.
.

Tân chính sách của Bộ trưởng Huệ

Thứ Năm, 29/12/2011|12:59

Sau một tháng tiếp nhận chức vụ Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã bước đầu tạo nên dấu ấn với tuyên bố "truy tới cùng chuyện lỗ-lãi xăng dầu" hay "Bộ trưởng Tài chính không chấp nhận bất cứ một chi phí hay một khoản lỗ nào do doanh nghiệp gây ra mà đổ cho nhà nước và người dân gánh chịu".

Vào thời điểm đó, nhiều người bày tỏ sự ủng hộ, thậm chí gọi ông là bộ trưởng "vì dân", là "quan thơm"...song cũng không ít người nghi ngờ về khả năng hiện thực hóa các chính sách, quan điểm ấy. Bởi người ta có thể cho rằng, ông đưa ra những phát ngôn ấy trong một bối cảnh không bình thường: một cuộc hội thảo về giá xăng dầu với những ý kiến phê phán quyết liệt, thậm chí đến mức "thô lỗ" chính sách xăng dầu, cụ thể là quyết định giảm giá xăng, dầu trước đó của Bộ Tài chính  từ phía đại diện lãnh đạo Bộ Công thương. Thì những phát ngôn ấy, có thể là do bột phát mà có chứ không hoàn toàn theo nghĩa là "vì 80 triệu người dân", như Bộ trưởng Huệ có tự nhận.

Những ý kiến nghi ngờ về quyết tâm của Bộ trưởng Vương Đình Huệ sau đó dường như có cơ sở hơn khi hàng tháng sau đó, cuộc kiểm tra 4 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vẫn chưa có kết quả cho dù Bộ Tài chính có mời thêm một số chuyên viên kiểm toán giỏi từ Kiểm toán Nhà nước sang hỗ trợ công việc kiểm tra. Nhưng cho đến gần đây, ngày 19.12, Bộ Tài chính mới công bố đầy đủ kết luận kiểm tra tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này. Mặc dù, kết luận của cuộc kiểm tra cho thấy, đa số các doanh nghiệp trên thực tế đều có lãi chứ không phải lỗ nhưng dường như kết quả kiểm tra thực tế này cũng chưa hoàn toàn như ý muốn của Bộ Tài chính. Bởi nếu tính toán theo đúng chi phí thực tế của doanh nghiệp thì con số lợi nhuận đúng là thấp, thậm chí lỗ chứ không phải lãi cao như kết quả kiểm tra. Bởi vì, chính trưởng đoàn kiểm tra xăng dầu này cũng phải thừa nhận, bộ này cũng thống nhất với Bộ Công thương là các mức chi trả thù lao, hoa hồng cho các đại lý kinh doanh xăng dầu theo thông tư số 234/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành từ năm 2009 đến nay đã lạc hậu. Do đó, kết luận về sai phạm ở các công ty xăng dầu như đã công bố cũng có phần khiên cưỡng.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ

Dù sao, xây dựng, thực thi các chính sách về giá xăng dầu cũng chỉ là một phần nhỏ trong hệ thống chính sách tài chính. Nhìn chung, ở một số chính sách mới  được nêu trong các chỉ thị, quyết định do Bộ trưởng Vương Đình Huệ trực tiếp ký, đang chỉ đạo thực hiện cho thấy bước đầu có một số xu hướng, chủ trương khá tích cực và rõ rệt.

Cụ thể hơn, đó là xu hướng yêu cầu nâng cao hơn trách nhiệm các tập thể, cá nhân trong ngành tài chính trong việc điều hành, thực hiện các chính sách  và siết chặt hơn kỷ luật, kỷ cương trong tất cả các lĩnh vực của ngành tài chính: thuế, hải quan, kho bạc..

Một văn bản mới nhất cho thấy điều này là chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 21.12.2012 do Bộ trưởng Vương Đình Huệ ký về việc thực hiện nghiêm chính sách tài khoá và các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra. Văn bản này nêu yêu cầu rõ ràng và khá cụ thể cho các cơ quan trong ngành tài chính cho thấy người ký văn bản am hiểu khá sâu các vấn đề yếu kém lâu nay ở trong các cơ quan của bộ Tài chính.

