Mô hình tập đoàn kinh tế – thực tiễn và giải pháp
Nhà nước đã chủ trương thí điểm hình thành các tập đoàn kinh tế Nhà nước (TĐKTNN) dựa trên nòng cốt là các TCTNN có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, tham gia vào các hoạt động kinh doanh đa ngành với trọng tâm là ngành nghề kinh doanh chính.
TS Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên HĐTV Tập đoàn
Ths Trần Quốc Việt – Trưởng ban Kế hoạch Tập đoàn
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, trở thành một tổ chức kinh tế hay tập đoàn kinh tế hùng mạnh là mục tiêu của hầu hết các doanh nghiệp (DN). Tại Việt Nam, mô hình tổng công ty nhà nước (TCTNN) trong giai đoạn trước năm 2000 đã gặt hái được những kết quả tích cực, tập trung nguồn lực của đất nước, nâng tầm về quy mô, công nghệ trong các lĩnh vực chủ chốt, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, là công cụ giúp Chính phủ bước đầu điều hành vĩ mô nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, mô hình TCTNN vẫn còn là một hình thức DN đặc thù, hoạt động theo cơ chế riêng, chưa đáp ứng được yêu cầu của đất nước và yêu cầu của hội nhập kinh tế thế giới.
Bước sang thế kỷ XXI, trước yêu cầu hội nhập kinh tế mạnh mẽ, Đảng và Nhà nước chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế trong môi trường pháp lý thống nhất về hoạt động của DN, trong đó doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã chủ trương thí điểm hình thành các tập đoàn kinh tế Nhà nước (TĐKTNN) dựa trên nòng cốt là các TCTNN có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, tham gia vào các hoạt động kinh doanh đa ngành với trọng tâm là ngành nghề kinh doanh chính. Theo đó, các TĐKTNN giữ vai trò chi phối chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, có quy mô lớn về vốn, có trình độ công nghệ cao và quản lý hiện đại, hoạt động rộng khắp trong nước và ngoài nước.
Thế giới cũng đã có rất nhiều các mô hình tập đoàn kinh kế (TĐKT) được áp dụng, từ mô hình các tập đoàn ở các quốc gia Âu – Mỹ cho đến các nước châu Á như Nhật Bản (mô hình Keiretsu), Hàn Quốc (mô hình Chaebol), Trung Quốc (mô hình Jituan Gongsi) và nhiều mô hình tập đoàn khác.
Mô hình tập đoàn tại các quốc gia Âu – Mỹ được hình thành dựa trên nền tảng kinh tế phát triển từ rất lâu đời về thương mại, công nghiệp và dịch vụ của khu vực. Khởi đầu từ các doanh nghiệp gia đình trong một số ngành nghề nhất định, thông qua quá trình sáp nhập và mở rộng hoạt động, các tập đoàn kinh tế lớn mạnh đã lần lượt được ra đời.
Tại Nhật Bản, mô hình Keiretsu xuất hiện trong thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai thông qua hoạt động liên kết giữa các công ty với nhau bằng việc mua cổ phần để hình thành liên minh liên kết theo chiều ngang trên nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau. Mô hình Keiretsu thường lấy một ngân hàng làm hạt nhân trung tâm liên kết thông qua quan hệ tín dụng cũng như quan hệ sở hữu hay chi phối vốn cổ phần.
Không giống như mô hình Keiretsu tại Nhật Bản, mô hình Chaebol của Hàn Quốc lại lấy trung tâm liên kết là các công ty gia đình liên kết thông qua quan hệ sở hữu hay chi phối vốn cổ phần tại các công ty con. Các công ty gia đình có mối quan hệ “thân hữu” với chính phủ và nhận được nhiều ưu đãi từ phía nhà nước. Ngược lại, các Chaebol cũng chịu sự định hướng của chính phủ về mục tiêu kinh doanh, nhưng các mục tiêu xã hội khác thì không bị ràng buộc. Cũng giống như các mô hình tập đoàn khác, các Chaebol cũng có xu hướng mở rộng phạm vi hoạt động, bành trướng đa ngành, đa lĩnh vực.
Mô hình Jituan Gongsi tại Trung Quốc lại cho thấy những đặc điểm khác biệt khi hạt nhân liên kết trong các tập đoàn là các DN và TCTNN. Từ cuối thế kỷ XX, Trung Quốc đã đẩy mạnh quá trình tư nhân hóa các DNNN có quy mô nhỏ, đồng thời tập trung nguồn lực phát triển các tổng công ty lớn thành những tập đoàn đủ mạnh để cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế chủ đạo như công nghiệp luyện kim, đóng tàu, điện tử viễn thông, phần mềm, dược phẩm và các ngành khác. Quá trình hình thành các TĐKT tại Trung Quốc bắt đầu từ việc sáp nhập các DNNN thành các tổng công ty lớn cho tới khi đạt đến một quy mô nhất định. Tại đó, tổng công ty sẽ phân quyền kinh doanh cho các DN thành viên. Tiếp theo là đa dạng hóa sở hữu và hình thức nắm giữ cổ phần đan chéo giữa các DN thành viên. Cuối cùng là thực hiện các biện pháp thu hút đầu tư vốn và chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài.
