Một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong gia đoạn hiện nay
Khoa học và công nghệ luôn là động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động nghiệp vụ và quản lý trong toàn hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT). Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Tổng Giám đốc NHPT đã chỉ đạo tập trung xây dựng các quy định về tổ chức và quản lý hoạt động KH&CN để hướng hoạt động KH&CN có hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Hoạt động KH&CN của NHPT trong thời gian qua với những bước đi ban đầu nhưng đã khá thành công trong việc hình thành được phong trào nghiên cứu sôi nổi, đặc biệt là tại các đơn vị thuộc Hội sở chính (với tư cách là các Ban tham mưu về chính sách) và một số Chi nhánh NHPT có truyền thống học tập, nghiên cứu khoa học. CBVC trong toàn hệ thống đã tích cực tham gia hoạt động KH&CN, thực hiện tốt các đề tài nghiên cứu KH&CN có giá trị khoa học và thực tiễn cao, như: “Tài trợ phát triển - kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam để hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của NHPT”; “Hoàn thiện Quy chế tiền lương trong hệ thống NHPT”; “Nâng cao chất lượng hoạt động cho vay đầu tư tại Chi nhánh NHPT Hải Dương”; “Thực hiện quản trị rủi ro trong hoạt động tín dụng của Chi nhánh NHPT Đà Nẵng”… Trong các năm từ 2006-2011, NHPT đã triển khai nghiên cứu 23 đề tài KH&CN, trong đó có 16 đề tài cấp ngành, 7 đề tài cấp cơ sở và biên tập 02 bộ giáo trình giảng dạy. Đến nay, NHPT đã tổ chức nghiệm thu 10 đề tài nghiên cứu KH&CN (7 đề tài cấp ngành và 3 đề tài cấp cơ sở) và 02 bộ giáo trình giảng dạy. Hoạt động KH&CN đã thu hút nhiều đơn vị, cá nhân tham gia (hơn 20 đơn vị và gần 100 lượt CBVC). Đối tượng tham gia nghiên cứu KH&CN ngày càng được mở rộng, không chỉ tập trung vào các cán bộ quản lý chủ chốt, mà ngay cả các cán bộ trẻ trong NHPT cũng rất tích cực tham gia nghiên cứu KH&CN và đã có những đóng góp thiết thực bằng những kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao như: “Xây dựng Website quản lý văn bản phục vụ tra cứu thông tin và quản trị điều hành tại Chi nhánh NHPT Hà Tĩnh”; “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác đảm bảo tiền vay trong cho vay đầu tư và cho vay xuất khẩu tại Chi nhánh NHPT Ninh Bình”… Các hướng dẫn hoạt động KH&CN bước đầu đã tạo dựng được nền tảng cơ sở để CBVC trong toàn hệ thống triển khai công tác nghiên cứu KH&CN được thuận lợi. Việc triển khai công tác nghiên cứu KH&CN ngày càng hoàn thiện và bài bản hơn. Chất lượng nghiên cứu dần được nâng cao trong tất cả các khâu có liên quan như: Xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu; xét duyệt thuyết minh đề tài; tổ chức nghiên cứu, hội thảo; tổ chức đánh giá nghiệm thu, đặc biệt là công tác thẩm định kết quả nghiên cứu trước khi trình Tổng Giám đốc phê duyệt kết quả nghiệm thu. Nội dung nghiên cứu của các đề tài nghiên cứu KH&CN luôn gắn với các hoạt động nghiệp vụ của NHPT như: Rủi ro trong hoạt động tín dụng; đảm bảo tiền vay; chế độ kế toán của NHPT; cơ chế tiền lương; hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin; đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; hoàn thiện công tác thi đua khen thưởng… nên đã góp phần xây dựng, bổ sung và củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn cho các quyết định, cơ chế, chính sách quản lý và nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ trong toàn hệ thống NHPT. Hoạt động KH&CN luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tổng Giám đốc và Lãnh đạo các đơn vị trong toàn ngành. Thời gian