Cụ thể như tình trạng, nhiều cơ quan có thói quen khi lập kế hoạch thu, thường giấu bớt nguồn thu, cố tình lập dự toán thấp để cuối năm có kết quả vượt thu cao, thì trong chỉ thị trên có yêu cầu rõ ràng: "Trong quá trình lập dự toán thu, nghiêm cấm việc bỏ sót, tính thiếu nguồn thu, số thu, lập dự toán thấp dẫn đến vượt thu cao; thực hiện nghiêm việc xét thưởng đối với số thu vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định của pháp luật hiện hành".

Hay đối với ngành Hải quan, nhiều đơn vị trong Tổng cục Hải quan nhiều năm qua vẫn để tình trạng áp dụng mức thuế suất khác nhau đối với cùng mặt hàng gây thất thoát nguồn thu thì chỉ thị trên ngoài việc yêu cầu lập dự toán sát với tình hình thực tế xuất nhập khẩu hàng hóa, chính sách và thuế suất áp dụng còn yêu cầu Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cục, chi cục Hải quan thường xuyên rà soát, kiểm tra áp dụng thuế suất đối với các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu để hướng dẫn áp dụng thống nhất từ khâu dự toán đến khâu thực hiện thu, không để xảy ra tình trạng áp dụng mức thuế suất khác nhau đối với cùng mặt hàng gây thất thoát nguồn thu ngay từ khâu dự toán.

Trong chính sách này, bộ trưởng Tài chính cũng thể hiện quyết tâm khắc phục tình trạng trốn thuế, để nợ đọng thuế quá lớn trong công tác thu thuế của 2 tổng cục: Thuế và Hải quan. Hay việc yêu cầu Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước chỉ đạo toàn hệ thống tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ các điều kiện chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; kiên quyết từ chối thanh toán đối với những khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định...là những tín hiệu chính sách tích cực.

Một tín hiệu khác củng cố xu hướng này là người đứng đầu ngành tài chính đã mạnh tay trong việc khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích. Ví dụ, tuần qua, ông đã ký 3 quyết định khen thưởng các tổ đội Hải quan của Tổng cục Hải quan trong việc bắt giữ, xử lý các tàu Trung Quốc chở dầu trái phép vào Việt Nam tiêu thụ, khen thưởng chi cục Hải quan Nội Bài trong việc thu giữ trên 200 khẩu súng được mang trái phép từ nước ngoài về nước...Dù đây là việc cần thiết và dễ làm nhưng người ta cũng ít thấy trong hành động của nhiều vị bộ trưởng Tài chính ở các khóa trước đây.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ - Ảnh: Tuổi Trẻ

Một điểm dễ nhận thấy trong các chính sách mới của ngành tài chính là sự mở rộng, cởi mở hơn với báo giới, trước cả khi Văn phòng Chính phủ có một văn bản truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc cung cấp các thông tin chính thống cho báo chí (ngày 27/10/2011). Trước đây, có thể nói, Bộ Tài chính là một nơi tác nghiệp khó khăn cho các phóng viên báo chí theo dõi ngành nhưng dưới thời Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, cánh cửa cho giới báo chí lọt vào để dự, đưa tin các kỳ cuộc, hội thảo, họp hành bên bộ Tài chính đã mở rộng hơn và hầu hết các chính sách mới của Bộ Tài chính thường được công bố, cung cấp rất nhanh sau khi ký. Không giống như trước đây, có nhiều phóng viên thậm chí phải tìm cách mua các văn bản, tài liệu từ bộ qua một số chuyên viên của bộ này để có cái làm tin.

Tất nhiên, tin tức báo chí luôn rất nhạy cảm nên cho dù bước đầu có sự mở cửa như vậy, nhưng có những loại thông tin như kết luận thanh tra tài chính (trừ vụ xăng dầu), kết quả kiểm tra về mua sắm, sử dụng ô tô, tài sản công, quản lý đất đai...đến nay vẫn thuộc thông tin hạn chế, chưa được công khai.

