.
.

ĐẢNG BỘ TỔNG CÔNG TY THÉP VIỆT NAM:

ĐẢNG BỘ TỔNG CÔNG TY THÉP VIỆT NAM LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG

Thứ Tư, 07/12/2011|15:09

 

Từ cuối năm 2007, kinh tế thế giới diễn biến theo chiều hướng phức tạp và không ổn định, đến năm 2008 cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu đã làm kinh tế thế giới chao đảo, hầu hết các nền kinh tế phát triển mạnh nhất thế giới đều rơi vào khủng hoảng. Nước ta đang hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới, nên không tránh khỏi bị ảnh hưởng nặng nề và chịu tác động xấu đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, trong đó có Ngành Thép Việt Nam nói chung và Tổng công ty Thép Việt Nam. Trước bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động khó lường; lạm phát tăng cao......công tác bình ổn thị trường có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Tổng công ty còn tham gia kiềm chế giá, chống lạm phát và bình ổn thị trường thép trong nước. Đây là nhiệm vụ không hề đơn giản khi giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới và trong nước những năm gần đây luôn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
 
Để lãnh đạo thực hiện tốt chủ trương bình ổn thị trường thép xây dựng, đồng thời với vai trò đầu tàu trong việc bình ổn thị trường thép xây dựng trong nước. Đảng uỷ Tổng công ty đã xác định 2 mục tiêu chính là: đảm bảo cung ứng đủ thép cho thị trường và kiềm chế giá thép và coi đây  là nội dung trọng tâm cần được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong chương trình công tác tháng, quý, hàng năm; trước hết là lãnh đạo thực hiện tốt công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên , CNVCLĐ để thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống Tổng công ty về trách nhiệm, nghĩa vụ cần thiết phải tham gia bình ổn thị trường, cụ thể là bình ổn thị trường thép xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ .
    
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Tổng công ty tập trung chỉ đạo tăng cường công tác thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình diễn biến của thị trường thép thế giới và trong nước, đánh giá các yếu tố sẽ tác động đến thị trường thép trong nước để kịp thời đề ra các biện pháp chỉ đạo đúng đắn điều hành các hoạt động SXKD của toàn hệ thống VNSteel.
 
Về đặc điểm tình hình thị trường trong và ngoài nước trong các năm qua: Năm 2008 thị trường thép trong nước diễn biến cực kỳ phức tạp; đầu năm, lạm phát trong nước đã ở mức nguy hiểm, giá cả hàng hóa tăng liên tục, chỉ số CPI 6 tháng đầu năm ở mức 18,4%; giá phôi thép nhập khẩu đang ở mức 660-730USD/tấn CFR đến cuối tháng 6 đã tăng vọt lên gần 1.200USD/tấn, giá thép phế nhập khẩu từ 420-480USD/tấn tăng lên đến gần 800USD/tấn, kéo theo cơn sốt giá bán thép xây dựng trong nước tăng với tốc độ và biên độ lớn, đang từ hơn 10 triệu đồng/tấn tăng vọt lên gần 20 triệu đồng /tấn vào tháng 7/2008.
 
Để đối phó với tình hình trên, Chính phủ đã có Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP nhằm thực hiện kết luận số 22-KL/TW, ngày 04/4/2008 của Bộ Chính Trị về một số vấn đề về kinh tế - xã hội quý I-2008 cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra 8 giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, đồng thời chỉ thị không tăng giá một số mặt hàng trọng yếu trong đó có sản phẩm thép từ tháng 03/2008 đến tháng 06/2008 và chỉ đạo Tổng công ty Thép Việt Nam phải thực hiện kế hoạch bình ổn giá thép.
 
Tuy nhiên, bắt đầu từ quý 3, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bùng nổ làm toàn bộ nền kinh tế thế giới suy giảm nhanh chóng. Giá nguyên liệu thép đang từ mức giá cao tột đỉnh khi nhập vào Việt Nam; phôi thép từ 1.100 USD/tấn, thép phế trên 700 USD/tấn, HRC trên 1.200 USD/tấn...đã nhanh chóng giảm còn 1/3, tiêu thụ thép gần như bị ngưng trệ trong những tháng cuối năm 2008, tồn kho sản phẩm, nguyên liệu giá cao còn rất lớn, do đó hầu hết các công ty sản xuất và kinh doanh thép đã bị thua lỗ nặng nề và tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của năm 2009.
 