qua, trong bộn bề công việc, cùng với việc chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và một số nhiệm vụ như: cấp phát vốn dự án Nhà máy thủy điện Sơn La, cho vay vốn xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn các ngân hàng thương mại; cho doanh nghiệp vay thanh toán nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội để ổn định đời sống người lao động trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu… song Lãnh đạo NHPT vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho hoạt động KH&CN. Tổng Giám đốc đã quyết định thành lập Hội đồng Khoa học NHPT gồm 14 thành viên. Trong đó, có 05 thành viên là Lãnh đạo NHPT, các thành viên còn lại đều là các nhà khoa học, quản lý có trình độ, kinh nghiệm và có khả năng nghiên cứu khoa học. Các thành viên Hội đồng Khoa học không chỉ thuộc các Ban, đơn vị của Hội sở chính mà còn có cả các Chi nhánh NHPT trong toàn hệ thống. Mặc dù khá bận rộn với các công việc chuyên môn nhưng các thành viên Hội đồng Khoa học, đặc biệt là các thành viên là Lãnh đạo NHPT luôn tham dự đầy đủ các hoạt động của Hội đồng Khoa học với tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp nhiều ý kiến không chỉ có giá trị về khía cạnh khoa học và công nghệ mà còn cả những chỉ đạo mang tính nghiệp vụ và quản lý sâu sắc. Bên cạnh việc kiện toàn Hội đồng Khoa học NHPT, Tổng Giám đốc còn chỉ đạo thực hiện nhiều đề án, chương trình có ý nghĩa khoa học thiết thực phục vụ kịp thời cho các hoạt động nghiệp vụ của NHPT. Hoạt động KH&CN không phải là hoạt động bắt buộc, song một số Lãnh đạo các đơn vị và Chi nhánh NHPT luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, động viên CBVC của đơn vị mình tham gia nghiên cứu KH&CN. Các đơn vị ở xa Hà Nội, ngoài việc quan tâm, động viên, Lãnh đạo các đơn vị còn hỗ trợ thêm về kinh phí để các Ban chủ nhiệm đề tài thực hiện tốt công tác nghiên cứu KH&CN. Bên cạnh việc tạo động lực thúc đẩy các hoạt động nghiệp vụ, hoạt động KH&CN trong NHPT đã thực sự góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo và tự đào tạo tại các đơn vị và cũng chính từ hoạt động này, các thành viên nhóm nghiên cứu, Ban Lãnh đạo đơn vị chủ trì đề tài có thêm thời gian, điều kiện và động lực để tìm tòi nghiên cứu, hệ thống hóa các kiến thức mang tính chuyên sâu về lĩnh vực mà đề tài nghiên cứu. Sau khi hoàn thành đề tài, các cán bộ nghiên cứu đều cảm nhận sự vững vàng, tự tin hơn về vốn hiểu biết, kiến thức mang tính hệ thống và chuyên sâu của mình. Những cán bộ nghiên cứu này thực sự đã trở thành những “trụ cột” về các lĩnh vực có liên quan trong đề tài tại mỗi đơn vị. Lãnh đạo các đơn vị cũng vững vàng hơn với những tham mưu và quyết định về những vấn đề đã được nghiên cứu một cách hệ thống trong đề tài. Như vậy có thể nói, nghiên cứu khoa học thực sự là “khóa tự đào tạo” có chất lượng và hiệu quả cao về kinh tế. Các cán bộ nghiên cứu khoa học giỏi sẽ là những “chuyên gia”, “giảng viên” cho công tác tự đào tạo tại các Chi nhánh về những vấn đề đã được nghiên cứu. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN của NHPT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Cho đến nay, NHPT vẫn chưa hình thành được quy định nhằm hướng dẫn một cách có hệ thống, đầy đủ, giúp định hướng và trợ giúp CBVC trong toàn ngành triển khai hoạt động KH&CN một cách thuận tiện và bài bản. Một số khái niệm và nội dung trong hoạt động KH&CN chưa được quy định rõ nên trong quá trình triển khai thực hiện còn có những cách hiểu không thống nhất. Các quy định về công tác tuyển chọn, xét chọn tổ chức chủ trì đề tài và chủ nhiệm đề tài, tổ chức