.
.

Tái cấu trúc và mô hình DNNN lý tưởng

Thứ Ba, 10/01/2012|00:48

 

Việc xây dựng các tập đoàn trên cơ sở tái cấu trúc khối DNNN là một đề tài lớn, đòi hỏi nhiều kiến thức quản lý và cơ sở khoa học làm nền tảng bao gồm: Lý thuyết hệ thống và kiến trúc tổ chức; Kinh tế học hệ thống và doanh nghiệp; Cơ sở quản trị hiện đại; KHCN và đổi mới sáng tạo; toàn cầu hoá.

Hiện nay, vấn đề tái cấu trúc (Re-Engineering) khối các DNNN bao gồm các tập đoàn, tổng công ty 90, 91 đang là vấn đề rất được quan tâm và nằm trong ba nhiệm vụ chính của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015. Với 99 tổng công ty và tập đoàn kinh tế, khối DNNN đang nắm giữ những ngành kinh tế then chốt quốc gia như dầu khí, điện lực, tài chính, viễn thông, hàng không, đóng tàu, xây dựng công nghiệp, khai thác mỏ, hoá chất, lương thực, cao su, cà phê...

Vai trò của khối DNNN được xác định là: bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh; nắm những ngành cơ bản, khâu then chốt quyết định để phát triển đất nước; bảo đảm cân đối vĩ mô quan trọng của nền kinh tế; sử dụng và phát huy ưu thế về kỹ thuật và công nghệ; hợp tác và cạnh tranh, liên kết và định hướng cho các thành phần kinh tế; hình thành những DNNN, tập đoàn kinh tế có khả năng vươn ra khu vực và quốc tế.

DNNN chính là thực thể kinh tế phát huy tác dụng từ dưới lên đối với chủ trương, phương hướng chính sách kinh tế của nhà nước, phối hợp các công cụ kinh tế vĩ mô khác để thực chiến lược kinh tế - xã hội và kế hoạch chiến lược của quốc gia.

Chúng ta cần phải tái cấu trúc mạnh mẽ và thực hiện đổi mới chiến lược cho khối DNNN, từ đó hình thành những tổng công ty - tập đoàn kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, đáp ứng những nhiệm vụ chiến lược đặt ra.

 

Hiện nay, khối DNNN tồn tại các vấn đề về cơ sở pháp lý, mô hình tổ chức và cơ sở khoa học cho việc tái cấu trúc chiến lược khối DNNN.

Việc tái cấu trúc và hợp nhất thành các tổ chức kinh tế lớn theo mô hình tổng công ty - tập đoàn có đủ sức mạnh, nguồn vốn và tri thức là nhu cầu phát triển tất yếu, trên cơ sở hình thành những tổ chức kinh tế mạnh có khả năng cạnh tranh hợp tác sòng phẳng với các tập đoàn kinh tế toàn cầu.

Cấu trúc tổ chức của các tập đoàn kinh tế sẽ tuân thủ các mô hình chuẩn, hiện đại như hợp nhất theo chiều dọc chuyên ngành, tổ hợp theo chiều ngang hay cấu trúc mạng lưới. Cấu trúc tổ chức sẽ tuỳ vào đặc điểm và chiến lược phát triển của từng tập đoàn. Việc xây dựng các tập đoàn trên cơ sở tái cấu trúc khối DNNN là một đề tài lớn, đòi hỏi nhiều kiến thức quản lý và cơ sở khoa học làm nền tảng bao gồm: Lý thuyết hệ thống và kiến trúc tổ chức; Kinh tế học hệ thống và doanh nghiệp; Cơ sở quản trị hiện đại; KHCN và đổi mới sáng tạo; toàn cầu hoá.

Cần phải dựa trên các cơ sở trình bày trên để làm nền tảng cho việc tái cấu trúc DNNN một cách khoa học và có hiệu quả. Từ đó, sẽ có lời giải cho bài toán tái cấu trúc và đổi mới khối DNNN. Theo Peter Drucker, được coi là cha đẻ của quản trị hiện đại, nhiệm vụ của doanh nghiệp sẽ bao gồm hai việc: Tạo ra thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm và dịch vụ hiện có + sáng tạo đổi mới.

Học thuyết kinh doanh hiện nay của DNNN đã bao gồm hai nhiệm vụ chủ yếu trên kèm theo nhiệm vụ dẫn dắt chiến lược cho thị trường KHCN và chính sách kinh tế.

Những mô hình tập đoàn kinh tế hiệu quả có thể kể Viettel, VNPT, PVN là các tập đoàn có lợi nhuận và thành tích kinh doanh cao. Để sử dụng và triển khai các công nghệ viễn thông hiện đại như 3G ở nước ngoài, Viettel cần phải có năng lực quản lý kinh doanh khai thác công nghệ viễn thông quốc tế. PVN còn có năng lực về R&D khi đã có các công trình nghiên cứu về chế độ khoan khai thác các mỏ dầu khí ở Việt Nam và quốc tế, năng lực thiết kế và đóng mới các hệ thống dàn khoan dầu khí hiện đại. Cơ sở đào tạo cũng là nơi để các chuyên gia và cán bộ nghiên cứu ngành dầu khí chuyển giao tri thức kinh nghiệm, thực hiện các nghiên cứu chuyên ngành.

