“Quyết liệt” tái cấu trúc doanh nghiệp: Kỳ vọng thành công
Theo Bộ Tài chính, nội trong tháng 3 tới, tất cả các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn thành đề án tái cấu trúc doanh nghiệp của mình. Tính đến thời điểm này, đã có 7 doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, tổng công ty chính thức triển khai những bước đi đầu tiên trong công cuộc sắp xếp, cơ cấu lại hoạt động.
Bước vào cuộc "đại phẫu”
Ngày 22/2, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã tổ chức Lễ phát động triển khai chương trình tiết giảm chi phí năm 2012, tái cơ cấu doanh nghiệp theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, Tập đoàn tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc doanh nghiệp thuộc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động trong các lĩnh vực: điều tra, khảo sát, thăm dò địa chất, nhà máy điện đã đi vào vận hành thương mại ổn định, các công ty sản xuất, chế biến bauxit – alumin...
Đối với các công ty liên kết có vốn đầu tư dài hạn của Tập đoàn, Tập đoàn chỉ duy trì góp vốn đầu tư vào các công ty hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn, còn lại sẽ thoái vốn. Trước mắt, sẽ làm thủ tục thoái vốn tại 4 công ty lớn với số vốn 216,8 tỷ đồng. Vinacomin cũng lên kế hoạch tiết giảm chi phí trong năm 2012 là 250 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 21/2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng đã có buổi làm việc với Bộ Tài chính về việc cam kết tiết giảm chi phí 5% trong hoạt động của doanh nghiệp thời gian tới cũng như triển khai phương án sắp xếp, tái cơ cấu lại doanh nghiệp.
Riêng với EVN, mục tiêu là năm 2012, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh với giá trị 1.846 tỷ đồng. Lãnh đạo EVN cho biết, tập đoàn cam kết sẽ tiết giảm 5% chi phí từ vật liệu, dịch vụ mua ngoài, dịch vụ văn phòng...; thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm tổn thất điện năng hiện ở mức trên 20% xuống còn 15%.
EVN cũng cho biết, sẽ chỉ tập trung vào lĩnh vực chính là sản xuất kinh doanh điện năng và đầu tư phát triển theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, còn các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành trước đây sẽ rút khỏi hoàn toàn. Theo chỉ đạo của Chính phủ, EVN đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015.
Trung tuần tháng 2 vừa qua, các tập đoàn như Bảo Việt, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng đã bắt tay vào công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp mình.
Như vậy, có thể thấy, đến thời điểm này nhiều tập đoàn, tổng công ty đã bắt đầu những bước đi đầu tiên trong mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp theo chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế mà Chính phủ đặt ra.
Và chỉ trong quý I này, nghĩa là đến hết tháng 3 tới đây, tất cả tập đoàn, tổng công ty thuộc khối doanh nghiệp nhà nước sẽ phải hoàn thành đề án tái cấu trúc doanh nghiệp của mình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính.
Mong chờ sự "thay da đổi thịt” thực sự
Việc sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhà nước là điều cần phải làm đối với mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế. Và thực tế, trong suốt thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước cũng đã thực hiện việc cổ phần hóa, điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sắp xếp lại, đổi mới lại hoạt động của mình.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2011, chúng ta đã sắp xếp được 4.757 doanh nghiệp nhà nước bao gồm 3.388 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp đã cổ phần hóa chiếm 71,8%, trong đó có 16 tổng công ty và ngân hàng thương mại. Đến nay, 100% doanh nghiệp nhà nước được chuyển sang doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn một thành viên, nhiều tổng công ty nhà nước được tổ chức lại bằng cách hợp nhất, giải thể.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, ở các doanh nghiệp nhà nước đã được sắp xếp, cổ phần hóa, vẫn tồn tại những vấn đề yếu kém. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp vẫn giữ những mô hình quản trị doanh nghiệp lạc hậu, cách điều hành bất hợp lý dẫn đến sự lỏng lẻo trong quản lý, thiếu minh bạch và công khai thông tin...
Theo bà Lê Thị Thanh Huyền, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, thời gian qua, việc thực hiện cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa tạo ra sự rạch ròi giữa quyền quản lý nhà nước với quyền sở hữu, vì Nhà nước vừa là người ban hành các quy định, vừa là cổ đông lớn.
Khi sở hữu đa số cổ phần, người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có quyền phủ quyết các quyết định quản lý và đầu tư quan trọng. Chính điều này sẽ dẫn đến những can thiệp một cách duy ý chí vào hoạt động điều hành của doanh nghiệp.
Ở tầm vĩ mô, việc cơ quan Nhà nước đóng vai trò kép – vừa là chủ sở hữu các doanh nghiệp, vừa là cơ quan quản lý – rất dễ tạo nên tình trạng một số cơ quan nhà nước bị thao túng... Tất cả những bất cập ấy là tác nhân gây nhiều vướng mắc, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
Bởi vậy, chủ trương tái cơ cấu của Chính phủ không chỉ nhằm "thay da đổi thịt” các doanh nghiệp đang ở "bên bờ vực thẳm” mà còn tiếp tục khắc phục những yếu kém ở những doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa. Nói khác đi một chút, việc tái cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty cũng giống như việc "phẫu thuật” lại những ung nhọt đã từng được xử lý nhưng chưa ổn.
Dư luận mong chờ những cuộc "phẫu thuật” thực sự quyết liệt và thành công. Nói như Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, lần này, chúng ta phải làm thật mạnh tay để sau cuộc đại tu, khối doanh nghiệp nhà nước sẽ được lành mạnh hóa, tương xứng với tiềm lực được giao, xứng đáng là công cụ điều tiết của Nhà nước.
(Các tập đoàn, tổng công ty vào cuộc tái cấu trúc: Kỳ vọng sự thành công của cuộc “đại phẫu” - Đại Đoàn Kết ngày 23/2)