.
.

Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống:

Tái cơ cấu kinh tế gắn với với đầu tư hiệu quả

Thứ Hai, 26/12/2011|22:27

 

Tái cơ cấu gắn với đầu tư có hiệu quả cho các cơ sở kinh tế, là đòi hỏi bức thiết trong tình hình hiện nay, là một trong những nội dung đã được Đảng ta khẳng định trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) mới đây. Thực tiễn trong quá trình xây dựng đất nước thời gian qua, các cơ sở kinh tế của ta từng bước được phát triển, đến nay, nhiều cơ sở không tiến chuyển kịp với những thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu, đã có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế nước ta. Vì vậy, ta phải tái cơ cấu các cơ sở và ngành nghề kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư, nhằm phát huy hiệu quả sản xuất và kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển.

Tái cơ cấu các cơ sở và ngành kinh tế trước hết cần xác định rõ mục đích là nhằm điều chỉnh và sắp xếp lại, làm cho các cơ sở và ngành kinh tế có cơ cấu tổ chức hợp lý, gọn, nhẹ, hoạt động năng động và hiệu quả. Đó là vấn đề quan trọng, nhằm nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh, bảo đảm các điều kiện cần và đủ để thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế, thúc đẩy sản xuất phát triển và hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào thị trường kinh tế thế giới. Tái cơ cấu cần tập trung vào các cơ sở và ngành kinh tế trọng điểm, giữ vai trò động lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển, bảo đảm giữ vững an sinh xã hội, tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh. Trong đó có các ngành như: Tài chính, ngân hàng, năng lượng, xây dựng, giao thông, viễn thông, sản xuất chế biến lương thực và thực phẩm. Trong tái cơ cấu, vấn đề cốt lõi là phải điều chỉnh, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất và kinh doanh theo hệ thống ngành, với những nghề chuyên sâu; hoặc có nhu cầu bức thiết, đủ điều kiện về nguồn lực, tài chính và khả năng quản lý, điều hành, năng lực sản xuất và kinh doanh có hiệu quả. Đây là yếu tố quan trọng để các cấp, các ngành tiện quản lý và chỉ đạo cũng như thanh tra và giám sát; không tổ chức phân tán và dàn mỏng, dẫn tới quản lý lỏng lẻo như trước đây.

Trong tái cơ cấu, cần lấy các cơ sở kinh tế làm ăn có hiệu quả làm nòng cốt để mở rộng liên doanh và liên kết với các doanh nghiệp khác, tạo thành các tập đoàn kinh tế mạnh và chuyên sâu trên từng lĩnh vực, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế và xã hội ở thời kỳ mới. Muốn thực hiện tái cơ cấu các cơ sở và ngành kinh tế, trước hết các cấp và các ngành cần có bước điều tra và quy hoạch, nhằm minh bạch hóa nguồn nhân lực, khả năng tài chính, nguồn tài nguyên, các cơ sở hạ tầng và công nghệ, hệ thống quản lý, điều hành sản xuất và kinh doanh... đây là cơ sở cốt yếu để tiến hành tái cơ cấu.

Ảnh minh họa: internet

Trong quá trình tái cơ cấu cần tiến hành đàm phán trên tinh thần bình đẳng, thẳng thắn để các doanh nghiệp hiểu rõ thực tại và dự báo đúng khả năng trong tương lai của từng cơ sở, để họ tự nguyện sáp nhập hoặc thỏa thuận mua lại để tái sản xuất và kinh doanh, tránh sử dụng biện pháp hành chính, gò ép. Sau tái cơ cấu từng cơ sở phải xây dựng lộ trình và bước đi trên cơ sở xác định đúng phương hướng và thế mạnh trong sản xuất và kinh doanh. Từng doanh nghiệp cần chủ động tháo gỡ, loại bỏ các vướng mắc và rào cản về cơ cấu tổ chức, thực hiện tinh giản bộ máy, loại bỏ các cơ quan trung gian, rà soát biên chế, thanh lọc lực lượng có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ yếu kém, năng lực quản lý và điều hành sản xuất và kinh doanh thiếu hiệu quả. Khâu đột phá sau tái cơ cấu là mạnh dạn đổi mới công nghệ, quy trình quy trình sản xuất và kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, làm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa ở thị trường trong nước cũng như quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp cần mở rộng mạng lưới liên doanh, liên kết ở trong và ngoài nước, làm tăng nguồn vốn đầu tư và sự chủ động về nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như nguồn phân phối sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Song song với thay đổi cơ cấu tổ chức, cần nghiên cứu đổi mới cơ chế hoạt động, nhằm tăng cường sự chỉ đạo và giám sát của các bộ, ngành, phát huy cao nhất tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất và kinh doanh, cũng như hạch toán tài chính của các doanh nghiệp. Quá trình tái cơ cấu, các cấp và các ngành cần coi trọng thay đổi và bổ sung một số chính sách, nhằm làm tăng trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ sở và ngành kinh tế với đất nước, bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp, ổn định đời sống người lao động, không để xảy ra biến động lớn trên từng lĩnh vực, cũng như đời sống sinh hoạt của toàn xã hội.

Cùng với tái cơ cấu, các cấp và các ngành cần có biện pháp đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả các nguồn vốn trong nước cũng như quốc tế. Các cấp, các ngành cần nghiên cứu ra các văn bản hướng dẫn cụ thể về vay và sử dụng các nguồn vốn, thời hạn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Vấn đề cốt lõi là phải xác định đúng khả năng sinh lời, tỷ lệ và lũy tiến tiền lãi với từng nguồn vốn, hạn định mức nộp ngân sách, chế độ tiền lương và tiền thưởng, cũng như kỷ luật nhằm kích thích sản xuất phát triển. Bên cạnh đó, các cấp cần ban hành các quy định về quy trình và chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư ở trong nước và quốc tế. Mạnh dạn cắt giảm và loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, gây cản trở cho nhà đầu tư, làm chậm thời gian đưa vào sử dụng và giải ngân nguồn vốn, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án cũng như sản xuất và kinh doạnh của từng ngành, từng doanh nghiệp.

Trong quá trình xác định đầu tư từng cấp cần tập trung vào ngành và doanh nghiệp trọng điểm, mang tính đòn bẩy để thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển, tránh dàn trải và phân tán như thời gian qua. Trong đầu tư, các ngành cần tăng cường công tác thanh tra và kiểm toán, cùng với phát huy quyền kiểm tra và giám sát của đội ngũ cán bộ cũng như công nhân viên, quyết không để thất thoát, hoặc xảy ra tham ô, lãng phí trong sử dụng và tái sử dụng các nguồn vốn. Trong đầu tư, từng ngành cần tiến hành làm điểm ở một số doanh nghiệp, sau đó tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm, tìm ra và làm rõ những nguyên nhân tạo nên sự thành công và tồn tại. Từ đó mạnh dạn chấn chỉnh tổ chức, bổ sung quy trình đầu tư, mở rộng mô hình, thúc đẩy sản xuất và kinh doanh của từng ngành phát triển.

Bùi Thanh Sơn (Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng)

Theo QDND

.
.
.
.