thực hiện và đánh giá nghiệm thu đề tài còn có những bất cập dẫn đến việc triển khai thực hiện công tác nghiên cứu KH&CN của NHPT có lúc còn lúng túng. Chưa hình thành được các biểu mẫu hướng dẫn cụ thể và chi tiết để giúp cho các đơn vị trong hệ thống triển khai công tác nghiên cứu KH&CN một cách bài bản và hiệu quả. Tiến độ thực hiện và chất lượng các đề tài nghiên cứu KH&CN còn hạn chế. Nhiều đề tài nghiên cứu KH&CN giao thực hiện từ năm 2008, 2009 vẫn chưa hoàn thành để nghiệm thu (9 đề tài). Có những đề tài còn mang nặng tính lý thuyết, tổng hợp và chưa thể áp dụng ngay vào hoạt động thực tiễn của đơn vị và của ngành. Chưa có quy định về hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nên chưa tạo được nhiều động lực để khơi dậy khả năng sáng tạo của CBVC, góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí và hoàn thiện các hoạt động nghiệp vụ của NHPT. Nhiều đơn vị chưa quan tâm đúng mức, đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác nghiên cứu KH&CN nên chưa chủ động, tích cực động viên và tạo những điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ có trình độ tham gia nghiên cứu KH&CN. NHPT chưa có cơ chế tôn vinh xứng đáng đối với những đơn vị, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong công tác nghiên cứu KH&CN. Mức chi phí cho các đề tài nghiên cứu KH&CN còn khá thấp, thậm chí một số đề tài không đủ kinh phí thực hiện, đặc biệt là các đề tài do các đơn vị ở xa Hà Nội chủ trì thực hiện. Với mức kinh phí 60-80 triệu đồng/đề tài cấp ngành chỉ tương đương với một báo cáo chuyên đề của các đề tài nghiên cứu KH&CN của các Bộ, ngành nên chưa thực sự khuyến khích đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ tham gia nghiên cứu khoa học. Để góp phần từng bước khắc phục những tồn tại trong hoạt động KH&CN thời gian qua, hoạt động KH&CN của NHPT trong thời gian tới cần được hoàn thiện theo hướng: 1. Thống nhất quản lý hoạt động KH&CN trong NHPT bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ phù hợp với các quy định của Nhà nước và đáp ứng yêu cầu của NHPT trong giai đoạn mới. Chú trọng khơi dậy tiền năng sáng tạo trong mỗi CBVC thông qua hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Nghiên cứu phân cấp công tác nghiên cứu KH&CN một cách hợp lý để tạo sự chủ động, phát huy hiệu quả các nguồn lực trong toàn ngành. 2. Tập trung nguồn lực cho nghiên cứu KH&CN ứng dụng để đáp ứng yêu cầu phát triển của NHPT. Nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu KH&CN, đặc biệt chú trọng những đề tài có tính thực tiễn cao, nghiên cứu những vấn đề vướng mắc, “nóng” trong các hoạt động nghiệp vụ của NHPT. 3. Gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học, đào tạo và các hoạt động nghiệp vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, tạo nhân tố lan tỏa và nâng cao trình độ toàn bộ đội ngũ CBVC NHPT, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Theo đó, NHPT cần từng bước nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau: Một là, hoàn thiện, bổ sung Quy định về tổ chức và quản lý hoạt động KH&CN của NHPT, đảm bảo phù hợp với các quy định của Nhà nước đồng thời đáp ứng yêu cầu của NHPT trong giai đoạn hiện nay. Quy định về tổ chức và quản lý hoạt động KH&CN của NHPT được xem như là một cẩm nang quan trọng hướng dẫn các đơn vị và cá nhân thực hiện các hoạt động KH&CN. Quy định phải được xây dựng chi tiết, cụ thể, thể hiện đầy đủ các nội dung trong hoạt động KH&CN theo một trình tự logic và dễ hiểu. Các nội dung, tiêu chí và thang điểm tuyển chọn, xét chọn, đánh giá nghiệm thu phải được nghiên cứu một cách