Bước vào năm 2009, tiêu thụ thép xây dựng trong nước các tháng đầu năm gặp rất nhiều khó khăn. Giá thép xây dựng giảm mạnh thậm chí thấp hơn cả giá thành, hầu hết các doanh nghiệp đều lỗ, một số doanh nghiệp phải dùng biện pháp sản xuất gián đoạn hoặc ngừng sản xuất hàng tháng để cầm chừng, tồn tại. Đồng thời, lượng thép thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam tăng cao do các nước trong khu vực dư thừa thép đã tìm cách xuất khẩu sang Việt Nam, nên tình hình tiêu thụ của các đơn vị trong nước càng khó khăn hơn. Tiêu thụ thép cán khả quan dần hơn từ tháng 05/2009 khi hiệu ứng từ gói kích cầu của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng.
 
Công tác thực hiện bình ổn thị trường thép xây dựng của Tổng công ty Thép Việt Nam giai đoạn 2008-2009. Để sẵn sàng ứng phó với những diễn biến khó lường của thị trường thép thế giới và trong nước, ngay từ đầu năm 2008 và 2009, dù chưa có dấu hiệu của cơn bão giá, nhưng Tổng công ty đã dự báo tình hình sẽ diễn biến phức tạp và chủ động xây dựng kế hoạch tham gia bình ổn thị trường thép xây dựng cho cả năm và để ra các biện pháp thực hiện nhằm đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu thép trên thị trường, góp phần cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường. Những kế hoạch này đều đã được gửi tới Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan. Đồng thời, Tổng công ty có những văn bản chỉ đạo  các đơn vị trong toàn hệ thống (kể cả các Cty con, Cty liên kết mà Tcty không chiếm cổ phần chi phối) nhằm tham gia bình ổn thị trường thép hiệu quả.
 
Tổng công ty đề ra một số giải pháp như chỉ đạo các đơn vị sẩn xuất chuẩn bị tốt nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, tăng cường sản xuất tối đa nhằm tăng nguồn cung ra thị trường, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu thép. Phát huy công suất luyện phôi nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn phôi nhập khẩu ( Tổng công ty tự đáp ứng được trên 70% lượng phôi thép cho SX ). Rà soát, áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành,  nhằm kiềm chế tăng giá; tính riêng trong năm 2008giá bán thép của Tcty giữ thấp hơn so với giá thị trường từ 500.000 - 1.000.000 đồng/tấn, đặc biệt có thời điểm mức chênh lệch này lên tới hơn 2.000.000 đồng/tấn (đó là thời điểm giá nguyên liệu và sản phẩm thép trên thị trường thế giới tăng liên tục và đạt mức kỷ lục vào tháng 6 và tháng 7/2008). Như vậy với lượng tiêu thụ 790.000 ngàn tấn thép xây dựng, hiệu quả kinh doanh năm 2008 của Tổng công ty đã bị giảm hơn 500 tỷ đồng do phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường thép trong nước; khi thị trường có dấu hiệu phục hồi vẫn chỉ đạo không tăng giá đột biến, bất hợp lý gây tác động lớn tới các hoạt động của thị trường và nền kinh tế. Chỉ đạo các đơn vị lưu thông phân phối phát triển hệ thống phân phối theo hướng tăng tỷ lệ cung ứng trực tiếp đến các công trình, người sử dụng cuối cùng nhằm giảm bớt chi phí trung gian; công bố công khai tỷ lệ chiết khấu, chất lượng sản phẩm, niêm yết công khai giá bán và bán đúng giá niêm yết, quản lý chặt hàng tồn kho, có quy chế bán hàng hợp lý; hạn chế xuất khẩu, tập trung tối đa cho thị trường trong nước, đồng thời không bán số lượng lớn sản phẩm vào một đầu mối, hạn chế tình trạng lũng đoạn giá hoặc đầu cơ. Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư (đặc biệt là các dự án luyện phôi) nhằm tăng năng lực sản suất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giảm chi phí, giá thành… Chủ động xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường thép xây dựng hàng năm và chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống tích cực tham gia, đẩy mạnh sản xuất  và kiềm chế không nâng giá bán thép theo yêu cầu của Thủ Tướng Chính phủ, thể hiện vai trò đầu tàu là một doanh nghiệp nhà nước, là nhân tố chính điều tiết, kiềm chế giá trên thị trường, góp phần quan trọng vào việc giúp, Chính phủ điều hành nền kinh tế ổn định và dần đi vào quỹ đạo và mục tiêu đã đề ra.
      
