Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay
Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, bên cạnh đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng, vẫn còn “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa đại vị, cục bộ, tham nhũng…”(1).
Đây là một nội dung từ Đại hội VIII đến nay, trong nhiều nghị quyết, Đảng ta đã phân tích và cảnh báo về mức độ, tính chất, xu hướng và hậu quả của hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xuất phát từ sự nhận định, đánh giá đúng đắn, sâu sắc tác hại và tính chất nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân đối với cách mạng nước ta, Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” do Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư đề ra ngày 16-1-2012 đã xác định “nếu không sửa chữa được sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”(2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Trong thế giới cái gì cũng biến hóa, tư tưởng con người cũng biến hoá”(3) trong đội ngũ những người cộng sản, có nhiều người đã không ngừng trưởng thành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhưng cũng đã có những người từng bước sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ và thoái hóa, biến chất. Đối với những người này sự suy thoái về đạo đức, lối sống là khởi điểm dẫn đến sự suy thoái về mọi mặt. Khi chủ nghĩa cá nhân ích kỷ xuất hiện thì nhiệt huyết cách mạng và tính tích cực của họ dần dần giảm sút và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng bị xói mòn. Việc ngại rèn luyện, phấn đấu, lười suy nghĩ, lười học tập là nguyên nhân trực tiếp làm cho những người đó tha hóa, trở thành người lạc hậu. Khi “chất cộng sản” trong họ đã thay đổi thì những kiến thức, kinh nghiệm mà họ đã tích lũy được chỉ nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân và điều đó trở nên nguy hại cho sự nghiệp cách mạng. Hiện nay, những người sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ thường có một số biểu hiện giống nhau đó là: trong cuộc sống hàng ngày, họ bám vào vị trí được tổ chức phân công, lợi dụng quyền lực mưu lợi cá nhân; tính toán đem lại lợi ích cho một nhóm người “cùng phe cánh” có lợi ích ràng buộc với nhau; ít hoặc không quan tâm chăm lo tới lợi ích chính đáng của tập thể, cơ quan, đơn vị và xã hội. Có những người “chạy” trở thành quan niệm sống; vì chỉ muốn mình là người nhanh chóng được thăng quan, tiến chức. Họ tìm cách “hạ gục” những người trung thực, thẳng thắn, những người có năng lực lại dám nói đúng sự thật về những khuyết điểm của cơ quan, đơn vị và phê bình họ khi họ có khuyết điểm. Có người vì “háo danh”, khi thấy có ai đó thực đức, thực tài hơn mình thì đố kỵ, nói xấu, thậm chí tìm cách vô hiệu hoá uy tín của những người này trong cơ quan, đơn vị. Có người vì để chủ nghĩa cá nhân ích kỷ lấn át nên đã thoái hoá, biến chất, sa đoạ về đạo đức, lối sống, tham nhũng, trục lợi, buôn lậu, làm giàu phi pháp, sống thực dụng, chạy theo đồng tiền,…
Tất cả những biểu hiện điển hình về chủ nghĩa cá nhân ích kỷ đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và các thành viên xã hội khác ở nước ta hiện nay thực sự là những vật cản trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, đòi hỏi chúng ta phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Để kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi hiện tượng suy thoái đạo đức, lối sống - điểm khởi đầu dẫn đến sự suy thoái mọi mặt - hiện nay đòi hỏi phải phát huy được sức mạnh tổng hợp, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tổ chức đảng. Trước hết phải nắm vững nội dung Nghị quyết Trung ương số 12-NQ/TW để có định hướng đúng đắn, có thêm nghị lực, niềm tin, đồng thời có cơ sở, căn cứ khoa học để xác định các giải pháp. Để bảo đảm cho cuộc vận động đổi mới, chỉnh đốn Đảng thực sự có hiệu quả, theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, cần tăng cường công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bởi, một trong những nguyên nhân của tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là do cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, các cơ quan đơn vị chưa làm tốt công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên thuộc quyền. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cấp uỷ, tổ chức đảng, đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện đảng viên. Cần rèn luyện về phẩm chất, năng lực và phương pháp, tác phong công tác; quản lý chặt chẽ nơi công tác, nơi cư trú, trong và ngoài công sở; quản lý về lai lịch chính trị và các quan hệ xã hội; về tâm tư tình cảm, nguyện vọng cá nhân và điều kiện hoàn cảnh gia đình để kịp thời giải quyết mọi vấn đề tiêu cực khi mới có dấu hiệu nảy sinh, không để lây lan, phát triển dẫn đến cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật.
Các tổ chức đảng phải thường xuyên kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, đồng thời yêu cầu đảng viên phải trung thực, thẳng thắn và chủ động báo cáo mọi vấn đề về bản thân và gia đình với tổ chức đảng. Tổ chức đảng phải là nơi trước tiên tạo dư luận lên án những biểu hiện trái với đạo lý, thiếu văn hóa, không đúng với chuẩn mực đạo đức, lối sống của người đảng viên; là nơi đầu tiên xem xét, phân tích đầy đủ và xử lý kịp thời những biểu hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên.
