Đột phá trong xây dựng Đảng – việc không thể chậm trễ
Vượt qua con đường độc đạo, lắm gian nan
Nghị quyết số 12 tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng xác định ba vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Mục tiêu của Nghị quyết rất rõ ràng: Phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Vấn đề đặt ra là liệu Đảng ta có đạt được mục tiêu đề ra hay không, bao giờ thì có thể hoàn thành?
Tôi có niềm tin vững chắc rằng, hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 12 đề ra, dựa trên những phân tích bước đầu về thuận lợi và khó khăn khi triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống. Chúng ta có “ba thuận lợi và ba khó khăn” chủ yếu.
Ba thuận lợi
Thuận lợi thứ nhất là mục tiêu trên được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ủng hộ. Tuyệt đại bộ phận nhân dân đều mong muốn Đảng xây dựng và chỉnh đốn thành công để hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo đất nước phát triển, tiến lên. Cần phải thấy, đây là thuận lợi cơ bản nhất; nguồn cổ vũ, động viên to lớn nhất cho Đảng thêm quyết tâm hành động. Chắc chắn rằng, công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng sẽ huy động được sự tham gia của đông đảo nhân dân. Bài học lịch sử “Dễ mười lần, không dân cũng chịu. Khó trăm lần, dân liệu cũng xong” vẫn nóng hổi tính thời sự. Không huy động được các tầng lớp nhân dân trong xã hội tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực trong Đảng thì việc thực hiện Nghị quyết số 12 không thể đạt kết quả. Vì vậy, lần này Đảng nhất định phải xây dựng cơ chế, quy trình để huy động nhân dân tham gia góp ý với Đảng. Tạo điều kiện cho nhân dân được nói thẳng, nói thật, nói đúng về đội ngũ cán bộ của Ðảng mà không e ngại. Làm thế thì sẽ chọn đúng người, bố trí đúng việc và nhân dân sẽ rất phấn khởi, tin tưởng vào việc triển khai Nghị quyết, sẽ tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Ðảng.
Thuận lợi thứ hai là lần này, từ Trung ương đến cơ sở, từ đồng chí Tổng bí thư đến những đảng viên bình thường trong Đảng đã thống nhất nhận thức về những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng. Thống nhất nhận thức là điều rất quan trọng, có thống nhất nhận thức thì mới có thống nhất hành động. Thống nhất nhận thức đem lại cho toàn Đảng quyết tâm chính trị to lớn, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khai mạc hội nghị: “Phải tạo ra được những kết quả cụ thể, rõ rệt để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Đây là điều nổi bật so với quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà chúng ta đã làm suốt hơn hai chục năm qua. Quyết tâm chính trị của Trung ương khóa XI thể hiện trong hội nghị và các động tác điều hành mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Quan sát các kỳ họp của Trung ương Đảng (khóa XI), điều khác thông lệ trước đây là vấn đề xây dựng Đảng được nêu ra rất sớm, ngay từ hội nghị trung ương đầu tiên của khóa mới (thông thường, xây dựng Đảng được bàn vào hội nghị trung ương giữa nhiệm kỳ) và đến Hội nghị Trung ương 4, Đảng đã thống nhất cao trong việc ban hành nghị quyết về những vấn đề cấp bách trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Quyết tâm này đòi hỏi bốn triệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải bằng hành động thiết thực theo phương châm cấp trên làm gương tốt cho cấp dưới, trên dưới đồng lòng, quyết tâm thực hiện cho được Nghị quyết số 12 của Đảng.
Thuận lợi thứ ba là 4 giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, bổ trợ cho nhau, kết hợp với nhau nhuần nhuyễn. Đặc biệt là cách làm được Trung ương xác định làm từ trên làm xuống, làm kiên quyết, triệt để... Sau Đại hội XI đã có nhiều tín hiệu vui, cho thấy quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn của Đảng. Tại hai Hội nghị Trung ương 3 và 4, đồng chí Tổng bí thư đã thẳng thắn phê phán lợi ích nhóm và thói tư duy nhiệm kỳ. Một số đồng chí Bộ trưởng, Bí thư và Chủ tịch tỉnh đã công khai thông báo sẽ đổi mới công việc của ngành, địa phương và đã làm một số việc được nhân dân ủng hộ. Lãnh đạo một số ngành đã có tranh luận khá gay gắt với nhau trong quá trình tìm kiếm giải pháp khắc phục trì trệ, tiêu cực.
