.
.

Thoái vốn DNNN: Lỗ còn hơn phá sản

Chủ Nhật, 03/06/2012|22:04

Để thoái vốn thì phải bán cổ phiếu nhưng nếu bán là mà lỗ cả tỷ đồng, rồi phải vào tù thì chẳng chủ tịch, tổng giám đốc nào dám bán. Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang than bế tắc với tái cơ cấu.

Tập đoàn bế tắc khi phải thoái vốn

Tại hội thảo bàn về cơ chế tài chính cho tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) của Bộ Tài chính vừa diễn ra hôm 31/5, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm, những DNNN nào không hiệu quả, không cổ phần hóa được thì bán luôn, thà lỗ trước mắt còn hơn cố nuôi. Những DN này càng để càng dễ mất vốn, rồi phải phá sản, giải thể còn thiệt hại nữa.

Việc thoái vốn của EVN đang tắc. Một phần là bởi cơ chế giá điện vẫn thấp hơn giá thành, EVN chịu lỗ hàng nghìn tỷ. Chưa hết, Tập đoàn này đuợc Nhà nước giao làm nhiều nhà máy điện nhưng không giao đủ vốn, phải đi vay, tỷ lệ quá 3 lần vốn điều lệ là dễ xảy ra. Vì thế, EVN cổ phần hóa rất khó.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Quang Tri, quá trình này ở DNNN nói chung còn gặp khó do yêu cầu của của Bộ Tài chính là không làm mất vốn.

"Thị trường chứng khoán đi xuống, bán cổ phiếu không được. Có nhà đầu tư nói với EVN nếu đồng ý giảm giá thì họ sẽ mua. Nhưng là DNNN, chả ai dại gì làm vậy, quyết bán, lỗ cả tỷ rồi lại bị vào tù", ông Tri thẳng thắn nói.

Phân tích của ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính  đã chỉ ra thế khó này của EVN thực chất cũng là do hậu quả của kiểu đầu tư trăm hoa đua nở trước kia của các DNNN.

"Luật Doanh nghiệp 2005 cho phép những lĩnh vực pháp luật không cấm thì được đầu tư, nhưng rõ ràng với DNNN thì sẽ phải khác. DN cầm đồng tiền của dân thì phải cân nhắc đầu tư vào đâu có  hiệu quả thì mới làm. Những ngành đem lại lợi nhuận ngày trước như chứng khoán, bất động sản cũng được DNNN đầu tư vào. Thị trường lên không sao nhưng thị trường xuống thì muốn thoái vốn rất khó. Đầu tư vào đâu thì phải bảo toàn vốn, giờ cách thoái vốn thế nào cũng là cả một vấn đề", ông Tiến lo ngại.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhìn nhận, hiệu quả của việc thoái vốn phải nhìn dài hạn chứ không thể nhìn ngắn hạn. Ông kể: "Trước đây ở tỉnh Nghệ An có DNNN đầu tư một nhà máy dầu thực vật 53 tỷ đồng, UBND tỉnh đã bảo lãnh cho vay để đầu tư. Rốt cục, năm nào tỉnh cũng bị đòi nợ. Tôi đã đề nghị bán ngay, dù lỗ:.

"Ở tình huống này, bán đi sẽ hiệu quả hơn, lấy tiền đầu tư chỗ khác, còn hơn cứ giữ khư khư rồi cuối cùng năm nào cũng bị đòi nợ", ông Tuyển nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu tỏ ra thông cảm với nỗi khổ của Tập đoàn. Ông nói, quy luật kinh doanh làm cái gì cũng có giá phải trả. Các DNNN phải chấp nhận thoái vốn bằng cách bán cổ phần. Nguyên tắc cơ bản thoái vốn cũng phải theo cơ chế thị trường, đảm bảo bảo toàn, hiệu quả cao nhất.

"Tuy nhiên, nếu thoái vốn mà mất vốn là rủi ro trong kinh doanh thì phải chấp nhận. Đáng lý giá là 10 thì chấp nhận bán 9 để có vốn. Thay vì để lâu thì càng ngày càng thiệt hại lớn. Nếu xử lý thoái vốn  ngay thì chỉ thiệt hại là 10, nhưng làm chậm thì sẽ thiệt hại tới 20. Các DN phải cân nhắc thời điểm thoái vốn", ông Hiếu nói.

Nói cách khác, nhiều ý kiến tại hội thảo này cho rằng, cơ chê thoái vốn cần được quy định linh hoạt hơn.

Kiểm soát nội bộ: Không thể thiếu ở DNNN

Nhiều ý kiến của các Tập đoàn cho rằng, tái cấu trúc DNNN để hiệu quả mà chỉ bàn cơ chế tài chính là chưa đủ.

Ông Đinh Quang Tri thẳng thắn, cần phải chú trọng nữa là yếu tố con người. Từ các chức danh chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc đến cấp trưởng phòng, nhân viên..., lựa chọn cơ chế tổ chức nhân sự như thế nào là cả một vấn đề lớn.

"Vừa rồi, một số vụ đổ vỡ ở các tập đoàn, tổng công ty là bắt đầu từ các cá nhân, từ chính sách cán bộ. Nếu cơ chế tài chính vẽ rất đẹp mà người thực hiện không đủ năng lực quản lý, kỹ thuật, không đủ đạo đức thì cơ chế tài chính có đẹp mấy cũng đến thế", ông Tri nói.

Nhân nhắc tới những vụ sai phạm ở các Tập đoàn, Tổng công ty, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) bày tỏ: "Hơn mười mấy năm nay, hệ thống kiểm soát nội bộ của các Tập đoàn gần như không có. Vì thế mới có chuyện vô lý là DN bỏ mấy chục tỷ đồng mua tàu cũ mà kế toán không biết, cấp trên không biết".

Ông Thanh kiến nghị, trước hết hoạt động của các DNNN phải ràng buộc từ kiểm soát nội bộ, giống  như vào cơ quan phải kiểm soát giấy tờ. Ít nhất những người điều hành phải chịu sự kiểm soát của cơ chế này để khi có sai phạm sẽ "nắm được tóc", có trách nhiệm giải trình. Nếu có giải pháp chặt mới kiểm soát được cái sai.

Năm 1997, Bộ Tài chính đã xây dựng được hệ thống kiểm toán nội bộ, nhưng chỉ tồn tại được 2 năm.

Giờ, Bộ Tài chính phải khẩn cấp xây dựng lại hệ thống kiểm soát nội bộ. Đây chính là chiếc cầu chì kiểm soát mọi hoạt động của DN.

Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng Bộ Tài chính cần có hướng dẫn ngay cơ chế tài chính cho các Tổng công ty, Tập đoàn. Hiện nay, có nhiều chế độ kế toán nhưng chưa có chế độ kế toán nào hoàn chỉnh cho tập đoàn, DNNN. Trong khi đặc thù các DN này rất phức tạp, đa ngành nghề đan chéo nhau . Thế nên các báo cáo tài chính hợp nhất, xử lý tài chính nội bộ Tập đoàn rất lúng túng. Từ đó dẫn tới thiếu vốn, lúng túng trong xử trí vấn đề, Nhà nước thất thu thuế.

Theo  VEF

.
.
.
.