.
.

Chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến năm 2020, tầm nhìn 2050

Thứ Bảy, 17/12/2011|23:06

 

Chiều 15/12, trong buổi họp chuyên sâu về năng lượng trong khuôn khổ Hội nghị Tham tán Thương mại 2011, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, ông Lê Tuấn Phong - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng đã trình bày một tham luận về “Tổng quan về hệ thống năng lượng Việt Nam và định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050”.
 

Bài tham luận đánh giá về tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến phát triển năng lượng dầu khí và những kết quả đã đạt được trong hợp tác với nước ngoài của ngành Dầu khí Việt Nam.

 

Trong chiến lược phát triển ngành Năng lượng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 là phát triển ngành Dầu khí đồng bộ, bao gồm các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối, dịch vụ và xuất, nhập khẩu.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng (đầu tiên bên trái) và ông Lê Tuấn Phong

– Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (thứ hai từ trái sang) bàn luận với các Tham tán

về chiến lược năng lượng đến năm 2020, tầm nhìn 2050.

 

Về tìm kiếm, thăm dò (TKTD) dầu khí sẽ gia tăng trữ lượng đạt 35-45 triệu tấn quy dầu/năm trong giai đoạn 2011 – 2015; trong đó: trong nước 25 – 30 triệu tấn quy dầu/năm, ngoài nước 10 – 15 triệu tấn quy dầu/năm.

 

Định hướng giai đoạn 2016 – 2025 sẽ gia tăng trữ lượng đạt 35 – 45 triệu tấn quy dầu/năm, trong đó 25 – 35 triệu tấn quy dầu/năm ở trong nước và 15 triệu tấn quy dầu/năm ở nước ngoài.

 

Trong khai thác dầu khí sẽ tập trung nghiên cứu các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu và duy trì mức sản lượng khai thác dầu khí tối ưu, đảm bảo an toàn và hạn chế nguy cơ bị ngập nước của các mỏ đang khai thác; tích cực mở rộng hoạt động đầu tư khai thác dầu khí ra nước ngoài. Phấn đấu khai thác 25-38 triệu tấn quy dầu/năm, trong đó: khai thác dầu thô giữ ổn định ở mức 18-20 triệu tấn/năm và khai thác khí 8-19 tỉ m³/năm.

 

Giai đoạn 2011-2015, phấn đấu duy trì khai thác khoảng 20 mỏ dầu khí với sản lượng khai thác dầu dự kiến trong nước hàng năm từ 18 – 19 triệu tấn và khí từ 9 – 14 tỉ m3.

 

Định hướng giai đoạn 2016 – 2025 khai thác quy dầu đạt 40 – 45 triệu tấn quy dầu/năm, trong đó sản lượng dầu khai thác trong nước khoảng 12 – 16 triệu tấn/năm. Sản lượng dầu khai thác ở nước ngoài đạt khoảng 7 – 14 triệu tấn/năm. Sản lượng khai thác khí đạt 15 – 19 tỉ m3/năm.

 

Trong công nghiệp khí, tích cực phát triển theo hướng đa dạng hoá thị trường tiêu thụ; khí sẽ được cung cấp cho các ngành: sản xuất điện, phân bón, hoá chất, các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và dân dụng với qui mô sản lượng khoảng 19 tỉ m3/năm vào năm 2025. Nghiên cứu kết nối hệ thống đường ống Đông – Tây Nam Bộ, đường ống dẫn khí xuyên quốc gia làm cơ sở kết nối với đường ống dẫn khí khu vực Đông Nam Á.

 

Vận hành an toàn và hiệu quả các hệ thống đường ống dẫn khí hiện có và nhà máy chế biến khí Dinh Cố. Tiếp tục khai thác để thu gom tối đa khối lượng khí từ các mỏ khí có trữ lượng lớn, kết hợp tăng cường thu gom các mỏ khí có trữ lượng nhỏ, các mỏ biên nhằm sử dụng tối đa công suất của các đường ống sẵn có tại các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn và PM3-CAA-Cà Mau. Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh và khuyến khích các Nhà thầu đầu tư xây dựng hệ thống thu gom khí ngoài khơi để nối với các hệ thống đường ống hiện có. Tiến hành hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước cùng đầu tư nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ hợp lý nhằm tận thu khí đang bị đốt bỏ tại các giàn khai thác, tách các sản phẩm có giá trị cao như etan, propan-butan (LPG), condensate nhằm nâng cao giá trị nguồn tài nguyên dầu khí. Phát triển, khai thác và đưa vào sử dụng các mỏ khí có hàm lượng CO2 cao. Phấn đấu đạt sản lượng thu gom khí vào bờ 9-14 tỉ m3 khí/năm trong giai đoạn năm 2011-2015.