Tại Việt Nam, từ năm 2005 với việc Chính phủ quyết định thí điểm thành lập 8 TĐKTNN, đến nay (2011) cả nước đã có tất cả 14 TĐKT được tổ chức theo 2 mô hình. Nhóm thứ nhất là các tập đoàn được thành lập thông qua tổ chức lại các TCTNN, bao gồm các tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Bưu chính – Viễn thông, Than – Khoáng sản, Bảo Việt, Dệt may, Cao su, Công nghiệp tàu thủy. Nhóm thứ hai được thành lập dựa trên tổ hợp các DN độc lập có cùng lĩnh vực hoạt động gồm Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng và Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị. Ngoài ra còn nhóm các tập đoàn được thành lập nên từ các DN khu vực tư nhân.
Đặc trưng nổi bật trong mô hình TĐKTNN tại Việt Nam là được hình thành dựa trên cơ sở quyết định của Chính phủ. Các tập đoàn kinh doanh trong các ngành kinh tế mũi nhọn với quy mô và tầm mức lớn, hoạt động theo mô hình công ty mẹ, con dựa trên luật doanh nghiệp thống nhất. Một đặc trưng khác trong mô hình tại Việt Nam là các TĐKT đứng đầu các lĩnh vực ngành nghề; đóng vai trò là công cụ điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ với phương thức lãnh đạo của Đảng được nhấn mạnh.
Trong giai đoạn đầu thí điểm cho đến nay, các TĐKT thể hiện rõ vị trí và vai trò chủ đạo của mình trong nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Các tập đoàn cũng phát huy được vị trí tiên phong, dẫn dắt và tạo môi trường thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư, sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, các TĐKT lớn cũng đảm nhận vai trò đi đầu trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của nước nhà. Song song với phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường cũng là một vai trò quan trọng gắn liền với trách nhiệm của các TĐKT lớn. Đây cũng được coi là lực lượng chủ lực trong các chương trình an sinh xã hội vì cộng đồng của Chính phủ.
Mặc dù vậy, quá trình thí điểm cũng cho thấy những mặt hạn chế còn tồn tạị. Hạn chế lớn nhất là vấn đề về khung pháp lý. Chúng ta chưa có khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng về mô hình TĐKTNN. Điều đó dẫn đến các điểm chưa hoàn thiện trong cơ chế thực hiện và giám sát quyền sở hữu. Phương thức quản lý và điều hành cũ vẫn còn tồn tại. Vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, vai trò quản trị của Hội đồng quản trị và vai trò điều hành của Ban Tổng giám đốc chưa được tách bạch và chuẩn hóa về quy trình nghiệp vụ. Bên cạnh những hạn chế mang tính khách quan thì bản thân các tập đoàn cũng có những vấn đề nội tại. Một phần cán bộ quản lý, người đại diện của tập đoàn tại các đơn vị chưa quán triệt đầy đủ tinh thần về mô hình quản lý, cách thức quản lý DN, thiếu kỹ năng quản trị DN hiện đại.
Trước những mặt hạn chế được bộc lộ, Đảng và Nhà nước đã nhận thức rõ những yêu cầu đổi mới cấp bách mà đầu tiên là phải thực hiện tái cấu trúc một cách toàn diện các DNNN. Tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Trong quá trình tái cấu trúc DNNN mà trọng tâm là các TĐKT và TCTNN, phải quán triệt thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng”.
Trên cơ sở nhận thức đó, để đi đến những điều chỉnh chính xác đáp ứng được yêu cầu thực tế, Đảng và Nhà nước cần có các tổng kết nghiêm túc đánh giá hiệu quả mô hình TĐKTNN nhằm chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong suốt thời gian vừa qua. Qua đó, xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển tổng thể của các tập đoàn, sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy định và chính sách phù hợp với đòi hỏi thực tiễn. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tăng cường cơ chế và tổ chức quản lý các tập đoàn như tăng số lượng thành viên độc lập trong hội đồng quản trị, thiết lập cơ chế đánh giá tập thể của Chính phủ về hoạt động của hội đồng quản trị của các tập đoàn, quy định lại về tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, xây dựng hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả cho từng TĐKT theo mục tiêu dài hạn, nhằm phục vụ cho chính sách cơ cấu của Chính phủ.
Mặt khác, từ phía các TĐKT, tăng cường phát triển khoa học công nghệ cùng với đó là nguồn nhân lực chất lượng là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện mô hình hoạt động của chính mình. Các giải pháp kiện toàn về công tác quản lý, nâng cao, hoàn thiện vai trò và phương lãnh đạo của tổ chức Đảng trong việc định hướng phát triển của DN. Cùng với đó cần thực hiện các giải pháp tái cấu trúc, sắp xếp mạng lưới hoạt động, đẩy mạnh huy động, tập trung và tích tụ vốn thông qua cổ phần hóa, thu hút DN thành viên và liên kết. Các tập đoàn cũng cần đẩy mạnh hoạt động phát triển thương hiệu, văn hóa DN, tích cực chia sẻ khó khăn vì cộng đồng, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Thực hiện được những yêu cầu trên sẽ tạo tiền đề vững chắc cho Việt Nam hoàn thành mục tiêu tổng quát của 5 năm 2011-2005 như Đại hội 11 đã xác định: “Phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
N.X.T – T.Q.V
Theo Petri