.
.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 tích cực, mạnh mẽ hơn

Chủ Nhật, 28/04/2013|18:13

 

Sau một năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 4 đã tạo chuyển biến về nhiều mặt. Từ kết quả bước đầu, đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 tích cực, mạnh mẽ hơn từ mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên…


Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 vào tháng 8/2012
Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 vào tháng 8/2012

 

Báo Điện tử Chính phủ xin giới thiệu bài viết của PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, với tư cách một đảng viên và cán bộ nghiên cứu về Đảng, nhìn nhận kết quả 1 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 4.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XI đã họp những ngày cuối tháng 12/2011 và ban hành nghị quyết quan trọng: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Có 3 vấn đề cấp bách Đảng phải tập trung chỉ đạo thực hiện là: đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương đáp ứng yêu cầu mới; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Trung ương đề ra mục tiêu, phương châm và 4 nhóm giải pháp thực hiện, trong đó nhóm giải pháp hàng đầu là tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên.

Năm 2012 là năm toàn Đảng triển khai học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đặc biệt là tiến hành tự phê bình và phê bình từ cấp lãnh đạo cao nhất đến tổ chức cơ sở đảng và đối với từng cán bộ, đảng viên. Qua một năm thực hiện nghị quyết, với tư cách một đảng viên và cán bộ nghiên cứu về Đảng, xin nêu mấy ý kiến bước đầu:

Một là, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI thể hiện bản lĩnh, quyết tâm và trách nhiệm chính trị rất cao của Trung ương và toàn Đảng trong sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém kéo dài, được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trông đợi và kỳ vọng. Đã làm cho toàn Đảng và nhân dân nhận diện được sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống và tác hại của nó. Tiến hành kế hoạch tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Thông qua tự phê bình và phê bình, mỗi tổ chức đảng, cấp lãnh đạo, mỗi cán bộ, đảng viên đã thấy được khuyết điểm, yếu kém, tự suy ngẫm về trách nhiệm và nhận lỗi trong Đảng và trước nhân dân. Đã tập trung trong chỉ đạo để sửa chữa những khuyết điểm, những vụ việc lớn liên quan đến tham nhũng, lãng phí, yếu kém của một số doanh nghiệp nhà nước, khiếu kiện của nhân dân, yếu kém về đạo đức, năng lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo được những chuyển biến nhất định, dù chưa đáp ứng được mong muốn của toàn Đảng, toàn dân. Sửa chữa khuyết điểm, yếu kém là mục tiêu và thước đo kết quả tự phê bình và phê bình. Dù thành khẩn, chân thành trong tự phê bình, phê bình mà không nghiêm túc sửa chữa hoặc sửa chữa một cách hình thức, hời hợt sẽ càng suy giảm niềm tin của đảng viên và nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 có ý nghĩa giáo dục sâu sắc và cảnh báo nghiêm túc.

Hai là, cùng với tự phê bình, phê bình, sửa chữa khuyết điểm, chống sự suy thoái, các vấn đề khác cũng đã được triển khai. Bộ Chính trị đã chỉ đạo, Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đổi mới xây dựng chương trình và đã mở Lớp dự nguồn cán bộ cao cấp Khóa I từ tháng 3/2013 và sẽ mở các khóa tiếp theo. Trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đã được xác định rõ hơn trong công tác kiểm tra, kỷ luật, thanh tra. Các nhóm giải pháp cần được nhận thức đúng và triển khai đồng bộ hơn cả về công tác tổ chức cán bộ, sinh hoạt đảng, về cơ chế chính sách và về giáo dục chính trị, tư tưởng. Không nên nhận thức Nghị quyết Trung ương 4 chỉ có tự phê bình, phê bình và xử lý kỷ luật. Cũng không nên nhận thức giản đơn là qua đợt tự phê bình, phê bình là không còn khuyết điểm, mọi việc hoàn toàn tốt đẹp. Có khuyết điểm, yếu kém có thể sửa ngay, có khuyết điểm cần có thời gian và giải pháp đồng bộ, tránh hữu khuynh nhưng cũng tránh tả khuynh, cực đoan.

Ba là, trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, quan hệ quốc tế phức tạp, nhiều khó khăn trong nước, nhưng năm 2012 đất nước vẫn có bước chuyển biến tích cực: giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, GDP đạt 5,2%, giảm lạm phát xuống dưới 10%, bảo đảm an sinh xã hội đời sống của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là những thành quả không thể phủ nhận củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Nhưng cũng cần nhìn thẳng vào sự thật là: tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nặng nề; khiếu kiện đông người vẫn gia tăng nhất là về đất đai; cán bộ hành chính còn sách nhiễu dân; chênh lệch giàu nghèo còn lớn, v.v... Thực trạng đó đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 tích cực, mạnh mẽ hơn từ trong mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên để tạo sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên thật sự giỏi, trong sạch, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc

 

.
.
.
.