 

Hoàn  thành  việc  xây dựng  đường  ống  dẫn  khí  Phú Mỹ – TP. Hồ Chí Minh; khí thấp áp Phú Mỹ-Mỹ Xuân-Gò Dầu giai đoạn II; xây dựng hệ thống thu gom và vận chuyển khí của các mỏ Cá Ngừ Vàng-Emerald, Sư Tử Đen/Sư Tử Vàng-Rạng Đông của bể Cửu Long. Tối đa hoá công suất sử dụng của đường ống Nam Côn Sơn giai đoạn II và các đường ống thấp áp phục vụ cho nhu cầu phát triển của các khu công nghiệp nằm gần tuyến ống.

 

Vận hành an toàn và hiệu quả đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau. Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng đường ống Lô B-Ô Môn và kết nối hệ thống đường ống PM3-CAA. Nghiên cứu khả năng kết nối đường ống Đông và Tây Nam Bộ làm cơ sở cho việc kết nối mạng đường ống với các nước ASEAN (TAGP).

 

Chuẩn bị các phương án nhập khẩu khí thiên nhiên, LNG, CNG, DME… qua hệ thống kho cảng có khả năng tiếp nhận tàu 50.000-100.000 DWT với sức chứa của các kho có công suất trên 150.000m3 trong giai đoạn từ năm 2011-2013 để phục vụ cho các nhu cầu phát triển của các nhà máy điện, công nghiệp và dân dụng.

 

Về công nghiệp chế biến dầu khí, đến năm 2015 xây dựng xong 3 – 5 nhà máy lọc hóa dầu (NMLHD) với tổng công suất lọc khoảng 26 – 32 triệu tấn/năm, xây dựng và đưa vào vận hành từ 1 – 2 tổ hợp hóa dầu sản xuất các sản phẩm hóa dầu cơ bản. Đến năm 2025 hoàn thành việc mở rộng và xây dựng xong 6 – 7 NMLHD với tổng công suất lọc dầu 45 – 60 triệu tấn/năm, đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sản phẩm hóa dầu cơ bản.

 

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất – công trình thế kỷ của ngành Dầu khí Việt Nam.

 

Triển khai xây dựng, đưa vào vận hành các tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Long Sơn, Nam Vân Phong, các nhà máy lọc dầu Vũng Rô, Cần Thơ với tổng công suất chế biến trên 32 triệu tấn/năm. Mở rộng công suất các NMLHD Nghi Sơn và Long Sơn với công suất mỗi nhà máy là 20 triệu tấn/năm; dự kiến xây dựng mới hoặc nâng cấp mở rộng các nhà máy hiện có (1-2 nhà máy) với cấu hình chế biến sâu nhằm đảm bảo yêu cầu an ninh năng lượng quốc gia về sản phẩm nhiên liệu và đa dạng hoá chủng loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho hoá dầu, nhựa đường và các sản phẩm có giá trị cao như dầu nhờn, dung môi, nhiên liệu sinh học…

 

Đối với các nhà máy hóa dầu, gắn các dự án hoá dầu với các dự án lọc dầu, hình thành các tổ hợp, liên hợp lọc hoá dầu, nâng cao giá trị chế biến, hiệu quả đầu tư và sử dụng tối ưu cơ sở hạ tầng và các hạng mục phụ trợ.

 

Giai đoạn đến năm 2015 vận hành an toàn nhà máy đạm Phú Mỹ với công suất tối ưu và phát triển chiều sâu chế biến các sản phẩm hóa dầu khác; hoàn thành xây dựng nhà máy Đạm Cà Mau. Triển khai xây dựng tổ hợp Hoá dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Tổ hợp Hoá dầu Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), Tổ hợp hóa dầu Hòa Tâm (Phú Yên), Nhà máy xơ sợi PET (Hải Phòng). Giai đoạn 2016-2025 hoàn thành xây dựng Tổ hợp Hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), mở rộng công suất các tổ hợp hóa dầu Dung Quất, Long Sơn, Hòa Tâm; xây dựng mới một số tổ hợp hóa dầu hoặc các nhà máy hóa dầu từ nguyên liệu khí thiên nhiên ở những vùng thích hợp trên cơ sở nguồn nguyên liệu và các điều kiện cơ sở hạ tầng phù hợp.

 

Phát triển dịch vụ dầu khí giai đoạn đến năm 2015 sẽ phấn đấu doanh thu dịch vụ kỹ thuật dầu khí đạt tốc độ tăng trưởng 15 – 20%/năm so với năm trước. Giai đoạn 2016 – 2025 Phấn đấu doanh thu dịch vụ kỹ thuật dầu khí đạt tốc độ tăng trưởng 20 – 25%/năm so với năm trước.

 

Phấn đấu đạt mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050: năm 2020 đạt 60 ngày và năm 2025 đạt 90 ngày.

 

 Petrotimes

 

.
.
.
.