việc thực hiện thí điểm hoạt động các Tập đoàn kinh tế trong gần 5 năm qua là thể chế hoá và đưa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX vào cuộc sống; do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và phát triển mô hình này đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới là đòi hỏi khách quan và thực tiễn để xây dựng được những Tập đoàn kinh tế mạnh ở Việt Nam, đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế, thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước .

Qua thực tiễn sinh động với vai trò là một tập đoàn kinh tế mạnh của nhà nước, Tập đoàn Dầu khí xin đưa ra một số ý kiến đóng góp cho Dự thảo “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 – 2020” như sau:

1- Chính phủ cần rà soát các hoạt động kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp trên cơ sở hiệu quả kinh doanh thường xuyên và thực tế hơn.

2- Cần làm rõ những quy định trong hệ thống các văn bản luật, dưới luật đảm bảo tính đồng nhất về nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật này và các chính sách tích cực tác động đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Làm rõ khái niệm về sở hữu toàn dân, hay sở hữu nhà nước trong các loại hình doanh nghiệp hiện nay.”

3- Những bất cập trong các văn bản quy định còn chồng chéo,hoặc có thể mâu thuẫn nhau cần được sửa đổi bổ xung cho phù hợp thì mới có thể thực hiện đúng.

4- Sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh đã được khẳng định bằng các văn bản pháp quy. Tuy nhiên, việc thực thi cũng là một vấn đề cần phải được xem xét, phân tích và cần có biện pháp toàn diện hơn.

5- Để kinh tế thị trường phát triển vững chắc có định hướng thì phải hoàn thiện thể chế chính trị mà trọng tâm là xây dựng nền dân chủ toàn dân, phát huy dân chủ trực tiếp, chống dân chủ hình thức, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

6- Vấn đề cực kỳ quan trọng để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là công tác tổ chức, điều hành thực hiện chiến lược. Nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất đúng đắn nhưng khâu tổ chức, điều hành việc thực hiện Nghị quyết chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

7- Vừa qua, việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá còn lúng túng, chưa đảm bảo cân đối cho kinh tế vĩ mô, làm cho các nhà đầu tư phân tâm. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm tập trung kịp thời trí tuệ để giải quyết trong giai đoạn tới.

8- Bất kỳ một cuộc cải cách nào cũng có những thay đổi đột biến. Chúng ta cần vận dụng đúng quy luật bất biến của tự nhiên là thuyết tương đối “Vật chất không tự sinh ra mà cũng không tự mất đi mà nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác”, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi dân tộc, hay cả quốc gia đều phải trả giá cho sự thành công hay thất bại của mình. Đứng trước đòi hỏi khách quan của phát triển kinh tế-xã hội như ở nước ta hiện nay, vai trò điều tiết nền kinh tế vĩ mô rất cần vai trò chủ đạo của các loại hình doanh nghiệp lớn ,những tập đoàn kinh tế lớn trong những ngành mũi nhọn, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một ví dụ điển hình từ sự hình thành, phát triển mạnh mẽ, đầy hiệu quả và phát triển bền vững trong tương lai phát triển của đất nước Việt Nam .


Nguyễn Quốc Khánh
Phó tổng Giám đốc tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam

.
.
.
.