.
.

Tái cơ cấu ngân hàng không thể nóng vội

Thứ Năm, 29/12/2011|12:29

 

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, góp phần xây dựng nên những ngân hàng lớn, đủ sức làm trụ cột cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam là một trong những mục tiêu quan trọng hiện nay của ngành ngân hàng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Cao Sỹ Kiêm- Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xung quanh vấn đề này.

TS. Cao Sĩ Kiêm
TS. Cao Sĩ Kiêm

PV: Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định chính thức hợp nhất 3 ngân hàng TMCP là Đệ Nhất, Sài Gòn và Việt Nam Tín Nghĩa, ông đánh giá như thế nào về việc này?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, hầu hết các quốc gia đã tìm đến giải pháp là đánh giá năng lực tài chính của các ngân hàng và từ đó, khuyến khích hợp nhất để hình thành ngân hàng mới có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả hơn, đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trên thế giới.

Việc hợp nhất 3 ngân hàng TMCP Đệ Nhất, Sài Gòn và Việt Nam Tín Nghĩa thành một ngân hàng mới có thể nói là bước đầu tiên khá hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tạo ra một mô hình thích hợp để những bước đi tiếp theo chúng ta có thể tiếp tục vận dụng theo mô hình này, từ đó, tạo ra những ngân hàng đủ lớn, đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng khu vực và thế giới.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc hợp nhất 3 ngân hàng TMCP này nhằm tạo ra tính độc quyền, chiếm lĩnh thị trường tài chính hiện nay?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Có 3 ngân hàng hợp nhất thì không thể gọi là chiếm lĩnh thị trường được. Hơn nữa, nếu như các ngân hàng được hợp nhất vào rồi mà không có sự cải tổ, không có chiến lược cụ thể trong hoạt động thì khó có thể tốt lên được trong bối cảnh thị trường như hiện nay. 

PV: Việc hợp nhất 3 ngân hàng TMCP nói trên mới được coi là bước đầu, vậy về lâu dài NHNN cần phải làm gì trong tiến trình tái cơ cấu ngân hàng, thưa ông?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Hiện nay, Ngân hàng nhà nước đã có được Đề án về tái cơ cấu ngân hàng. Theo đó, trước mắt, NHNN sẽ đánh giá, sắp xếp lại các ngân hàng và sau đó nâng trình độ quản lý, làm cho hệ thống ngân hàng ngày càng vững mạnh hơn.

Tuy nhiên, việc tái cơ cấu ngân hàng không thể nóng vội, quá trình sắp xếp lại các ngân hàng cũng cần phải đảm bảo không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, kiên quyết xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả phát triển.

Về lâu dài, để tái cấu trúc ngân hàng, nên có sự phân loại các ngân hàng thành các nhóm. Cụ thể như: các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có năng lực và quy mô đủ lớn, có thể phát triển thành những ngân hàng trụ cột sẽ phân thành một nhóm; tiếp đến là các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh nhưng có quy mô nhỏ thành một nhóm và các ngân hàng có tình hình tài chính khó khăn cần phải cầu trúc lại thành một nhóm… từ đó lên kế hoạch cho những bước đi bài bản và hiệu quả để sáp nhập các ngân hàng.

PV: Theo ông, Chính phủ cần có sự hỗ trợ như thế nào đối với tiến trình tái cơ cấu ngành ngân hàng?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Thực tế, tái cơ cấu ngân hàng nhưng thực chất là thay đổi cả động lực cho nền kinh tế, vì ngân hàng là kênh cấp vốn cho nền kinh tế, nên việc tái cơ cấu ngân hàng sẽ góp phần thay đổi diện mạo nền kinh tế. Do đó, trong tiến trình tái cơ cấu ngân hàng rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, nhưng không phải hỗ trợ về tiền mà cần hỗ trợ về mặt nguồn lực, kinh nghiệm, cơ chế, chính sách để việc tái cơ cấu ngân hàng đạt hiệu quả cao...

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo ĐCSVN

 

.
.
.
.