.
.

Ông Lê Xuân Nghĩa: Điều hành giảm lạm phát quá nhanh và đột ngột

Thứ Hai, 10/09/2012|23:45
Đúng ra, khi lạm phát đang ở mức 20% thì nên kéo xuống từ từ ở mức như 17% sau đó 15%, tiếp đến là 12% rồi mới đến 8%. Như thế thì nền kinh tế và doanh nghiệp mới theo được.

Xoay quanh mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát năm 2012, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa.

Ông dự báo như thế nào về khả năng tăng trưởng năm nay của Việt Nam?

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm nay tăng trưởng kinh tế quý I đc 4%, quý II là 4,6%, và quý III là 4,8% và quý IV dự kiến 6,4% và như vậy cả năm vào khoảng 5,2%.

Nhưng theo tôi, có thể đây là dự báo khá nhiều rủi ro vì quý IV nhảy một phát từ 4,8% lên 6,4% là một khoảng cách quá lớn. Nếu tính một cách chuẩn xác thì tăng trưởng giỏi lắm chỉ 5,0 tới 5,1%.

Một số nguyên nhân quan trọng như chỉ số phát triển công nghiệp là chỉ số quan trọng nhất của nền kinh tế, chỉ tăng 4,7% trong khi cùng kì là 7,8%. Vì vậy nông nghiệp và dịch vụ dù có tăng thì cũng không thể bù lại được tăng trưởng thấp của công nghiệp.

Thứ hai là kinh tế Việt Nam tăng trưởng chủ yếu nhờ vào nguyên liệu qua đường nhập khẩu; nhưng nhập khẩu 8 tháng vào khoảng 73 tỷ USD, tăng 6,7% cùng kì năm ngoái (67,2 tỷ USD). Nhưng việc nhập khẩu này lại rơi chủ yếu vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn doanh nghiệp nội địa chỉ tăng có 4%.

Đặc biệt là chỉ số bán lẻ - nói lên sức mua của dân chúng. 8 tháng được vào khoảng 17,5% - mức tăng trưởng cao hơn năm ngoái và sau khi trừ đi lạm phát khoảng 4,2% thì năm nay có vẻ như xu hướng được cải thiện.

Tuy nhiên, tỷ lệ tồn kho 8 tháng là 20,8% (năm ngoái là 17,8%). Do vậy mặc dù bán lẻ tăng lên nhưng tồn kho vẫn rất lớn, từ đó ta thấy là lý do tăng trưởng thấp là do tổng cầu quá yếu.

Ông có cho rằng tín dụng chính là nguyên nhân khiến cho tổng cầu bị xem là yếu không?

Đúng thế. Tăng trưởng tín dụng 8 tháng chỉ đạt khoảng 1,4%. Điều này cho thấy tình trạng đóng băng tín dụng cực kỳ khốc liệt. Hiện đang có tình trạng ngân hàng không còn tin vào doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế không còn tin tưởng lẫn nhau.

Vậy theo ông, mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 8 – 10% trong năm nay liệu có đạt được không?

Tôi cho rằng, để đạt mục tiêu đưa mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 đạt mức 8 – 10% sẽ là rất khó khăn. Có thể tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ chỉ đạt được mức 6%.

Xong cũng không nên quá quan trọng về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của năm nay là bao nhiêu. Giả sử, nếu mục tiêu tín dụng đạt mức 8 - 10% thì cái giá lạm phát mà chúng ta phải trả là rất đắt.

Bởi lẽ, chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là kết thúc năm mà chỉ tiêu tín dụng còn quá nhiều. Còn nếu các tháng trước đó tín dụng rải tăng đều ở các tháng thì kể cả là 14 - 15% cũng chưa chắc đã là vấn đề lớn.

Nhiều doanh nghiệp có quan điểm đồng ý với việc kiềm chế lạm phát của Chính phủ để ổn định vĩ mô nhưng họ không đồng tình về cách làm có phần giật cục khiến kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không theo kịp. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Trước hết phải nói rằng nỗ lực kiềm chế lạm phát thời gian qua đã có tiến bộ lớn. Lạm phát 8 tháng chỉ ở mức 2,9%, trong khi đó 8 tháng của năm 2011 chỉ số này lên tới 14,75%. Và lạm phát năm nay đã giảm rất nhanh. Mục tiêu kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ đưa ra có vẻ đang làm được rất tốt, nhưng nhìn lại theo kinh tế học hiện đại lại không ổn tý nào.

Đầu tiên, chống lạm phát bằng cách siết chặt tín dụng và để nền kinh tế tăng thấp như thế này, công nghiệp tăng thấp là không nên. Điều đó giống như việc một người sợ rủi ro nên không đi ra đường và cứ ngồi nhà cho an toàn.

Thứ hai, chúng ta đang giảm lạm phát một cách quá nhanh và đột ngột. Đúng ra, khi lạm phát đang ở mức 20% thì nên kéo xuống từ từ ở mức như 17% sau đó 15%, tiếp đến là 12% rồi mới đến 8%. Điều hành lạm phát phải có tính chu kỳ, có như thế thì nền kinh tế và doanh nghiệp mới theo được.

Nhưng lạm phát đang từ 20% chúng ta kéo một phát về mức 8% thì tôi nghĩ rằng ít có doanh nghiệp nào có thể chịu được. Cách điều hành giật cục thế này thì cả nền kinh tế và doanh nghiệp đều… chết dở!

Xin cảm ơn ông!

Khánh Linh (thực hiện)

Theo TTVN

 

.
.
.
.