.
.

Giải pháp đa dạng, điều hành quyết liệt

Thứ Hai, 31/12/2012|17:33

 

Năm 2012 đã kết thúc với nhiều thành tựu phát triển kinh tế xã hội, trong đó sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có phần đóng góp quan trọng, không thể không ghi nhận. Nổi bật nhất là sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp đa dạng và điều hành quyết liệt chủ yếu thông qua hàng loạt các chính sách kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm tăng trưởng hợp lý, cũng như trong việc bảo đảm an sinh xã hội.

 

Chính phủ đã kiên trì thi hành hàng loạt giải pháp để bảo đảm giảm mạnh tỷ lệ lạm phát qua từng tháng, nhất là chú trọng đến giá lương thực thực phẩm và giá năng lượng - Ảnh minh họa

Khi nhìn lại năm 2012, mỗi người chúng ta đều có thể tự rút ra những điểm cần rút kinh nghiệm để công việc được tốt hơn. Nhân dịp đầu năm 2013, xin có mấy nhận xét khái quát cả ưu điểm nổi trội và hạn chế, nhược điểm đan xen cần rút kinh nghiệm trong xây dựng chính sách điều hành kinh tế. Qua năm 2012, Chính phủ càng nhận rõ hơn việc kết hợp tổng kết thực tiễn với bám sát thực tiễn đang diễn biến để có chính sách kịp thời, đúng đắn và trên cơ sở đó tổ chức việc thực hiện đạt kết quả cao nhất.

 

Kiềm chế lạm phát thành công

Khi lạm phát của năm 2011 cao đến 18%, cao hơn hầu hết các nước trong vùng, cho thấy nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô của năm 2012 rất khó khăn. Thực hiện mục tiêu của Quốc hội đề ra, Chính phủ đã kiên trì tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra từ năm 2011 trong bối cảnh kinh tế cực kỳ khó khăn.

Liên tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh công tác điều hành, sau Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012  để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường. Nhờ vậy đã từng bước giảm dần mức lạm phát còn cao trong những tháng đầu năm, xuống các mức thấp hơn những tháng cuối năm.

Chính phủ đã kiên trì thi hành hàng loạt giải pháp để bảo đảm giảm mạnh tỷ lệ lạm phát qua từng tháng, nhất là chú trọng đến giá lương thực thực phẩm và giá năng lượng. Nhờ sự phát triển khá tốt của sản xuất lương thực, điều hòa khá tốt thị trường trong nước và xuất khẩu, cũng như điều tiết cung cầu trong nước khá tốt nên chỉ số CPI đạt 6,81%, một mức khá thấp ngay trong điều kiện chăn nuôi giảm sút đã giảm, nhất là mấy tháng cuối năm. Giá cả các mặt hàng lương thực tăng thấp là 3,26% còn thực phẩm chỉ tăng 8,14% khi chăn nuôi sụt giảm, thấp hơn hẳn mức giá tương ứng 22,82% và 29,34% của năm 2011.

Có thể nói việc giảm CPI thấp chỉ còn khoảng 1/3 của năm 2011 đã tạo điều kiện cho việc tiếp tục giảm CPI của năm 2013, tạo  điều kiện phát triển ổn định hơn. Việc thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa hài hòa, khá linh hoạt cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp …đã tạo điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm tiêu hao vật chất, điều hòa cung cầu trên thị trường và giảm dần lạm phát xuống mức thấp.

Tuy nhiên, trong điều hành giá cũng cần rút kinh nghiệm ở một vài ngành và địa phương khi tính toán nhu cầu điều chỉnh giá của  địa phương, ngành mình đã chưa tính toán đầy đủ đến tình hình chung, nên sự biến động CPI có lúc chưa thật nhịp nhàng. Trong khi giá Nhóm hàng bưu chính viễn thông liên tục giảm 2 năm liên tiếp, thì giá cước vận tải tăng cao 13,2%, giá dịch vụ giáo dục (tăng 17,07%), dịch vụ y tế (tăng 20,37%) tăng cao dồn dập trong tháng 9 và 10 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và tâm lý của người dân, cần được rút kinh nghiệm trong việc quản lý và điều hành một số giá một số mặt hàng và dịch vụ có liên quan trực tiếp đến đời sống của người có thu nhập thấp.

Nếu loại trừ yếu tố giá  lương thực và giá năng lượng, chỉ số  giá “lõi” (core inflation) còn cao khoảng 11%, cần được tiếp tục khống chế trong năm 2013 và các năm sau.