Trước những nỗ lực tích cực của Tổng công ty trong công tác tham gia bình ổn thị trường thép xây dựng trong nước đem lại kết quả thiết thực góp phần kiềm chế lạm phát đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Để ghi nhận thành tích to lớn của Tổng công ty,  năm 2008 Thủ tướng Chính phủ đã tặng Tổng công ty Bằng khen về thành tích bình ổn giá và kiềm chế lạm phát (Quyết định khen thưởng số 1358/QĐ-TTg ngày 24/09/2008 của Thủ tướng Chính phủ).
 
Trong thời gian qua, Tổng công ty Thép Việt Nam đã làm khá tốt công tác tham gia bình ổn thị trường; Nhưng trong thời gian tới, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Đó là từ một Tổng công ty sở hữu 100% vốn nhà nước, cho đến hết 2010 Tổng công ty sẽ hoàn tất quá trình cổ phần hoá, chuyển sang hoạt động theo mô hình Tập đoàn công nghiệp thép đa sở hữu nên việc thực hiện công tác bình ổn sẽ gặp nhiều hạn chế hơn trước; việc yêu cầu các cổ đông trong doanh nghiệp phải hy sinh lợi ích cục bộ để phục vụ cho sự nghiệp phát triển chung của toàn xã hội chắc chắn sẽ khó có sự đồng thuận của các cổ đông .
 
Qua việc thực hiện công tác tham gia bình ổn thị trường thép xây dựng, có một số kiến nghị đối với Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan. Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi riêng đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường (bù lỗ…) để đảm bảo hiệu quả SXKD và sự phát triển của doanh nghiệp. Tổng công ty Thép Việt Nam trong các năm qua vì phải thực hiện nhiệm vụ chính trị là đảm bảo không để xảy ra thiếu thép xây dựng,  bình ổn giá thép nên mức lợi nhuận đạt được là rất mỏng, không có điều kiện để tái đầu tư. Do hoạt động sản xuất và kinh doanh thép xây dựng đã được xã hội hóa cao trong khi năng lực sản xuất và thị phần của Tổng công ty ngày càng thu hẹp do tiến hành cổ phần hóa các đơn vị trực thuộc và đang tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ, để công tác bình ổn thị trường đạt hiệu quả, Nhà nước cần chỉ đạo tất cả các doanh nghiệp (kể cả tư nhân, liên doanh, cổ phần, 100% vốn nước ngoài…) cùng tham gia bình ổn thị trường.  Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào ngành thép, đặc biệt là khâu thượng nguồn nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Vận dụng hợp lý chính sách thuế và rào cản kỹ thuật để tránh gây thiệt hại cho ngành thép trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhà nước có chính sách hạn chế nhập khẩu những sản phẩm thép đã được sản xuất trong nước như : Thép xây dựng, thép cán nguội, thép lá mạ, thép ống. Nhà nước có chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn bằng ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất thép như thép phế , than mỡ, than coke...; có chính sách quản lý và khai thác tốt nguồn tài nguyên phục vụ cho luyện kim nhằm đảm bảo hiệu quả và tạo sự phát triển bền vững cho ngành./.
 
Mai Văn Tinh
Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối
Bí thư Đảng uỷ -Chủ tịch HĐQT
 
.
.
.
.