.
.

Xem xét thỏa đáng trách nhiệm cá nhân

Thứ Hai, 19/03/2012|09:56

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Đảng có nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, nên phải làm rõ trách nhiệm cá nhân để việc triển khai các nghị quyết của Đảng đạt hiệu quả thực tế.

 

Thưa ông, những vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 nêu đã từng được Trung ương Đảng nhắc tới. Vậy đâu là nét mới, lần đầu tiên được đề cập?

Trước hết, tôi muốn nhắc lại là, trong một phần tư thế kỷ đổi mới vừa qua, chưa nghị quyết Trung ương nào nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về các vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 hợp lòng dân vì đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng và đề ra đúng các giải pháp để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cấp bách trước mắt và lâu dài cho sự nghiệp đổi mới.

Nhưng lần này, có những điểm lần đầu tiên được nhắc đến, như “sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định”; “Bộ Chính trị, Ban Bí thư - tập thể và cá nhân, các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng kiểm điểm trước với tinh thần gương mẫu để cấp ủy, cán bộ, đảng viên thực hiện theo”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói lên được những băn khoăn, lo lắng của dư luận, lo rằng liệu nghị quyết lần này có được tổ chức thực hiện hiệu quả hay không, hay lại rơi vào tình trạng “không đạt yêu cầu” như nhiều lần trước. Đồng chí chia sẻ, “tâm trạng đó là chính đáng và cũng là điều day dứt, trăn trở chung của tất cả chúng ta”.

Hướng giải quyết băn khoăn chính đáng đó như thế nào, thưa ông?

Bác Hồ đã dạy, quyết tâm không phải chỉ ở hội trường. Vấn đề hiện nay là chỉ đạo thật tốt việc tổ chức thực hiện với trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao. Trong bốn nhóm giải pháp, thì nhóm giải pháp hàng đầu là tự phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên. Cách lựa chọn bước đi này là khoa học.

Nhưng không tìm đúng nguyên nhân, thì không thể khắc phục. Ở đây đòi hỏi hết sức nêu cao ý thức, trách nhiệm cá nhân. Nếu nguyên nhân (tất nhiên là chủ quan) vẫn là chung chung, thì biện pháp khắc phục cũng sẽ là chung chung. Lần này, để không rơi vào tình trạng không đạt kết quả như những lần trước, trong tất cả các cuộc họp kiểm điểm từ Trung ương đến cơ sở, cần chỉ ra được “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Đảng có nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Xét về lý luận và nhất là thực tiễn, không thể không có trách nhiệm cá nhân. Theo ông, lâu nay trách nhiệm cá nhân đã được xem xét thỏa đáng?

Dư luận có quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm cá nhân, khi hàng loạt vấn đề như ách tắc giao thông, hạ tầng xuống cấp, tiêu cực, khuyết điểm, những việc lớn như đất đai, đến các việc trong cuộc sống thường ngày, như vệ sinh an toàn thực phẩm, bãi trông giữ xe, mất vệ sinh môi trường... được báo chí nói nhiều, nhưng không có ai chịu trách nhiệm.

Vấn đề cứ tồn tại dai dẳng nhiều năm chính là vì, thành tích thì thấy rõ cá nhân, nhưng tiêu cực, khuyết điểm lại là tập thể. Có khuyết điểm tập thể, nhưng đó là những lĩnh vực thuộc phạm vi ra quyết định, nghị quyết, chỉ thị. Còn khi đã có nghị quyết, thì phải có cá nhân phụ trách và trách nhiệm phải là cá nhân.

Cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong nhiều năm qua, còn quá nhiều hiện tượng tranh công, đổ lỗi, không dám chịu trách nhiệm cá nhân. Vài trường hợp chỉ là cá nhân trực tiếp bị kỷ luật, còn đối với cấp trên, người đứng đầu địa phương, bộ, ban, ngành đó, thì coi như không có vấn đề gì xảy ra, như thế là chưa thỏa đáng.

Vậy có thể kỳ vọng gì vào kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, nếu chúng ta làm tốt những việc vừa nêu?

Lòng dân đã vui khi Trung ương ra được nghị quyết đúng đắn, nhưng mục đích cuối cùng phải là hiệu quả thực tế. Nếu những gì Trung ương nêu lên trong nghị quyết lần này không có câu trả lời bằng thực tế, thì không đáp ứng được sự chờ đợi, lo lắng của dư luận, thậm chí còn làm mất lòng dân. Đây thực sự là cảnh báo không thể xem thường.

Báo Đầu tư

.
.
.
.