Hai là, xác định rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân trên vị trí công tác. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống qua việc xác định trách nhiệm với Tổ quốc, nhân dân, Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội, gia đình chỉ có tác dụng tích cực khi xác định được rõ trách nhiệm cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên. Để mỗi cá nhân đều thấy rõ đó là trách nhiệm tự thân, tự mình phải rèn luyện đạo đức cách mạng, xác định đó là nhiệm vụ không thể thoái thác, cần xác định rõ nghĩa vụ và quyền lợi trên mỗi cương vị công tác. Đây là trách nhiệm của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể.
Phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên được thể hiện qua sự tôn trọng chính bản thân mình, thể hiện trong các mối quan hệ với chính mình, với người và với việc, trong đó sự tự trọng là quan trọng nhất. Phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của mỗi người thể hiện qua trách nhiệm với công việc được giao. Mọi công việc phải làm cho đến nơi, đến chốn, làm cho kỳ được với tinh thần “việc thiện thì nhỏ mấy, khó mấy cũng nên làm; việc ác thì nhỏ mấy cũng tránh”(4).
Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần nghiêm túc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trước hết là thực hiện Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” do Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đề ra. Đề cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Bởi, trong cuộc sống thường ngày, mỗi cán bộ, đảng viên phải giải quyết nhiều mối quan hệ xã hội, nhu cầu lợi ích của tập thể, cá nhân đan xen lẫn nhau, sự chi phối tác động của những tiêu cực và tệ nạn xã hội là rất lớn, do đó, nếu không có ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện sẽ rất dễ bị ngã vào vòng xoáy của những tham vọng quyền lực, lợi ích cá nhân và những cám dỗ của cuộc sống đời thường, dẫn đến vi phạm về đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước…
Để mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu cao ý thức tự giác, cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu tổ chức các cấp cần quan tâm tạo điều kiện và theo dõi giúp đỡ họ rèn luyện phấn đấu tiến bộ, trưởng thành. Mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng cần hướng dẫn cán bộ, đảng viên làm tốt việc đăng ký phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thường xuyên theo dõi, kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt, đơn vị tốt; đồng thời, hướng dẫn việc giám sát, đánh giá mức độ chuyển biến tiến bộ của tập thể, cá nhân. Phấn đấu không để xảy ra tình trạng trong cơ quan, đơn vị chỉ vì có một số người sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ mà phá hoại sự đoàn kết nội bộ, gây cản trở việc hoàn thành nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị. Xây dựng trong toàn cơ quan, đơn vị và cho mọi người một nếp sống lành mạnh, văn minh, tiết kiệm, trong đó, cấp trên nêu gương cho cấp dưới, người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để cho mọi người noi theo, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ, đảng viên tích cực đi trước quần chúng trong thực hiện nếp sống văn minh, đạo đức trong hoạt động, công tác; thống nhất lời nói với việc làm.
Bốn là, huy động được sự tham gia của nhân dân. Trước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, hiện tượng nhân dân ở một số nơi thờ ơ hoặc tham gia một cách hình thức, chiếu lệ những phong trào, cuộc vận động do Đảng và các đoàn thể phát động là điều nguy hiểm. Đặc biệt, do chưa giải quyết tốt các vấn đề xã hội về mức thu nhập, kéo theo sự suy giảm trách nhiệm cộng đồng. Bài học lịch sử “Dễ mười lần, không dân cũng chịu. Khó trăm lần, dân liệu cũng xong”(5) đã khẳng định sự đúng đắn trong nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay. Không huy động được các tầng lớp nhân dân trong xã hội tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực trong Đảng, nhân dân đứng ngoài cuộc, coi đó là công việc riêng của Đảng… thì việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW không thể đạt kết quả. Cần xây dựng cơ chế, quy trình nhân dân tham gia góp ý với Đảng, chính quyền Nhà nước, khiếu nại, tố cáo tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, bảo vệ sự an toàn của nhân dân. Đa dạng hóa các hình thức phản biện xã hội, có cơ chế thực hiện trưng cầu dân ý về những vấn đề lớn của đất nước.
Năm là, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đấu tranh làm thất bại thủ đoạn của các thế lực thù địch lôi kéo làm tha hoá cán bộ, đảng viên. Hiện nay các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và hoạt động “diễn biến hoà bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong xã hội ta, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, hòng chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, phải thường xuyên làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo đảm cho mỗi cơ quan, đơn vị luôn trong sạch, tin cậy về chính trị, bảo vệ được đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải thực sự nhạy bén trong nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, chính trị, kịp thời thông tin, định hướng những vấn đề chính trị xã hội phức tạp cho cán bộ, đảng viên; đồng thời, chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm, “khoanh vùng” đối tượng không để cho tác động tiêu cực của đời sống xã hội xâm nhập vào cơ quan, đơn vị; mặt khác, tích cực triển khai nhiều biện pháp, kiên quyết đấu tranh với những khuynh hướng lệch lạc không để xảy ra “tự diễn biến”, “tự biến chất” trong nội bộ tổ chức đảng và giữ vững trận địa tư tưởng của cơ quan, đơn vị.
---------------------
1, 2- Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
3- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 5, tr. 278.
4- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 5, tr. 645.
5- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 12, tr. 212.