Tái cơ cấu kinh tế: Nhận diện một số khó khăn và thuận lợi
Tái cơ cấu kinh tế thành công chẳng những nâng cao được chất lượng tăng trưởng, khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế, hạn chế được các tác động tiêu cực trước những biến động từ bên ngoài, mà còn giúp quốc gia tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững trong nền kinh tế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế…
Bài viết phác thảo một số thuận lợi và khó khăn mà Việt Nam sẽ đối diện trong quá trình tái cơ cấu kinh tế không nằm ngoài mục tiêu giúp cho công cuộc tái cơ cấu kinh tế của đất nước chúng ta thành công.
Những thuận lợi lớn
Thứ nhất, sự quyết tâm chính trị và đồng thuận cao
Thuận lợi hàng đầu mà chúng ta có được là sự quyết tâm chính trị và đồng thuận xã hội cao. Điều này được ghi nhận trong các văn kiện và các phát biểu chính thức của Đảng và Nhà nước, đang từng bước được thể chế hóa thành các văn bản pháp lý cần thiết.
Đảng và Nhà nước đã và đang có những nhận thức mới cả về lý luận và tư tưởng chỉ đạo, điều hành và chính sách trên cơ sở phân tích kỹ tình hình, tham vấn các chuyên gia và tổ chức quốc tế, được nhân dân đồng tình ủng hộ và quốc tế đánh giá cao.
Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và toàn xã hội đều đang sẵn sàng đón nhận và triển khai các hoạt động tái cấu trúc như một nhiệm vụ tất yếu với nhiều hy vọng mới và quyết tâm mới.
Thứ hai, các tiềm năng và điều kiện trong nước
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt một số thành tựu quan trọng về tăng trưởng kinh tế; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu thiên niên kỷ; dân chủ trong xã hội có nhiều tiến bộ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được tăng cường. Chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia được giữ vững; hội nhập quốc tế và hoạt động đối ngoại đạt được những kết quả tích cực.
Việt Nam đã ký kết thêm nhiều Hiệp định và thỏa thuận quan trọng về hợp tác toàn diện và chiến lược với các đối tác lớn và một số nước khu vực. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, tạo được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam có nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh và quyết tâm đổi mới và phát triển hơn. Có ngày càng nhiều (năm 2011 là 19) mặt, nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD và một số thương hiệu ngày càng mạnh. Đã hình thành một số tập đoàn nhà nước, tư nhân có triển vọng phát triển ổn định.
Cơ chế, chính sách quản lý khoa học, công nghệ tiếp tục được đổi mới. Năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có bước tiến đáng kể, thị trường công nghệ từng bước phát triển, giá trị mua bán công nghệ 8 tháng đầu năm 2011 tăng 76% so với cùng kỳ năm 2010. Hoạt động hợp tác, đầu tư với nước ngoài được khuyến khích; đã triển khai nhiều chương trình, đề án lớn về: đổi mới, phát triển công nghệ quốc gia; nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông thôn, miền núi…
Việt Nam có lợi thế của một nước đi sau đang trong quá trình công nghiệp hoá, nền nông nghiệp giàu tiềm năng và thị trường nội địa gần 90 triệu dân với sức mua đang tăng lên.
Đặc biệt, Việt Nam vẫn được cộng đồng doanh nghiệp và nhiều tổ chức thế giới tin cậy vào sự ổn định và triển vọng đầu tư tốt cả về trung và dài hạn. Trong “Tổng quan kinh tế thế giới năm 2011” mới công bố tháng 9/2011, IMF đã đưa ra những dự báo khá lạc quan cho Việt Nam, cụ thể: Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP năm 2012 là 6,3%, cao hơn so với mức tăng chỉ 5,8% năm 2011, và năm 2013 GDP của Việt Nam sẽ tăng tới 7,5%.
Thứ ba, xu thế và cơ hội từ bên ngoài
Các nước trên thế giới đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với nhu cầu nội tại và bối cảnh mới, trong đó có cả sức ép từ biến đổi khí hậu toàn cầu… Quá trình đó tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp nhận các chuyển giao cơ cấu từ các trung tâm phát triển hơn, nhất là các cơ sở công nghiệp phụ trợ, đón bắt cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với vị thế cao hơn.
Nhận diện một số khó khăn
Một là, sự phối hợp quá trình tái cơ cấu theo kế hoạch tổng thể rõ ràng
Tái cấu trúc kinh tế, dù là cấp vĩ mô hay vi mô, đều là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa cơ bản và lâu dài, cần được tiến hành đồng bộ gắn với các đột phá chiến lược theo một chương trình tổng thể.
Yêu cầu đầu tiên để triển khai tái cơ cấu là phải hành động khẩn trương, kiên quyết tạo lập đồng bộ các tiền đề để chuyển mạnh sang tăng trưởng theo chiều sâu ngay trong những năm đầu của thời kỳ chiến lược, trước hết là ở những lĩnh vực khoa học, công nghệ phát triển nhanh và nước ta có điều kiện. Đây là con đường cơ bản nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Tuy nhiên, cho đến nay về tổng thể chúng ta chưa có kế hoạch chi tiết cho việc triển khai những hoạt động tái cơ cấu. Thậm chí, bức tranh toàn cảnh về thực trạng kinh tế Việt Nam còn chưa được định vị chi tiết, minh bạch càng làm khó cho quá trình định hướng và thưc đẩy tái cấu trúc.