Một điểm gây chú ý khác ở vị Bộ trưởng mới của ngành Tài chính là ông đã có văn bản phê bình các cán bộ phụ trách đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong việc chậm trễ triển khai xây dựng đề án này và sau đó ông đã tự mình đảm nhiệm công việc trưởng ban chỉ đạo, tổ chức đề án này.  Tình trạng độc quyền nhưng hoạt động kém hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước ai cũng có thể hiểu là một nguyên nhân gây nên sự trì trệ của nền kinh tế trong hàng chục năm qua. Và để tái cơ cấu, thực sự làm cho khối này hoạt động có hiệu quả thực sự là vấn đề thách thức.

Tuy nhiên, dù mới bước đầu có những nét mới rõ ràng, tích cực hơn trong chính sách như vậy, nhưng người dân vẫn chờ đợi ở  Bộ trưởng Tài chính những biện pháp mạnh tay hơn nữa, tổng thể hơn nữa. Ai cũng hiểu rằng, nền kinh tế còn đang trong giai đoạn rất khó khăn, có những dấu hiệu khủng hoảng mà những khó khăn ấy có phàn nguyên nhân không nhỏ do các chính sách tài khóa mở rộng trong nhiều năm: đầu tư công quá lớn, dàn trải, kém hiệu quả; bội chi ngân sách lớn, vay nợ nước ngoài lớn dẫn đến tỷ lệ nợ công tăng cao...

Là người đứng đầu ngành tài chính và đã từng làm lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước trong nhiều năm, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ không thể không nhận ra được thực tế này và cần phải xây dựng, thực hiện hoặc đề xuất các giải pháp giải quyết triệt để các vấn đề đó, đem lại sự ổn định cho nền kinh tế. Nhưng kể từ khi ông lên nắm chức vụ bộ trưởng Tài chính, những người quan sát chưa thấy rõ những quan điểm, hướng xử lý tích cực của ông, về mặt chính sách, kể cả quan điểm cho những vấn đề này.

Hay tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu của không ít cán bộ, nhân viên trong các ngành: hải quan, thuế...mà nhiều doanh nghiệp, người dân, báo chí phản ánh lâu nay gây nên những khó khăn, ách tắc nhất định trong hoạt động xuất, nhập khẩu, kinh doanh, làm ăn... vẫn cần có sự tay mạnh mẽ để chấn chỉnh của người đứng đầu ngành tài chính...Nhưng cũng chưa thấy có những hoạt động chỉ đạo quyết liệt nào.

Tất nhiên, mới 4 tháng, thời gian vẫn chưa thể là đủ cho một tân bộ trưởng có thể quán xuyến, xử lý hết các vấn đề yếu kém trong ngành mà nhiều bộ trưởng Tài chính các khóa trước, dù muốn, nhưng cũng chưa giải quyết được nhưng cũng đã là dài nếu chỉ để tuyên ngôn cho chủ trương, chính sách. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở một vài chính sách ban đầu như vậy,  ông Vương Đình Huệ vẫn chưa thể đáp ứng hoàn toàn kỳ vọng của người dân ở vai trò là người đứng đầu ngành tài chính....

Trong quá trình đổi mới, cải cách nền kinh tế ở nhiều nước như Brazil, Mexico, Pháp Đức.. trước đây, vai trò của Bộ trưởng Tài chính thường rất lớn. Những  Bộ trưởng Tài chính các nước đó thường là những người được có trình độ, hiểu biết về kinh tế rất sâu sắc, có tinh thần cải cách, đổi mới quyết liệt và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ và các Đảng cầm quyền. Người dân cũng chờ đợi ở bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ một sự quyết liệt như vậy, một sự ủng hộ như vậy với ngài bộ trưởng Tài chính để ông không đơn độc trong cuộc chiến đổi mới, cải cách ngay trong khóa này.

Theo VietNamNet

.
.
.
.