.
.

Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đạt doanh thu 1,6 triệu tỷ đồng

Thứ Tư, 16/01/2013|22:24

 

Trong năm 2012 các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước đạt doanh thu trên 1,6 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 127,5 ngàn tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17%.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Phạm Viết Muôn báo cáo về hoạt động và tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước-Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 Sáng 16/1 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị Chính phủ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

 

Báo cáo của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Phạm Viết Muôn cho biết so với kế hoạch năm 2011, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2012 chỉ bằng 92% so với kế hoạch, nhưng đã tăng 2% so với thực hiện năm 2011.

Các đơn vị đạt tổng doanh thu lớn là Dầu khí, Điện lực, Xăng dầu, Viễn thông Quân đội, Bưu chính - Viễn thông, Hàng không…

Bên cạnh những tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận trước thuế giảm so với năm trước như Cà phê, Lương thực miền Bắc, Công nghiệp Than – Khoáng sản thì có nhiều đơn vị đạt tỷ lệ tăng lợi nhuận rất ấn tượng.

Ông Hoàng Anh Xuân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết năm 2012 đơn vị này đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2011. Chỉ số này ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lần lượt là 61.000 tỷ đồng, tăng̀ 21%.

Ở cấp độ địa phương, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết trong tổng số 97 doanh nghiệp nhà nước do TP làm chủ sở hữu bình quân chung lợi nhuật đạt 105% so với kế hoạch giao, tăng 10% so với năm 2011.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1,33 triệu tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân 1,82 lần. Tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần. Nhìn tổng thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty vẫn nằm trong giới hạn cho phép. 

Để thu được lợi nhuận cao trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hết sức khó khăn năm 2012, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã có những bước điều chỉnh hợp lý.

Viettel đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài và tập trung vào mảng sản xuất thiết bị đầu cuối; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ yếu tăng nguồn thu, lợi nhuận từ dịch vụ, đặc biệt là cơ khí chế tạo, tự chủ việc chế tạo giàn khoan, thiết bị khai thác dầu khí; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam giảm tối đa việc phải thuê nhân sự người nước ngoài đồng thời bám sát nhu cầu thị trường để bố trí lịch, khai thác phương tiện một cách hợp lý; Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai huy động nguồn lực tối đa của công ty mẹ, hỗ trợ vốn cho công ty con gặp khó khăn, qua đó tiết kiệm tối đa chi phí vốn.

Bên cạnh những con số tương đối khả quan về lợi nhuận, báo cáo tài chính toàn tập đoàn, tổng công ty, tổng số lỗ phát sinh trong năm 2012 khoảng 2.253 tỷ đồng, trong đó có một số tập đoàn, tổng công ty lỗ liên tục 2 năm 2011 và 2012.

Ngoại trừ các đơn vị lỗ do chính sách giá và điều chỉnh chênh lệch tỷ giá, thì vẫn còn một số tập đoàn, tổng công ty thua lỗ trong sản xuất kinh doanh. Các đơn vị trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp.

Theo CP

.
.
.
.