Điều chỉnh đầu tư, bảo đảm tăng trưởng hợp lý

Chính phủ đã nhấn mạnh đúng mục tiêu đạt mức tăng trưởng hợp lý, trong khi kiên quyết giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Trong lĩnh vực đầu tư, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ và các địa phương kiên quyết thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về đầu tư công, với hạn mức trái phiếu ấn định chặt cho toàn kỳ đến năm 2015, thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách tăng 15% và đầu tư của kinh tế nhà nước tăng 9,6%.

 

GS Nguyễn Quang Thái: Các chính sách cần được ban hành thích ứng với tình hình, có tính hệ thống, tầm nhìn trung dài hạn và được điều hành ăn khớp nhau

Trên thực tế, đầu tư trong nước dù đã khuyến khích bằng nhiều biện pháp, nhưng tín dụng các loại tăng chậm, chỉ khoảng 5%, nên dù có được bổ sung bằng vốn tự có từ nhiều nguồn, đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước tăng 8,1%. Khu vực đầu tư nước ngoài tăng chậm do kinh tế các nước gặp khó khăn. Toàn bộ đầu tư của xã hội tăng 7%, tức là theo giá so sánh đã tăng không đáng kể so năm 2011 và đạt 33,5% GDP, tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 2000 đến nay.

 

Trong điều kiện mô hình tăng trưởng chưa thay đổi lớn, tăng trưởng dựa chủ yếu vào đầu tư, mà đầu tư gần như không tăng, cũng tức là đã  làm “hạ nhiệt” nền kinh tế. Từ mức đầu tư trên 40%GDP nhiều năm, vượt sức tích lũy nội bộ nền kinh tế, xuống mức thấp chỉ còn dưới 34% GDP năm 2011 và năm 2012 đạt  33,5% GDP, xấp xỉ mức tích lũy nội bộ nền kinh tế.

Đây là kết quả của việc điều chỉnh đúng đắn cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư, kiên quyết tạo sức phát triển chủ yếu dựa vào nội lực kinh tế, kể cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, để từ đó có thể có sự lựa chọn đầu tư kỹ càng hơn, chuẩn bị cho những bước điều chỉnh mạnh hơn cả doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng tài chính. Như vậy, có thể lý giải vì sao đã không thực hiện được kế hoạch định hướng về tăng trưởng và đầu tư dự kiến cuối năm 2011.

Nhưng trong điều kiện mô hình tăng trưởng chưa có những đổi mới mạnh, hệ quả của việc giảm tỷ trọng đầu tư đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, - và năm 2012 chỉ tăng trưởng 5,03%, mức tăng trưởng mức thấp nhất từ 1999 đến nay. Thực tế cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng khoảng 5% và chính khu vực dịch vụ tăng 6,42%, chủ yếu là thương mại và du lịch, đã là tác nhân chính bảo đảm tăng trưởng 5,03% năm 2012. Tốc độ tăng trưởng như vậy được xem là hợp lý, vừa sức nền kinh tế lúc này, còn lập kế hoạch tăng 6 - 6,5% cần được rút kinh nghiệm vì chưa đánh giá hết tác động của kinh tế thế giới và không thích ứng với quá trình khởi động cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có cơ cấu lại đầu tư và đầu tư công rất kiên quyết.

Đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện cân đối thanh toán quốc tế

Trong điều kiện đầu tư giảm sút, việc tận dụng những lợi thế của Việt Nam đã được chú trọng, tạo ra tốc độ tăng xuất khẩu lên hơn 18%, trong khi tốc độ xuất khẩu của thế giới giảm còn 3,6% cho thấy nỗ  lực rất lớn của cả nền kinh tế. Trong khi khu vực kinh tế trong nước duy trì được quy mô xuất khẩu, tăng với tốc độ 1,3% thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng xuất khẩu đến 31,2% do đã tham gia vững chắc vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu, trong đó riêng khu vực hàng hóa xuất khẩu từ các doanh nghiệp FDI đã tăng tới 33,5%.

Trong thành tích chung đó, có những mặt hàng công nghiệp tăng mạnh như xuất khẩu điện thoại tăng 97,7% (gần 2 lần), điện tử máy tính tăng 69,1%. Chỉ hai mặt hàng này đã đóng góp  doanh số lên tới 20 tỷ USD, gấp gần 10 lần tổng giá trị xuất khẩu cả nước hơn 20 năm trước.

