GS - NGND Nguyễn Lân Dũng: Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4
Ngày 20/3, Hà Nội tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Việc thực hiện Nghị quyết của của Hà Nội chắc chắn sẽ tạo sức lan tỏa, vì mỗi hoạt động, quyết tâm của Hà Nội sẽ ảnh hưởng quan trọng đến kết quả công tác của toàn Đảng, thông qua đó tạo sự chuyển biến tích cực một cách rộng khắp.
Ngày 16/1/2012, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Có thể nói các tầng lớp nhân dân rất phấn khởi về việc ban hành Nghị quyết này. Vì như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói ngay trong Diễn văn khai mạc Hội nghị: “Cần được trả lời cặn kẽ là: Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu? Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng? Vướng mắc chính là ở chỗ nào? Đề nghị Trung ương đi sâu phân tích, mổ xẻ, chỉ ra đúng căn nguyên để có biện pháp chữa trị hữu hiệu.”
Câu trả lời đã được thấy rõ trong Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4.
Đó là: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”...
Có thể nói Đảng đã nhìn thấy rất rõ tình hình trong Đảng và nguy cơ nhỡn tiền nếu không khẩn trương tiến hành một cách quyết liệt công tác chỉnh đốn Đảng.
Chưa bao giờ có một cuộc Hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết Trung ương mà kéo dài tới 3 ngày (27-29/2/2012), đủ thấy tầm quan trọng.
Ba tuần sau hội nghị toàn quốc, ngày 20/3 Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 4. Hội nghị của Hà Nội như một tiếng chuông ngân xa, mở đầu cho tinh thần “Nói và Làm” như lời kêu gọi trước đây của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Nhân dân đặc biệt quan tâm đến phát biểu của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, người đứng đầu một tổ chức Đảng có tới 34 vạn đảng viên, lại là Bí thư của Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị và trả lời phỏng vấn, đồng chí Phạm Quang Nghị đã biểu hiện thái độ rất kiên quyết và với những chủ trương khá cụ thể.
Đồng chí nói: “Trước kia chúng ta cứ 5 năm một lần nhiệm kỳ tiến hành bầu cử, còn bây giờ, hàng năm lấy ý kiến, nếu như ai không đạt thì nhiều lắm là sau 2 năm phải thôi. Nếu không có cơ chế lấy phiếu tín nhiệm thì có thể nói đánh giá hơi khó, người này bảo tốt, người kia bảo không. Bây giờ nhiều người cùng đánh giá về một người thì khách quan hơn. Dù có ai né tránh không muốn bị đánh giá, hoặc không phải tham gia vào quá trình đánh giá ấy thì lần này cũng phải chịu sự đánh giá và được đánh giá. Không chờ sau 5 năm bầu lại mới thay, mà nhiều lắm là sau 2 năm có thể cho nghỉ, thậm chí mới một năm mà tín nhiệm quá thấp thì ngay cả một lần cũng có thể thay”.
Đồng chí đã tự xác định: "Nếu sau 2 năm lãnh đạo mà phiếu tín nhiệm quá thấp thì cán bộ phải thôi chức. Đương nhiên tôi cũng phải thực hiện, tôi sẵn sàng".
Theo đồng chí Phạm Quang Nghị, phải tư duy rõ ràng rằng ai làm tốt, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sẽ củng cố uy tín, năng lực, ai làm không tốt, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sẽ cho thấy rõ giới hạn khả năng để mỗi cán bộ phải tự điều chỉnh hoặc rút lui nếu không đủ năng lực. Biết đây là việc không dễ dàng gì nhưng: “Đảng đã xác định khó nhưng vẫn phải làm vì chúng ta đã từng làm nhiều việc khó hơn, trong những hoàn cảnh hiểm nguy hơn”, đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.
Hội nghị của Hà Nội được coi như một tiếng chuông có sức lan tỏa xa là vì đúng như đồng chí Phạm Quang Nghị đã phân tích: “Mỗi hoạt động, quyết tâm của Hà Nội sẽ ảnh hưởng quan trọng đến kết quả công tác của toàn Đảng, thông qua đó tạo sự chuyển biến tích cực một cách rộng khắp”.
Sau Hội nghị của Thành ủy Hà Nội, dư luận xã hội đã rộ lên những lời hoan nghênh.
Có ý kiến cho rằng căn cứ vào đâu để bỏ phiếu tín nhiệm? Câu trả lời là chả cần xem xét đâu xa, hãy cứ lấy nội dung các bức thư của Bác Hồ “Gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh huyện và làng”(ngày 17/10/1945, HCM toàn tập, 1995, T.4, tr.56-58) và “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” (ngày 1/3/1947, HCM toàn tập, 1995, T.5, tr.71-75) mà thực hiện đã đủ lắm rồi.
Cụ thể: Một là, có “Trái phép” không? (tức là có làm việc gì vi hiến và trái pháp luật không?). Hai là, có “cậy thế” không? (Bác Hồ viết: “Cậy thế mình ở trong ban này, ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân,chứ không phải cậy thế với dân”). Ba là, có ”địa phương chủ nghĩa không ? (Bác Hồ viết : “ Chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nghĩ tới lợi ích toàn bộ. Làm việc ở bộ phận nào chỉ biết bênh vực, vun đắp cho bộ phận ấy” ?). Bốn là, có “ Óc bè phái” không? (Bác Hồ viết: “Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe…”). Năm là, có “Óc quân phiệt quan liêu”, không? (Bác Hồ viết: “khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông “ vua con” ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới cậy quyền lấn át. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách, làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc “ông tướng bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, đoàn thể xa nhân dân). Sáu là, có “Óc hẹp hòi” không? (Bác Hồ viết: “Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được. Tư tưởng hẹp hòi thì hành động cũng hẹp hòi, thì nhiều thù ít bạn. Người mà hẹp hòi thì ít kẻ giúp. Đoàn thể hẹp hòi thì không thể phát triển”)… Bảy là, có “ Ham chuộng hình thức” không ? (Bác Hồ viêt: “ Việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm vào hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai… Nhiều nơi, những hình thức tuyên truyền cổ động chỉ biết kẻ khẩu hiệu, trưng cờ biển và trang hoàng nhà thông tin tuyên truyền cho đẹp…, diễn thuyết chỉ làm vì, còn hàng ngày không chịu gần gụi quần chúng…” ). Tám là, có “làm việc quan liêu lối bàn giấy” không? (Bác Hồ viết: “Thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón, không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác và chỉ dẫn vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết … cho chu đáo. Những chỉ thị nghị quyết cấp trên gửi xuống có thực hiện được hay không,các đồng chí cũng không biết. Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi, đến chốn”). Chín là, có vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm không? (Bác Hồ viết: “Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc. Có đồng chí phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật. Tai hại hơn nữa nếu kỷ luật của đoàn thể lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ ta để phá hoại”). Mười là, có ích kỷ hủ hóa không? (Bác Hồ viết: “Có những đồng chí còn giữ óc địa vị, cố tranh được ủy viên này, chủ tịch kia. Có những đồng chí lo ăn ngon mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công. Đạo đức cách mạng thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc”. |
Chúng ta chờ đợi những kết quả thực tiễn mà Đảng bộ Hà Nội sẽ đạt được trong thời gian tới. Đó là biện pháp hữu hiệu nhất để lấy lại lòng tin vốn rất lớn lao của nhân dân Thủ đô cũng như của đồng bào cả nước đối với Đảng lãnh đạo.
GS-NGND Nguyễn Lân Dũng
Theo CP