Hai là, lực cản từ lợi ích nhóm và yêu cầu bảo đảm sự hài hòa các mục tiêu trong quá trình tái cơ cấu kinh tế
Quá trình tái cơ cấu chắc chắn sẽ làm gia tăng xung đột các nhóm lợi ích, nhất là làm mất đi đặc quyền của một số đối tượng đang có vị thế kinh doanh và độc quyền trong khu vực kinh tế nhà nước.
Hơn nữa, ngay yêu cầu cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo đột phá thể chế kinh tế thị trường mới, tiên tiến hơn theo yêu cầu tái cơ cấu cũng tạo ra xung đột quyền lợi ngay trong cơ chế một cửa, từ đó không dễ thực hiện hoặc chỉ thực hiện mang tính hình thức…
Ngoài ra, tái cấu trúc cũng cần bao quát và xử lý hài hòa các mục tiêu kinh tế-xã hội-môi trường. Trong quá trình nhân rộng các mô hình sản xuất hàng hóa lớn, có kỹ thuật cao và công nghệ quản lý hiện đại, cần gắn kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, chế biến, phân phối, hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm phân phối hợp lý lợi ích giữa các công đoạn trong chuỗi giá trị đó, coi đây là định hướng cơ bản để hiện đại hóa nước ta và bảo đảm lợi ích của các bên có liên quan.
Trong những năm đầu thực hiện tái cơ cấu, chúng ta chưa thể từ bỏ hoàn toàn mô hình tăng trưởng theo chiều rộng. Vì, để tăng trưởng theo chiều sâu phải sử dụng công nghệ hiện đại và phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là quá trình tích luỹ vốn và phát triển nguồn nhân lực trong từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Hơn nữa, phát triển bền vững phải gắn với yêu cầu giải quyết việc làm trong khi nguồn lao động thiếu việc làm còn nhiều, nhất là ở khu vực nông thôn.
Đặc biệt, việc đẩy nhanh quá mức tốc độ tái cơ cấu có thể đối diện với 2 trở ngại lớn là: i). Sự thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao theo yêu cầu; ii). Nguy cơ gia tăng áp lực thất nghiệp cho các lao động dưới chuẩn và đội ngũ lao động giản đơn, từ đó làm tăng áp lực cả cho Nhà nước, cũng như các doanh nghiệp và xã hội… Trở ngại này càng tăng trong bối cảnh thất nghiệp ngày càng đè nặng lên hầu hết các nước. Theo Tổ chức Lao động quốc tế và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay, khoảng 20 triệu người lao động ở các nước phát triển và đang phát triển đã mất việc làm. Đến cuối năm 2012, rất có thể, thêm 20 triệu lao động nữa mất việc. Theo một số chuyên gia, số người thất nghiệp trên toàn thế giới sẽ nhanh tiến tới con số 200 triệu.
Ba là, những rủi ro thị trường và đầu tư từ tái cấu trúc
Việt Nam tiếp tục triển khai sâu rộng các cam kế WTO ( Tổ chức Thương mại thế giới), khu vực mậu dịch tự do ASEAN và ASEAN+, tạo ra những cơ hội to lớn cho thu hút đầu tư và phát triển xuất khẩu, nhưng cũng đặt ra những thách thức gay gắt đối với sức cạnh tranh của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi và khả năng phản ứng chính sách, phản ứng thị trường trước những diễn biến phức tạp của thị trường.
Hơn nữa, những nguyên nhân thúc đẩy Việt Nam phải tái cấu trúc, thì bản thân chúng đồng thời cũng đang và sẽ là trở ngại cho quá trình tái cấu trúc này. Kinh tế xã hội nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và biến động chính trị ở nhiều nước trên thế giới có thể đột biến, kéo dài và nặng nề. Một số khó khăn và thách thức thị trường có thể lớn hơn và khó lường hơn so với dự báo. Các nhà kinh tế đang e ngại về khả năng xuất hiện một làn sóng khủng hoảng kinh tế thế giới lần thứ hai vào năm 2012.
Nếu thiếu kiểm soát thì tái cấu trúc càng làm tăng rủi ro khi từ bỏ thị trường và sở trường, việc làm cũ, trong khi thị trường mới và sở trường mới chưa xuất hiện ngay và sức cạnh tranh mới chưa xác lập vững chắc; rủi ro từ nguy cơ nợ nần gia tăng gắn với thiếu hụt nguồn vốn và sự gia tăng các khoản vay mới cho tái cơ cấu; rủi ro từ sự lạm dụng, thất thoát và tham nhũng vốn mới cho những dự án đầu tư mới nhân danh tái cơ cấu, nhất là khu vực đầu tư công; rủi ro từ việc lãng phí các dự án đầu tư dở dang theo mô hình đầu tư cũ…
Những khó khăn và rủi ro nêu trên có thể phát tác, gây hệ quả trái mong đợi, ảnh hưởng đến việc tái cấu trúc….
TS. Nguyễn Minh Phong
Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội
Nguồn: Chinhphu