Có thể thấy, thành tích xuất khẩu của các ngành khác cũng khá, vì  nếu “loại trừ” hai ngành tăng đột biến này (và giá trị gia tăng cũng chỉ khoảng 10% vì dựa vào lắp ráp là chính), thì trị giá xuất khẩu các sản phẩm khác cũng tăng 9,6% so với năm 2011, với 20 mặt hàng khác có trị giá vượt 1 tỷ USD, trong khi năm 2000 chỉ có 4 mặt hàng. Tổng trị giá xuất khẩu cả nước lần đầu tiên từ mức chưa tới 97 tỷ USD đã vượt 100 tỷ USD, đạt doanh số 114,6 tỷ USD. Đã tiếp tục tăng mạnh xuất khẩu sang các nước kế cận như ASEAN (tăng 27,2%), Nhật Bản (tăng 21,4%) và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU (tăng 22,5%) ngay trong điều kiện kinh tế khó khăn của các nước này, cho thấy nếu biết tìm những phân khúc thị trường thích hợp vẫn có thể mở rộng thị trường khi kinh tế thế giới nói chung còn khó khăn, thậm chí xuất khẩu toàn cầu chỉ tăng 3,6%.

Đó là thành tựu nổi trội, vì vào đầu năm 2012 cũng chỉ dự kiến tăng trưởng xuất khẩu được 10% và đất nước còn nhập siêu, góp phần bảo đảm mức tăng trưởng hợp lý của năm 2012.

Cũng lần đầu tiên, giá trị nhập khẩu hàng hóa theo giá CIF (cả phí vận tải, bảo hiểm) đạt 114,3 tỷ USD, tức là đạt mức xuất siêu sau 20 năm. Theo thông lệ quốc tế, trong những năm tới phải tính cân đối thương mại cùng giá FOB (tính giá hàng xuất nhập khẩu tính đến mạn tầu, chưa tính phí vận tải và bảo hiểm) thì mức xuất siêu của nước ta còn cao hơn rất nhiều: 6 tháng đầu năm xuất siêu 2 tỷ USD thì 6 tháng cuối năm xuất siêu gấp mấy lần, làm cho cả năm xuất siêu đến mức chưa từng có.

Đồng thời, cũng thấy rằng, việc giảm mạnh mức tăng nhập khẩu (năm 2012 chỉ tăng 7,1%, trong đó doanh nghiệp trong nước còn giảm nhập khẩu tuyệt đối, chỉ bằng 93,3% mức năm 2011) sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch 2013 trong điều kiện hàng loạt doanh nghiệp đình đốn sản xuất kinh doanh. Cũng cần chú ý quan hệ lượng và giá, tránh bị ép giá khi các doanh nghiệp tranh mua, tranh bán, khi Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm có thương hiệu quốc gia tạo được uy tín. Nhiều mặt hàng đã phải xuất thô, hoặc dưới nhãn hiệu nước khác.

Nhờ đẩy mạnh xuất khẩu tăng vượt bậc, các khoản chuyển tiền từ nước ngoài về, nhất là “kiều hối” vẫn đạt mức khá cao, đã cải thiện hẳn được cán cân tài khoản vãng lai. Thêm vào đó, cán cân vốn tiếp tục có mức ổn định, làm cho cán cân thanh toán tổng thể được cải thiện. Năm 2012, trong điều kiện lãi suất trong nước cao chênh lệch với nước ngoài, tạo sức hút của đồng nội tệ, Chính phủ đã tăng được mức dự trữ ngoại tệ cao thêm cả chục tỷ USD, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô thêm vững chắc. Tỷ giá cũng được giữ vững.

 

An sinh xã hội ngày càng được bảo đảm - Ảnh minh họa

Bảo  đảm an sinh xã hội

 

Trong năm 2011 và suốt năm 2012, Chính phủ đã rất chú trọng đến việc bảo đảm đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ đã dành 8,8 nghìn tỷ đồng để trực tiếp hỗ trợ cho các gia đình chính sách, hộ nghèo và cứu trợ xã hội. Cũng thực hiện khá thành công Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, có số dư tín dụng đến 35 nghìn tỷ đồng, dành cho 2,3 triệu học sinh, sinh viên. Đã rất chú trọng có dự trữ tại chỗ để sẵn sàng ứng phó với thiên tai, lũ bão… nên tình trạng thiếu đói, giáp hạt cũng giảm hơn năm 2011. Công tác xóa đói giảm nghèo đã được chú ý. Số hộ nghèo tiếp tục giảm 1,1%, chưa đạt kế hoạch là giảm thêm 2%.

Điều đáng lo ngại là số người nghèo còn đông ở ngay thành thị trong điều kiện kinh tế khó khăn, cũng như ở vùng dân tộc thiểu số. Số hộ cận nghèo cũng tăng cao. Tuy số hộ nghèo giảm còn hơn 10%, trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới lên tới 20%. Hệ quả số hộ nghèo và cận nghèo còn nhiều khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số người thất nghiệp tăng lên tới một triệu người, trong đó gần một nửa là thanh niên 15-24 tuổi, đang gây nhiều lo ngại, vì việc tạo việc làm khó khăn do công tác đào tạo có phần còn chưa gắn với sử dụng trong thực tế.