bài bản và khoa học để nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu KH&CN. Cần chú trọng xây dựng hệ thống các biểu mẫu và báo cáo một cách chi tiết để các đơn vị triển khai công tác nghiên cứu KH&CN được dễ dàng và đúng quy định. Hai là, hình thành và phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ cao ở các đơn vị thuộc Hội sở chính, các Sở giao dịch và Chi nhánh NHPT để làm “nòng cốt” đẩy mạnh công tác nghiên cứu KH&CN. Khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ nâng cao trình độ, chú trọng đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ. Cần coi trọng công tác nghiên cứu KH&CN như là một phần trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao của toàn ngành và của từng đơn vị. Ba là, tạo động lực khuyến khích và tôn vinh đội ngũ CBVC và các đơn vị tham gia nghiên cứu KH&CN kể cả vật chất và phi vật chất; hoàn chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách về thưởng, thi đua, nâng lương và các chính sách cán bộ khác để động viên những CBVC có thành tích xuất sắc trong hoạt động KH&CN, đóng góp những giải pháp thiết thực có thể ứng dụng ngay vào hoạt động nghiệp vụ và mang lại hiệu quả cao cho NHPT. Bốn là, tạo sự chủ động cho các đơn vị cơ sở trong việc quản lý và thực hiện công tác nghiên cứu KH&CN thông qua cơ chế phân cấp, ủy quyền một cách hợp lý. Xây dựng cơ chế khuyến khích việc tiết kiệm chi phí trong nguồn khoán chi của các đơn vị dành cho nghiên cứu KH&CN. Quy định cho các đơn vị được chủ động sử dụng nguồn khoán chi tiết kiệm được cho công tác nghiên cứu KH&CN và được quyền đánh giá nghiệm thu các đề tài nghiên cứu KH&CN cấp cơ sở theo đề cương, nhiệm vụ nghiên cứu được giao. Năm là, Lãnh đạo các đơn vị cần quan tâm đặc biệt đến việc nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ CBVC thông qua nghiên cứu KH&CN. Bên cạnh các đề tài nghiên cứu KH&CN do CBVC chủ động đăng ký, các đơn vị cần có định hướng và chủ động giao nghiên cứu thêm những nội dung cần có cơ sở lý luận và thực tiễn để giải quyết ngay tại đơn vị. Coi khoa học và công nghệ thực sự là động lực thúc đẩy các hoạt động của đơn vị và nâng cao năng lực, trình độ cho CBVC một cách thiết thực. Sáu là, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Khoa học.Hội đồng Khoa học của NHPT là tổ chức tư vấn cho Tổng Giám đốc trong việc tổ chức và quản lý các hoạt động KH&CN. Hoạt động của Hội đồng Khoa học có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với hoạt động KH&CN của NHPT. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Khoa học cần bắt đầu từ việc hoàn thiện quy chế làm việc của Hội đồng Khoa học một cách chi tiết, bài bản, có những quy định cụ thể để nâng cao trách nhiệm công vụ cũng như trách nhiệm danh dự cá nhân của các thành viên Hội đồng Khoa học. Nâng cao chất lượng hoạt động KH&CN cùng với việc đẩy mạnh học tập, nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức, trình độ của đội ngũ CBVC NHPT vừa là động lực, đồng thời là mục tiêu của chính sách phát triển nguồn nhân lực. Thông qua việc tập trung nghiên cứu, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn quản lý, nghiệp vụ, NHPT kiện toàn được các cơ sở lý luận và thực tiễn để thực hiện những cải cách, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực quản trị rủi ro… tiến tới xây dựng một NHPT “An toàn, hiệu quả - hội nhập quốc tế - phát triển bền vững”, xứng tầm là công cụ tài chính hữu hiệu của Chính phủ trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội, thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./. |
||
TS. Phạm Văn Bốn & Đỗ Thị Hồng Loan | ||