Chúng ta tin rằng, đó là tín hiệu mở lối dẫn vào con đường thành công của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, báo hiệu Đảng đã chuyển mình và chuẩn bị vượt qua chính mình để thực hiện tốt nhiệm vụ lịch sử trong thời kỳ mới.
Ba khó khăn
Khó khăn đầu tiên và nghiêm trọng nhất là ở chỗ: Những khuyết điểm, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, không phải mới xuất hiện trong vài năm gần đây, mà đã tồn tại trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trước đây và Đảng đã có nhiều nghị quyết, Nhà nước đã có nhiều quyết định, chỉ thị, đã có luật, nhưng tình hình chưa được khắc phục, thậm chí có mặt, có lĩnh vực ngày càng nghiêm trọng hơn, phổ biến hơn.
Đảng như một cơ thể sống, Đảng có khuyết điểm cũng như người có bệnh, Đảng ta đã biết được “bệnh” của mình nhưng để sửa chữa những căn bệnh đó không hề đơn giản. Bản thân từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng đến đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp đều phát triển, trưởng thành từ quá trình đổi mới, hiểu rõ cái ưu, cái khuyết của quá trình đó và cái khó chính là làm thế nào để “tự chữa trị” căn bệnh đang ẩn trong cơ thể của Đảng hôm nay. Trong phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương 4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận thấy đây là công việc không đơn giản, dễ dàng; trái lại, vô cùng khó khăn, phức tạp, thậm chí có thể nói là một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ diễn ra ngay trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Nó đòi hỏi toàn Ðảng phải có nỗ lực rất cao, mỗi cá nhân và tập thể phải quyết tâm rất lớn, phấn đấu bền bỉ, kiên trì với những biện pháp thật kiên quyết, tích cực.
Khó khăn thứ hai là chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 trong điều kiện hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn đang còn trong quá trình đổi mới, chưa cụ thể, rõ ràng.
Nghị quyết đúng, trúng nhưng muốn đạt được mục tiêu đề ra thì phải được toàn bộ hệ thống chính trị triển khai bằng những chương trình hành động cụ thể, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện của hệ thống chính quyền.
Từ năm 1986 đến nay, Đảng ta đứng trước thách thức to lớn khi lãnh đạo thực hiện đổi mới nhiệm vụ phát triển kinh tế cho nên không có nhiều thời gian, công sức để làm nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong khi, đây là công việc phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Chúng ta chưa lường hết được những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, chưa có sự chuẩn bị thật kỹ về lập trường, tư tưởng và cả cách thức tiếp cận mới cho cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, còn thiếu những cơ chế, chính sách đồng bộ, khoa học để chủ động ngăn ngừa những vi phạm. Nhiều nguyên tắc để giữ vững bản chất giai cấp công nhân, giữ vững tính cách mạng, khoa học của Đảng khi đi vào thực tiễn gặp những thử thách ghê gớm.
Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật thích ứng với quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ, chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém.
Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Khó khăn thứ ba là chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 trong điều kiện những vấn đề lý luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa được minh định. Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước đặt Ðảng ta đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp. Không ít vấn đề lý luận và thực tiễn chưa đủ sáng tỏ, cho nên ý kiến ngay trong Đảng thường rất khác nhau. Trong khi đó, trình độ nhận thức, trí tuệ của chúng ta có mặt còn hạn chế. Ðó là chưa kể các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tiến công phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Ðảng ta, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, cương lĩnh, đường lối chính trị của Ðảng, kích động chia rẽ nội bộ Ðảng, chia rẽ Ðảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Ðảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm.
Trước toàn bộ những thuận lợi, khó khăn nêu trên, chúng ta vẫn khẳng định một niềm tin sâu sắc rằng, nhất định Đảng ta sẽ thành công trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một Ðảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Ðảng tiến bộ, mạnh mẽ, chắc chắn, chân chính".
Thực hiện Nghị quyết số 12 là đi trên con đường độc đạo, lắm gian nan. Vượt qua con đường ấy không phải là việc có thể hoàn thành trong ngày một, ngày hai nhưng là con đường được nhân dân hoan nghênh, ủng hộ, và mỗi khi được nhân dân ủng hộ thì không một thế lực nào cản được bước tiến của chúng ta.
Thiếu tướng, PGS, TS Lê Văn Cương (*)
* Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an)
Theo QĐND