Những bài học cần đúc rút

Ổn định kinh tế vĩ mô bao gồm một số lớn các chỉ tiêu mục tiêu quan trọng như tăng trưởng, lạm phát, cân đối và bảo đảm việc làm-thu nhập… Xây dựng và thực hiện chính sách bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới phát triển bền vững là công việc phức tạp đòi hỏi liên tục rút kinh nghiệm từ thực tiễn, giải quyết các mối quan hệ phức tạp giữa tăng trưởng và lạm phát; giữa phát triển sản xuất, xử lý nợ xấu và công bằng xã hội,…. để tìm ra và thi hành các chính sách đúng đắn, khả thi vì lợi ích lâu dài của đất nước, có sự giám sát của Quốc hội và toàn dân.

Kinh tế thế giới trải qua những thăng trầm lớn, mà năm 2012 đánh dấu tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại thấp nhất như một điểm “trũng” trong ba năm gần đây: Tăng trưởng kinh tế thế giới theo Ngân hàng Thế giới đã liên tục giảm từ mức 3,9% (2010), xuống 2,7% (2011) và chỉ còn 2,3% (ước 2012); trong khi thương mại toàn cầu cũng giảm tăng trưởng từ 13% (2010), xuống 6,1% (2011) và 3,6% (ước 2012). Luồng vốn tới các nền kinh tế cũng liên tục giảm trong ba năm qua. Ngay kinh tế Trung Quốc cũng giảm mức tăng trưởng chỉ còn khoảng 7,7% (2012) từ mức trên 10% liên tục hàng mấy chục năm, trong khi xuất khẩu cũng đang gặp khó khăn lớn. Các dự báo kinh tế của các tổ chức tài chính quốc tế năm 2012 liên tục phải cập nhật, mà chủ yếu là giảm các dự báo theo hướng xấu đi.

Trong khi đó, vào cuối năm 2011 Việt Nam còn có phần chưa nhận rõ hết tác động tiêu cực của đà đi xuống của kinh tế thế giới nên đã đề ra mục tiêu định hướng tăng trưởng năm 2012 tăng cao hơn mức đã đạt được 2011, khác với xu hướng chung của nhiều  nước. Hơn nữa, việc định mục tiêu trái chiều thế giới này không phải vì đánh giá “độ trễ” tác động của yếu tố quốc tế, vì lúc đó Việt Nam có “độ mở” kinh tế đã rất lớn và ngày càng lớn (xuất khẩu đạt trên 80% GDP và đầu tư FDI chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) khi Việt Nam đã gia nhập WTO từ 2007 và đất nước đã trải qua mấy năm kinh tế liên tục giảm sút.

Với quan điểm phân tích rút kinh nghiệm, có thể thấy dường như vào thời điểm cuối năm 2011 nhiều chuyên gia và cả không ít người có trách nhiệm đã chưa tính hết những khó khăn to lớn mấy năm qua của kinh tế thế giới diễn ra mỗi lúc một rõ đúng lúc trong nước đang bước vào quá trình tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư (và ngân hàng bắt đầu có những điều chỉnh tái cơ cấu, nhưng không dễ), nên đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng cao 6-6,5% cho năm 2012, chưa hợp lý.  Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp chưa kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, ứng xử chậm trước nhu cầu giảm mạnh vào những tháng đầu năm, gây nên tình trạng tồn kho lớn, cả trong sản xuất và bất động sản, làm cho nợ xấu của hệ thống ngân hàng thêm nặng nề... Hơn nữa, cần phân tích rút kinh nghiệm khi giảm lạm phát bằng giảm tổng cầu sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, khi mô hình tăng trưởng còn dựa chủ yếu vào tăng đầu tư.

Qua thực tiễn năm 2012, có thể thấy mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô,  kiềm chế lạm phát, tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đó là sự nỗ lực của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có những đóng góp đáng ghi nhận của các chính sách và điều hành của Chính phủ và các ngành, các địa phương. Các chính sách cần được ban hành thích ứng với tình hình, có tính hệ thống, tầm nhìn trung dài hạn và được điều hành ăn khớp nhau. Bài học này cần được rút kinh nghiệm trong việc xây dựng và điều hành chính sách trong thực hiện kế hoạch 2013 và các năm tiếp theo.

GS Nguyễn Quang Thái, Chuyên gia kinh tế

.
.
.
.