Đây chính là những mô hình thành công ban đầu để có thể học hỏi và nhân rộng cho các tập đoàn - tổng công ty khác.

Hệ thống quản trị DNNN sẽ phải bao gồm Hệ thống thông tin quản lý MIS và Hệ thống báo cáo quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn - cần phải được cung cấp định kỳ cho HĐQT tập đoàn kinh tế và chủ sở hữu của nó (đơn vị chủ quản hay công ty quản lý vốn Nhà nước).

Việc lãnh đạo và kiểm soát DNNN sẽ thông qua CEO và CFO.

Vai trò của CEO trong các tập đoàn kinh tế là rất quan trọng. CEO có trách nhiệm vạch ra chiến lược phát triển và thực hiện chiến lược đó thành công đem lại lợi ích kinh tế và thị trường rất lớn. Do đó, CEO cần phải được đánh giá đúng và trả công xứng đáng và gắn với thành công dài hạn của DNNN. Những CEO hàng đầu thế giới có thu nhập rất cao dựa vào thành tích của mình được đánh giá vào cuối nhiệm kỳ. Thông thường, một CEO thành công sẽ giữ hai nhiệm kỳ lãnh đạo doanh nghiệp kéo dài trong khoảng 10 năm.

DNNN nắm giữ nguốn vốn rất lớn nên vai trò giám đốc tài chính CFO là rất quan trọng. CFO có trách nhiệm kiểm soát thực hiện chiến lược tài chính, quản trị hiệu suất và kiểm soát rủi ro DNNN. CFO còn là đại diện giám sát cho chủ sở hữu. CFO có chiến lược phân bổ linh hoạt hợp lý nguồn tài chính sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp.

Để thực hiện chiến lược và kiểm soát hiệu suất hiệu quả DNNN, cần phải có hệ thống thông tin quản trị hiện đại và đồng bộ để hợp nhất thông tin trong tập đoàn, từ đó cho phép DNNN nắm được thông tin về hiệu suất hoạt động, hệ thống kiểm soát chiến lược và cung cấp thông tin sản phẩm thị trường mới cho doanh nghiệp.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trên cơ sở đánh giá giá trị kinh tế gia tăng là lợi nhuận sau thuế trừ đi chi phí sử dụng vốn. Trên cơ sở đánh đó sẽ biết được hiệu quả kinh tế thực sự của DNNN. Công cụ hiện đại nhất để có thông tin năng suất là so sánh đối chuẩn Benchmarking, để so sánh hiệu quả của doanh nghiệp và các doanh nghiệp tốt nhất, doanh nghiệp trung bình của ngành.

Một chỉ tiêu quan trọng đánh giá DNNN khác chính là khả năng đổi mới và sáng tạo thông qua hệ thống tri thức doanh nghiệp, bằng phát minh sáng chế và năng lực R&D. Nguồn lực doanh nghiệp quan trọng nhất chính là lực lượng chuyên gia, quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp. Lực lượng cán bộ này không cần đông nhưng cần thật sự giỏi và được đào tạo tốt, chuẩn hoá theo các chương trình MBA. Do đó, cần phải có Hệ thống quản trị nguồn nhân lực để đào tạo nguồn nhân lực doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực trong sự phát triển ứng dụng mạnh mẽ KHCN và Toàn cầu hoá. Ứng dụng CNTT để xây dựng hệ thống thông tin quản trị cho khối DNNN.

Các yếu tố hạ tầng cơ sở như pháp lý, quy định và kiểm soát nội bộ cũng cần được hoàn thiện song song cùng với các yếu tố kiến trúc hệ thống DNNN. Để xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến một cách hiệu quả và ít rủi ro, cần học hỏi kinh nghiệm thực tế và tham khảo hay thuê các chuyên gia có kinh nghiệm từ các công ty tư vấn quản trị, tư vấn chiến lược, tư vấn tái cấu trúc. Triển khai các hệ thống quản trị kiểm soát rủi ro và xây dựng hệ thống báo cáo thống kê tài chính doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế nhằm có số liệu chính xác trung thực về hoạt động của DNNN.

Trong những năm 2000 Trung Quốc đã thực hiện tái cấu trúc và đổi mới khối DNNN và có những thành công ban đầu với những Tập đoàn kinh tế - KHCN hàng đầu như Huawei, Levono, Haier, Sina, China Mobile... Các tập đoàn này cạnh tranh mạnh mẽ với các tập đoàn Âu - Mỹ như CISCO, IBM, Google... Hiện có 39 công ty từ khối DNNN trước đây nằm trong danh sách các công ty lớn nhất thế giới do Fortune xếp hạng năm 2010.

Việc xây dựng chiến lược kiến trúc doanh nghiệp để xác định năng lực cạnh tranh, công nghệ và tổ chức cho khối DNNN là một nhu cầu khách quan và tất yếu trong việc hình thành một kiến trúc nền tảng để tái cấu trúc và đổi mới khối DNNN. Trong thời gian 10 năm tới, chúng ta sẽ có những tập đoàn kinh tế Việt Nam đủ sức nằm trong TOP những doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Theo VEF/ VietNamNet

.
.
.
.